Thằng
Phước bước vào nhà tắm, nó quên cái khăn, nói vọng ra:
-
Má, má lấy giùm tôi cái khăn, tôi quên…
Lang
bạt khắp miền sông nước mấy năm nay, Phước đã thay đổi nhiều, da đen, đầu để
dài hơi quăn, cái bụng cũng hơi phì ra… Lúc đi Phước cũng biết hút thuốc nhưng
ít giờ thì thuốc liền môi. Má Phước nghĩ chắc nó đi đi khắp xứ cả mấy năm trời
nên ra vậy…
Má
cằn nhằn:
-
Thằng quỷ, mày đi biền biệt mấy năm cái gì cũng thay đổi… tao là má mày nên
nhận ra chớ người khác thì nghĩ xóm mình mọc đâu ra thằng “du côn”…
-
Người khác là ai vậy má ?
-
Thì đêm hôm mày về đây gần sáng, bà Sáu bán bún giờ đó thấy, mày biết tính bả
rồi…
-
Kệ má, ta nói sao thì nói, tôi vẫn là con má mà.
-
Không con tao thì mày từ dưới đất chui lên quá !
-
Má cứ vậy hoài… con sao bỏ má sống mình được.
-
Thôi ông con, đừng có nịnh. Tắm nhanh vô ăn cơm. Má nấu canh chua cá lóc nè.
Lâu
quá, Phước mới được bữa ăn ngon vậy, chắc có má với cái món Phước thích. Phước
nhớ mấy năm trước thèm cá lóc đồng nấu canh chua quá mà nhà thì nghèo tiền đâu
mà mua… Phước với mấy thằng bạn đi ra đồng tát nước bắt cá. Phước đi mấy năm,
chả thư từ về má cho hay còn sống hay chết. Má Phước cứ trông đứng trông ngồi
hết năm này qua tháng nọ, nhà có thằng con mà cũng như không. Thấy gia đình
người ta quay quần bên mâm cơm chiều mà tủi thân.
Hồi
còn đi học, khoảng cấp hai, Phước đâu có chịu học. Suốt ngày đàn với hát, đang
đi học mà nghe có hát tuồng, hay đoàn hát đâu về là Phước nghỉ học để đi xem.
Phước thích lắm những vai hề, ông nào cũng làm khán giả cười suốt… Má Phước có
lần phải đi tới chỗ gánh hát mà lôi Phước về. Lần nào cũng bị đánh mấy roi,
đánh xong má lại xoa dầu vô chỗ bị đánh… Trong những lúc như vậy, Phước nói với
má chỉ câu.
- Má, con muốn làm anh hề…
- Má cấm !
Phước không hiểu tại sao má
lại cấm. Anh hề thì có gì không tốt, nghề nào cũng là nghề mà ? Dược cái
Phước lại mê cái nghề chèo ghe hát rong rài đây mai đó, mới từng ấy tuổi đầu mà
Phước thích gánh hát thấy sợ, ở xóm hôm nào có ghe hát ghé lại là dù má cấm cỡ
nào Phước cũng tìm cách đến gánh hát được. Có lần mê quá làm liều, Phước vô
thẳng buồng đào hát trang điểm xem mặt mấy anh hề. Thường ở quê, khoảng chín
giờ tối là hát xong, khán giả ra về hết, Phước ở lại tới khi nào mấy kép sửa
soạn ngủ mới về. Ghe hát nào cũng nhớ mặt Phước, lì mà cũng dễ thương. Lần đó
gánh hát của ông Ba Đạo ghé qua xóm hát. Mà gánh này toàn diễn những vở hài,
Phước lại thích anh hề nên hôm nào học xong là Phước chạy sang sân đình ngồi
xem người ta tập tuồng, rồi học lõm.
-o0o-
Chiếc ghe hát cũ kỹ, mấy tấm
băng rôn quảng cáo cũng bạc gần hết màu, tiếng máy dầu lịch xịch tấp vô bến,
hai Tấn, chủ ghe kêu thằng lính nhảy nhanh lên bờ buộc dây vào gốc cây. Sau bữa
trưa nuốt vội mấy hột cơm, trước khi lên bờ mướn chỗ diễn. Hai Tấn dặn mấy
thằng lính:
- Coi ăn xong thì dọn đồ lên
bờ.
- Biết có mượn được chỗ không
mà dọn lên cho mất công…
Hai Tấn chửi thề :
- Mẹ, không làm lấy gì mà ăn.
Gần tháng nay, gánh hát với
cái tên Hai Tấn gặp hạn nên ế quá. Vừa chuẩn bị lên diễn là trời mưa.
Khán giả đòi trả tiền lại…Mấy đào hát thấy vậy nên nản, có bữa hát được thì đào
diễn tệ quá, không mùi chút nào nên cũng đói.
-o0o-
Phước học lõm được chút nghề,
cũng có khiếu diễn hài. Làm trò cho mấy đứa cỡ Phước xem đứa nào cũng cười
nghiêng cười ngã. Mấy đứa nói :
- Sau này, mày khỏi chăn trâu
như tụi tao nữa Phước ?
- Không chăn trâu thì làm gì
tụi mày ?
- Thì đi làm anh hề…
Nghe nói vậy, trong đầu Phước cũng
nghĩ lan man, Phước nghĩ : tụi nó có lý, mình mê làm anh hề lắm mà, mình
cũng thường nói với má mà…
- Hông, dứt khoát má không cho
theo gánh hát.
- Nhưng mà con mê lắm má. Theo
gánh hát thì có gì không được má, nó cũng là nghề mà, với lại được diễn cho
nhiều người cười thì mình cũng vui mà má.
- Má nhắc lại. Hông được là
hông.
Má Phước không chịu là không
chịu, có nói cách mấy cũng chẳng ăn thua. Bữa cơm chiều hôm đó, Phước ở đằng
trước nằm trên võng đưa qua đưa lại. Má kêu vô ăn cơm, Phước đứng dậy phủi đích
rồi đi vô. Hôm đó, má nấu canh chua cá lóc đồng, mà Phước ăn không ngon chút
nào… Má biết nó đang nghĩ gì nên nói:
- Con còn giận má chuyện hồi
trưa hả Phước ?
- Dạ… đâu có má !
- Đừng có giấu má, má sanh con
ra mà…
- Sao con không được theo gánh
hát ?
Má Phước nghe tới hai từ gánh
hát là đỏ cả mặt, giận lên bỏ cả chén cơm xuống. Biết má giận, Phước nói
đỡ :
- Con chỉ hỏi vậy thôi mà má.
Má ăn cơm.
-o0o-
Cô Hồng đẹp có tiếng ở vùng
này, cũng có mấy chỗ định tới mà cô chưa ưng, vì không nỡ để cha mẹ thân già
một mình. Thân con gái vậy chớ Hồng chẳng chịu thua con trai, trong nhà từ việc
lớn tới việc nhỏ đều một tay cô…Cô Hồng năm nay tròn hai mươi, da trắng, tóc
dài, đôi mắt lúc nào cũng như hút hồn đối phương…đặc biệt cô mê hát. Bầu hai
Tấn lên xóm hỏi thăm Đình ở chỗ nào. Đang bực vì gánh hát thất thu mà phải còng
lưng nuôi cả chục người, trời lại nắng. Hai Tấn tấp vào gốc cây nghỉ mệt, đợi
người qua hỏi. Trời mát, gió hiu hiu, hai Tấn ngả người thiu thỉu. Có tiếng hát
từ đằng sau, anh đoán là người làng này đang hát đối đáp…Đụng vào ngón nghề của
chủ gánh hát, ngứa nghề vì lâu lắm không được trổ tài. Hai Tấn bén lại gần, cả
một đám gái quê lấm bùn đang thi nhau hát, hai Tấn hỏi :
- Mấy cô làm ơn cho tôi hỏi…
- Anh kia hỏi gì ?
Mấy cô đồng thanh nói. Hai Tấn
nhận thấy ai cũng má lún đồng tiền, lộ vẻ e thẹn đáng yêu của thôn nữ khi gặp
người lạ.
- Đình xóm mình có ở gần đây
không mấy cô?
Những tiếng lanh láo lại rộ
lên.
- Bộ anh định kiếm chỗ cúng
hả?
Cả bọn cùng cười. Hai Tấn cũng
ngượng ngập lúng túng. Nãy giờ, trong đám người nói chuyện, hai Tấn để ý đến
một cô đứng ở sau nhất, không nói gì, chỉ múm mím cười, khẽ liếc nhìn anh.
- Anh gì ơi? Muốn biết Đình ở
đâu thì thi hát với tụi em đi.
- Hát gì?
- Thì hát đối đáp, bên em một
bài, anh một bài…
Hai Tấn ngập ngừng, chuyện hát
anh không ngán, chỉ tại công chuyện chưa xong.
- Sao anh gì đó ơi? Không dám
à. Bên tụi em không lấy đông ăn hiếp đâu. Chỉ cho một cô ra thi với anh thôi.
- Cũng được, nhưng…tôi hát dở
mấy cô đừng chê hen.
-o0o-
Má Phước vẫn một mực không cho
nó đi theo gánh hát. Phước cũng không dám hỏi cớ sự ra làm sao mà má không cho.
Vì Phước không dám làm buồn má. Phước nghe mấy người trong xóm nói lúc trước má
thích gánh hát lắm, mê hơn Phước bây giờ nữa. Phước nghe đâu nhiều chuyện nhưng
hông dám hỏi… Phước mê đến nỗi ban đêm mớ cũng diễn trò nữa. Mấy lúc đó má thấy
tội Phước quá mà tại…
Phước không biết mặt ba, từ
lúc sinh ra tới khi lang bạt khắp nơi rồi quay về với má, Phước cũng không biết
mặt ba tròn méo ra sao? Má thì không lần nói. Hồi đi học bị mấy đứa bạn chọc là
đứa không cha… Phước ức lắm mà không làm gì được. Về nhà Phước nằm dào dào trên
chõng, đêm ngủ thì trở mình liên tục, má hỏi Phước không dám nói… Có lần Phước
làm gan hỏi má:
- Sao con hông có ba, má?
- Chết rồi…
- Chết sao hông treo hình má?
- Thì… hông có sao treo…
Từ đó trở đi, lần nào Phước
nhắc đến ba là má đánh trống lãng hay là trả lời cộc lốc: “Chết là chết chớ
biết sao” hay “Chết rồi nhắc hoài”… Những câu nói của má về ba càng ngày càng
khô khan, mặn chát… Riết rồi Phước cũng không dám nhắc nữa, hình ảnh của ba
trong nó chỉ là những lời nói của má với nghe người trong xóm nói ba nó hát hay
lắm…
-o0o-
Cái cô ra hát với hai Tấn đó
là Hồng, hai Tấn nghe là kết liền, giọng cô trong trẻo, mượt mà, mùi quắc càng
câu. Lần đó thi xong hai bên đâu ai thắng ai, hai người thi với nhau rồi ám ảnh
lẫn nhau, dù không nói ra nhưng nhìn ánh mắt hai người là biết... Hai Tấn mướn
được chỗ hát, chỗ ở cho anh em cũng nhờ cô Hồng dẫn tới nơi, mà cha cô cũng là
ban quản trị Đình…
Gánh hát hai Tấn nếu có không
khí vui vẻ thì hát nghe ai cũng mê. Anh em trong đoàn thấy ông bầu của mình tự
dưng thoải mái với đào hát, tiền cát xê cũng cao hơn nữa. Từ lúc về đây sáng
nào hai Tấn cũng thức sớm, chải chuốt ra quán cà phê cô Hồng. Hồng thì mê hát,
đêm nào cô cũng đến rạp xem diễn, cô mê giọng hát của hai Tấn. Cha mẹ cô thấy
con gái mà mê hát quá thì không nên… hay cấm mà cũng không ăn thua.
Kẻ tri âm gặp người tri kỉ,
hai kẻ xa lạ tự dưng gặp nhau rồi mến nhau qua câu hát. Hôm nào diễn vở mới,
hai Tấn đều cho Hồng biết, Hồng xem hát không tốn tiền đổi lại hai Tấn cũng
được những ly cà phê miễn phí.
- Anh hai nè, anh đi hát lâu
chưa?
- Cô Hồng hỏi tôi à ?
- Dạ.
- Tôi đi hát từ năm mười tuổi.
- Vậy anh hai là con nhà…
- Sao cô Hồng biết hay vậy.
- Dạ… tại em đoán thí mà.
Má Hồng đỏ ửng lên, cô cúi
xuống làm nước cho khách.
- Phải Hồng à, cha tôi là bầu
Bảy Diễn
- Gánh đó em có nghe ba
má kể lại. Hèn chi anh hai hát mùi thấy ghê... Hôm nào rảnh anh hai dạy em hát
thêm hen, em mê hát lắm…
Hai Tấn nhiệt tình với Hồng,
chỉ hết món nghề gia truyền. Người dạy kẻ hát, người mê kẻ mến riết rồi như hai
con sam, hễ rảnh là họ dạy nhau hát, họ quên họ là ai...
Người trong xóm xì xồ bàn tán
với nhau về cái chuyện bầu hai Tấn dạy cô Hồng hát, người ta thấy họ quấn quýt.
- Tao nghe xóm giềng họ nói
mày với thằng chủ gánh hát có gì với nhau hả Hồng ?
Sau bữa cơm chiều cha Hồng kêu
cô lên hỏi chuyện. Hồng trả lời không chút ngượng ngùng :
- Quấn đâu mà quýt tía. Ảnh
chỉ dạy con hát thôi à…
- Mày làm sao thì làm, còn mặt
mũi, danh dự tao và má mày nữa.
-o0o-
Gánh hát Ba Đạo về chuyến này
nghe nói đâu bên cạnh diễn cho bà con xem còn định tuyển thêm kép hề. Phước
nghe người ta thông báo ngay sau những buổi diễn, Phước mừng quá đăng ký. Phước
trốn má ra đồng trống tập diễn, trông đến ngày thi bao nhiêu là Phước lại nghĩ
đến má bấy nhiêu. Hông biết má biết mình thi rồi sẽ ra sao, chắc giận lắm.
Nhưng:
- Sao con giấu má ?
- Giấu chuyện gì má ?
- Má biết hết rồi, má cấm con
rồi mà, sao con không nghe lời, hả Phước ?
Phước giấu kỹ lắm, mà không
biết ai nói với má nữa, hay là má đoán đại :
- Con đâu giấu má chuyện gì.
- Ai cho con thi kép
hát ?
- Đâu… có má, con đâu có thi…
- Má cấm đứt, nếu con đi thi
thì đừng có trách má. Còn nhỏ không lo học hành mà hát với hò…
- Má…
Lần đó Phước khóc, nhìn người
ta đi thi mà buồn. Hình ảnh anh hề trong Phước luôn ám ảnh, ám ảnh đến mê muội,
đam mê của Phước giống như sợi dây đàn. Căng quá, sợ đứt… mà không căng thì
không thanh, không trầm. Phước không ngủ được hai đêm liền, những hình ảnh trên
sân khấu, những anh hề lắm trò, những tràng cười, những tiếng vỗ tay, reo hò...
luôn làm Phước nao lòng đến rối rắm… Phước nhìn má, má đang ngủ, nhưng có lẽ má
hiểu nó hơn ai. Phước nhớ đến lời má :
- Thương má, thì lo học hành,
đừng mê hát, cái nghề hát nhiều trò lắm… Nếu cãi má thì…
Khóc là cách tốt nhất trong
lúc này, Phước còn nhỏ chỉ biết khóc thôi. Phước không giận má, chắc là có gì
má mới vậy. Bất cứ nghĩ gì, làm gì, hình ảnh anh hề cũng ám ảnh Phước…
-o0o-
- Anh đi chuyến này chừng nào
quay lại ?
- Sớm thôi em, sao anh quên
nơi này được…
- Có khi nào đến nơi khác anh
lại vậy… không ?
- Em nói gì vậy, không tin anh
sao?
- Không tin anh mà vậy sao.
Gánh hát hai Tấn dời bến.
Chiều nào cô Hồng cũng ra bến sông ngóng, cô tự an ủi. chắc sớm thôi…
-o0o-
Đoàn Ba Đạo tuyển được người,
chuyến này được có hai người. Cái nghề hát mai xứ này mốt xứ nọ buộc đào hát
phải bềnh bồng theo. Hai ngày nữa là đi. Phước không biết nói với má sao để má
khỏi giận. Nếu đi thì bỏ má mình, rồi má đòi từ Phước nữa, còn không đi thì sao
chịu nổi. Phước hỏi dò má.
- Xứ mình đó giờ có ai theo
nghề hát không má?
- Hông, lo ăn chưa đủ hơi đâu
mà hát…
Phước lặng im, chắc má khó
chấp nhận. Nếu có ba sẽ khác, ba sẽ ủng hộ, Phước linh cảm được điều đó. Đêm
nay dài quá. Phước đi ra đằng trước uống nước, thấy má đang cặm cụi từng đường
kim vá lại mấy cái áo rách của mình. Phước ôm má, mà khóc. Má cũng khóc.
- Cỡ này trời lạnh về sáng, má
vá lại con mặc cho ấm…
Phước bước đi, có gì đó níu
chân, Phước quay lại nhìn má, gương mặt lúc má ngủ hiện lên tình thương với
Phước.
- Má... con xin lỗi…
Trời gần sáng, sương lạnh
giăng nhiều, trong Phước hiện lên ý nghĩ: “Mình đi có sự nghiệp mai mốt về nhận
lỗi với má sau”. Phước nhắm thẳng hướng ghe Ba Đạo. Má Phước ra đứng trước sân
nhìn theo, nước mắt lại chảy, nghĩ tới thằng con mới mười ba tuổi đầu mà vương
nghiệp hát. Má Phước nghĩ trong bụng: “Phải chi hồi đó…”
-o0o-
- Mày biết gì chưa Hồng? - Thắm
bạn Hồng chạy hớt ha hớt hải lại báo tin.
- Gì mà như cháy nhà vậy?
- Gánh…gánh hát hai…hai Tấn về
mày ơi, bà con mình mừng quá.
- Có đâu mà mừng, hông biết…
Không biết nên mừng hay là
giận, đi biệt mấy tháng trời, làm người ta trông muốn chết. Sau không đi luôn
đi, về đây làm gì cho mất công…
Hai Tấn lại nhà Hồng, anh chào
một cái rồi vô thẳng nói chuyện với cha cô. Khoảng nửa tiếng anh quay trở ra
xem bộ căng thẳng. Hai Tấn ra trước ngồi, Hồng làm nước uống. Anh nhìn
Hồng…Hồng khẽ nhìn anh từ trong... Hai Tấn đứng dậy ra về, anh gửi tiền. Hồng
cầm tiền mà nước mắt lưng tròng. Sau hôm nay anh lạ quá, không nói không rằng
với mình dù chỉ một câu, chỉ một câu cũng làm Hồng vui. Hồng mong lắm mà…
“Chiều sáu giờ, ra sau đình
nghe em, anh đợi”
Hồng cầm tiền, miếng giấy gói
gọn trong đó. Vừa mừng vừa lo, tim cô đập thình thịch.
- Hồng nhớ anh không?
- Ai thèm nhớ người dưng…
- Anh xin lỗi Hồng, tại chuyến
này anh đi tận miệt Cà Mau lận, anh cũng nhớ em.
- Anh nhớ ai thì có…
- Anh về chuyến này là để hỏi
tía má xin cưới em.
- Ai chịu đâu mà cưới.
Hồng nghe đến từ cưới cô cảm
giác xung quanh cô tất cả điều biến mất, trước mặt cô chỉ còn “anh và Hồng”,
những nụ hôn nồng nàn, những câu nói ngọt ngào và những hơi thở mơn man, gấp
gáp…
-o0o-
Phước nhanh chóng trở thành
kép hề hay nhất của gánh hát Ba Đạo. Ở đâu hễ có tên hề Phước là bà con đến xem
đông, đêm nào cũng chật kín rạp. Phước thỏa được đam mê của mình, niềm vui của
anh là những tràng cười của bà con, được bà con gọi tên “hề Phước, hề Phước”…
Gánh hát Ba Đạo rã… Phước sống
những tháng ngày phiêu bạt, nhớ quê, nhớ má, nhớ món canh chua cá lóc đồng má
nấu… Phước xin đi hát dạo mấy quán nhậu vỉa hè. Người ta cho nhiêu nhận nhiêu,
có đêm cũng chỉ toàn là rượu… Phước ca mấy bài cải lương hài mùi dễ sợ, làm
khách nhậu cười quên cả say. Cũng có nhiều đoàn khác kêu Phước làm đào cho họ
mà Phước không chịu, cũng vì không hợp. Phước thấy hát vậy mà vui. Bà con mến
mình còn hơn lúc trong gánh.
Cá lóc đồng nấu canh chua ăn
ngon quá, mấy năm qua, đi khắp xứ, không ở đâu ngon bằng má Phước nấu. Má tiều
tụy hốc hác, vết nhăn xuất hiện nhiều hơn, tóc cũng lốm đốm bạc… Chắc mong
ngóng Phước nên mới vậy, Phước thương má quá. Về má không trách gì chuyện Phước
cãi má đi theo gánh hát, nhìn thấy má, Phước biết má mừng biết chừng nào. Chiều
ngồi nói chuyện với má. Phước nói:
- Tôi xin lỗi má…
- Thằng quỷ, mày về là má vui
rồi.
- Con không nghe lời, cãi má
để má sống một mình.
Má nhìn Phước. Trời ơi, ánh
mắt này, cái nhìn hiền hậu này đã lâu rồi Phước không được thấy. Mà sao nước
mắt má lưng tròng.
- Phước… má xin lỗi con.
- Sao tự dưng má lại xin lỗi
tôi?
- Con biết sao hồi đó má không
cho con theo gánh hát hông?
- Sao vậy má, tôi không hiểu?
- Phước à, má định không nói
con chuyện này, má tính cho nó trôi theo dòng nước như đám lục bình kia. Má
không muốn con hiểu ra rồi con lại buồn.
-
Sao biết, tôi lại buồn?
-
Chắc con có nghe người ta nói phông phanh ba con biết hát, đúng hông?
-
Ừ… sao má?
-
Mỗi lần nghĩ tới chuyện này lòng má đau cả lên, chỉ một phút không cầm lòng mà
làm con phải chịu thiếu tình cảm của cha bao nhiều năm. Ba con, hồi đó cũng là
đào hát, con nhà nòi, nên má nghĩ con mê hát cũng đúng thôi.
-
Sao, má nói sao, ba tôi là đào hát?
Ừ.
Má gặp ba cũng do duyên hát hò… người đó là ông chủ gánh hát hai Tấn, chắc
trong nghề con biết mà…
-
Má nói sao, ông hai Tấn là ba tôi… không tôi không tin, người đó không thể là
ba tôi được…
-
Phước, má xin lỗi con…
-
Má biết người đó được gọi là gì trong nghề không? Là “bất nhân” đó má.
Ông ta dùng tiền, quyền và bản chất của mình để hạ ngục những gánh hát khác,
chú Ba Đạo chủ gánh hát con bị hại nhục chí rồi lăn ra bệnh…
-
Ông ta đã làm gì?
-
Con gái người ta đôi mươi, ông ấy gạ gẫm rồi… dùng kế làm cho đoàn hát mắc phải
tội truyền bá tư tưởng phản động… đến nỗi nhà người ta phải tan nát. Còn nhiều
nữa má…
Nhưng
hai Tấn là ba con thiệt. Má cũng là… cũng vì chuyện này mà má trôi dạt tới đây.
-
Không… không thể… ông ấy không phải… ba tôi không thể là người như vậy… không…
sự thật không phải vậy.
Phước
chạy một mạch ra thẳng bờ sông. Phước la thật lớn. Phước chọi đá vào những đám
lục bình, những đám lục bình tan hoang trôi dạt đi khắp nơi. Nó như cuộc đời
Phước vậy đam mê gắn chặt rồi trôi dạt, bềnh bồng…
-o0o-
- Tôi phải đi Hồng à. Ba tôi lâm bệnh nặng…với lại cha
Hồng không cho mướn chỗ diễn…Tôi xin lỗi đã làm Hồng buồn…Tôi xin lỗi. Chúc
Hồng hạnh phúc…
Hồng thức dậy với sự khoan khoái trong lòng, dư vị
ngọt ngào hôm qua hình như còn vướng vất quanh đây. Hồng rửa mặt, làn nước mát
lạnh như thấm vào cô. Cô thấy mình đầy sức sống, cô mỉm cười với bóng nước cũng
như mỉm cười với hạnh phúc mình đang có.
- Hồng mày có thư nè.
- Có quên ai mà thư với từ ?
- Tao không biết, hồi sáng tao đi chợ bà Tám bán trái
cây đưa tao nói là có người gửi mày.
Hồng đọc thư và cô khóc. Tại sao anh tàn nhẫn với cô,
tại sao… ?
- Trời ơi, nhà tôi ăn ở đâu ác với ai mà ông trời lại
đối xử như vậy. Mặt mũi nào mà nhìn bà con chòm xóm…
- Tía ơi, con xin lỗi tía…con không làm khổ tía má
đâu…con…con xin lỗi tía má…
Hồng chạy đi giữa lúc trời đang mưa. Cha mẹ cô thì như
chết đứng, ông khóc cho đứa con gái của mình, khóc cho cuộc đời đầy cạm bẫy và
bất công...
BÙI HOÀNG NAM (tác giả giữ bản quyền)
________________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỈ NIỆM 10 NĂM NGÀY MẤT NHÀ VĂN MAI VĂN TẠO (3/7/2002 - 3/7/2012)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét