- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Gọi xóm Giữa bởi đây là nơi cư ngụ của đồng bào Kinh, hai đầu là xóm của
đồng bào dân tộc Chăm Islam sinh sống. Xóm Giữa nằm bên bờ sông Hậu hiền hòa,
cả xóm chỉ khoảng trên dưới sáu, bảy mươi ngôi nhà.
Thuở ấy, xóm Giữa nghèo lắm. Đa số cư dân sinh sống bằng nghề bán cơm
rượu, một số nhà khá giả hơn nhờ làm nghề thợ bạc, bán tạp hóa, còn lại thì
sống dựa vào câu lưới hoặc làm ruộng. Người dân ở đây sống gần gũi, yêu thương
đùm bọc nhau. Nhà ai hữu sự, những người lân cận đến giúp. Những túi gạo, đồng
tiền của những gia đình khá giả thường đến tay người nghèo trong các dịp lễ tết
hay những ngày rằm lớn.
Cư dân ở đây luôn xem nhau như họ hàng nên mỗi năm cứ vào đêm mùng một
Tết, họ lại thể hiện sự quan tâm, trân trọng nhau bằng cách cả xóm cùng nhau đi
chúc tết. Chúc tết là nét đẹp của dân tộc ta từ nghìn xưa, nhưng ở đây nó lại
mang một nét riêng của cư dân xóm Giữa. Đêm này, mỗi nhà cử ra một người đi
thăm viếng, chúc tết các nhà khác trong xóm. Nếu chỉ đi một phần ba số hộ thôi
cũng phải ghé qua khoảng hai mươi nhà. Đây là những nhà có thờ ông bà tổ tiên cố
cựu, gia chủ thường là người cao niên, có uy tín trong xóm. Thủ tục chúc tết
cũng giản đơn như phong cách của cư dân Nam bộ. Khi đến nhà, khách sẽ xin phép
gia chủ được lạy bàn thờ tổ tiên, cầu những điều tốt lành trong năm mới. Sau
đó, gia chủ và khách cùng ngồi uống trà, thăm hỏi nhau chuyện làm ăn. Tùy tình
hình mà khách sẽ nán lại lâu hay mau, nhưng trước khi kiếu từ, họ cùng trao
nhau những lời chúc tốt đẹp. Cứ thế, người đi chúc tết sẽ mất khoảng hơn hai
tiếng đồng hồ mới có thể đến hết những nhà cần đến. Đêm này, nhà ai cũng có
người coi nhà, tiếp khách. Do nhà không có nhiều người nên đêm mùng một tết tôi
hay ở nhà phụ mẹ. Mẹ tôi ngồi bàn khách, tôi lo nấu nước, châm trà, xếp bánh
mứt ra dĩa.
Ngoài người lớn, bọn trẻ trong xóm cũng rủ nhau đi chúc tết. Chúng hay
đợi ngoài cửa, trong nhà vừa dứt khách là các bạn nhỏ ùa vào, đứa trước đứa
sau, nhanh chóng xếp hàng, cùng lạy bàn thờ. Sau đó, bạn nào dạn dĩ thì đại
diện nhóm đến khoanh tay chúc tết chủ nhà. Mẹ tôi mời các bạn nhỏ ăn bánh mứt
và không quên lì xì mỗi bạn vài cắc bạc. Mùa xuân như rạng rỡ hơn trên gương
mặt, tiếng cười các bạn. Cứ thế, hết tốp này đến tốp khác vào nhà chúc tết. Và
rồi, có lần tôi phát hiện vài bạn nhỏ đến nhà mình nhiều lần trong đêm. Tôi
liền nói nhỏ với mẹ: “Mẹ ơi, bạn T. bạn Kh. bạn S. hồi nãy đã đến lạy rồi, giờ
đang lạy nữa kìa mẹ!”. Mẹ tôi mỉm cười, không nói. Khi các bạn lạy xong, mẹ tôi
vẫn phát bánh và lì xì. Đến lượt các bạn ấy thì các bạn lắc đầu, nói: “Dạ, tụi
con đã nhận lì xì rồi ạ! Tụi con theo các bạn vào lạy nữa cho vui”. Thật ra, mẹ
cũng định lì xì cho các bạn vì mẹ không muốn các bạn ấy bị bẽ mặt và mẹ sẽ có
lời khuyên riêng về tính trung thực. Nhưng rồi, sự chân thật của các bạn đã làm
mẹ tôi vui trọn vẹn. Đến giờ, hơn năm mươi năm qua, các bạn ấy vẫn luôn hồn
nhiên, hiền lành trong trái tim tôi...
Người Chăm trong làng Châu Giang(*) cũng thế. Từ nhiều thế hệ, họ đã sống
ở đây, hai dân tộc luôn có mối giao hòa. Hai dân tộc cùng chung niềm vui những
ngày lễ tết của nhau; con em cùng học chữ Quốc Ngữ ở trường phổ thông trong
làng. Ngày tết truyền thống của người Kinh hay người Chăm, những gia đình thân
thiết thường biếu quà cho nhau.
Tôi nhớ cứ đến ngày lễ hội Eid al Fitr, kết thúc tháng Ramadan (tháng ăn
chay) hay ngày tết Roya Haji của đồng bào Chăm, người Kinh ở xóm Giữa cũng náo
nức, rộn ràng, vui như tết của mình. Những ngày này, người Chăm trang hoàng nhà
cửa, bày tiệc tùng ca hát… Người Chăm xóm trên và xóm dưới qua lại chúc mừng
nhau đều đi ngang xóm Giữa. Ngay từ sáng sớm, những em bé Chăm mặc trang phục
thật đẹp, ngồi trên những chiếc xe lôi(**) chạy khắp làng trên xóm dưới vừa
đánh nhịp vào thùng xe vừa ca vang; trẻ em người Kinh chạy ra sân cổ vũ, người
lớn nở nụ cười vui. Màn đêm buông xuống, những cô gái Chăm với những bộ trang
phục cầu kỳ, đẹp mắt, đầu đội khăn Mat’ra e ấp đi “du xuân”. Họ đi từng tóp
một và lúc nào cũng có các bà mẹ cầm đèn dầu theo hộ tống tạo nên một nét đẹp
kín đáo, dịu dàng, đáng yêu. Ngày thường cũng thế, chỉ đến đêm về, người con
gái Chăm mới ra khỏi nhà cùng với những người mẹ, người bà.
Tôi không sao quên được những đêm thanh vắng, bên trang sách học của tôi, tiếng
kinh cầu du dương từ hai thánh đường Hồi Giáo ở hai đầu xóm Chăm luôn vọng về
như tiếng ru êm của mẹ. Vào mùa cưới cũng thế, đêm đêm, tiếng trống phập phum
hòa theo giọng hát trầm ấm, giai điệu êm đềm của dòng nhạc Bolero được cất lên
bằng hai thứ tiếng Kinh và Chăm luôn làm hồn tôi thổn thức.
Tất cả những cung bậc cảm xúc ngày xưa như còn nguyên trong nỗi nhớ của tôi để mỗi lần về thăm quê nhà, tôi lại thấy bồi hồi. Nhưng rồi tôi không biết mình buồn hay vui khi xóm Giữa đã có nhiều thay đổi mặc dù nó vẫn còn là xóm Giữa. Tôi cứ mơ về con đường làng thơ mộng được che mát bởi hàng cây hai bên đường đan nhánh vào nhau. Những vườn táo, ổi, mận, xoài…cùng làng quê êm ả yên bình đã từng là điểm đến vui chơi, ghi dấu nhiều kỷ niệm của bao thế hệ học trò từ bên kia sông Hậu. Nay con đường đã vác lên mình hàng lưới điện giăng dọc ngang chằng chịt, nhiều khu vườn cây trái thu hẹp, cây cao bóng mát nhường chỗ cho cái nắng chang chang cùng những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang mọc lên sát dọc con đường làng. Tiếng nhạc xập xình từ những chiếc loa, thùng bass mở hết công suất làm mất đi cái không gian vắng lặng, trầm mặc vốn có. Nhiều tiệm tạp hóa lớn, nhiều cơ sở dịch vụ phục vụ cuộc sống mọc lên khắp nơi.
Những người bạn nhỏ năm nào không còn ai, một lớp người trẻ tuổi, áo quần thời trang ngược xuôi qua xóm. Tôi bỗng thấy mình cô độc, thấy lòng bâng khuâng trước những cái được, cái mất đang diễn ra. Tôi vẫn biết khi xã hội phát triển, sẽ ít nhiều làm biến đổi bộ mặt làng quê, làm thay đổi nề nếp sinh hoạt, ý thức hệ cư dân. Nhưng tôi không thể ngăn cản một nỗi buồn không tên đang xâm chiếm hồn tôi. Và buồn hơn hết khi tôi biết tập quán đi chúc tết đầu năm của cư dân xóm Giữa vì nhiều lý do đã không còn giữ được... Tất cả chỉ còn trong ký ức của tôi và những người dân cao niên xóm Giữa.
Thảo Vi
___________________________
Ghi chú:
(*) Làng Châu Giang: đơn vị hành chính thập niên 60 - 80 thế kỷ XX. (Xóm Giữa
là một bộ phận của làng Châu Giang). Hiện nay, đổi tên là Ấp Châu Giang, Xã
Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh AG.
(**) Xe lôi: Loại xe đạp, gắn thêm cái thùng phía sau, có băng ghế cho khoảng 4, 5 người ngồi. Loại xe này thông dụng đến những năm đầu thế kỷ XXI.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Mãi nhớ ơn cô, Con đã biết quan tâm đến mẹ nhờ vào bài chia sẽ về mẹ của cô. Những bài viết của cô có cảm xúc thật, mang nhiều giá trị đạo Đức nhân văn. Chúc cô nhiều sức khỏe, phục vụ khán giả yêu văn yêu thơ cô nhé. From Diễm Cannada niên học 98_99
Trả lờiXóa