Phải chăng thơ cũng chỉ là ảo ảnh… nhưng là thứ ảo
ảnh trong những xã hội phân rã xôi đậu như cần có nó. Đừng lấy làm
lạ vào lúc này lại là lúc được mùa thơ già , trẻ, nam nữ như thi
nhau thơ thẩn. Sự xuất hiện của họ, cho dù có bỏ tiền ra in tác phẩm
đem đi tặng đi nữa đã tạo ra bầu không khí để xuất hiện những gì tiếp
theo một thế hệ mới ra đời, một tên tuổi lớn xuất hiện vẫn chưa biết.
Nhưng biết chắc xã hội dù thế nào cũng vẫn luôn tồn tại. Dòng sông
cuốn trôi mọi thứ cuối cùng vẫn còn thứ như phù sa đọng lại.
Thơ là ảo trở nên thực vì bạn đọc là người thực,
trải qua nhiều giai đoạn sống nên vào lúc xã hội phân rã người trở nên
nhạy bén hơn xưa. Đọc bằng mắt vẫn chưa đủ, tim, óc nặng với thói
quen suy nghĩ kiểu truyền thống cũ kỹ vẫn không sao nắm bắt được sự
việc mặc dù nó xảy ra trước mắt nên phải vận động các giác quan kể
cả lỗ mũi. Thời của Cao Bá Quát mũi chỉ ngửi được thơ có mùi nước
mắm của Tao Đàn do vua lập ra (ngán thay cái mũi vô duyên – câu thơ thi
xã, con thuyền Nghệ An) xã hội ngày nay đủ các mùi trong văn chương
cũng thế, chắc chắn khứu giác ngày nay phải thính hơn người ngày xưa.
Giống như đi chợ mua trái cây nhìn thấy màu sắc bóng bẩy biết đâu
gặp trái được vú chín bằng khói nhang cúng, bằng khí đá, bằng hóa
chất nào đó. Ai có kinh nghiệm đi mua trái cây đều cầm trái đưa lên
mũi để ngửi. Có thể nói mũi rất thính trong tất cả mọi chuyện kể
cả chuyện thẩm định văn chương. Bằng cách nào đó không biết mũi mách
bảo cho người đấy là mùi hương tự nhiên, tập thơ tuy có nhiều câu còn
thô mọc vụng về nhưng đấy là tâm tình hiến dâng của người. Hay đấy
là những khéo léo của mấy phu chữ với trò chơi xếp đặt để chơi, để
người đọc cùng chơi theo chẳng ai nói gì. Đằng này nó ại toát ra
cái mùi tính toán háo danh, ham hố lộ liễu, nhất là cái gọi là (lập
thân tối hạ thị)
Thơ in ra nhiều cho thấy xã hội cần đến thơ để hạ
nhiệt, để giải tỏa, thơ tồn tại hay không là do ở người đọc nhất là
người đọc thầm lặng quyết định. Viết không hay chằng dành khoảng trống
để cho bạn đọc nghĩ tiếp. Thơ hóa ra món hàng như bao món hàng khác,
không ngon không mua, đơn giản vậy thôi. Nhưng nhiều người thấy thơ được
in ra nhiều lại hô hoán lên báo động nào là số lượng mà không có chất
lượng. Nào là không biết phát huy sức mạnh văn học nghệ thuật, v.v… và
lo dùm cho người đọc uể oải, bội thực. Dùng đôi mắt nhìn người lo chẳng
sai, nhưng dùng mũi ngửi thì thấy đằng sau hô hoán là sự nhân danh
khéo léo gắn cho văn, thơ một sứ mệnh cao cả. Nhà văn, nhà thơ oai lắm
chớ bộ, có nhiệm vụ cải tạo xã hội, nâng cao trình độ nhân dân. Thật
ra điều này như lo thừa, bất cứ một nhà văn nhà thơ nghệ sĩ nào
cũng nghĩ ai sẽ là độc giả thính giả của mình… tự họ nhận thấy bổn
phận mình. Bất kỳ sự nhân danh nào cũng là lợi dụng, nhất là lợi
dụng để lãnh đạo người theo chủ quan của mình. đấy cũng là một nguyên
nhân tạo ra cho xã hội rối ren thêm.
Thú thật tui rất là thương. Thương thật tình khi thấy
nhiều người vì quá lo cho xã hội đến độ sinh ra bệnh nói dai… nói
mà chẳng ai nghe. Lý do đứa làm thơ, làm các bộ môn nghệ thuật khác đều
có hai quốc tịch. Một là quốc tịch Việt Nam nơi người sinh ra. Một
là họ thuộc về nước cộng hòa thơ ca âm nhạc. Mà cái nước này xuất
phát từ tâm hồn sâu không cho ai đụng tới và nó không có biên giới. Ở
xứ sở đó có những luật lệ riêng những suy nghĩ riêng không ai lãnh đạo
được. Nó giống cái giếng sâu vẫn có thể dùng gàu để múc nước mát
uống, xuống chơi cũng được nhưng phải được nối bằng một sợi dây dài.
NGÔ KHẮC TÀI
________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét