“Hôm nay sao
“tiệm” photocopy của ông giáo Minh đóng cửa cà?”.
Tôi
thắc mắc và soi mói nhìn vào cái cửa khép hờ, tự hỏi.
Lần nào cũng vậy, hễ đi ngang tiệm
photocopy ở đầu xóm là tôi tốp ga xe, ghé mắt nhìn vào và cúi chào ông chủ tiệm
một cái rồi mới tăng tốc chạy nhanh hơn.
Ông chủ tiệm vốn là một ông giáo
già. Mười mấy năm trước ông dạy ở thị trấn nầy. Cái tiệm của ông không lớn lắm,
mỗi cạnh khoảng bốn mét. Nói đúng hơn, nó chỉ là một cái quầy xinh xắn mà ông
đã cắt bớt nửa phòng khách và lấy thêm một khoảng sân nhà để làm.
Hồi trước, nhà ông giáo xây tường,
lợp ngói âm dương, mái thấp lè tè. Trước là khoảng sân nhỏ, kê mấy chậu kiểng
um tùm; trông cổ kính lắm. Ngoài sát lộ được rào bằng mấy mảnh gỗ vụn đơn giản.
Quanh năm nhà cửa vắng teo, lặng lẽ như cuộc đời nhà giáo của ông.
Mươi năm sau giải phóng, nghỉ hưu,
ông cho cắt một phần mái nhà trước, dở ngói lợp lại bằng tôn để nâng cao mái
nhà lên một chút. Phía trước, ông nới rộng ra sân vài mét và xây thêm cái “mặt
dựng” che kín mái nhà. Nhìn cái nhà nửa tôn nửa ngói, nửa tân thời nửa cổ kính
cũng có thể đoán được cuộc đời nhà giáo của ông chuyển biến qua hai giai đoạn
lớn lao.
Có thể nói đây là một cuộc cách mạng
trong đời ông, hoà nhịp với không khí đổi mới của đất nước sau giải phóng. Ông
bảo: “Đất nước hòa bình rồi, còn gì vui cho bằng mà không chịu sửa soạn nhà cửa
cho sáng sủa. Đâu phải còn cái thời nô lệ tăm tối mà để nhà cửa u sầu”.
Ông thay cái cửa lá sách bằng khung
cửa sắt kéo ra kéo vào; có thể mở rộng hết căn nhà. Cái hàng rào bằng gỗ cũng
được đổi lại bằng song sắt gọn nhẹ mà chắc chắn.
Từ vách nhà đến cửa sắt, cửa rào,
ông chỉ sơn một màu xám nhạt, kẻ viền bằng màu xám đậm hơn; trông cái tiệm có
vẻ thanh tao trang nhã lắm!
Ông bảo: “Mình phải góp phần làm cho
quê nhà văn minh hơn”.
Vài năm đầu sau khi nghỉ hưu, tiệm
ông bán tạp hóa. Suy đi nghĩ lại, bán tạp hóa vừa không hợp với nghề giáo của
ông, vừa không có vẻ gì “văn minh” cho xóm làng cả; ông bèn mở tiệm photocopy.
Và cũng còn một lý do nữa làm ông đổi nghề, nhưng người ngoài không ai được
biết…
Từ đó ông ra sức sửa sang… cái tiệm.
Phía trong, bên trái, ông đặt cái máy photocopy, bên phải kê một cái bàn đặt
máy vi tính để ông đánh đơn mướn. Góc bàn là một chồng sơ mi có dán nhãn, phân loại hẳn hoi, nào giấy A3,
giấy A4, nào hàng mới nhận chờ photo, chờ đánh máy hoặc hàng đã giải quyết
xong…
Nhiêu khê đủ thứ nhưng lúc nào tiệm photocopy của ông cũng
được sắp xếp thật ngăn nắp, giống như cái văn phòng nhà trường nơi ông làm việc
trước kia.
Hai bên vách, ông gắn mấy ngăn kệ,
chưng một ít sách và để vài vật dụng nghề nghiệp. Vách ngăn phía trong, ông
treo một tấm ảnh nghệ thuật, chụp một nữ sinh mặc áo dài trắng đứng bên góc
đường, tay cầm một chùm hoa, đang e ấp ép
cặp vào ngực, mắt ngước nhìn trời cao. Ông thường bảo tôi, tấm ảnh nầy ý
nghĩa dữ lắm. Ảnh nghệ thuật đó! Phía dưới tấm ảnh là tấm lịch bloc. Trong góc
tường là cái đồng hồ, có chùm hoa ni lông buông dài từ trên trần xuống thật thơ
mộng.
Ở thị trấn nhỏ mà mở tiệm photocopy, có máy vi tính và
sửa soạn được như ông là khá sang và tân thời lắm. Trông nó như là một quán
văn, một quầy sách nhỏ hơn là một cái tiệm. Khách khứa vào đây cũng có dáng vẻ
“trí thức” hơn lúc ông bán tạp hóa rất nhiều. Đúng là nó đã góp phần nâng bộ
mặt thị trấn lên. Nhiều nhà khác, nhiều hàng quán khác cũng bắt chước ông sửa
soạn theo. Chẳng bao lâu cả một phố chợ rực màu thị tứ…
Sửa gì thì sửa chứ mấy chậu kiểng
ông không bỏ. Những năm đầu sau giải phóng, có nhiều người bảo bỏ mấy chậu
kiểng đi, trồng bụi hành, cây ớt còn có ích hơn. Ông lắc đầu không chịu. Ông âm thầm cắt sửa
chúng lại cho gọn ghẽ, cho có vóc, có thế hơn sau mười mấy năm bỏ phế. Ông
khiêng giạt ra hai bên lối đi vào nhà nên sân nhà ông lại càng thoáng đãng hơn.
Ông bảo: “Chơi kiểng là thú chơi tao nhã, công phu, có tính nghệ thuật cao. Giữ
chúng tức là giữ truyền thống văn hóa, nghệ thuật của tổ tiên, sao lại bỏ?”.
Sáng nào tôi đi dạy ngang qua, cũng
thấy hai ông bà lu bu, nói cười huyên thuyên với mấy người khách đến nhờ ông
đánh máy, in sao giấy tờ. Tôi nghĩ rằng hai ông bà sẽ lấy nghề nầy vui với tuổi
già lâu dài đây; bởi cái nghề mới của ông phù hợp với một ông giáo về hưu, lại hợp với sức khỏe và sở thích của ông. Hơn
nữa cái tiệm của ông chiếm một vị trí vô cùng thuận lợi; nó nằm gần kề trường
học và các ban ngành của ủy ban huyện…
Tuy ông bà rất bận rộn nhưng hễ nghe
tiếng xe lịch bịch của tôi là ông ngừng tay lại, ngẩng đầu lên, gật đầu chào và
cười với tôi rất tươi.
Tôi thích nhất cái mái tóc của ông
đã nhuốm bạc, lòa xòa xuống cặp kính lão, hợp với nước da trắng và bộ đồ pyjama
màu hột gà ông thường mặc. Trông ông thật sang và trí thức làm sao ấy!
Ông giáo thường tâm sự: “Về hưu, có
được một nghề như vầy không có gì vui và quí cho bằng. Nó vừa có đồng ra đồng
vào, vừa giúp cơ thể có việc để hoạt động, vừa khỏa lấp thời gian rỗi rảnh, vừa xóa mặc cảm bị người
đời bỏ đi …”.
*
*
*
Sáng hôm nay, từ xa nhìn lại tiệm
photocopy tôi hơi ngạc nhiên. Ông không mở cửa tiệm mà chỉ khép hờ. Tôi thắc
mắc và nghĩ thầm: “Hôm nay ông giáo bệnh hoạn hay đi đâu chắc?”. Đến chừng nhìn
kỹ, thấy có tấm bảng nhỏ treo trên vách “Cần sang lại máy photocopy” tôi bỗng
giật mình và càng ngạc nhiên hơn! Vài người khách đi đường dừng xe nhìn vào. Họ
ngạc nhiên cũng không kém gì tôi!
Suốt trên đường đi làm, đầu óc tôi
suy nghĩ lan man mãi; suýt chút nữa tôi tông
vào chiếc xe đạp ngược chiều! “Vì cớ gì ông giáo đang làm ăn phát đạt và vui vẻ
mà lại nghỉ và treo bảng sang máy cà? Chẳng lẽ photocopy có đồng nào ăn đồng nấy
mà cũng đổ nợ nữa hay sao?”
Suốt ngày hôm ấy, tôi không tìm ra lời
giải đáp! Tôi chợt nhớ lại, lúc ông giáo bán tạp hóa, tiệm đang phát triển
mạnh, ai cũng mừng dùm ông và cũng tưởng ông sẽ bán tạp hóa đến cuối đời; đùng
một cái ông lại nghỉ và chuyển sang photo. Nay đang photo, sáng nào cũng có người chờ ở băng đá
đông nghẹt mà ông lại đổi nghề nữa là sao?”.
Thật tôi không thể nào hiểu nổi ông
giáo già nầy! Hay là già rồi, ông đâm ra lẩn thẩn chăng?
Chiều hôm ấy, đi dạy về, mặc dù đã
tối, tôi vẫn không vội về nhà mà phải ghé thăm ông giáo để tìm cho ra lẽ.
Không khí trong nhà như vừa có đám ma! Cô con gái út
chưa lập gia đình đang chung sống với ông lánh mặt đâu mất. Trong nhà tối om,
cây nhang trên bàn thờ lập lòe, càng tăng thêm vẻ vắng vẻ! Ông Minh nằm ngửa
trên cái ghế bố nhả khói thuốc nhìn vào khoảng tối mông mênh. Bà giáo đã vào
buồng, nghe có khách, lẹp xẹp đi ra. Thấy tôi, bà lộ rõ niềm vui. Bà hớn hở:
“May quá! Tôi tính nhờ cậu thì cậu đến. Cậu khuyên ổng giúp dùm tôi. Ổng dẹp
tiệm lần nầy nữa chắc vỡ nợ quá! Tôi đã năn nỉ ổng hết lời mà ổng không nghe,
nhất quyết đóng cửa tiệm! Vốn liếng vay mượn chứ phải của nhà đâu. Mua mắc, bây
giờ bán đổ bán tháo, lỗ tới xương, lấy đâu mà bù? Già rồi sinh tật khó khăn!”
Tôi ngắt lời bà giáo: “Bác ấy sinh
tật gì? Sao lại sang máy?”
Được dịp, bà giáo kể một hơi: “Ông
nầy kỳ cục lắm cậu ơi! Hồi bán tạp hóa cũng vậy nữa: hàng hóa bây giờ người ta
làm giả nhiều lắm, mình lỡ mua giả thì bán giả có sao đâu? Đâu phải
tại mình! Ổng đem ổng cho hoặc bỏ hết! Mấy món đồ hư, nứt bà con đâu có phát
hiện; thiếu gì tiệm lấy keo dán sắt hoặc băng keo dán lại rồi bán. Còn ổng, ổng
chỉ khách hàng coi rồi để dành xài hoặc hủy bỏ. Báo hại lỗ không biết bao nhiêu
mà nói! Tôi cằn nhằn, ổng nói: “Học trò tôi không đó! Bà nói gạt chúng nó đi!”.
Buôn bán mà thật thà quá đâu có được phải không cậu?
Bà giáo lại kể tiếp, giọng hụt tới
hụt lui: “Tôi nói… nhiều món đồ bà con đâu biết giá, bán lời ngon hết sức! Ổng
nạt tôi: “Tại bà bán đập đổ chứ ngon gì?”. Vậy đó! Rồi ổng dẹp tiệm tạp hóa
không chịu bán nữa”.
Vậy là tôi biết thêm một nguyên do
khiến ông giáo chuyển từ tạp hóa sang photocopy!
Ông giáo vẫn nằm im ru, chân tréo
ngoải trên ghế bố. Điếu thuốc trên môi
ông bùng cháy liên tục. Bà giáo thì bô bô chuyện mua bán đâu từ mấy năm trước.
Tôi nóng lòng ngắt lời bà: “Còn lần
nầy, vì sao bác trai đóng cửa tiệm? Cháu thấy khách khứa đông lắm mà”.
Bà giáo lại làm một hơi: “Thì cũng
tại cái tính kỳ cục của ổng. Tôi nói già rồi sinh tật mà! Mình mở tiệm, người
ta mướn thì mình làm. Đánh máy đơn từ khiếu nại thưa kiện, nhất là khiếu kiện
đất đai thì ổng không đánh! Ở thị trấn bằng cái bụm tay nầy không đánh máy ba
cái đó thì đánh cái gì? Photo kinh kệ, bói toán; ổng không cho. Ổng nói sai chủ
trương đường lối gì đó! Tụi học trò photo bài vở thu nhỏ để làm bùa chú; ổng
không nhận! Mà photo mấy thứ đó mới ngon tiền. Ăn bao nhiêu, họ hổng trả! Ai
người ta làm gì thì kệ họ. Không photo mấy thứ đó có húp nước mắm! Tôi lén ổng
tôi làm. Ổng biết được đùng đùng la toáng lên: “Tôi cấm bà tiếp tay với đám học
trò lười biếng, gian lận ấy! Bà làm hư tụi nó”. Chúng nó nghe dạt lơ hết! Mà hư
gì? Tụi nó đậu cao hơn. Chẳng phải tôi đã trực tiếp góp phần cho kết quả thi cử
của tụi nó hay sao?”.
Thôi thì ổng rầy tôi, cũng không nói
làm gì; đằng nầy có lần ổng còn “nẹt” một cô giáo, vốn là học trò cũ của ổng
đang đi học tại chức tại chiếc gì đó. Ổng nói: “Em làm chuyện như vậy mà em coi
được à? Vào lớp thì bảo học sinh thực hiện tốt năm điều Bác dạy. Nào là khiêm
tốn, thật thà, dũng cảm…. Coi thi thì cấm chúng không được quay cóp. Còn em… đi
thi lại photo tài liệu mang theo! Học như vậy thì học thêm làm gì? Kiến thức có
nâng cao được gì đâu mà phẩm giá của mình lại mất đi. Thảo nào có người học
xong chương trình đại học tại chức, có bằng cấp hẳn hòi mà hỏi đã học những bài
gì cũng không biết!”.
Cậu
nghĩ, ai đời chủ tiệm lại đi mắng khách hàng như vậy không chứ? Thì nghe nói
giáo viên đi học chuẩn hóa chuẩn huyếc gì đó cho hợp thức. Con cái họ đùm đề,
lo ăn lo mặc không xuể, giáo án giáo iếc bề bộn; đâu có ở không mà học bài. Tới
ngày thi, photo ít tài liệu… hộ thân. Chuyện bình thường trên đất nước này có
gì mà bực? Cậu nghĩ coi, có phải tôi đã giúp đỡ họ không? Tội nghiệp! Cô giáo
ấy líu ríu dắt xe chạy một nước, bỏ cả tài liệu và cũng không kịp trả tiền! Báo
hại tôi mất mấy chục ngàn!
Rồi hổm đó, có cậu nọ đến nhờ photo
mấy bản nhạc. Ổng quắc mắt hỏi cậu kia photo làm chi ba cái nhạc vàng ẻo lả;
ổng không nhận. Tôi cãi ổng tôi làm. Ổng chửi tôi một trận và đùng đùng dán
bảng sang máy đó. Ổng nói: “Để rồi bà làm hư hết cả xã hội”. Trời ơi! Có photo
mà tưởng đâu làm chuyện gì lớn lao lắm vậy: “Hư cả xã hội”! Đúng là những kẻ
thương người thường dễ mang vạ vào thân.
Tôi nói… mấy ông thầy giáo ở miết trong bốn
bức tường, ra đường lạc hậu tất cả! Tính tình như ổng thì có quay về sống với
ông Khổng Tử, Khổng Tiếc gì đó thì mặc may. Bây giờ, chỉ có vô rừng mà ở. Ờ… ờ…
dường như cậu cũng là thầy giáo? Tôi quên. Xin lỗi cậu…”
Ông giáo từ đầu đến giờ nằm im ru
bỗng uể oải nói: “Thôi! Bao nhiêu đó đủ
rồi! Bà mà không sửa lại tính nết, có ngày tôi cũng bỏ bà và vô rừng ở thật
đấy! Người ta đã và đang cải tạo xã hội cho tốt đẹp, văn minh, công bằng hơn,
còn bà đi ngược lại; hay lắm hả?”.
Tôi nhìn hai ông bà giáo áy náy,
đứng dậy cáo từ. Nhân tiện tôi vỗ vai nói nhỏ với ông giáo: “Thôi bác à! Bác mở
cửa làm lại đi! Mình cũng phải thức thời một chút”.
Ông giáo già đứng sổng dậy, đùng
đùng nổi giận đến tôi không ngờ. Ông nói như quát vào mặt tôi: “Thức thời! Thức
thời!… Đến thầy giáo như cậu mà cũng nói như vậy nữa à? Uổng công lâu nay tôi
đã dành tình cảm đẹp đẽ cho cậu. Gian dối, mưu mẹo xảo trá mà đi vào nhà trường
thì hư hết thế hệ trẻ. Tôi chán lắm rồi! Cậu… về đi!”.
Tay ông giáo run run. Tiếng thở ông đứt quãng. Ông đẩy
mạnh tôi ra cửa. Tôi chúi nhủi muốn té, hoảng hồn lầm lũi bước nhanh trong đêm
tối. Bên tai còn nghe tiếng quát vang động của ông giáo già…
NGUYỄN AN CƯ (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét