Không riêng tôi mà con số về mức sản xuất và
tiêu thụ bia rượu của người Việt khiến ai cũng phải giật mình. Tháng 4-2013, mức
sản xuất bia của Việt Nam là 233 triệu lít; trung bình mỗi người Việt (trên 15
tuổi) tiêu thụ 4 lít bia/năm, tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam năm 2013 là
2,3 tỉ lít…
Trong khi đó, cũng qua báo chí,
tôi được biết, vào tháng 4-2013, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã
đưa ra con số khiến ai nấy ngỡ ngàng: Người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách
trên năm.
Hai con số trái ngược nhau, mà
khiến những ai còn quan tâm đến vận hội đất nước đều không khỏi giật mình, xót
xa. Tôi ở Hà Nội, nên biết rất rõ, ở bất kỳ một con phố nào, để đi kiếm quán
bia, rượu... đều không khó. Chỉ với 10.000 đồng, người ta cũng có thể mua được
một chai rượu “nếp quê”.
Bất kể mùa hè hay mùa đông, trên
những con phố tôi đi qua, những quán bia rượu gần như chẳng bao giờ vắng
khách. Mùa hè, vì trong quán không đủ chỗ ngồi, người ta phải xếp ghế hàng dài
dọc theo vỉa hè để cho dân nhậu ngồi uống bia, rượu.
Đất nước ta còn nghèo, dân ta còn
nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bần cùng. Nhiều ông bố, bà mẹ phải nằm ống cống
nuôi con ăn học, phải chắt chiu từng đồng tiền lẻ để gửi cho con…
Với 3 tỉ USD dành cho bia rượu,
chúng ta có làm được rất nhiều việc có ích cho đất nước. 3 tỉ USD, chúng ta sẽ
mua được thêm những tàu ngầm hiện đại, đóng được biết bao xuồng CQ, mua được biết
bao đồ dùng thiết yếu cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ
quốc.
Với 3 tỉ USD, chúng ta có thể
đóng được biết bao con tàu kiên cố, lớn hơn cho ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển,
giữ vững vùng biển trời Tổ quốc.
Với 3 tỉ USD, chúng ta sẽ mua được
biết bao những bộ quần áo ấm cho các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biên cương
của Tổ quốc và đồng bào dân tộc vùng biên.
Với 3 tỉ USD, chúng ta có thể xây
được biết bao trường học cho các em nhỏ vùng cao, nơi còn đang thiếu thốn, khó
khăn muôn phần. Cũng với số tiền đó, chúng ta có thể chung tay làm được biết
bao nhiêu bữa ăn có thịt cho các em nhỏ miền núi như chương trình "Cơm có thịt" của nhà báo Trần Đăng Tuấn.
Biết bao em nhỏ sẽ không phải đi chân đất hàng chục km đến trường nữa. Mùa
đông, các em sẽ không phải tê tái, thâm tím vì giá rét.
Với 3 tỉ USD, chúng ta có thể
giúp hàng ngàn, hàng vạn các em sinh viên nghèo vượt khó yên tâm học hành để
sau này đóng góp trí tuệ cho đất nước như chương trình “Tiếp sức đến trường” mà báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Với số tiền 3 tỉ USD, chúng ta có
thể xây được được hàng ngàn, hàng vạn tủ sách khuyến học cho những người nông
dân, những em học sinh nghèo vùng quê không có tiền mua sách. Với số tiền
khoảng 5 triệu đến 10 triệu đồng là có thể xây dựng được một tủ sách lớp học, tủ
sách phụ huynh, tủ sách làng quê…cho hàng nghìn người nông dân. Vậy với 3 tỉ
USD, chúng ta sẽ xây được biết bao nhiêu tủ sách khuyến học như vậy?
Giá như mỗi lít bia được thay thế
bằng một cuốn sách. Giá như thay vì dành thời gian bên bàn nhậu, mỗi người Việt
Nam ta có ý thức dành thời gian đó cho việc đọc sách, báo để nâng cao kiến thức,
để có thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa, khoa học… thì tốt biết bao.
Giá như thay vì là cường quốc uống
bia, nước ta được coi là cường quốc đọc sách, cường quốc xuất bản sách, báo và
tiêu thụ sách, báo thì tốt biết bao. Chúng ta chỉ có thể tự hào là cường quốc
kinh tế, quân sự, khoa học hay đất nước của văn hóa, văn minh, lịch sự chứ
không thể tự hào với bạn bè quốc tế vì là cường quốc bia rượu được.
Ai cũng biết đất nước ta đang gặp
nhiều nguy cơ và thách thức từ bên ngoài. Khi đất nước nguy nan, chúng ta không
thể lấy rượu bia để cứu đất nước được. Chỉ có những cuốn sách hay, với những kiến
thức bổ ích, thì mỗi người dân chúng ta mới có thể chung tay xây dựng đất nước
Việt Nam hùng cường để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ còn sống
đã từng mong mỏi.
Thay vì dành tiền cho mỗi lít
bia, mỗi người Việt Nam nên dành số tiền đó cho một cuốn sách hay!
VŨ VIẾT TUÂN (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét