- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
BÀI CA CUỐI CÙNG
Chim trời xếp cánh
Hát vu vơ mấy tiếng trong lồng
Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm
Ủ tâm tư cho hạt thóc cay nồng
Rát bỏng với nỗi hơn khổ nhục
Nó nhịn ăn
Rồi chết gục
Ta đã hát những bài ca phố chợ
Người ăn mày kêu lịch sử đi lui
Chàng tuổi trẻ cụt chân từ chiến địa
Vỗ lề đường đoán mộng tương lai
Lộng lẫy chiếc lồng son
Hạt thóc căng nỗi hờn
Giữa tường cao bóng mát
Âm u lời ca khổ nhục
Nó nhịn ăn
Và chết
Ta đã hát bài ca của suối
Gã anh hùng bẻ vụn mặt trời
Gọi quỉ sứ từ âm ty kéo dậy
Ngập rừng xanh lấp lánh ma trơi
Đêm qua chiêm bao ta thấy máu
Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
Bà mẹ xoi tim con thành lỗ
Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời
Lồng son hạt cơm trắng
Cánh nhỏ run uất hận
Tiếng hát lịm tắt dần
Nó đi về vô tận
TUỆ SỸ
Trong bài “Tuệ Sỹ, Thái Độ
Của Nhà Sư Nhập Thể”, hòa thương Thích Nguyên Siêu đã viết như sau:
“Từ thời lập quốc, từ thủa sơ
khai của nước nhà Lạc Việt là thời thái bình, an cư lạc nghiệp, đó là buổi
bình minh, là tiếng khóc đầu đời của dân tộc Việt có mặt trên dải đất dấu yêu.
Để xây dựng cho giang sơn gấm vóc, bao anh hùng liệt nữ đã tô đậm non
sông bằng máu đỏ của thân mình để làm tươi thắm ruộng đồng, mà hôm nay Thầy
tiếp nối dòng sông lịch sử ấy, đem nước mát, phù sa phì nhiêu cho dân
sinh nhuần đượm. Nhưng nay, thời thanh bình thịnh trị đó đã không còn
để Thầy phải viết lên tâm tư qua “Bài Ca Cuối Cùng”. “Hình ảnh này là thực
trạng của quê hương Việt Nam chúng ta hôm nay. Thầy đã đi từng vỉa
hè, góc phố, chứng kiến cảnh trạng đau thương từ muôn người đến
muôn vật, từ tình cảm đơn côi đến cái nhìn nhãn quan tổng thể. Thái
độ nhập thế không chủ quan, phiến diện mà là tâm trạng đau buồn
cho quê hương, dân tộc, ngang qua những hình ảnh xót xa đau đớn. Nỗi đau
của dân tộc cũng là nỗi đau của chính mỗi người trong chúng ta. Nỗi đau của
người Mẹ mất con, nỗi đau của bà con ruột thịt chia lìa, của cửa mất nhà
tan, của một dân tộc bị lưu đày”
Thiết nghĩ, trích đoạn
lời bình của thượng tọa Thích Nguyên Siêu đã nói đủ ý nghĩa của bài thơ, nay
Châu Thạch tôi chỉ xin bàn về nghệ thuật của bài thơ.
Vào khổ đầu của bài thơ, Tuệ
Sỹ giới thiệu cái chết và nguyên nhân cái chết của con chim trời. Chim bị nhốt
trong lồng, nó nhớ khu rừng nó sống tự do, nó nhịn ăn và chết:
Chim trời xếp cánh
Hát vu vơ mấy tiếng trong lồng
Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm
Ủ tâm tư cho hạt thóc cay nồng
Rát bỏng với nỗi hơn khổ nhục
Nó nhịn ăn
Rồi chết gục
Đọc khổ thơ nầy, dễ cho ta
nhớ đến bài thơ “Hổ Nhớ Rừng” của Thế Lữ. Con hổ của Thế Lữ cũng bị nhốt
trong củi sắt, cũng nhớ rừng nhưng nó gầm nó thét, nó chịu sống trong tủi nhục
để hằng ngày nhớ về quá khứ:
“Ta
sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống
hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm,
bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào
ngàn, với giọng nguồn hét núi,”
…“Có biết chăng trong những ngày ngao
ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”
Ngược lại với hổ nhớ rừng,
chim cũng nhớ rừng nhưng không chịu nhục, chim nhjn ăn để chết. So mức độ của
lòng quả cảm thì con chim nhỏ nhoi hơn, yếu đuối hơn ngàn lần con hổ, nhưng
lòng quả cảm, sự tự tôn của nó cao hơn hổ rất nhiều. Thơ là người, Tuệ Sỹ lấy
cái chết của con chim để bày tỏ chí khí của mình, và nhà thơ đã làm như thế khi
ngài đã tuyệt thực, không viết đơn xin ân xá khi nhà nước Cọng Sản buộc
ngài làm như thế mới phóng thích ngài. Cũng may, trong trường hợp nầy con chim
Tuệ Sỹ đã thắng mà không chết.
Khổ đầu của bài thơ viết về
con chim, khổ thứ hai của bài thơ tự nhiên viết qua con người, tưởng là lạc đề
nhưng không phải lạc đề:
Ta đã hát những bài
ca phố chợ
Người ăn mày kêu lịch sử đi lui
Chàng tuổi trẻ cụt chân từ chiến địa
Vỗ lề đường đoán mộng tương lai
“Ta” ở đây là ai? Bài
thơ của Tuệ Sỹ nên “ta” ở đây là Tuệ Sỹ rồi. Thế nhưng ta cũng có
thể hiểu là chúng ta, là những con người sống cùng thời với Tuệ Sỹ, những người
thấy người ăn mày xuất hiện lại giữa đời, thấy những thương binh cụt chân
lê lết trên lề đường.
Tại sao nhà thơ viết “Người
ăn mày kêu lịch sử đi lui”? Bời vì nhà thơ đã từng sống một thời đại không
có ăn mày. Nay nhà thơ thấy ăn mày xuất hiện lại, làm ngài tưởng như hình ảnh
đó đà kêu quá khứ khổ đau xa xăm quay về hiện tại. Tại sao nhà thơ viết “Chàng
tuổi trẻ cụt chân từ chiến địa/Vỗ lề đường đoán mộng tương lại”. Đó là ngài
muốn nói đến người thương binh của phe thua cuộc, kéo tấm thân lê lết trên lề
đường với bàn tay trắng, vỗ lề đường là cử chỉ bức xúc, đoán mộng
tương lai vì hiện tại đau thương và tương lai mù mịt .
Tại sao khổ đầu Tuệ Sỹ viết
về con chim mà khổ hai lại viết về con người? Tại vì nhà thơ muốn ám chỉ con
chim chính là con người hay chính là mình, là Tuệ Sỹ. Tuệ Sy đã “Ta đã hát
những bài thơ phố chợ” nghĩa là đã tố cáo những hình ảnh không đẹp
giữa đời nên đã bị bắt nhốt vào tù như thân phận con chim kia bị nhốt vào lồng.
Qua khổ thơ thứ ba nhà thơ
không viết về chim, không viết về người mà viết về huyễn mông:
Đêm qua chiêm bao ta thấy
máu
Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
Bà mẹ xoi tim con thành lỗ
Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời
Đêm qua nhà thơ nằm mơ thấy
máu, nhưng máu đó không phải do con người chém giết nhau trên đất, mà là máu “Từ
sông Ngân đổ xuống cõi người”. Tại sao? Hai câu thơ nầy nhà thơ muốn
nói đến nghiệp, đến nhân quả mà “cõi người” phải gánh chịu.” Cõi
người” đã gieo nhân gì thì “cõi người” nhận quả ấy. Với đức độ của
một Thiền Sư, Tuệ Sỹ không nói đến hận thù, không tố cáo ai gây tội ác,
không khuyến khích báo oán mà ngài thức tỉnh con người bằng giáo lý cao siêu
của Phật pháp. Ngài chỉ cho thấy “cõi người” gieo nhân thì gặt quả để “cõi
người” tự thức tỉnh.
“Bà mẹ moi tim con thành
lỗ/ Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời” nghĩa là sao và bà mẹ là ai? Tất
nhiên ta nghĩ ngay bà mẹ là mẹ Việt Nam, bà mẹ ấy không moi lồng ngực con mình
mà moi ngay quả tim con mình để lấy ra hạt ngọc sáng ngời. Trong hai câu thơ
nầy nhà thơ muốn nói trong mọi trái tim con của mẹ đều có hạt ngọc sáng ngời.
Đứa nào chết, mẹ lấy hạt ngọc giữ lại trên tay mình, hay đúng hơn mẹ giữ nguyên
truyền thống tốt đẹp đời đời, dầu cho có một thế hệ con mẹ suy đồi nhưng
viên ngọc trên tay mẹ vẫn còn thì tương lai còn hy vọng . Ý cả khổ thơ hình như
nhà thơ muốn “cõi người” hãy nhận viên ngọc của mẹ Việt Nam mà thức tỉnh
làm điều lành tránh điều ác.
Ở khổ thơ cuối cùng Tuê Sỹ
cho con chim chết bên hạt cơm trắng, nghĩa là nó chết vì mất tự do chớ không
phải vì đói. Khổ thơ muốn nói quyền tự do quý hơn sự sống. Con chim lịm tắt dần
trong tiếng hát của mình, đó là tiếng hát tôn vinh quyền tự do. Cái chết của
chim thật là bất công, ai oán nhưng là một cái chết quật cường để được tự do
cho “Nó bay về vô tận”:
Lồng son hạt cơm trắng
Cánh nhỏ run uất hận
Tiếng hát lịm tắt dần
Nó đi về vô tận
Cuối cùng, “Bài Ca Cuối
Cùng” là cuối cùng của con chim bị nhốt trong lồng. Cái chết của chim là
cái chết của con người bất khuất, đấu tranh cho tự do. Cái chết đó trao cho mẹ
Việt Nam viên ngọc sáng ngời, viên ngọc đó nằm trên tay mẹ sẽ không chết bao
giờ, là sự bắt đầu của hứa hẹn một tương lai ngọc trong tay mẹ sẽ thay đổi “cõi
người” trở nên tốt đẹp hơn!
Châu Thạch
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét