Cuối Chạp, đất trời như đã ngầm hò hẹn. Ngọn bấc mỏi cánh bay, nhường chỗ cho nắng ấm màu mật ngọt rải khắp không gian, mặt đất trải đầy hoa thơm cỏ đẹp. Ai ai cũng muốn hít thở bầu không khí trong lành để thấy cái cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng xâm chiếm lòng người. Vòng quay của tuế nguyệt hơn nửa thế kỷ qua vẫn thế, vẫn rộn ràng, náo nức mỗi độ chờ xuân.
Ngày xưa, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, vất vả nên Tết đến để được ăn ngon, mặc đẹp, vui chơi thỏa thích là điều mà những đứa trẻ như chúng tôi rất đợi chờ. Ngày ấy, với tôi, mẹ là bà tiên mang mùa xuân đến. Bên mẹ, tôi luôn cảm giác an vui, hạnh phúc, thấy mùa xuân luôn hiện hữu. Bởi rất sớm, mẹ đã chuẩn bị đón Tết cho cả gia đình.
Bấc chưa tới, mẹ đã bắt đầu sắm sửa quần áo mới cho chị em tôi từ khoản tiền bán lá chuối tích cóp được. Bấy giờ chị em tôi vui mừng hớn hở như Tết vừa đến ngõ. Mẹ chăm bón vườn rau, luống đậu. Đậu ván phơi khô, vào hũ để dành Tết nấu la-gu, hầm canh gà; đậu trắng để dành gói bánh tét.
Tầm qua rằm tháng Chạp, mẹ tôi đi chợ mua nào nhang thơm, bùa nêu, bánh ngọt, bánh phồng... để chuẩn bị hai mươi tháng Chạp cúng tảo mộ ông bà, hai ba tháng Chạp cúng đưa ông Táo, tối ba mươi cúng Giao thừa. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, cứ qua ngày cúng đưa ông Táo, ông nội tôi đã lo chuẩn bị cây tre dài khoảng sáu mét, bào chuốt kỹ càng, trên ngọn tre chừa vài nhánh lá, một túi vải đỏ có chứa muối gạo, trầu cau, một lá cờ phướn, bùa nêu. Khi cúng đưa ông Táo xong, ông tôi buộc túi vải, bùa nêu, cờ phướn vào đọt cây tre và dựng cây nêu lên giữa sân nhà. Tuổi thơ tôi rạo rực, chạy nhảy vui đùa quanh cây nêu mà nghe lòng rộn rã mùa xuân. Khi ông tôi và các cụ trong xóm mất rồi, ba tôi và những nhà khác không ai còn giữ tục dựng cây nêu, thay vào đó, bùa nêu, túi muối gạo, cau trầu được treo giữa mái hiên nhà hoặc dưới cột bàn Thông Thiên sau khi cúng Giao thừa.
Qua hai ba tháng Chạp, tôi và mẹ tôi khá vất vả cho việc chuẩn bị "ăn Tết". Nói "ăn Tết" cũng rất đúng, vì ngoài việc sửa sang, trang hoàng nhà cửa, cổng rào, hoa kiểng (phần việc của ba và em trai tôi) còn lại, mẹ và tôi dành toàn bộ thời gian chuẩn bị các món ngon để cúng ông bà và ăn dần trong những ngày Tết. Khi xưa, chợ búa ít bán bánh mứt, thức ăn sẵn như bây giờ, nên hầu hết các thứ do mình làm lấy. Với lại, khi mình tự làm, hương vị món ăn sẽ vừa ý hơn, nhà có không khí Tết hơn.
Từ sau ngày đưa ông Táo, mẹ tôi lên một "lịch làm việc" cụ thể cho tôi và mẹ. Mẹ bày ra ngày làm dưa đầu heo, ngày làm mứt bí đao, mứt khoai lang, ngày làm mứt mãng cầu, mứt dừa… ngày nướng bánh bông lan, ngày gõ bánh phục linh. Đặc biệt, vừa bước qua tháng Chạp thì đã làm dưa kiệu, dưa hành; ngày hai tám Tết thì kho nồi thịt nước dừa, ngày hai chín Tết là ngày gói bánh tét, bánh ít và sáng ngày ba mươi Tết là nấu mâm cơm cúng rước ông bà...
Một tuần trước khi Tết, công việc tất bật nhưng ai cũng cảm thấy vui vẻ, phấn khích, nhất là khi nhìn thấy nhà cửa trang hoàng sáng sủa, đẹp mắt. Trên tường, cuốn lịch mới tinh tươm bên cạnh vài bức tranh xuân. Trên bàn thờ, bộ lư đồng đã được chùi sáng bóng, đĩa ngũ quả và bình hoa tươi thật đẹp. Hai cây cột trước nhà dán đôi liễn màu đỏ thẫm. Giữa nhà là cây mai chưng Tết với nhiều tấm thiệp chúc xuân. Ngoài sân, mai bắt đầu nở rộ, những chậu cúc vàng tươi, vạn thọ thơm ngát. Trên bàn khách giữa nhà, bên cạnh bình hoa hồng, hộp bánh mứt, tôi không quên đặt vài tờ báo xuân. Thế là mùa xuân thật nhẹ nhàng đã về ngự trị trong căn nhà ấm cúng của chúng tôi.
Tôi yêu buổi chiều ngày cuối năm. Tâm tư buồn vui khó tả. Buồn vì sắp sửa chia tay năm cũ, chia tay một tuổi đời, vui vì sắp đón một năm mới với bao ước mơ tốt đẹp. Tôi nhớ, cứ chiều ba mươi Tết, cả xóm nhỏ rộn ràng, nhà ai cũng quét sân láng bóng, màu vàng nâu của đất, màu vàng ươm của những gốc mai, màu sặc sỡ của những chậu hoa kiểng pha lẫn màu cờ nước bay phất phới tạo thành một bức tranh Xuân thật đẹp nơi làng quê êm đềm. Tôi yêu ánh nắng chiều cuối năm yếu ớt dịu hiền, nắng như quyến luyến không muốn rời xa nhưng rồi nắng cũng đành buông tay khỏi đọt tre già.
Tôi rất thích chờ đợi thời khắc Giao thừa như chờ đợi điều gì đó rất thiêng liêng. Tôi cảm nhận được giây phút giao hòa giữa đất trời, nghe được bước chuyển tiếp của thời gian trong không gian thánh thiện. Giao thừa không những là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, nó còn là giây phút ấm áp đoàn tụ gia đình, dịp để con cháu tỏ lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, hiếu thảo cùng cha mẹ, là thời khắc mọi người cùng có niềm tin vào những ước mơ tốt đẹp tương lai, là dịp để tình thân bạn bè, xóm giềng gắn kết, thăm viếng, chúc mừng nhau.
Vừa chập tối ngày ba mươi Tết, mẹ tôi đã chuẩn bị bàn hương án trước nhà với đầy đủ nhang thơm, bùa nêu, hoa quả, bánh mứt, muối gạo… để chờ đón Giao thừa. Năm nào cũng thế, ngoài những thứ trên, mẹ tôi nhất định phải cúng món bánh phồng làm bằng gạo nếp. Bánh phồng phải được nướng bằng loại lửa cháy bùng thật to thì bánh mới ngon. Khoảng 11g30 phút, sau khi lau quét nhà cửa lần cuối cho thật sạch (vì mùng 1 Tết, theo tục lệ ông bà là không được quét nhà, quét sân), mẹ tôi đem giấu tất cả cây chổi trong nhà. Sau đó, tôi náo nức cùng mẹ ra sau hè, gom lá còng, lá tre thành đống. Mẹ quẹt diêm đốt lá, ngọn lửa bùng lên; tay mẹ cầm cập gắp bằng tre, đưa bánh phồng lên ngọn lửa, thoan thoát đảo đều. Bánh nướng xong nở to, có màu vàng nhạt thật đều, không chỗ sống, chỗ khét. Để bánh vào miệng, bánh sẽ giòn tan cùng mùi thơm ngọt lịm của nếp.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, cả nhà tôi, xóm nhỏ tôi ai cũng hân hoan mong đợi giây phút thiêng liêng Giao thừa. Lúc tôi còn nhỏ, chưa tới thời khắc Giao thừa, pháo đã nổ đì đẹt khắp nơi. Tới thời điểm Giao thừa, tiếng pháo càng dập dồn vang cả đất trời. Thuở ấy, nghe tiếng pháo, chị em tôi rất vui nhưng cũng rất sợ, tôi hay trốn quanh bên mẹ. Tiếng pháo nổ như thúc giục năm mới ùa về, như những lời chúc mừng vui vẻ. Sau này, do lợi ít, hại nhiều nên nhà nước chủ trương không đốt pháo mừng xuân mà thay vào đó là tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ, tiếng trống trường (nếu có)...
Tôi nhớ lắm, năm nào cũng thế, giây phút năm mới vừa bước qua, ông bạn thân của ba tôi là người đầu tiên đến xông nhà. Chú là người vui tính, đi đến đâu tiếng cười vang đến đó. Chú đến nhà với tờ lịch ngày có con số 1 thật to. Chú vừa vào nhà là dán ngay con số 1 lên cột nhà tôi cùng lời chúc mừng năm mới. Chú ấy lại tên "Lân" nên khi chú đến chúc mừng đầu năm là điều cả nhà tôi rất vui.
Kể từ giây phút Giao thừa, mùa xuân về thật ngọt ngào trong tâm hồn mọi người. Những ngày xuân luôn rộn ràng tiếng pháo, tiếng trống múa lân, vàng mai khắp lối. Mọi người tận hưởng những ngày xuân nhàn nhã sau một năm vất vả. Ai ai cũng thích du xuân, đi mừng tuổi ông bà, cha mẹ; đi chùa bái Phật cầu phúc lành năm mới, đi thăm viếng thầy cô, bạn bè chúc tụng nhau. Và tôi cảm nhận được mùa xuân như tác giả trẻ Vĩnh Thông đã viết: “Tết Việt tồn tại phải chăng vì có một thứ tạm gọi là “cảm thức thiêng”, điều không thể tạo ra một cách duy ý chí…”.
Nửa thế kỷ đã qua, không hiểu sao tôi vẫn nhớ, vẫn thích những ngày chờ xuân vui vẻ ấy. Có lẽ, sự chờ đợi đôi khi cũng làm người ta thấy nao nao hạnh phúc! Tôi luôn tin rằng, nét văn hóa đón xuân đậm màu sắc dân tộc sẽ mãi mãi được giữ gìn và phát huy trong mọi hoạt động của người dân nước Việt.
Sau này lớn lên, tôi cũng hiểu không phải ai cũng có những mùa xuân vui vẻ, đủ đầy như tôi. Cuộc sống còn nhiều nỗi bất hạnh, nhất là những ai không có nổi một mái ấm gia đình, những ai còn nặng nợ áo cơm. Với họ, xuân về lại là nỗi cô đơn đến tận cùng, nỗi lo lắng, nỗi buồn nặng trĩu... Tôi luôn ước mong xã hội ngày thêm nhiều những tấm lòng thơm thảo, ngày bớt đi những cảnh đời bất hạnh, gian truân để người người có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống, nhiều tiếng cười rộn ràng mỗi độ chờ xuân!
THẢO VI
–––––––––
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ 21
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào mục lục <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét