- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Khi hoa mai, hoa đào bắt
đầu điểm lác đác vài nụ là mùa xuân đã về! Lòng người phơi phới sau một năm bề
bộn nhưng vui nhất có lẽ là trẻ thơ và là thời thơ ấu của chúng ta mà ai cũng
đã từng qua.
Sau 23 tháng chạp lễ đưa
ông táo về trời là thấy không khí tết đã dịch chuyển tới rất gần. Nhà nhà lo
sơn sửa trang trí lại cho tươm tất. Các chậu bông được bưng từ chợ hoa về sắp
trước hiên nhà để khoe sắc cùng với cây mai vàng. Cây mai có lẽ được trồng từ
nhiều năm trước, khi tôi sinh ra đã thấy chúng đứng đó im lìm thong thả chờ mỗi
năm chỉ có một lần nở hoa. Trước đó cả tuần ông nội tôi đã trảy lá để canh cho
mai nở đúng vào dịp tết.
Cảm giác chờ tết của con
bé con 5 tuổi là tôi, qua mỗi ngày xé một tờ lịch là tết xích lại gần thêm chút
nữa. Nôn nào chờ ngày tết.
Và chỉ khi nào mặc đồ
mới thì tết mới thực sự ùa vào nhà mình. Thật hân hoan trong bộ quần áo mới vui
sướng thấy mình có vẻ lớn thêm chút nữa. Dù bộ áo quần có khi bị dài tay có khi
hơi bị rộng nhưng bà tôi bảo:
- Không sao! Ít bữa nữa
sẽ chật ngắn cũn cỡn chừ đó! “Con nít may ra mụ tra may vào” mà!
Còn tôi kệ! Dài rộng
không quan trọng miễn đồ mới là đẹp rồi!
Ngày tết tôi được theo
người thân đi thăm họ hàng nội ngoại, đi chơi đây đó, được ăn các món ngon ơi
là ngon với đủ thứ mứt bánh các loại, phong phú. Đến nỗi đi nhà nào cũng bày
dọn la liệt, gặp ai cũng nở nụ cười tươi rói, niềm nở tay bắt mặt mừng. Mọi
người chào nhau năm mới, chúc sức khỏe, an lành và những điều tốt đẹp đến với
mọi nhà. Nhìn ai cũng thấy tươi hơn ngày thường. Tết người lớn cũng diện lắm
nha chứ không phải chỉ trẻ em đâu. Ông nội tôi bình thường chỉ mặc bộ áo thâm
mà tết cũng lấy bộ áo dài khăn đóng bằng gấm có bông chữ thọ màu xanh rin ra
mặc. Ông bảo tôi:
- Đợi ông mặc bộ đồ vía
rồi bé con đi thắp hương trên mộ ông bà cố với ông nghe!
Tôi vui vẻ lon ton đi
cùng ông. Ông nội tôi cao 1m7 đi một bước, tôi phải chạy ba bước mới kịp nhưng
vui, cứ lúc thúc theo sau lủn củn như nụ nấm. Có lẽ nhờ vậy tôi tập cái tánh
nhanh nhẹn sau này. Bà nội và ba mẹ tôi cũng vậy, tết cũng soạn đồ đẹp ra mặc,
phụ nữ thì có kèm theo trang điểm kỹ hơn ngày thường đi làm. Vì vậy tết tôi thấy
dường như mọi người đều đẹp hơn lên!
Tết là bàn thờ tổ tiên
được gia đình chú trọng nhiều nhất. Từ rằm tháng chạp, bộ lư đồng đã được đánh
bóng. Màu đồng xỉn và cũ được thay bằng màu vàng sáng loáng mới keng. Các bức
ảnh của tổ tiên và những người đã khuất được đặt trong các khung ảnh cẩn xà cừ
và phủ khăn lụa điều phía sau. Bên cạnh có hai bình bông và các quả bồng đơm
chuối và các loại trái cây khác. Tết mua gì thì mua chứ nhất định phải có nải
chuối thật đẹp với dãy trái đều tăm tắp, có thế đẹp, trái cong dựng lên, còn
tươi xanh. Trên nải chuối có thể đặt một trái thanh long to, màu hường hay trái
bưởi dựng lên cho quả bồng thêm đẹp. Kế đó đặt khay ngủ quả có mảng cầu, dừa,
đu đủ và xoài… bông đơm có thể hoa ly vàng, lay ơn đỏ, hoa cúc đại đóa màu vàng
tươi. Bày dọn tiếp theo là hai tầng bánh cộ (bánh in) gói trong giấy kính đủ
màu sắc xây thành hình tháp có buộc nơ ruy băng trông có duyên. Những bình cúc
vàng, cúc họa mi hay vạn thọ thường đơm ở am, bếp và cúng ngoài sân kèm theo
vàng mã nhang đèn ở chiều 30 tết hay giao thừa…
Đi chợ tết cũng là một
thú vui như đi hội. Bình thường chợ đã tấp nập người mua kẻ bán rồi nhưng mà
chợ tết tính từ rằm trở đi thì người đâu mà đông vậy không biết, cứ chộn rộn cả
lên. Kẻ bán người mua đông gấp bội so với ngày thường. Nhất là các dãy bán trái
cây, chuối cúng, các loại hoa bày ra đầy cả lối đi, tràn ra cả ngoài đường, các
lối dẫn vào chợ. Các dãy bán nem chả, cau trầu, gà vịt làm sẵn cũng nhiều hơn
mọi khi.
Từ khoảng 27-28 tháng
chạp tết là đã gói bánh chưng, bánh tét. Bà nội tôi ngâm nếp và làm nhụy bánh
bằng đậu xanh và thịt trước, sẵn cho ông gói bánh. Ông tôi gói bánh tét và bánh
chưng rất đẹp. Không cần khuôn mà cứ đều tăm tắp, gọn gàng. Lúc gói không quá
chặt tay cũng không quá lỏng tay. Mọi thao tác cứ như lập trình vừa phải. Rồi
ông buộc dây lạt giang ràng rịt ngang dọc, có dây xách. Hình như có sự thỏa
thuận ngầm hay sao mà bánh chưng bánh tét là do ông tôi gói còn làm các loại
bánh ít lá gai, bèo nậm lọc, nấu cơm cộ, xôi, chè trôi nước… là do bà nội và mẹ
tôi đảm nhận. Bắc cái nồi bự nấu bánh bằng củi ngoài vườn. Việc nấu bánh tét,
bánh chưng phải thức nguyên một đêm. Trẻ con trong nhà được ngủ khì còn người
lớn thay nhau canh củi lửa và chêm thêm nước. Đến gần sáng thì vớt bánh. Ông tôi
bảo nấu kỹ vậy bánh mới chín mềm và để được lâu. Khi vớt bánh bao giờ cũng có
vài cái dành cho trẻ con! Cảm giác mới bảnh mắt ra được gọi ra xem ông vớt bánh
và được mỗi đứa một cái bánh nhỏ, có dây đeo tòng teng nóng hổi thơm nức mùi
nếp, múi lá chuối, lá dong. Sung sướng lắm! Chưa ăn vội đâu mà phải xách chạy
khoe một vòng trong xóm xem mấy đứa khác đã có bánh như mình chưa! Đứa nào chưa
có là nó quay vào nhà hối ba mẹ nó:
- Mẹ coi con Bắp có bánh
rồi mà nhà mình chưa gói nè, con không chịu đâu, mạ lo gói đi!
Rồi thì chúng tôi tụm
năm tụm ba chia bánh ăn kèm theo lời dặn:
-Tau cho mi ăn trước mai
mốt bánh mi chín nhớ chia tau với hấy!
Chiều 30 tết gọi là lễ
rước ông bà tổ tiên về ăn tết. Bà và mẹ tôi đã làm hai mâm cơm cộ có xôi gà và
các loại thức ăn kho nấu khác. Ngoài ra còn làm thêm một số loại bánh như bánh
thuẫn, bánh đậu xanh như hình các loại trái cây như trái cà chua, trái ớt, trái
khế, trái thơm rất nghệ thuật và có tính thẩm mỹ giống y chang trái cây, nhìn
không khác chút nào. Chỉ khi cắn vào mới biết vị ngọt bùi đậu xanh, đường và
thêm phụ gia. Cúng ngày 30 tết ông nội tôi áo dài khăn đóng kính cẩn thắp hương
rồi lầm rầm khấn vái như nói điều gì đó với tiền nhân và cầu mong ơn trên phù
hộ bình yên đến với mọi người. Mùi hương trầm phảng phất dịu nhẹ gợi cảm giác
như đang được đón ông bà tổ tiên trở về trong hương trầm nghi ngút. Không khí
trong nhà dường như ấm cúng hơn! Ngoài sân có một mâm cúng ngoài trời cho các
cô cậu ngoại cảnh và những vong hồn thổ cư hay vãng lai.
Đến 11 h 30 đêm 30 là
mâm cỗ giao thừa đã được bày dọn xong gồm mâm ngũ quả và các loại mứt bánh,
bình bông cúc vàng cùng với nhang đèn, vàng mã… Tôi còn nhớ như in tiếng pháo
giòn tan nối tiếp nhau trong xóm nổ đì đùng chào đón giao thừa. Sau này âm
thanh đó không còn nữa! Do đã bị cấm để khỏi lãng phí và an toàn cho trẻ con.
Tôi còn nhớ có mấy đứa nghịch ngợm thường đi lượm pháo điếc, giấu người lớn rồi
ra vườn dồn lại một cục cho nổ có khi nổ toạc cả tay. Sau tết có đứa bỗng thiếu
đi nửa ngón tay tiếc ơi là tiếc. Sau này dù không có pháo vẫn làm nên hương vị
tết bởi còn nhiều thứ khác đem đến cho ta niềm vui. Nhà nào cũng chưng đèn thắp
hương xông trầm cúng cấp thơm cả một vùng.
Ngày thường khoảng 9 h
tối là tôi đã lăn ra ngủ một mạch cho tới sáng. Nhưng đêm giao thừa tự nhiên
không buồn ngủ tý nào mà cảm giác háo hức lâng lâng một niềm vui khó tả. Sắp
đến 6 tuổi, cái răng cửa lay lay đôi chút chuẩn bị thay nhưng cố giữ ra tết,
chứ đi chơi tết mà sún răng thì bị quở, tụi bạn cười chết. Rút kinh nghiệm tuần
trước thằng Tèo con dì Ba thay răng, khi đi ăn chạp. Ai nói gì hay nó cũng cố
không cười. Lỡ cười thì đưa tay che miệng lại vậy mà cậu Út vẫn phát hiện ra
hỏi:
- Tèo hàng tiền đạo của
mi mất mô một đứa rồi rứa?
Nó ỏn ẻn: - Cậu kệ con!
Bắp nghĩ bụng: sang năm
đi học! Tuổi bắt đầu thay răng sữa, đứa nào mà chẳng sún, nên khi trong lớp
nhiều đứa sún thì khỏi đứa nào cười đứa nào. Còn chừ là tết mọi thứ đều phải
ổn!
Sáng mùng 1 Tết, nhờ
người xông đất hợp tuổi. Trong xóm có ông chú tốt bụng, ông tôi thường dặn chú
qua sớm để đạp đất giùm. Mùng 1 Tết lúc cả nhà xuất hành cũng phải xem hướng
nào hợp tuổi gì để năm mới mọi việc hanh thông may mắn!
…
Mới đó mà mấy mươi mùa
xuân đã trôi qua với những cái tết thật đầm ấm ở quê nhà. Thời thơ ấu đã lùi
vào dĩ vãng. Giờ đây, để phù hợp với nhịp sống thời hiện đại mọi thứ cũng thay
đổi theo, không khí tết xưa cũng phôi phai ít nhiều nhưng cứ mỗi độ xuân về
lòng tôi lại nao nao hoài niệm về những cái tết đã xa nhưng nó vẫn còn nguyên
trong ký ức.
Ngược dòng kỷ niệm - lòng chất chứa nhớ nhung!
Hoàng Thị Bích Hà
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét