Vào lúc 14 giờ ngày 09/03/2019, giữa không gian ấm cúng của quán cà phê Vườn
Xưa (đường Nguyễn Xí, Tp. Long Xuyên), Phân hội Văn học An Giang (thuộc Liên hiệp
các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) đã tiến hành tổ chức buổi gặp mặt, sinh hoạt
“Giới thiệu tác giả - tác phẩm năm 2018”.
Với mỗi người cầm bút, bên cạnh quá trình riêng tư để ấp
ủ và sáng tạo, thì việc xuất bản các tác phẩm đến với công chúng luôn giữ một
vai trò vô cùng quan trọng, trong việc lan tỏa, kết nối đồng điệu và tạo nên đời
sống tác phẩm...
Thấu hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc này,
thông qua các đầu sách được Phân hội Văn học An Giang đầu tư xuất bản, hội viên
tự xuất bản và hợp tác xuất bản trong năm 2018, Ban Chấp hành Phân hội đã trân
trọng tổ chức buổi ra mắt sách cho 11 tác giả, nhằm ghi nhận, tôn vinh những nỗ
lực sáng tạo của các tác giả. Đây là dịp để các tác giả nhìn lại “thành quả” của
mình trong năm qua. Đồng thời lắng nghe những chia sẻ, góp ý và tình cảm của bạn
đọc, bạn viết...
1. Trịnh Bửu Hoài:
- Vụn vặt giữa đời (Nxb Hội Nhà văn)
- Một cõi biên thùy (Nxb Văn hóa Văn
nghệ & Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang)
Là một nhà thơ nổi tiếng, được bạn đọc nhiều thế hệ
yêu mến với những vần thơ về tình yêu, học trò, quê hương xứ sở... và có thành
tựu trải dài trên nhiều lĩnh vực. Nhà thơ tình “không tuổi” Trịnh Bửu Hoài lại
một lần nữa gây bất ngờ cho bạn đọc khi ra mắt tập tùy bút mới, với tên gọi “Vụn
vặt giữa đời”. Nhan đề khá giản dị nhưng là một tập sách “đồ sộ” với hàng trăm
trang sách, là những bài chi chép, tản mạn giàu cảm xúc, tinh tế và chắt lọc.
Những tình cảm, câu chuyện, hình ảnh đời thường được tác giả soi chiếu bằng đôi
mắt của người từng trải, ung dung nhưng cũng đầy tâm trạng.
Đọc tập sách, ta bắt gặp những tự sự ấm áp, thân tình
và hơn hết là nét hào hoa, “thi sĩ” vẫn luôn phảng phất trong mỗi câu chữ...
Cuối năm 2017 đầu năm 2018, Phân hội Văn học An Giang
liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ in ấn tập bút ký “Một cõi
biên thùy”. Tập sách này được anh tích lũy nhiều năm, xung quanh chủ đề về địa
chí, danh nhân, lịch sử, tín ngưỡng, văn hóa... với nguồn tư liệu dồi dào, gắn
với bầu không khí tâm linh, trữ tình của vùng đất Thất Sơn huyền bí...
Hai đầu sách tâm huyết, công phu cho thấy tinh thần
làm nghề cao độ và sức làm việc không mỏi của một tác giả lớn.
2. Ngô Khắc Tài: Cỏ chát (Nxb Hội Nhà văn & Liên hiệp
các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang)
Nhà văn Ngô Khắc Tài vốn là cái tên
không xa lạ với những ai yêu mến văn học đồng bằng sông Cửu Long. Ông thuộc số
ít tác giả của khu vực từng nhận được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với
tác phẩm “Chim hạc bay về” năm 2002. Vắng bóng khá lâu trên văn đàn dù thỉnh
thoảng vẫn có tác phẩm xuất hiện trên các báo, nên sự trở lại của nhà văn với
“Cỏ chát” (truyện dài, Nxb Hội Nhà văn) đã tạo nên ít nhiều chờ đợi, hy vọng nơi
bạn đọc.
Tác phẩm là hành trình nỗ lực vươn lên
và tìm kiếm bản ngã của một cô bé đang ở trước ngưỡng trở thành người lớn. Cha thì
trong cảnh tù tội, bỏ rơi cô từ khi mới chào đời. Mẹ cô thì làm nghề nữ tiếp
viên cho các quán nhậu, nên dù yêu thương bà cô vẫn không làm sao che giấu đi cảm
giác ngượng ngùng, xấu hổ. Hoàn cảnh khắc nghiệt hơn khi mẹ cô bị tai nạn và mất.
Cô trở nên lẻ loi, đơn độc trên hành trình bước vào đời. Ở tuổi đẹp nhất với
bao khát vọng và tình yêu chớm nở...
Vẫn là Ngô Khắc Tài với giọng văn tự
nhiên, giàu tự sự và chiêm nghiệm. Một nhà văn với cái tâm lớn, đầy nỗi cảm
thông với những cảnh ngộ trớ trêu và bất hạnh giữa bao hối hả lo toan, xuôi ngược
của dòng đời...
3. Võ Diệu Thanh:
- Cửa sổ hình tia chớp (Nxb Hội Nhà văn
& Cty sách Nhã Nam)
- Về từ hành tinh ký ức (Nxb Hội Nhà văn & Cty sách Tao Đàn)
“Trở lại với tập truyện ngắn Cửa sổ hình tia chớp, Võ Diệu
Thanh cho thấy mình vẫn là một trong những nhà văn nữ có sức viết mạnh mẽ nhất
hiện nay.
(...) Độc giả như là những vị hành khách trên chuyến đò xuôi về miền
Tây, đôi lúc gập ghềnh trước con sóng lớn nhưng lại nhanh chóng thứ tha bởi cơn
gió mát dung dị đầy tình người, xua tan những mất mát, oán giận để tìm về với
thứ tha và bình yên nơi bến đỗ, như nhà văn Nguyễn
Ngọc Tư nhận xét: Câu
văn ngắn, sắc gọn như những nhát dao. Trần trụi, bạo liệt mà lại lắng sâu, trữ
tình.”
Ở thể loại sở trường góp phần định
hình nên tên tuổi, Võ Diệu Thanh vẫn không làm mất đi “cái chất” vốn có. Đồng
thời, người đọc đã có thể thấy nỗ lực vượt thoát, những cảm quan mới mẻ, đầy đặn
hơn ở nhà văn.
Năm qua, Võ Diệu Thanh cũng lần đầu thử sức với thể loại
ký sự. “Về từ hành tinh ký ức” (Nxb Hội Nhà văn & Cty sách Tao Đàn) sau khi
xuất bản đã nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực và thu hút sự quan tâm
rộng rãi của độc giả, được xem như “điểm nhấn” mới trong sự nghiệp sáng tác của
nhà văn.
Với tâm thế của một tác giả nữ dấn thân vào đề tài chiến
tranh, Võ Diệu Thanh đã cho thấy bản lĩnh và sự nhân bản thấp thoáng sau nỗi bi
thương, chết chóc. Sự tái hiện và phơi mở vết thương chiến tranh qua lời kể của
những nạn nhân hay nhân chứng trực tiếp sống sót từ cuộc tàn sát đẫm máu của Khmer
Đỏ trong 11 ngày đêm chiếm đóng xã Ba Chúc, An Giang đã tạo nên những dư vị đầy
ám ảnh...
4. Trần Tùng Chinh & 4 tập truyện thiếu nhi Tủ sách “Ba kể con
nghe” (Nxb Phụ Nữ):
- Bài hát trong giấc mơ của sâu bướm - Bí mật Na và mẹ
- Cái mũi dài của voi con
- Món quà sinh nhật
Ngoài công việc giảng dạy ở trường đại học, nhà giáo
Trần Tùng Chinh còn được biết đến như một tác giả chuyên viết cho thiếu nhi và
lứa tuổi mới lớn. Những tác phẩm của anh luôn đầy ắp cảm xúc trong sáng, lắng đọng
và tinh tế.
Tác giả đoạt Giải Nhất - Cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng
sông Cửu Long năm 2011 vừa phát hành loạt sách gồm 4 quyển trong Tủ sách “Ba kể
con nghe” của Nxb Phụ Nữ, gây thích thú cho các bậc phụ huynh và độc giả nhí...
Anh chia sẻ cảm hứng chính khi viết bộ sách đến từ những
trải nghiệm cùng ăn, cùng chơi , cùng học và cùng lớn lên từng ngày với hai cô
con gái nhỏ. Bộ sách chứa đựng nhiều bài học giáo dục, ý nghĩa sâu sắc cho trẻ
thơ mà vẫn đong đầy cảm xúc.
5. Trần Sang: Nơi đầu nguồn sông Hậu (Nxb Văn hóa Văn nghệ & Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang)
Vừa ra mắt không lâu, tập bút ký “Nơi đầu nguồn sông Hậu”
của tác giả Trần Sang đã được trao Giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội
Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2018. Khi còn ở dạng bản thảo, tập sách cũng
đã được trao Giải Tư - Giải thưởng VHNT đề tài “Nông nghiệp - Nông thôn - Nông
dân” của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp với Hội Nhà văn Việt
Nam xét tặng giai đoạn 2010 - 2015.
Nhà văn Mai Bửu Minh chia sẻ: “Đọc tập ký này, ta biết
thêm một vùng đất biên giới Tây Nam, không chỉ là những cánh đồng bao la bát
ngát xanh thẫm bởi cây lúa, với những con đê bao la đường đi nội đồng để vận
chuyển vật tư và sản phẩm nông nghiệp xuôi ngược mà còn có cả những con kinh, rạch
chằng chịt dẫn nước sông Hậu, sông Tiền đổ vào những cánh đồng, bồi đắp phù sa
cho đồng thêm xanh, cây trái ngọt lành và tình người nơi đây cũng phóng khoáng,
rộng mở, bao dung sống để yêu nhau.”
Và những trang bút ký hồn hậu cứ nhẹ nhàng mở ra những
câu chuyện của đời sống một cách giản dị, thân thương, lấp lánh. Như tác giả có
lần tâm sự: “Tôi thích những dòng sông. Tôi đã từng đọc một cuốn sách viết về
văn minh ở những dòng sông, nhưng với tôi bên những dòng sông đơn giản đó là sự
sống.”
6. Hoàng Thị Trúc Ly: Hành trình của dấu giày (Nxb Văn hóa Văn nghệ & Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang)
Là tác giả trẻ đa năng, thường xuyên có tác phẩm xuất
hiện trên các báo, tạp chí uy tín trong cả nước. Bên cạnh sở trường truyện ngắn,
Hoàng Thị Trúc Ly còn là gương mặt mới sáng giá ở thể loại bút ký. Năm 2017, với
tác phẩm “Dấu xưa ngày trở lại” tác giả đã được trao Tặng thưởng trong Cuộc vận
động Sáng tác VHNT về “Tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào -
Campuchia” của Bộ Quốc phòng.
Tập bút ký với 24 bài viết, trải ra gần 200 trang sách
đã cho thấy nội lực của một cô gái trẻ. Những trang viết đậm chất văn học,
duyên dáng, sắc nét, qua lăng kính tươi mới của một người trẻ. Hành trình ấy,
như nhà báo Thanh Vĩnh nhận xét, đã góp phần phác họa rõ nét “một An Giang anh
hùng, kiên cường, trung dũng trong cuộc kháng chiến cứu nước ngày hôm qua; cũng
là An Giang bền bỉ, năng động, sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn, thách thức…
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày hôm nay”. Tập sách
như là sự dự báo, khởi đầu về một tác giả trẻ đầy tiềm năng trên con đường văn
chương phía trước.
7. Lâm Quang Láng: Lịch sử An Giang - nhân vật và sự kiện (Nxb Văn hóa Văn nghệ & Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang)
Tác giả Lâm Quang Láng là nhà khoa học xã hội, chuyên ngành Lịch sử. Ông đã xuất bản và tham gia nhiều công trình nghiên cứu, xuất hiện trong nhiều tuyển tập văn học và có nhiều
kịch
bản văn học đã được dàn dựng, trực tiếp truyền hình...
Nhà văn Nguyễn Lập Em chia sẻ: “Tập nghiên
cứu Lịch sử An Giang của tác giả Lâm Quang Láng là một công trình nghiên cứu dày
công với những tư liệu lịch sử về vùng đất và con người An Giang trong các cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ xâm lược, nói lên tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc của quân dân An Giang. Những tư liệu mà tác
giả đưa vào trang sách là những sưu tầm nghiên cứu tổng hợp của tác giả, góp phần
cho bạn đọc có những cảm quan về những thời kỳ và giai đoạn lịch sử của đất nước
Việt Nam nói chung và vùng đất An Giang nói riêng, bởi những chi tiết, sự kiện
lịch sử gắn liền với từng nhân vật, từng con người, từng phong trào quần chúng
nhân dân trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc Việt
Nam ở An Giang. Bạn đọc muốn biết hoặc đã biết mà chưa biết nhiều về đề tài lịch
sử này, có thể tìm thấy thêm ở tác giả Lâm Quang Láng qua ấn phẩm mới xuất bản,
Lịch sử An Giang, của nhà nghiên cứu lịch sử nhiều tuổi đời và nhiều tuổi nghề
này” .
8. Lê Thanh My: Những người thương nhớ dắt nhau đi (Nxb Hội Nhà
văn)
Là một trong những gương mặt thơ nữ nổi bật của đồng bằng
sông Cửu Long với giọng thơ thấm đẫm chất trữ tình, giàu nhạc điệu và dạt dào nữ
tính. Những tác phẩm của nhà thơ Lê Thanh My luôn đi vào lòng người một cách dịu
dàng mà âm ỉ. Tập thơ mới với nhan đề “Những người thương nhớ dắt nhau đi” cho
thấy phong cách thơ riêng biệt, trên hành trình đến với thi ca và sáng tạo của
nữ nhà thơ...
Nhà phê bình, tiến sĩ văn học Hoàng Thị Thu Thủy đánh
giá thơ Lê Thanh My là những câu thơ “mơ hồ mà đa nghĩa”, với câu kết bất ngờ
“làm sáng cả bài thơ”. “Một tập thơ không nhiều chỉ với 50 bài, cầm lên nhẹ
tênh, nhưng chứa đựng sức nặng của một trái tim phụ nữ”...
9. Lương Ngọc: Mi mắt treo cầu vồng (Nxb Hội Nhà văn)
Tác giả Lương Ngọc sinh năm 1953, quê quán ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Là hội
viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang. Tác phẩm của anh đã
được chọn in trong nhiều tuyển tập và đã in riêng một tập thơ.
“Mi mắt treo cầu vồng” là sự đan xen giữa những câu chuyện, xúc cảm giữa
quá khứ - hiện tại, hôm qua - hôm nay, là sự trải lòng trên chặng hành trình của
đời người. Tình yêu hiện lên lấp lánh, thi vị, tươi mới. Tình quê hương bồi hồi,
da diết, khắc khoải. Nỗi hoài cảm về người xưa. Niềm tự hào giản dị, thân
thương về nơi mình đang sống...
10. Vĩnh Thông: Khắc khoải
nâu (Nxb Văn hóa Văn nghệ & Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An
Giang)
Vĩnh Thông là gương mặt không còn xa lạ với người yêu
thơ trẻ hiện nay. Anh cũng là tác giả của nhiều đầu sách thuộc các thể loại
thơ, truyện ngắn, tùy bút, du ký... Năm 2018, tập thơ “Khắc khoải nâu” của Vĩnh
Thông đã được Giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội
Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Thơ Vĩnh Thông giàu xúc cảm và những suy nghiệm. Câu
thơ già dặn, không dễ nghĩ tác giả vẫn còn rất trẻ. Trong hồn trẻ có suy tư, lắng đọng: “Người thơ đã vạch
cho mình một sự thông minh khi bước vào thể nghiệm sáng tạo với thơ: nhẹ nhàng,
trầm lắng, đưa những phong cách ngày xanh vào trái tim” (Nhà thơ Ngô Nguyên
Nghiễm).
11. Huỳnh Thị Nương: Bên nỗi buồn đã cũ (Nxb Văn hóa Văn nghệ &
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang)
Huỳnh Thị Nương là một tác giả trẻ triển vọng và là một
giọng ngâm đầy nội lực trong các hoạt động, phong trào văn học nghệ thuật tỉnh
nhà.
Tập thơ đầu tay “Bên nỗi buồn đã cũ” là sự chắt chiu,
cần mẫn và đầy nỗ lực của chị trên bước đường chạm ngõ văn chương. Tập thơ là
những lời bày tỏ, tâm tình đầy hoài niệm và đong đầy cảm xúc về tình yêu, tình
bạn, tình cảm gia đình, quê hương đất nước nồng ấm, chân thành... Bên cạnh đó là
những giãy bày, đồng cảm với thân phận người phụ nữ. Những tâm tình riêng mà lại
rất chung...
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét