- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
ÁC MỘNG
Lại ác mộng bởi rừng khuya
tàn bạo đấy
Thịt xương người vung vãi
lối anh đi
Nhưng đáy mắt không căm
thù đỏ cháy
Vì yêu em trên lá đọng
sương mai
Anh chiến đấu nhọc nhằn
như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mỏng
vai gầy
Ôi hạnh phúc anh thấy mình
nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang
giấy thơ ngây
Đời khách lữ biết bao giờ
yên nghỉ
Giữa rừng khuya nằm đợi
bóng sao Mai
Để một thoáng giấc mơ tàn
kinh dị
Dáng em buồn bên suối nhỏ
mây bay
Rừng Vạn Giã 76
Tuệ Sỹ
Có một
nhà văn đã viết về Tuệ Sỹ rằng:
“Trong số những sáng
tác của Thiền sư Thích Tuệ Sỹ, một số lớn được sáng tác trong thời gian một năm
tác giả rút về sống cô độc làm rẫy trong rừng Vạn Giã từ 1976 đến 1977. Những
bài thơ này được gom lại trong tập “Giấc mơ Trường Sơn”. Ngoài những bài thơ về
núi rừng, về vũ trụ, về kiếp nhân sinh, còn có một số không ít bài về tình yêu,
rất tha thiết và truyền cảm, là một điều khá ngạc nhiên khi tác giả là một
thiền sư”. “Ông biết rất rõ tâm lý con người để có thể diễn tả một cách thuyết
phục những lối đi thơ mộng của tình yêu, những tâm tư thầm kín của lòng người,
mà không nhất thiết biểu lộ những tình cảm của riêng mình. Mặt khác, trong
những câu thơ nói về tình yêu, chúng ta nghĩ là tình yêu thơ mộng nam-nữ, nhưng
thật ra có thể đó chỉ là biểu hiện trong thi ca của một tình rộng lớn hơn là
tình người.”
Những lời nhận định trên
quả rất đúng. Tuệ Sỹ chính là kẻ sĩ trong truyền thống của Đông phương. Thiền
sư Tuệ Sỹ đã thể hiện tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của kẻ sĩ không
phải chỉ bằng hành động, mà còn bằng những tác phẩm. Qua văn tự, ngài đã viết
tác phẩm đó bằng sự hy sinh quên mình, để chia xẻ sự đau khổ với quê hương đất
nước. Một trong những bài thơ như thế là bài thơ “Ác Mộng” ngài viết
trong rừng Vạn Giã năm 1976, viết trong túp lều tranh do tự tay mình dựng lên,
nơi mà đêm xuống nơi đó chẳng có gì cả, ngoài ngọn đèn dầu leo lét trong túp
lều tranh và bóng tối mịt mù giữa núi rừng mênh mông.
Bây giờ xin mời quý vị và
tôi cùng mang hai bản chất để đi vào bài thơ “Ác Mộng”. Có như thế
chúng ta mới có thể hiểu được một phần nào ý sâu xa trong bài thơ của ngài.
Trước hết hãy mang bản chất của tình yêu nam nữ để cảm thụ tiếng thơ tình say
đắm, sau đó tùy theo mỗi người, hãy thử mang ít hay nhiều bản chất của một tu
sĩ, của người đã xa lánh bụi trận gian để cảm nhận huyền vi trong câu thơ của
Tuệ Sỹ.
Xin hãy bước vào khổ thơ
đầu tiên:
Lại ác mộng bởi rừng khuya
tàn bạo đấy
Thịt xương người vung vãi
lối anh đi
Nhưng đáy mắt không căm
thù đỏ cháy
Vì yêu em trên lá đọng
sương mai
Đọc hai câu thơ đầu ta
thấy ngay nhà thơ mơ một giấc mơ hải hùng giữa rừng. Nhà thơ đã thấy “Thịt
xương người vung vãi lối anh đi”. Tác giả cho biết “Lại ác mộng”
nghĩa là đã từng có ác mộng nhiều lần trong khu rừng ấy. Tác giả cho biết thêm,
lại ác mông bởi vì “rừng khuya tàn bạo đấy”. Như thế ác mộng của tác giả
có nguyên nhân rõ tàng là do “rừng khuya tàn bạo” mà gây nên. Vậy câu
thơ đầu tác giả đã chỉ ngay chủ thể gây ra ác mông là “Rừng khuya tàn bạo”.
Chủ thể là gì? Chủ thể là cá nhân, tổ chức tồn tại hiện hữu, nhận diện được qua
hành động. Rừng khuyu không thể là chủ thể. Vậy “rừng khuya” trong thơ
dùng để ám chỉ một chủ thể nào đó đã gây ra ác mộng cho tác giả.
Qua hai câu thơ sau “Những
đáy mắt không căm thù đỏ cháy/ Vì yêu em trên lá đọng sương mai” là bức
tranh vẽ lá trong rừng Vạn Giã . Câu thơ thứ 3 “Những đáy mắt không căm thù
đỏ cháy” cho ta đoán được ác mộng xảy ra vào mùa thu trong rừng Vạn
Giã, vì mùa thu thì lá úa vàng, nhìn như đỏ cháy. Nhà thơ dùng cụm từ “Những
đáy mắt” để chỉ về phần nội tâm, sâu trong nội tâm những chiếc lá không
biết căm thù trước sự tàn bạo gây ra. Ta hiểu rừng trong thơ đại diện cho một
chủ thể thì lá trong thơ cũng đại diện cho một tầng lớp trong xã hội đương
thời,
Qua câu thơ thứ 4, nhà thơ
đột nhiên dùng chữ “Yêu em”. Để hiểu nghĩa rõ hơn hai câu thơ nầy ta có
thể viết lại như sau: Những đáy mắt không căm thù đỏ cháy/ Đỏ cháy vì
yêu em trên lá đọng sương mai. Ta để ý cụm từ “yêu em trên lá đọng sương
mai”. Vậy em trong câu thơ nầy là ai? Là “lá đọng sương mai”, nghĩa
là em là những chiếc lá đọng sương mai. Hiểu như thế ta sẽ không còn thắc mắc
tại sao thiền sư lại viết “em” trong thơ của ngài.
Qua khổ thơ đầu ta có thể
thấy tuy nhà thơ viết về ác mộng, nhưng đó không phải là giấc mơ khi ngủ mà là
ác mộng khi ngài đang thức, bởi vì ngài vẫn thấy rõ lá đỏ đọng sương mai trước
mắt mình.
Tóm lại trong khổ thơ đầu,
Tuệ Sỹ viết về một cơn ác mông do xã hội đem đến cho ngài. Ngài thấy cảnh đau
khổ trên từng lối đi, ngài cũng thấy tầng lớp bị đè nén thơ ngây như những
chiếc lá không biết hận thù, tâm hồn họ đẹp như những giọt sương đọng trên lá
mà ngài yêu quý. Vậy lá đại diện cho lớp người bị áp bức được nhà thơ gọi là “Em”
và “sương mai” chính là tâm hồn của họ.
Bây giờ xin mời quý vị đọc
tiếp khổ thơ thứ hai:
Anh chiến đấu nhọc nhằn
như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mỏng
vai gầy
Ôi hạnh phúc anh thấy mình
nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang
giấy thơ ngây
Câu thơ đầu “Anh chiến
đấu nhọc nhằn như cỏ dại” nói về thế lực của Tuệ Sỹ và ý chí của Tuệ Sỹ.
Thế lực của nhà thơ yếu đuối như cỏ dại, nhưng ý chí nhà thơ luôn kiên cường
chiến đấu. Trước bạo lực Tuệ Sỹ như cỏ dại nhưng cỏ dại vẫn chiến đấu. Ngài
chiến đấu cho ai, chiến đấu vì sao? Câu trả lời rất rõ ràng, chiến đâu cho “em
tà áo mỏng vai gầy”, nghĩa là chiến đấu vì tầng lớp yếu đuối và nghèo khó.
Hiểu như thế ta sẽ thấy “em” ở đây không là cô gái nào cả mà em ở
đây là những giai tầng bị áp bức.
Hai câu thơ tiếp theo nói
về sự thỏa lòng trong tình yêu của nhà thơ và cách bày tỏ tình yêu của nhà thơ.
Tất nhiên ta đã biết rõ tình yêu nầy không phải là tình yêu nam nữ, mà là thứ
tình yêu cao rộng cho tha nhân, cho người yếu đuối, người chịu sự bất công đè
nén: “Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé/Chép tình yêu trên trang giấy thơ
ngây”.
“Ôi hạnh phúc anh thấy
mình nhỏ bé”: Tuệ Sỹ hạnh phúc trong sự nhỏ bé thật, bởi vì chính sự
nhỏ bé ấy mà ngài thành tượng đài vĩnh viễn không chối cải được trong lương tâm
thời đại.
“Chép tình yêu trên
trang giấy thơ ngây”: Quả đúng như vậy. Ngày nay mặc dầu Tuệ Sỹ đã đi xa
nhưng thơ ngài, văn ngài, kinh kệ của ngài là thứ tình yêu vô đối còn để lại
trên trang giấy vĩnh viễn, rất thơ ngây nhưng vô cùng giá trị, là cảo thơm cho
văn học sử, là lời dạy của thiền sư trọng vọng trong đạo Phật, là văn tự của
hiền sĩ cho lịch sử Việt Nam.
Bây giờ xin mời qúy vị đọc
khổ thơ cuối của bài thơ:
Đời khách lữ biết bao giờ
yên nghỉ
Giữa rừng khuya nằm đợi
bóng sao Mai
Để một thoáng giấc mơ tàn
kinh dị
Dáng em buồn bên suối nhỏ
mây bay
Đây là một khổ thơ ước mơ
và hy vọng. Đạo Phật quan niệm đời người như một lữ khách lang thang qua ngàn
vạn kiếp: “Hỡi người khách lữ hành trên cõi thế/Đi lang thang vô định đã bao
đời/Vòng tử sinh, sinh tử, nẽo luân hồi/Trong tam giới xoay đi rồi chuyển lại”.
Đời đã buồn như thế nhưng Tuệ Sỹ càng buồn hơn vì đời nầy của ngài đang sống
giữa rừng khuya mờ mịt không biết bao giờ trời sáng lại. Tuy thế nhà thơ vẫn
nuôi một hy vọng lớn lao, ngài chờ đợi bóng sao Mai báo hiệu mặt trời sẽ lên,
ánh sáng sẽ đến. Lúc đó giấc mơ kinh dị của ngài sẽ tàn và ngài sẽ thấy được “Dáng
em buồn bên suối nhỏ mây bay”, nghĩa là em đang đứng trong khung cảnh bình
an. Tất nhiên dáng em vẫn còn buồn vì ngày đó đến bất ngờ em chưa nhận thức
được.
Như trên ta đã biết, em
của Tuệ Sỹ không phải người con gái, Em của Tuệ Sỹ trong thơ là lớp người gánh
chiu nhiều hệ lụy trong cuộc đời, là những người chịu nhọc nhằn đau khổ, những
người bị áp bức, chịu bất công hay có thể ngài quan niệm “Em” là
tất cả những người còn xa lìa với đạo Phật là con đường mà ngài đang tu tập.
Thơ Tuệ Sỹ không chỉ như
bông hoa nở trước mắt ta mà còn như ngôi sao lấp lánh trên trời cao. Như bông
hoa nở trước mắt ta là vì màu sắc tươi đẹp, hương thơm ngọt ngào ta cảm nhận
được ngay. Như ngồi sao lấp lánh trên trời cao là vì những ý siêu đẹp, những tứ
siêu phàm lấp lánh, ta cũng có thể thấy tùy theo mắt mỗi
người, nhưng ai cũng phải ngước lên cao để tìm và phải điều tiết mắt mình để
thấy rõ hơn.
Thấy thì có thấy nhưng kể
lại thì chắc chi ai giống ai, vì thơ Tuệ Sỹ là loại thơ siêu thực. Châu Thạch
tôi cũng vậy, chỉ thấy thơ ngài trong đôi mắt trần tục, suy nghĩ về thơ ngài
trong cái đầu dốt nát của mình, và viết về thơ ngài chỉ để mua vui cho mình và
cho những ai có tấm lòng độ lượng. Mong được tha thứ nếu thấy sai trật điều gì.
Kính cảm ơn qúy vị!
Châu Thạch
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét