- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Tiếng loa thông báo chiếu phim phát oang oang ở khu đất trống giữa làng. Trẻ em, người lớn ai cũng nhốn nhào. Trời vừa chạng vạng là các cô gái chàng trai trong xóm diện quần áo bảnh bao đi dập dìu qua ngõ; các bà các má lo cơm nước sớm, chuẩn bị quạt mo, ghế ngồi, chai nước, bánh kẹo í ới gọi nhau. Họ nhanh chân đến sớm để chọn chỗ ngồi thật tốt, để nhìn rõ màn hình. Màn hình là tấm vải trắng, diện tích khoảng 3x4m, được căng dây 4 góc, treo cẩn thận giữa sân. Tiếng máy phát điện kêu rè rè, đoàn chiếu phim tất bật chỉnh máy chiếu, chỉnh âm thanh. Những xìa bánh kẹo, trái cây… được bày bán dọc theo đường dẫn vào sân, tấp nập người mua…
Thuở ấy, hầu hết ở nông thôn không có điện. Những
hoạt động giải trí rất hiếm hoi. Cho nên, lâu lâu đoàn chiếu phim về làng là
đem lại niềm vui lớn cho bà con. Như nắng hạn gặp mưa, xóm làng được thay đổi bầu
không khí, mọi người cảm thấy cuộc sống đỡ nhàm chán hơn. Tôi không nhớ rõ bao
lâu mới có đoàn chiếu phim về làng và cũng không nhớ họ chiếu những loại phim
gì. Chỉ nhớ cảm giác nôn nao vì tụi nhỏ có dịp tụ họp bạn bè, được nhìn những
hình ảnh lạ mắt, được thỏa thích những trò chơi, rượt đuổi nhau đến tận khuya
mà không lo bị ba mẹ la rầy.
Một đêm, trăng nhú chưa khỏi ngọn cây, khoảng đất
giữa sân làng đang tấp nập người lớn, trẻ con nóng lòng chờ đợi những hình ảnh
đầu tiên hiện ra trên màn hình bằng vải trắng. Tôi còn quá nhỏ để biết dằn lòng
náo nức một cách dứt khoát khi quyết định không đến đó xem phim, vui đùa. Tôi đứng
trước hiên nhà, tai lắng nghe tiếng hát tiếng cười từ khu vực chiếu phim chỉ
cách nhà chưa đầy 30 m, lòng cũng tiếc nuối cuộc vui. Nhưng nhà tôi đang có
chuyện buồn; cả nhà đang lăng xăng lo lắng cho ông tôi. Ông đang nằm im trên bộ
ván ngựa trước nhà. Cuối cùng đứa cháu nội chỉ khoảng 6-7 tuổi được ông cưng
chiều đã quên hết những âm thanh cám giỗ ngoài kia, đến ngồi bên ông, rươm rướm
nước mắt.
Ông tôi vẫn mái tóc bạc phơ, đến chòm râu, lông
mày cũng bạc. Gương mặt ông bầu tròn phúc hậu, thời gian đã để lại nhiều nếp
nhăn, nhất là vầng trán, ba nếp sóng lượn nằm song song như nét vẽ tài tình của
họa sĩ. Ông có đôi mắt sáng và ấm áp. Mỗi lần tôi làm nũng với ông, đôi mắt ấy
nhìn tôi như nở nụ cười.
Khi tôi biết nhận diện người thân trong nhà,
ông tôi luôn là sự vỗ về, yêu thương. Không những ông yêu chị em tôi, ông còn
yêu luôn đám trẻ chơi cùng. Chiều chiều ông hay ngồi trên chiếc ghế bố bằng tre
láng bóng để nhìn bọn trẻ chúng tôi chơi lò cò, nhảy dây trước sân nhà. Ông cười
trìu mến và hay cho bọn trẻ chúng tôi vài cắc bạc ăn bánh kẹo. Bộ đồ vải đen với
áo túi ngắn tay và chiếc quần ngắn ngang đầu gối của ông là hình ảnh quen thuộc
trong mắt bọn trẻ chúng tôi. Túi áo ông lúc nào cũng có nhiều bạc cắc. Tôi
không hề thấy ông mua gì ăn, gần như tiền chỉ để dành cho chị em tôi và bọn trẻ.
Ông đã ăn cả đời chán ngán hay ông đang nhường nhịn cho con cháu mau lớn phổng
phao? Tôi không thể hiểu hết. Cái xóm Giữa quê tôi tuy nhỏ, nhưng có nhiều món
ăn vặt hấp dẫn bán suốt ngày; nào là bánh da lợn, bánh tai yến, bánh bò thốt nốt,
bánh tráng chuối nướng, mía ghim, mía khúc, khoai lang, khoai mì, bánh canh,
bánh lọt…Mỗi lần ông ôm tôi vào lòng, thọt tay vào túi là y như rằng tôi có được
ít nhất 5 cắc. Vậy là tôi quên mất ông, ù chạy ra các hàng quán.
Tôi nhớ mãi một buổi trưa vắng lặng, ông nằm
phe phẩy cây quạt mo trên chiếc ghế dựa bằng tre, tôi bò nhẹ nhẹ rồi núp dưới
ghế. Nằm im, tôi chờ ông lim dim đôi mắt. Thấy ông ngủ mê, tôi nhẹ thò tay vào
túi áo ông đang máng nơi đầu ghế mà tim đập liên hồi, tay chân run rẩy. Khi tay
tôi vừa chạm đồng tiền, bất chợt ông gọi “M. à! Ra nội biểu coi”. Chân tay tôi
rụng rời nhưng cũng ráng bò ra khỏi ghế, ngượng ngùng đứng bên ông. Ông đưa tay
ôm tôi vào lòng “Con muốn ăn bánh phải không? Ông cho 5 cắc nè”. Ngơ ngác, tưởng
mình nằm mơ, tôi thở ra nhẹ nhõm, nhoẻn miệng cười, lòng vui như mở hội. Thật
ra lúc ấy tôi chưa biết thế nào là hối lỗi, chỉ biết rất thương ông và từ đó
tôi tự hứa với lòng là không bao giờ trộm tiền ai nữa.
Mùa nước lớn, thỉnh thoảng buổi chiều ông bơi
xuồng chở chị em tôi đi dạo ngoài đồng ruộng, đi hái bông súng, cà na, hoặc chỉ
để ngắm mây trời. Có lần, đến chiều muộn, ông bơi xuồng về, vừa rẽ vào hàng
tre, chị em tôi la khóc, đòi đi nữa. Ông “thương lượng” mãi không được, bỗng
ông té nhào xuống nước mất hút, chị em tôi chới với trên xuồng, khóc thét, gọi
ông. Lúc sau, ông trồi lên khỏi mặt nước, cười khà, chị em tôi mừng húm. Từ đó,
khi đi chơi xuồng cùng ông, chị em tôi không dám cãi lời ông nữa.
Thường ngày, ông hay chặt tre khô làm củi. Tre
tươi ông để chuốt đũa hoặc chuốt khung làm búp sen. Tôi thích ngồi nhìn ông vuốt
tre, đôi tay đồi mồi của ông đưa đẩy cái mác thật nhuần nhuyễn. Từng chiếc đũa
xinh xắn, từng cái khung tre của búp sen được hình thành, từng đống dâm bào mỏng
manh xoắn ốc, có thể tung lên không trung bay lượn. Gần tới tết Trung thu, ông
lại mài mò vuốt tre làm lồng đèn cho chị em tôi. Ngôi sao, ánh trăng, con cá
chép…được ông nắn nót lên khung rồi lụi hụi dán giấy màu. Qua vài ngày, những
ánh đèn được thắp sáng lung linh như tấm lòng ông thắp sáng niềm vui cho các
cháu. Chị em tôi vui mừng cười tít cùng ông, cười cùng chòm râu bạc thân thương!
Trưa nắng bức, ông hay xuống sông tắm mát và
không quên xách lên nhà thùng nước. Ông cởi trần, phơi làn da đồi mồi dưới nắng;
khăn rằn ông quấn cổ, chân đi từng bước chậm chạp từ bến sông lên nấc thang
nhà. Thấy ông già yếu, mẹ hay nói “ Tía tắm trên nhà đi tía, xuống sông chi cho
mệt, nước chứa nhiều trong phuy mà”. Mẹ nói thế chứ ông nào chịu tắm trên nhà,
ông chỉ muốn ngâm mình xuống dòng sông mát lạnh, dòng sông từ thuở thiếu thời
đã trở thành người bạn thân thiết của ông với những đêm câu lưới trên sông để
phụ giúp bữa ăn gia đình. Cuộc đời ông gắn liền với dòng sông ngọt lành, bình dị.
Ông có thể ngồi suốt ngày trên ghế tre trước nhà để ngắm vẻ đẹp dòng sông. Có lẽ
ông yêu lắm những sáng mù sương tỏa khắp bến sông, những trưa yên ả, mặt sông
trong xanh lấp lánh. Trong mắt ông, có nhiều lúc tôi bắt gặp nỗi mênh mông như
chiều nắng nhạt, ông nhìn hun hút theo những chiếc ghe xuôi ngược trên sông, xa
dần, nhỏ bé, không biết nó có chở giùm ông bao ký ức cũ xưa của thời mới đến
đây khai hoang, mở đất…
Nhưng rồi, đến lúc ông cũng không đi tắm sông
được nữa. Ông đành phải tắm sau nhà. Chiều rồi là buổi chiều định mệnh. Ông ra
sau nhà định tắm. Chưa kịp ngồi xuống bậc nhà thì ông ngã quỵ, gục đầu vào
thành phuy nước, bất tỉnh. Cả nhà hô hoán, ẵm ông ra nhà trước; ông nằm im, chỉ
còn hơi thở yếu ớt. Ba mẹ khóc suốt, mời thầy thuốc gần nhà đến khám. Tôi nhỏ
quá nên không hiểu hết sự thật về bệnh tình của ông, đơn giản tôi nghĩ ông bệnh,
nằm im vài hôm sẽ hết. Ông đang trong bộ đồ bà ba trắng bóng, mắt nhắm nghiền,
miệng không còn cười rung chòm râu bạc. Tôi ngồi gần ông một lúc rồi mẹ bảo tôi
đi ra ngoài để thầy thuốc xem mạch cho ông.
Tiếng thoại trong bộ phim chiếu ngoài trời cách
nhà vài chục mét còn văng vẳng, nhưng tâm trí tôi đã không còn để háo hức tiếc
nuối cuộc vui. Ánh trăng cao khỏi ngọn tre, tỏa xuống làng quê thứ ánh sáng dìu
dịu mơ màng. Thoáng chốc, trên đường làng nhỏ trước nhà, lũ lượt người xem chiếu
phim ra về trong tiếng nói cười râm ran cả xóm.
Trăng càng khuya càng sáng tỏ và mọi âm thanh,
tiếng động trong xóm nhỏ cũng im ắng dần. Tôi chùi xuống nằm trên ghế bố của
ông mà nước mắt chảy dài. Từng hình ảnh, từng cử chỉ, lời nói của ông như thước
phim chiếu lại. Cùng lúc đó, ba mẹ và các cô bác, anh chị họ của tôi oà khóc nức
nở, tôi chạy vào gian nhà chính. Mẹ ôm tôi vào lòng khóc ngất. Trên tấm ván ngựa,
ông vẫn nằm im. Khuôn mặt ông tròn đầy như vầng trăng, như vị tiên ông an
nhiên say ngủ; đôi mắt ông đã thật sự khép lại vĩnh viễn mặc cho mọi người gào
khóc.
Nhiều người trong xóm chạy đến. Nhà cửa sáng đèn, người người tất bật. Riêng tôi, tôi chỉ biết đứng lặng trước hiên nhà nhìn mông lung ra bến sông bạc trắng ánh trăng rằm. Trước mắt tôi là nỗi buồn không nói được, vầng trăng bỗng nghẹn ngào, mờ nhạt trong mây...
Tiếng khóc nấc nghẹn của ba mẹ, tiếng người lớn bàn tính việc hậu sự cho ông... Tôi mơ hồ biết rằng từ đây tôi không còn được ông yêu thương, chiều chuộng, không còn được ông cho vài cắc để chạy ra hàng quán trước nhà. Ông còn đâu để ôm tôi vào lòng những khi tôi lầm lỗi. Tình yêu thương, sự bao dung của ông ghi dấu ấn mãi trong tôi, nó hơn cả những điều giáo huấn cao vời.
Ông luôn là ông tiên trong lòng chị em tôi. Sự ra
đi đột ngột của ông để lại trong lòng mọi người bao điều nuối tiếc. Đã hơn nửa
thế kỷ trôi qua, cứ đến đêm rằm tháng 9, tôi hay tìm hỏi vầng trăng “Ông tôi
đang ở đâu? Trăng còn buồn nữa không mà vẫn một màu trắng bạc phai mờ, vẫn cô
đơn giữa bầu trời mông quạnh?”…
Thảo vi
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét