Văn học nghệ thuật, từ lâu được mặc định có ba chức năng chủ yếu: nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ. Cách định vị đó hoàn toàn có cơ sở nếu căn cứ vào vai trò, sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vào mối quan hệ mật thiết, sống còn giữa nó với các hình thái ý thức xã hội khác thuộc thượng tầng kiến trúc. Bao trùm lên tất cả là nó biểu thị được những đặc tính nổi bật của khoa học nhân văn. Cụ thể như, trong thực thể văn chương Việt, chức năng nhận thức và giáo dục là một phần quan trọng của nội dung, đồng thời cũng là nhiệm vụ của người cầm bút.
Điều đó thể hiện rất rõ qua sáng tác của các nhà nho thời trung đại và các nhà văn cách mạng, hiện thực (bao gồm hiện thực phê phán và hiện thực xã hội chủ nghĩa) thời hiện đại. Những câu thơ, lời văn từng được lưu truyền rộng rãi một thời trong cộng đồng tiếp nhận không thể nói là thiếu năng lượng và sức mạnh chi phối: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà (Nguyễn Đình Chiểu); Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây gió trăng hoa tuyết núi sông/ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong (Hồ Chí Minh); Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền (Sóng Hồng); Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh/ Không chỉ ơ hời mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan (Chế Lan Viên)...
Chức năng thẩm mĩ dường như tiềm tàng hơn trong tác phẩm của các nhà nho tài tử và các nhà lãng mạn. Không bận tâm với vai giao tiếp của đấng bậc hiền nhân quân tử, không quá lệ thuộc vào nguyên lí “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”, những tác giả duy mĩ này coi nghệ thuật là một hành động sáng tạo hướng tới cái đẹp thuần tuý, không vụ lợi: Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể/ Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ/ Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca (Thế Lữ); Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để linh hồn ràng buộc với muôn dây/ Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến và Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hót chơi.../ Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín/ Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa (Xuân Diệu)... Thử phác thảo diện mạo chung của bảng lược đồ lịch sử văn học Việt Nam để thấy rằng văn học nghệ thuật là một hình thái đặc thù, tồn tại và phát triển theo những quy luật riêng nhưng không thể tách rời bức tranh tổng thể của đời sống xã hội và tương ứng với mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử là sự xê dịch vị trí của các chức năng. Song, dù chấp nhận tính tương đối trong cách phân chia và định danh các chức năng văn học nghệ thuật thì chức năng giải trí chưa bao giờ được xếp ngang hàng, đồng đẳng với các chức năng quan trọng khác, thậm chí có lúc nó được đặt ở vị trí phụ như là một chi nhánh của chức năng thẩm mĩ. Đây thực sự là một quan niệm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận động có phần phiến diện và thiếu sự đa dạng về màu sắc thẩm mĩ của văn hoá văn nghệ nước nhà trong một hành trình dài. Chính công cuộc đổi mới của đất nước sau 1986 kết hợp với tinh thần giao lưu, hội nhập toàn cầu đã mang lại cho văn học nghệ thuật một “hệ sinh thái” và luồng sinh khí mới. Tiếng nói nghệ thuật và sắc màu thông điệp, vì vậy, cũng trở nên đa thanh, đa diện hơn. Chức năng giải trí, từ chỗ còn mờ nhạt, còn chưa được thừa nhận đã chiếm được chỗ đứng chắc chắn, hơn thế, có lúc, có nơi nó được xem như là “hạt cơ bản” có sức thu hút, vẫy gọi mọi nỗ lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể cào bằng những biểu hiện của chức năng giải trí giữa các loại hình nghệ thuật mà phải căn cứ vào tính đặc thù của mỗi loại hình. Và dù muốn dù không, dù ít dù nhiều, tính giải trí của các loại hình nghệ thuật nghe nhìn, so với văn học, rõ ràng là đậm nét, nổi bật hơn, hiệu ứng thẩm mĩ, theo đó cũng dễ lây lan, trực tiếp và mạnh mẽ hơn.
Cũng như các chức năng khác, đề cập đến chức năng giải trí thực chất là đề cập đến mối quan hệ rộng lớn giữa văn học nghệ thuật và đời sống xã hội, cốt lõi vấn đề là quan hệ song chiều giữa sáng tạo và tiếp nhận. Về phía chủ thể sáng tạo, những câu hỏi thường trực luôn trở đi trở lại trong suy nghĩ và tình cảm của họ như “Sáng tác cho ai?”, “Sáng tác để làm gì?”, “Sáng tác như thế nào?” đều rất thiết thực và là những tiền đề để lí giải nguồn gốc sâu xa của chức năng giải trí. Có nghĩa là, mục đích sáng tác sẽ định hình kiểu tư duy, đặc điểm phong cách và hình thức diễn ngôn. Thực tiễn văn học nghệ thuật là câu trả lời sinh động cho những giả thiết đó. Hướng tới cảm hứng thế sự, chiều sâu triết lí và giá trị nhận thức, Nguyễn Trãi viết: Hoa thời hay héo cỏ thường tươi; Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao; Nguyễn Du: Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau; Hồ Xuân Hương: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng... Nhưng nếu đặt mục đích giáo dục đạo đức, xây đắp nhân cách, phẩm hạnh cho con người thì những câu thơ: Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh lấy câu răn mình (Nguyễn Đình Chiểu), Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công (Hồ Chí Minh), Núi cao bởi có đất bồi/ Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu/ Trăm dòng sông đổ biển sâu/ Biển chê sông nhỏ biển đâu nước còn (Tố Hữu)... đều hàm chứa tinh thần giáo huấn được phát đi từ phía tác giả. Trong văn xuôi, đặc biệt là văn học hiện đại và đương đại, chức năng nhận thức và giáo dục được gửi gắm qua các góc tiếp cận đa chiều và gần gũi hơn. Đó là bức tranh xã hội “quái gở” qua những trang tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Là cuộc sống “mốc lên, mòn đi, rỉ ra” của tầng lớp văn sĩ, trí thức trước Cách mạng tháng Tám trong tác phẩm Nam Cao. Là những trải nghiệm đời người dại khôn, được mất, vui buồn qua giọng văn “lí sự” của Nguyễn Khải. Là sự mổ xẻ lạnh lùng bản thể người mang ý nghĩa tự nhận thức và phản tỉnh cần thiết trong mạch tâm sự của người mở đường “tài hoa và tinh anh” cho văn học thời kì Đổi mới Nguyễn Minh Châu. Là nỗi đau thân phận, “nỗi buồn chiến tranh”, những chấn thương tinh thần hiện diện như những “căn tính hậu chiến” qua từng trang sách của Lê Lựu, Bảo Ninh, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Đào Thắng, Nguyễn Ngọc Tư... Trong thế giới nghệ thuật kịch, những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng (Vũ Như Tô, Những người ở lại), Học Phi (Chị Nhàn, Cô hàng rau), Nguyễn Đình Thi (Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc), Xuân Trình (Xóm vắng, Mùa hè ở biển), Võ Khắc Nghiêm (Nhân danh công lí), Lưu Quang Vũ (Tôi và chúng ta, Nguồn sáng trong đời, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9)... đều chất chứa giá trị phản tỉnh, nhận thức và tính dự báo. Những công trình điêu khắc, các tác phẩm hội hoạ, âm nhạc cách mạng của những tên tuổi lớn như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Thi, Văn Chung, Lê Yên, Hoàng Vân, Phan Nhân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Hồ Bắc, Phạm Đình Sáu, Huy Thục, Xuân Hồng, Lư Nhất Vũ, Hoàng Hiệp, Thuận Yến... đều chung quỹ đạo và đã hoàn thành thiên chức, sứ mệnh của nghệ thuật trước Tổ quốc và nhân dân.
Với chức năng giải trí, vẫn cùng những câu hỏi về mục đích sáng tác như các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ nhưng cái khác là ở sự tiếp cận các bình diện thẩm mĩ. Một cách tương đối có thể thấy các chức năng giáo dục, nhận thức thiên về cái cao cả, cái anh hùng, cái trác tuyệt, chức năng thẩm mĩ thiên về cái đẹp...; trong khi đó, quan sát thực tiễn đời sống văn nghệ đương đại, dường như sự lựa chọn của các tác giả khi thực hiện chức năng giải trí lại là cái hài. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm về tính giao thoa, sự lồng ghép “2 trong 1” của chức năng thẩm mĩ và chức năng giải trí bởi khi đọc những câu thơ Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha, Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng của Nguyễn Du, những trang tuỳ bút nhẹ nhàng, nên thơ của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường hay khi chiêm ngưỡng những gam màu nền nã, mơ màng trong những bức họa về thiếu nữ Hà thành của Tô Ngọc Vân... chính bản thân người tiếp nhận cũng không thể phân biệt mình thuộc đối tượng của chức năng nào. Ở đây tác giả đã có sự phối trộn các chức năng. Có thể gọi đây là lối đi riêng, một “đường link” trong hệ thống giao tiếp nghệ thuật nhìn từ phía chủ thể sáng tạo.
Từ giác độ tiếp nhận, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá, mỗi thời đại đều mang theo “gu” thưởng thức và đặc điểm thị hiếu nghệ thuật riêng. Là một góc nhỏ trong sân chơi văn hóa, những lúc vận nước lâm nguy, chiến tranh ác liệt, không gian văn học nghệ thuật càng bị thu hẹp. Khi “đã qua những đêm Nam ngày Bắc” (Tố Hữu), qua cái bất thường của đời sống chiến tranh, con người được trả lại đời thường muôn mặt với những nhu cầu chính đáng về vật chất và tinh thần, văn học nghệ thuật tất yếu phải mở thêm nhiều góc tiếp cận đời sống để thực sự là món ăn tinh thần của họ với sự đa dạng, phong phú về “menu”. Nhờ vậy, kích thước của không gian giải trí được mở rộng và tính dân chủ được nâng cao.
Một vấn đề cần lưu ý là việc vận dụng lí thuyết chức năng, cụ thể là chức năng giải trí có nguy cơ rơi vào phiến diện, cứng nhắc nếu thiếu đi sự hiểu biết về đặc trưng loại hình. Không thể vận dụng một cách máy móc mô hình, công thức chung mà phải có sự phân biệt các cấp độ nội dung và hình thức thể hiện tính chất thư giãn của từng loại hình nghệ thuật khác nhau: văn học, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, sân khấu... Về tổng thể, dễ nhận thấy, trong bức khảm văn hóa đa màu có sự hình thành các nhóm loại hình giải trí với độ đậm nhạt không đồng đều. Nhóm văn chương, mĩ thuật với chất liệu là ngôn từ, sắc màu, đường nét, chức năng giải trí sẽ không nổi bật bằng nhóm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc với sự hỗ trợ đầy hiệu quả của diễn viên, ca sĩ – một nhân tố nghệ thuật, một dạng “kí hiệu” đặc biệt có sức cuốn hút và khả năng bùng nổ dữ dội. Lại nữa, khái niệm giải trí về phía hiệu ứng tiếp nhận cũng diễn ra với nhiều trạng thái, cung bậc khác nhau. Có thể đó chỉ là những xao động nhẹ nhàng khi được đọc những câu thơ, những áng văn đẹp, được ngắm những bức tranh với màu sắc dịu nhẹ, tươi sáng, được nghe những khúc nhạc trữ tình với giai điệu du dương, tha thiết, được xem những bộ phim tình cảm vui tươi, tình tứ, những vở hài kịch nhẹ nhõm, vui vẻ... Nó khác với tâm thế tiếp nhận luôn phải hướng thượng, phải tự nâng mình lên, phải day dứt, tự vấn, phải lựa chọn những cách thức và kinh nghiệm sống để hoàn thiện nhân cách như vẫn thường diễn ra đối với các chức năng nhận thức, giáo dục. Tuy nhiên, ở một chiều kích khác, đặc biệt là thời hiện đại và đương đại, chức năng giải trí còn nhằm mục đích tạo cảm giác mạnh, đánh vào tính tò mò, thích phiêu lưu tưởng tượng, thích đắm mình vào những tình huống li kì, rùng rợn, thích trải nghiệm những cảm giác hồi hộp, sợ hãi của đám đông khách hàng, công chúng nghệ thuật. Đó chính là mảnh đất màu mỡ để các dạng truyện trinh thám, hình sự, truyện phiêu lưu mạo hiểm, phim “chưởng”, phim kinh dị, đáng chú ý là hiện tượng văn học “trò chơi”, tiểu thuyết “ngôn tình”, “đam mĩ” ươm mầm, nảy nở và bành trướng.
*
* *
Chức năng giải trí của văn học nghệ thuật là một yếu tố tiềm năng, nó tồn tại, vận động và phát triển cùng với lịch sử văn học và các thời đại nghệ thuật: từ văn học bình dân, văn hoá folklore đến văn chương bác học, từ văn học nghệ thuật thời hiện đại đến đương đại. Mỗi giai đoạn trong “chỉnh thể thống nhất mà đa dạng” của các chức năng văn học nghệ thuật đều có những tương ứng giữa các hình thức giải trí với tiền đề xã hội: cơ sở văn hoá, thẩm mĩ, bối cảnh lịch sử... Những tương tác, hỗ trợ, chuyển hoá xuyên thấm vào nhau của các chức năng và giữa chức năng với các thành tố khác trong sinh thể tác phẩm đã không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển theo chiều hướng gắn chặt mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống mà còn tạo nên sắc diện riêng cho mỗi giai đoạn, trào lưu, khuynh hướng và mỗi thời đại văn học nghệ thuật.
Văn hoá dân gian trong đó có văn học nghệ thuật là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của hoạt động vui chơi, giải trí của con người ở vào một thời kì được coi là “ấu thơ” của nhân loại. Những trò chơi dân gian vui nhộn, các bài ca lao động cầu ngư, cầu mùa màng tốt tươi, những điệu nhảy hồn nhiên, khoẻ khoắn... đều mang đến cho người lao động cảm giác thư thái, vui vẻ. Văn học dân gian trong đó có truyện dân gian, thơ ca dân gian cũng là một món ăn tinh thần vẫn được lưu truyền rộng rãi trong đời sống từ xưa đến nay. Những câu chuyện tiếu lâm bên cạnh ý nghĩa giáo dục bao giờ cũng mang lại cho người đọc, người nghe tiếng cười sảng khoái. Những câu tục ngữ, những câu đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục... thường gợi lên những liên tưởng thú vị về bản năng giới, về hoạt động tính giao của con người cũng dễ dàng đi vào tâm thế tiếp nhận bình dân. Những câu ca dao mô tả phong cảnh thiên nhiên giao hoà với niềm vui lao động và con người hiện lên thật tươi tắn, dễ thương. Sân khấu dân gian, ca kịch vùng miền, vai hề trên các chiếu chèo sân đình, chú tễu trong sân khấu rối nước là những ẩn dụ nghệ thuật luôn gợi về hình bóng những người “bình dân thông thái”. Tranh Đông Hồ là thứ nghệ thuật biết nói trong bức khảm giải trí sống động, muôn màu của văn hoá folklore.
Văn học trung đại, với tính chất trang nghiêm, mực thước, tính giải trí, do đó, không thể hiện bằng những hình thức ồn ào, sôi động mà nghiêng về phần trầm lắng, yên ả. Các bậc tao nhân mặc khách tìm đến thú vui tao nhã với bầu rượu túi thơ. Không kể đến phát ngôn Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh quá đỗi khiêm nhường, nhã nhặn của Nguyễn Du, đẳng cấp của thơ ca trung đại nằm ở “thần cú”, “nhãn tự”. Người thưởng thức qua những “chỉ dấu” đó mà gật gù, tán thưởng, mà tâm phục, khẩu phục cái tài, cái khéo của các thi hào, thi bá. Đó quả là một kiểu giải trí cao cấp, mang đậm cốt cách cổ điển của văn hoá Đông phương nhưng lại hạn chế ở tính dân chủ và khả năng phổ cập rộng rãi.
Thời hiện đại đối với Việt Nam là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu một chặng đường phát triển mạnh mẽ cả về khoa học kĩ thuật lẫn văn học nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật. Công cuộc tiếp biến giao lưu văn hóa Đông – Tây, sự cộng hưởng giữa nội sinh và ngoại nhập, khát vọng duy tân bùng cháy đã tạo nên một thời kì hoàng kim rực rỡ của nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Trước hết là sự hưng thịnh về loại hình và thể loại. Trong văn học, các mô hình thể loại đã trở nên hoàn thiện và phong phú hơn. Lần đầu tiên, người Việt Nam được làm quen với quy trình của sân khấu, từ khâu sáng tác kịch bản, dàn dựng, diễn xuất và cuối cùng là mua vé bước vào “rạp hát Tây” rực sáng để xem diễn kịch, vào rạp “xinê” để coi “chớp bóng”.
Văn học nghệ thuật chiến tranh cách mạng “vắt” qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ với âm hưởng sử thi hào hùng, bi tráng đã phần nào “mờ hoá” chức năng giải trí của văn nghệ. Tuy nhiên đây đó thi thoảng vẫn xuất hiện trong những tác phẩm kịch vui, tấu hài, những bức tranh biếm hoạ, những bài thơ trong trẻo về tình yêu đôi lứa, những điệu múa mềm mại, trẻ trung, và cả những câu thơ truyền miệng theo thi pháp Bút Tre... Thời kì hậu chiến 10 năm từ 1975 đến 1985 với tính chất “bản lề”, “khép mở” vừa vận hành theo quán tính cũ, vừa âm thầm tích luỹ năng lượng để tăng tốc, để tìm đến những vùng sáng tạo mới. Và từ 1986 trở đi, quan niệm nghệ thuật về đời sống xã hội và con người có nhiều thay đổi. Khả năng chiếm lĩnh hiện thực và đáp ứng thị hiếu thẩm mĩ được mở rộng và nâng cao hơn. Cùng với sự bùng nổ và lên ngôi của truyền thông, của các phương tiện nghe nhìn, văn học cũng phải tự điều chỉnh các mô thức thể loại, khắc phục những giới hạn để đủ sức cạnh tranh trong sân chơi văn hóa. Công bằng xem xét, từ góc độ giải trí, văn học “lép vế” hơn các phương tiện nghe nhìn. Điện ảnh, sân khấu, âm nhạc rõ ràng là những loại hình phối hợp nhịp nhàng và khai thác được nhiều ưu thế của kĩ thuật nghe nhìn hiện đại. Dòng phim giải trí với diễn viên là hoa hậu, người mẫu, những “chân dài”, “hot boy”, “hot girl”...; cốt truyện phim xem mà không cần nhớ; sân khấu hài với những câu chuyện bông lơn chẳng nhiều nghĩ ngợi; sân chơi âm nhạc có sự đổi ngôi của nhạc nhẹ (pop, rap) với những ca sĩ kiêm diễn viên hương sắc “không phải dạng vừa đâu” (tên một ca khúc đang “hớp hồn” giới trẻ của Sơn Tùng M-TP)... đã tạo nên một không khí giải trí vui vẻ, trẻ trung, huyên náo và ầm ĩ.
Tuy nhiên, sự “tăng trưởng” đó của các hình thức giải trí không phải khi nào cũng đi đôi với chất lượng nghệ thuật. Một vài chủ đề phim được lặp đi lặp lại đến nhàm chán, thêm vào đó là sự lạm dụng yếu tố bạo lực, sex. Sân khấu ca nhạc cũng làm “nhức đầu” các nhà quản lí bởi trò “đạo nhạc”, ca từ nhảm nhí, diễn viên ăn mặc phản cảm... Việc lạm dụng hoạt động vui chơi giải trí để tổ chức lễ hội quanh năm, tràn lan khắp ba miền Bắc Trung Nam nhưng không để lại dấu ấn “địa văn hóa” gây tốn kém tiền bạc mà thiếu hiệu quả cũng là nỗi bức xúc chung của nhiều người...
Chức năng giải trí, cũng như các chức năng khác của văn học nghệ thuật, là một yếu tố động, luôn thay đổi, phát triển để tìm đến môi trường thích ứng. Đó là quy luật sáng tạo và tính năng sản của văn chương nghệ thuật. Việc hướng tới nhu cầu giải trí cần phải được xem xét thoả đáng và phải trở thành chiến lược chung của định hướng văn nghệ là xây dựng một nền văn học nghệ thuật tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Và, như một mặc định, muốn làm được điều đó, các chức năng của văn học nghệ thuật, đặc biệt là chức năng giải trí, phải luôn được đặt dưới tầm kiểm soát, bộ lọc của các hằng số văn hoá.
LÝ HOÀI THU
________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét