- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Mẹ đọc và viết được chữ Quốc ngữ dù mẹ chưa một
ngày đến trường. Lớp học của mẹ là tấm vách buồng, mẹ học lóm từ cậu 8 qua lời
giảng dạy của ông ngoại. Dù kiến thức mẹ hạn chế, nhưng với tôi, tâm hồn mẹ, những
điều tốt đẹp từ mẹ là cả một kho báu vô tận mà đến ngày mẹ rời xa tôi (năm tôi
19 tuổi), tôi vẫn chưa “học" hết.
Khi bắt đầu nhận thức về mẹ, hình ảnh mẹ gầy
gò, mong manh do bệnh tình gặm nhấm đã in sâu vào trí nhớ của tôi. Cái dáng nhỏ
liêu xiêu ấy là cả một dòng sông, con suối ngọt ngào tắm mát hồn tôi suốt thời
thơ ấu.
Dù bốn mùa mẹ ít khi khỏe hẳn, nhưng bù lại, mẹ
là người đàn bà hạnh phúc. Ngoài thời gian đi làm kiếm tiền nuôi sống gia đình,
thời gian còn lại trong ngày, ba tôi dành hết để yêu thương, chăm sóc mẹ. Tôi rất
sợ những hôm đi học về, nhà vắng lặng, mâm cơm nguội lạnh trên bàn, ba ngồi bó
gối góc nhà, buồn hiu. Mẹ bệnh! Lúc ấy tôi thèm được nghe tiếng nói cười, tiếng
gọi “mình ơi” từ ba mẹ, thèm không khí rộn ràng như tết khi nhìn mẹ bày ra làm
nhiều loại bánh mứt, xôi chè và những bữa cơm tươm tất cho gia đình.
Mẹ rất ít nói, mẹ không biết dùng từ hoa mỹ để
lấy lòng ai, nhưng cách cư xử, lòng nhân ái của mẹ đã chiếm trọn cảm tình của
người thân, họ hàng và bà con thôn xóm. Ai tiếp xúc mẹ một lần cũng cảm nhận được
nét hiền từ toát ra từ vầng trán rộng và đôi mắt to buồn.
Mẹ không những gìn giữ được mái ấm gia đình, mẹ
còn cưu mang cả những người cháu họ của ba đến ở nhờ khi họ làm ăn thất bại.
Chái bếp mẹ ngồi, cơm sôi hai buổi, lòng mẹ
cũng toả ấm ân tình với những người hàng xóm thiếu gạo, thiếu tiền tìm đến mẹ.
Dù ít nhiều, mẹ vẫn chia sẻ. Mẹ nói giúp người ta khi hoạn nạn, mẹ thấy rất
vui. Mẹ giúp người vì thương người và mẹ hy vọng, khi không còn mẹ trên đời thì
người khác sẽ giúp lại con. Suy nghĩ giản đơn ấy của mẹ đến bây giờ giờ
tôi mới thấm thía.
Dù hơn nửa thế kỷ qua, tôi vẫn không quên vườn
chuối hột sau nhà của mẹ. Đây là vườn chuối mẹ thường xuyên bán lá, để dành tiền
may áo mới cho chị em tôi. Phía sau vườn chuối là khoảnh đất rộng, mẹ trồng
các loại rau đậu cho bữa cơm gia đình. Mỗi ngày, sáng chiều, tôi rất thích theo
mẹ ra tưới nước và hái trái. Từ khoảnh đất này có con đường mòn quanh những bụi
tre dẫn ra xóm nhà sau hè. Xóm nhà này đa số dân nghèo, mưu sinh bằng nghề bán
cơm rượu. Xóm nhà sau hè cách dãy nhà đường lộ chính bởi khoảng đất vườn hoặc
những hàng tre.
Tôi thích lang thang chơi cùng bạn bè dưới bóng
mát hàng tre. Có khi chúng tôi dựng lều chơi nhà chòi suốt buổi trưa. Những bụi
tre sầm uất sau nhà là tâm huyết của ông nội tôi. Ông không bao giờ cho ai đốn
măng tre để ăn hay bán. Ông bảo ăn măng tre tội lắm. Ông chỉ nói thế, tôi cũng
chỉ hiểu có thế. Và những bụi tre cứ thế mà lớn sum suê, trở thành những người
bạn thân thiết của gia đình tôi.
Ông tôi dưỡng từng mục măng tre và
mong chúng mau lớn. Một mục măng tre mới nhú lên là niềm vui của ông thêm
chút. Thế nhưng, thỉnh thoảng, ông buồn hiu khi ra thăm những bụi tre. Lúc đó,
tôi biết măng tre đã bị "kẻ xấu" trộm rồi!
Một buổi trưa, mẹ có dịp đi ra xóm nhà sau hè
và chị em tôi cũng được đi cùng. Đang đi trên con đường mòn, không hiểu sao mẹ
lại dẫn chúng tôi rẽ phải, đi qua con đường khu nghĩa địa, khó đi. Sau khi thăm
người bà con, mẹ dẫn chị em tôi về theo con đường mòn cũ. Tôi không quan tâm vì
sao lần này mẹ lại dẫn chúng tôi đi như thế. Đến chiều tôi mới nghe mẹ nói với
ba. Thì ra, khi ba mẹ con đi ra đồng, từ xa mẹ đã nhìn thấy có người đang lui
cui đốn măng tre, người đó là chú Đ. Chú này bị bệnh phong cùi, gia đình
nghèo, vợ buôn bán tần tảo nhưng không đủ nuôi con. Gia đình này là một trong
những gia đình ba mẹ hay giúp đỡ. Thế mà hôm nay, ba mẹ mới biết người trộm
măng tre là chú. Sau đó ít lâu, em trai tôi chạy chơi ngoài hàng tre, bắt gặp một
mục măng lớn ai để tại gốc tre. Mẹ tôi hiểu ngay. Mẹ bảo em tôi đem mục măng ra
để y chỗ cũ vì theo mẹ, nếu mình lấy mục măng này, có thể con chú ấy sẽ không
trọn bữa cơm no. Ngày ấy, tôi vô tư không hề có suy nghĩ gì về hành
động của mẹ. Nhưng lớn lên, nhất là khi mẹ mất, xóm giềng cũng bùi ngùi thương
tiếc, hay nhắc nhở những đức tính cao đẹp của mẹ, từ đó tôi mới nghiệm ra.
Mẹ tôi, người đàn bà hiền hậu, thật thà, chất
phác như trái bầu trái bí mẹ trồng, nhưng với tôi, mẹ là niềm tự hào lớn
lao! Mẹ đã mất từ rất lâu nhưng mỗi lần về quê, có dịp tiếp xúc với những
người lớn tuổi trong xóm, họ lại nhắc nhớ mẹ tôi với niềm kính mến. Họ kể tôi
nghe những tình cảm mẹ dành cho họ mà tôi chưa từng biết. Ai đau ốm mẹ
cũng đến thăm, ai nghèo khổ mẹ cũng cho tiền, cho gạo. Thím hai ngang nhà bảo
khi thím mang thai, mẹ hay đem hột gà (nhà nuôi) đến cho thím để bồi dưỡng... Những cử chỉ tuy nhỏ của mẹ nhưng đã tạo nên tình nghĩa xóm làng quý báu trong
lòng mọi người…
Với tôi, mẹ luôn tồn tại trong tâm hồn. Mẹ là sự
dịu dàng, đằm thắm. Lòng thương người của mẹ bao la, vô điều kiện. Nhân phẩm của
mẹ không đo đếm bằng trình độ học vấn, địa vị xã hội mà nó được nâng cao bởi
tính cách, bởi cái tâm trong suốt. Mẹ luôn là nguồn sáng, niềm tự hào mãi mãi
trong lòng chị em tôi!
Thảo Vi
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét