- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Tôi nhớ mãi những lần về ăn cưới ở quê ngoại, đó là những ngày vui vô tận. Vui vì đầu làng cuối xóm trở nên rộn ràng. Một nhà có đám cả xóm lại giúp công. Mọi người gặp nhau nói cười í ới. Tôi thích nhất ngày nhóm họ (trước ngày đãi chính). Ngày này bọn trẻ chúng tôi tha hồ tung tăng chạy nhảy trong khi người lớn lăng xăng, tất bật chuẩn bị mọi thứ. Những cụ già ngồi ở bàn gia tộc giữa nhà, ăn bánh, uống trà, chỉ dẫn con cháu làm việc theo “Bảng phân công” treo trên vách; các cô gái thì đi khắp xóm để mượn dao, thớt, chén, dĩa, ly tách, nồi chảo, mâm, thau; các anh trai tráng chia nhau đi mượn khay trầu rượu, bộ lư đồng, áo dài khăn đóng, bàn ghế; một số người lo che rạp trước sân nhà để làm nơi đãi khách, che rạp phía sau nhà, kê những bộ ván ngựa làm nơi phối cỗ, nấu nướng. Tôi nhớ như in những buồng dừa tươi được hái xuống chất đầy gian bếp cùng với các loại rau củ quả, thịt thà, những tàu dừa, cây chuối… bày la liệt đầy sân. Nhà nào có máy bơm nước thì dùng, không có thì các anh chị khỏe mạnh lo việc gánh nước từ sông lên đổ đầy lu, đầy khạp cho “thợ nấu”. Nói “thợ nấu” chứ thật ra chỉ là những người nấu nướng giỏi trong xóm đến chỉ dẫn.
Buổi
sáng hôm nhóm họ, bọn trẻ chúng tôi quây quần xem các anh thanh niên làm cổng
cưới. Cổng cưới được làm bằng các vật liệu đơn sơ có sẵn ở quê như tàu dừa, cây
chuối, dây đủng đỉnh, giấy màu, dây nơ... Hai cây chuối được trồng xuống đất làm hai cây cột cổng. Tàu dừa được
rọc đôi theo chiều dọc, chặt đi phần lá, chỉ
chừa khoảng 4-5 phân, sau đó óp vào thân cây chuối, uốn cong phần ngọn tạo
dáng hoa văn giữa cổng. Dây đủng đỉnh thắt mặt lưới, trang trí như tấm rèm che;
lá dừa được thắt hình chim phụng, chim công; giấy màu cắt chữ làm bảng VU QUI
hoặc TÂN HÔN và được điểm xuyến thêm những chiếc nơ màu xanh,vàng, đỏ, tím thật
xinh xắn. Tùy theo sự khéo tay của các “nghệ nhân” mà cổng cưới sẽ được trầm trồ
khen ngợi, in dấu ấn nhiều hay ít trong mắt quan khách. Cổng cưới là phần quan
trọng nhất trước sân nhà, góp phần thể hiện sự “ hoành tráng”của đám cưới, nên
bọn trẻ hay túm tụm theo cánh thanh niên, vừa xem các anh làm vừa nghe chuyện
tiếu lâm, góp thêm những tiếng cười nghiêng ngả.
Những
ngày diễn ra đám cưới, công việc tất bật nhưng mọi người không quên lắng tai
nghe những lời ca, tiếng đàn của các nghệ sĩ qua những tuồng cải lương, những
câu vọng cổ mùi mẫn được phát từ máy đĩa than, truyền qua loa bông bí. Âm thanh
vang vọng, rộn rã khắp xóm làng. Niềm vui xoá tan bao vất vả.
Thuở
ấy ở quê, nhà nào có đám tiệc, gia chủ cũng tự tổ chức nấu nướng chứ không có
cơ sở nấu thuê hay nhà hàng đãi khách như bây giờ. Cho nên, họ hàng bà con thôn
xóm phải sắp xếp thời gian qua lại trợ giúp nhau. Đây cũng là dịp để mọi người
gần gũi, sẻ chia, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Rạng
sáng ngày nhóm họ, mọi người đã có mặt đông đủ, tự phân chia công việc mà làm.
Khu nhà bếp, lúc nào cũng nhộn nhịp; thực phẩm mua về bày la liệt, bếp củi, bếp
than rực lửa, mùi thịt kho, thịt khìa bay thơm nức mũi. Những phụ nữ giữ vai
trò chính trong bếp núc, ai cũng nhanh tay, lẹ chân. Miệng nói tay làm. Họ vừa
trao đổi kinh nghiệm trong nấu nướng vừa bàn việc đồng áng, chăn nuôi, việc
giáo dục, học hành của con cái. Tới bữa, cơm canh thơm phức cũng được dọn ra
bàn, mọi người tạm nghỉ tay, tranh thủ vào ăn để rồi làm việc tiếp...
Đêm
nhóm họ, những cô gái mới lớn, từ chiều đã chuẩn bị áo quần tươm tất, được các
mẹ cho tới đám, vừa để giúp việc cho trọn tình nghĩa xóm làng, vừa để học khéo
tay. Bởi người quê xưa rất xem trọng “nữ công gia chánh” của người phụ nữ.
Trong khung cảnh hữu tình của ngày vui, đây cũng là dịp để các chàng trai cô
gái thăm dò ý tứ nhau qua mắt nhìn e ấp.
Dưới
ánh sáng của những chiếc đèn măng - xông, việc chuẩn bị thức ăn, thức uống,
bánh trái để ngày sau đãi họ hàng, khách khứa được các cô gái làm rất tỉ mỉ
theo sự chỉ dẫn của người “thợ nấu”. Khoảng
20 giờ đêm, nồi cháo khuya vừa chín, mọi người xúm xít nhau bên những bàn tiệc thâu đêm. Những bàn cờ tướng
được bày ra, những câu chuyện tiếu lâm được kể, những bài hát vọng cổ, tân nhạc
được cất lên, âm thanh ngọt ngào, thánh thót. Trong màn đêm, bọn trẻ chúng tôi
lại tíu tít cùng trò chơi trốn tìm quanh các ụ rơm, vườn chuối. Tiếng cười trẻ
thơ hòa lẫn tiếng đàn hát rộn ràng, náo nhiệt cả xóm làng…
Khi
tôi thành thiếu nữ, mỗi lần dự đám cưới, tôi biết vị trí của mình là công việc ở
bếp. Tôi thích nhìn những hạt đậu phộng trắng phao vừa mới lột vỏ sau khi ngâm
nước, tôi học cách rang đậu phộng sao cho vàng đều, xắt củ cà rốt theo nhiều kiểu
hoa văn, nhấn hoa củ sắn, tạo hoa cho trái ớt, cọng hành, cắt khô mực thế nào để
khi nhúng nước nóng, miếng mực sẽ cuốn theo chiều có hoa văn, học cách làm bao
quảng cho món canh Cù Lao. Tôi và các cô gái còn học cách ướp thịt khìa nước dừa
sao cho đậm đà, thái da đầu heo làm pate sao cho thật mỏng, cách cuốn chả giò
sao cho chặt tay, gọn đẹp…
Đêm
về khuya, công việc nấu nướng giảm đi, các cô gái tập trung vào phòng để chuẩn
bị quần áo, giày dép, nữ trang, son phấn... cho ngày đi đưa hoặc rước dâu. Cô
nào được chọn vào “vai” này cũng cảm thấy rất vui và hãnh diện. Mẹ tôi hay mua
cho tôi những bộ áo dài duyên dáng, mẹ hay ngắm con gái xinh xinh. Đó là những
ngày đẹp nhất trong đời. Ngày cưới, các nam thanh nữ tú sẽ diện những bộ cánh đẹp
nhất, họ có dịp được quen biết nhau, có khi chỉ qua… ánh mắt; nhưng từ đó biết
đâu trong số họ sẽ có người nên đôi hạnh phúc.
Thời
gian cứ trôi. Tự bao giờ tôi quên đi cái cảm giác náo nức với những trò chơi trốn
tìm, quên những bước chân sáo, những tiếng cười giòn tan trong những đêm nhóm họ
xôn xao. Thay vào đó, chiếc áo dài hoa, chiếc kiềng cổ, đôi bông tai, chút phấn
son hồng... đã tô điểm thêm nét đẹp rạng rỡ cho tôi và những cô thiếu nữ. Những
cô gái thường ở tuổi mới lớn, họ đẹp tự nhiên, chân chất hồn hậu bởi cách trang
điểm giản đơn, tâm hồn trong sáng. Ngoài cô dâu chú rể ra, họ chính là tâm điểm
được mọi người chú ý. Cũng những ngày này, các bà mẹ tha hồ ngắm nghía, chấm chọn
nàng dâu tương lai cho mình.
Ngày
nay, xã hội phát triển vượt bậc, nhiều dịch vụ ra đời; chỉ cần bạn có tiền, việc
tổ chức đám tiệc sẽ được thực hiện một cách chu đáo, sang trọng. Thời gian dài,
cổng cưới ngày xưa đã không còn giữ được nét xưa, các dịch vụ cho thuê cổng cưới
đã thiết kế khung cổng bằng sắt rất tiện lợi, dựng lên nhanh chóng. Cổng được
trang hoàng bằng các loại hoa vải, hoa tươi; chim công, chim phụng làm bằng chất
sốp, sơn màu thật đẹp mắt. Gần đây, một số vùng quê miền Tây Nam bộ, nghệ nhân
đã khôi phục lại cổng cưới bằng chất liệu như xưa với mức độ tinh xảo,lạ mắt,
song vẫn còn rất hiếm.
Xã
hội phát triển, khoảng cách thành thị nông thôn cũng rút ngắn, nên ngày nay dù
đám cưới ở quê, ta cũng khó tìm lại được không khí tất bật, vui vẻ như xưa. Mọi
thứ đều có dịch vụ làm thay, từ cổng rạp, bàn ghế, trang trí nhà cửa, đến nấu
nướng, áo quần cô dâu, chú rể… Do đó, mọi người có thời gian nhiều hơn để chải
chuốt sắc diện, thời trang, hoặc lo công việc khác. Buổi tối hôm nhóm họ, không
còn những chiếc đèn măng - xông chiếu sáng, không còn chiếc loa bông bí hát cải
lương; nồi cháo khuya đôi khi cũng được cơ sở nấu thuê mang đến. Gian bếp trở
nên gọn gàng, vắng vẻ! Song, trước sân nhà thường sẽ có sân khấu sáng đèn, ban
nhạc sôi động; nam nữ thi nhau thể hiện tài năng ca hát.
Xã
hội tiến bộ, cách nghĩ, cách sống người dân quê cũng thay đổi. Sự thay đổi nào
cũng có mặt được, mặt mất của nó. Đó là quy luật. Với tôi, đám cưới quê xưa ở
vùng Tây Nam bộ luôn là ký ức khó quên. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nét đẹp văn
hóa ấy vẫn đáng được trân trọng, là điểm sáng của tình làng nghĩa xóm cần gìn
giữ. Sau này, biết đâu những hồi ức tươi đẹp ấy sẽ trở thành những câu chuyện kể
cho con cháu chúng ta nghe như những câu chuyện cổ tích và để lại trong lòng mọi
người những hoài niệm khó quên!
Tháng 10, năm 2020
Thảo Vi
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét