Hắn
là đứa may mắn nhất trong gia đình. Hắn được học hành đến nơi đến chốn. Ra
trường hắn có một công việc ổn định nơi thành phố. Rồi hắn lập gia đình. Vợ
chồng hắn cất một căn nhà khá khang trang tại trung tâm thành phố. Trước kia,
vào mỗi dịp cuối tuần hay ngày lễ, hắn hay về quê thăm ông Thân - ba hắn và đều gửi
cho ông vài chục ngàn để ăn sáng. Ấy vậy, từ khi hắn ăn nên làm ra đến khi có
vợ và mua nhà trên thành phố, hắn ít khi về quê.
Có hôm sốt ruột vì không thấy
hắn về, ông Thân gọi điện lên hỏi thăm thì hắn bảo hắn bận công việc này, công
việc nọ. Lúc nào hắn cũng viện lý do. Nhưng hắn có bận gì đâu, ngày cuối tuần
vợ chồng hắn đưa nhau đi chơi đủ nơi, tận hưởng mọi thứ ngon vật lạ trên đời…Mặc
kệ cho ông lão ở dưới quê đang mong ngóng. Lúc nào ông Thân gọi điện lên hỏi
thăm thì hắn nghĩ rằng ông xin xỏ tiền bạc. Nên có lúc hắn nghe máy, có lúc hắn
chẳng nghe. Ông Thân thấy hắn không nghe lại lo lắng hơn nên cứ gọi. Có hôm hắn
bực tức quát:
- Tui đang bận việc, ông gọi gì mà gọi mãi thế!
Thôi nhé!
Nói
xong, hắn cúp máy. Ông Thân cũng sửng sốt trước câu trả lời của hắn. Ông cũng
không ngờ rằng đứa con mà ông thương yêu nhất từ trước đến nay lại nói với ông
những lời như vậy. Ông buông điện thoại xuống, những giọt nước mắt đùng đục
trên đôi mắt nhăn nheo của ông chảy xuống. Một đời ông khổ vì con cái, nhưng
ông cũng không mong rằng sau này chúng sẽ báo đáp. Hiếu nghĩa thì không ai dạy
được, tự khắc mỗi đứa sẽ hiểu và thực hiện. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính,
ông hiểu điều đó nên ông cũng không trách hắn mà chỉ buồn.
***
Mẹ hắn
mất khi hắn chỉ ba tuổi. Một mình ông Thân đi làm nuôi ba bốn đứa con ăn học. Mấy
anh chị của hắn học nửa chừng rồi nghỉ vì không có tiền để học tiếp, vả lại
cũng muốn nhường lại phần học cho hắn. Nuôi một mình hắn học đến nơi đến chốn
cũng cả là một vấn đề lớn. Ông Thân phải bán tất cả những gì quý giá trong nhà
để mà có tiền cho hắn học. Được cái học cũng khá nên giờ đã thành đạt trong sự
nghiệp. Nhà cửa, vợ con đề huề.
Hôm
vừa rồi, chị của hắn có lên gặp hắn để mượn vài triệu về chữa bệnh cho chồng.
Sau một hồi do dự thì hắn đồng ý cho mượn, nhưng ra điều kiện là phải trả trong
thời gian sớm nhất vì lí do hắn đang hợp tác làm ăn với đối tác mới nên cần
vốn. Nhưng khổ thay, vợ hắn thì không muốn cho mượn. Cô ta lườm nguýt chị và
quay sang nói với hắn là sắp tới nào phải mua sữa, đóng học phí cho con, tiền
điện, tiền nước, tiền đi chợ… Biết ý, chị hắn không thèm mượn nữa. Chị ra về.
Lúc bước ra khỏi cổng, chị có quay lại nói với vợ chồng hắn một câu:
- Cái thứ giàu mà keo!
Vợ hắn hậm hực nói ra lời:
- Cái loại “khố rách áo ôm” như nó mà cho nó
mượn tiền à! Nó trả ngay cho đấy. Đằng nào nó cũng hẹn, hẹn mãi rồi quỵt luôn.
Trò đó xưa rồi!
Vợ hắn
là một giáo viên cấp 3 ở thành phố, mà ăn nói có lúc như phường chợ búa. Nghe
đâu cũng có vài lần bị nhà trường kỷ luật vì chửi lộn với đồng nghiệp, gây mất
trật tự. Nhưng kỷ luật cho có hình thức rồi qua chuyện. Ai cũng biết cô ta có
bác làm lớn ở tỉnh. Thành ra cô ta cứ vênh mặt xem ai cũng không ra gì. Hắn có
tính sợ vợ nên mọi việc trong nhà vợ hắn quyết. Hắn đâu dám lên tiếng. Có lúc
hắn cũng tức lắm, định rằng sẽ ráng gân ráng cổ lên cãi lại một phen, nhưng khi
nhìn thấy ánh mắt trừng trừng của cô vợ thì hồn vía của hắn lại đi đâu mất. Hắn
mềm nhũn như một cục bột thấm nước. Hắn đành bất lực.
***
Lâu
rồi ông Thân không gọi điện, hắn cũng chẳng đá hoài gì. Hắn càng mừng hơn vì
không còn ai quấy rầy hắn nữa. Một buổi tối nọ, hắn đang ngồi uống cà phê với vợ, bỗng chuông
điện thoại reo lên. Hắn liếc nhìn nét mặt vợ vì sợ ông già dưới quê gọi lên thì
mụ vợ sẽ càu nhàu. Nhưng không phải ông Thân gọi mà là anh Bảo- anh hai hắn.
Hắn cầm điện thoại lên và cười nhếch mép khinh khi nói:
- Chắc gọi để mượn tiền hoặc xin xỏ gì đây!
Hắn để
chuông đổ một hồi lâu rồi mới nhấc máy. Vừa để máy vào tai, hắn đã nghe anh Bảo
quát lớn:
- Thằng khốn! Mày làm gì không nghe máy hả? Mày
có biết ba đau nặng không? Mày còn có phải là con của ba nữa không?
Nói
xong, anh Bảo tắt máy. Còn hắn ngồi trơ ra bất động. Mặc cho vợ hắn gặng hỏi đủ
điều. Hắn thấy trong đầu hình ảnh của quá khứ. Tuổi thơ hiện về. Những lần khóc
thét vì nửa đêm nhớ mẹ. Ông Thân dỗ dành nâng niu cho hắn ngủ. Rồi những lần ốm
đau, ông thổi nguội từng muỗng cháo đút cho hắn ăn, âu yếm vỗ về. Qua bao năm
tháng, hắn lớn lên, được học hành đàng hoàng rồi có chút thành đạt. Giờ thì
sao? Hắn chẳng quan tâm đến ai. Hắn khinh khi tất cả mọi người dưới quê, kể cả
những người thân yêu nhất.
Hắn
miên man trong những suy nghĩ hỗn tạp trong đầu. Bỗng nhiên hắn đứng dậy. Nước
mắt của hắn nhỏ xuống từng giọt. Không quan tâm đến những người xung quanh, hắn
thét trong cơn nghẹn uất.
- Sai rồi! Sai rồi!...
***
Hắn
định về dưới quê tối hôm đó, nhưng vì trời mưa to, sợ đi đường không an toàn nên
vợ hắn không cho đi. Sáng hôm sau, hắn về. Nhưng ông Thân giờ chỉ còn là một
cái xác không hồn. Vừa trông thấy hắn về, anh Bảo chạy tới nắm cổ áo và cho hắn
một cú đấm vào mặt. Hắn chao đảo.
- Mày cút đi cho tao thằng bất hiếu. Mày còn
dám mang mặt của mày về đây nữa hả? Cút đi thằng khốn! - anh Bảo quát.
Hắn
vẫn không chịu đi. Hắn đứng dậy và tiến lại gần xác ông Thân. Anh Bảo chạy đến
định cho hắn vài cú đấm nữa, nhưng mọi người can ngăn chứ không là hắn đã bị
một trận no đòn. Ông Thân đã tắt thở tối qua. Mắt ông cũng chưa nhắm hẳn. Mọi
người vuốt mấy lần mà không cũng không được. Không ai dám vuốt nữa, vì trước
khi ông mất ông có nói là đợi hắn về để nhìn mặt lần cuối. Hắn vuốt ba lần thì
ông Thân mới nhắm mắt thanh thản. Hắn úp mặt vào ngực ông khóc nức nở. Hắn thều
thào trong cơn nấc.
- Ba ơi! Ba hãy tỉnh lại với con! Con biết lỗi
của con rồi! Con là một thằng bất hiếu…
- Bây giờ mày mới biết mày bất hiếu sao? Có ích
gì? Tốt nhất là mày cút khỏi đây đi để khỏi chướng mắt tao - Anh Bảo tức giận
nói.
Hắn
vẫn chưa rời khỏi xác ông Thân. Hắn vẫn còn khóc. Mọi người xung quanh đang thì
thầm nói về hắn. Họ thắc mắc chẳng biết là hắn đang khóc thật hay giả. Vì họ
thấy lạ so với bản chất vốn có của hắn trước kia.
Ngày
chôn ông Thân, vợ hắn cũng không thấy về. Trước khi hắn đi, cô ta có nói trước
với hắn là cô ta ghét nhất những nơi u ám đầy nhang khói nên cô ta nhất quyết
không chịu về. Mà dẫu cho ông Thân không mất thì cô ta cũng có khi nào về dưới
quê đâu. Cô ta khinh bỉ cái lối sống nghèo nàng, nhơ nhớp dưới quê. Rõ là ông
Thân không có phúc phần hưởng cái hiếu của con cháu.
Ngày
giỗ lần thứ nhất của ông Thân, hắn năn nỉ lắm vợ hắn mới chịu về. Nhưng cô ta
không xuống bếp làm như bổn phận của một người con dâu, mà cô ta làm “khách”.
Cô ta cứ đi lòng vòng, lấy điện thoại ra lướt lướt, bấm bấm cho đến lúc ăn thì
cô ta mới thôi. Hắn thì cứ loay hoay sửa soạn bày lên bàn thờ ông Thân nào là
rượu van đắt tiền, bánh cao cấp, trà thượng hạn nước ngoài… anh Bảo thấy thế
đía hắn:
- Người sống không thấy gì nói chi đến người
chết. Bày biện mua sắm chi cho lắm vào!
Hắn
nhìn anh Bảo, rồi ngước nhìn bức di ảnh của ông Thân. Mắt hắn lại rưng rưng…
Nguyễn Hoài Ân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét