- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Khi tiết trời se se lạnh, nắng vàng lung linh rải khắp cánh đồng Thạch não nội, mùi hương của lúa mới quyện trong gió sớm. Đó là dấu hiệu xuân về, tết đến ở quê tôi.
Tểt trong nỗi nhớ của tôi không chỉ bánh
tét, bánh khô, mai vàng rực rỡ... mà một niềm day dứt, khắc khoải về tết xưa của
quê nhà. Hồi ây, quê tôi nghèo lắm. Cuộc sống của bà con trong làng chủ yếu dựa vào hai vụ lúa
tháng ba, tháng tám năng suất bấp bênh. Nhưng với quan niệm “đói ngày tết, hết
ngày mùa”, cho nên tết đến, nhà nhà đều chuẩn bị khá chu đáo.
Đầu tháng chạp hương xuân dịu ngọt bắt đầu
loang toả. Cảnh vật khoác lên mình sức sống mới, sau những ngày đông lê thê, lạnh giá. Sân nhà một màu
xanh mơn mỡn của cải, ngò, xà lách, tần ô... tiếng lụp cụp đánh trối tre (cạy trối) góp phần
tạo cảnh quê thêm xinh xắn, rộn ràng. Trối
lấy xong bổ làm đôi, làm tư rải đầy mặt sân. Đây là nguồn chất đốt chủ lục dùng
để nấu nướng phục vụ trong những ngày xuân về tết đến của quê tôi ngày đó.
Bắt đầu từ ngày 20 tháng chạp, các mẹ,
các chị bận rộn tiu tít nào: bánh khô, tổ, nổ, in... Áp tết, anh chị em tôi ngồi
quây quần nồi bánh tét, bên ánh lửa bập bùng. Củi trối tre nổ lách tách nghe êm
tai, nồi bánh sôi sùng sục, mùi thơm của lúa nếp hương theo làn khói loang tỏa,
tạo nên một không gian ấm cúng, sum vầy.
Chiều cuối năm, theo cha chăm sóc cây
thuốc lá (giống cây truyền thống của quê tôi) đó đây pháo nổ đì đùng là lòng
tôi non nao khó tả. Bến Thờ Bà, các thôn
nữ kĩu kịt đôi thùng nước trong xanh men theo con đưòng đất ngoằn ngoèo rợp bóng
tre xanh tựa hồ như một bức tranh quê dân dã yên bình. Đêm 30, cả nhà chờ đón
giao thừa. Đến giờ trừ tịch, bàn hương án trang nghiêm, hương nhang phảng phất,
cha tôi cung kính cầu xin ông bà,tổ tiên độ trì một năm mới an lành,cháu con
học hành tấn tới. Anh chị em tôi tự giác soạn vở viết để khai bút đầu năm. Thực
hư việc làm này như thế nào thì tôi không rõ nhưng đối với cha là việc cần phải
làm trong thời khắc thiêng liêng này với các con đang ngồi ghế nhà trường.
Sáng Mồng một, từng hồi chiêng, trống của
các nhà từ đường tộc họ vang vọng như thầm nhắc cháu con nhớ về nguồn
cội. Phía Miếu Bà trống hội bài chòi từng hồi thúc giục cùng lời hô ngân nga,
trầm bổng góp phần tạo cho ngày đầu năm của quê nghèo thêm tươi vui, rộn rã. Các
cụ cao niên áo dài, khăn đóng chỉnh tề cùng con cháu đến dâng hương tại nhà từ đưòng
và viếng mộ tổ tiên. Còn bọn trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, chân mang dép
lê, guốc mộc thả bước trên đưòng làng trong tiết trời đầu năm trong trẽo, mát
lành. Nhóm trẻ xóm Đông Bình chúng tôi rủ
nhau cúng bái những phần mộ vô chủ. Sau phần lễ, ngồi quây quần trên thảm cỏ còn
đẫm sưong xuân thưỏng thức đặc sản quê
nhà, trò chuyện râm ran. Mồng ba tết, tôi
theo mẹ về quê ngoại. Mẹ lấy chồng xa nên
một năm vào dịp tết mới dẫn các con về thăm nhà một lần. Tôi được các cậu, các
dì mừng tuổi với những phong bao lì xì đỏ rực.
Mới
đó mà hồn cốt tết xưa êm đềm thơ mộng của tôi ngày nào đã khuất chìm trong khói
bụi thời gian đã hàng chục năm rồi. Làng Thanh Quýt yêu thương nay đã khoác lên
màu áo đô thị, cuộc sống đổi thay nhiều. Mà sao trong tôi mỗi độ mai vàng bung
cánh, lòng cứ bâng khuâng, nghĩ ngợi với bao hoài niệm thương nhớ tết cũ quê
nghèo của thời tuổi dại vô ưu. -
Hữu Dũng
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét