- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Từ hồi còn bé, dì đã luôn là thần tượng của tôi, dì là dì út trong nhà, chỉ chênh lệch tôi độ năm sáu tuổi nên nhiều lúc chúng tôi nói chuyện thân thiết như những người bạn. Dì từ nhỏ đã học rất giỏi, nếu như các dì cậu đều dừng việc học từ rất sớm thì mỗi dì vẫn kiên trì với việc học dù vất vả như thế nào. Nhà ngoại nghèo nên hầu khi còn ờ quê dì được tiếp tục học cũng vì học bổng, lớn lên dần khi nhà không có tiền đóng học phí, dì thi vào ngành sư phạm để được miễn giảm và thậm chí còn đi làm thêm trên phố để trang trải. Vì nhà ngoại không ủng hộ dì học cao thêm nên ngày dì lên phố học, ông ngoại đã giận đến mức từ mặt dì, cứ thế dì đi biền biệt không trở về đến năm hai nhăm tuổi.
Ngày dì về quê cũng vì lấy chồng. Dượng không phải người
dì yêu nhưng là người đã giúp ngoại vượt qua nhiều khó khăn trong mấy năm dì
bươn chải nơi xứ người. Nhà ngoại mang ơn dượng, và dượng yêu dì từ trước... Dượng
không ép dì như
cách những người đàn ông gia trưởng trói buộc người phụ nữ
của mình. Khi mới lấy dì về, biết dì vẫn còn đang dang dở với chương trình học
thạc sĩ trên phố, dượng đã thay dì đứng ra xin ngoại cho dì lên phố tiếp tục học.
Nhưng sơ suất của dượng là dượng không biết dì đang định giấu chuyện đó, định
trốn lên phố vờ đi làm để học, ngoại nổi giận lôi đình cấm tiệt dì không được
bước chân ra khỏi xóm. Dì không còn nông nổi như trước vì ngoại tuổi đã cao, dễ
đột quỵ, nhưng cũng chính bởi vì thế mà vô tình dượng vì lòng tốt mà đã làm dì
ghét dượng.
Chí hướng của dì không phải ở thôn quê vốn yên tĩnh nhưng
sợi dây cuộc đời lại trói buộc dì với thân phận của một phụ nữ làm nông bươn chải
với đồng ruộng. Sau lần đó, dường như thấy mình có lỗi, dượng vẫn luôn dành hết
làm mọi việc trong nhà, đầu tắt mặt tối với con trâu, cái cày, dù làm về muộn vẫn
luôn dành phần nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, nhưng vì nhà ngoại tôi và nhà dì dượng
cách nhau có giậu mồng tơi, “sự yêu thương” của dượng làm ông ngoại tôi phải đứng
bên này giậu mà mắng:
- Con gái lấy chồng mà lại để chồng làm hết việc nhà. Ba
không nhớ ba dạy con đạo làm vợ là như vậy. Thằng Ca đã đi làm tối ngày.
Vô tình, lại thêm việc khiến dì ghét dượng. Dù việc học
thạc sĩ bị bỏ dở, làm hết sức để bảo lưu nhưng cũng không biết đến khi nào mới
thoát khỏi xóm làng. Dì vẫn hay nói với tôi:
- Dì chỉ sợ càng để lâu kiến thức càng mai một, đến khi nếu
có cơ hội học lại sẽ quên tất cả.
Dì nói với giọng trầm buồn và cũng vì thế dì vẫn hay qua
nhà tôi chơi, thi thoảng cầm lên đọc lại những quyển sách mà một cô sinh viên
như tôi vẫn có, lại có khi dạy tôi vài kiến thức vì chuyên ngành tôi đang học
đúng với chuyên ngành mà nếu tiếp tục được học tiếp dì sẽ theo. Nhưng tính ngoại
tôi khá cương quyết, khi biết dì vẫn còn lân la liên quan đến việc học thậm chí
còn cấm tiệt tôi cho dì đọc sách, còn dọa đuổi tôi ra khỏi nhà... Đêm ấy là một
ngày trăng lên, cả buổi tối dượng cứ lấm la lấm lét chờ dì nấu cơm dọn dẹp rửa
ráy xong thì bò lên tấm phản nơi dì đang ngồi khâu lại tấm áo.
- Mình, mình ơi.
- Chuyện gì?
- Tôi có quà cho mình này...
Dượng lấy ra một cái bọc đen, bên trong là tầm năm sáu
quyển sách khá dày, được gói khá kỹ dưới một lớp giấy có dính tí rơm. Bằng bộ dạng
có hơi ngại ngùng dượng nhẹ nhàng:
- Tôi có hỏi cháu mình thích sách gì, nó bảo kế toán tài
chính, tài phụ gì gì đó, hôm nay tôi có đánh cộ lên phố, có tạt vào nhà sách nhờ
người lựa vài cuốn...
Dì cảm thấy cuộc nói chuyện ngày hôm đó đã có người nghe
được, trong số sách có cả những cuốn không liên quan mà có lẽ dượng không phân
biệt được, chỉ đơn giản là có gì sẽ mua về cho dì tất. Nhưng dù thế, được ít
hôm dù đã giấu kỹ nhưng có bận ngoại qua lúc dì đang đọc sách nấu cơm thì lại
đem tất cả ra đốt hết...
Những năm sau đó dì gần như an phận với cuộc đời làm vợ,
nhưng dì cũng trở nên thinh lặng hơn. Chung quy, chí hướng của dì không phải an
phận nơi bếp núc mà chỉ muốn học cao học xa để mở mang kiến thức thay đổi cuộc
đời. Dì bỏ cuộc nhưng dượng thì không, những khi rảnh rỗi dượng vẫn lén chở dì
lên trên nhà sách trong trấn đọc “cọp”, lại có khi nói với ngoại chở dì đi chơi
“hâm nóng tình cảm” nhưng lại chở qua nhà tôi, hai dì cháu lại thao thao bất
tuyệt về chuyên ngành của mình còn dượng ở bên ngoài canh ngoại... Bù lại, dì
cũng vô cùng tôn trọng dượng, theo như dì nói khi đồng ý về lấy dượng, dù là để
trả ơn nhưng đã làm vợ thì dì vẫn sẽ làm trọn vẹn nghĩa tình.
Cứ như thế được bốn năm cho đến khi dì có dịp gặp lại
giáo sư chuyên ngành phụ trách luận văn của dì những năm trước trong lần thầy
có dịp về thăm bạn cũ, ở ngay quê dì. Sự đời trùng hợp ấy làm dì cuống quýt cả
buổi chiều, khi biết tin thầy về dì đã rất nôn nóng, lâu rồi mới thấy vợ vui vẻ
như vậy nên dù vừa đi cày về vẫn sốt sắng:
- Để tôi chở mình đi sang đó, tối rồi, đường không có
đèn.
Dượng chưa bao giờ thấy dì như vậy nhưng cũng đồng thời
khi ngồi bên một góc ghế đá chờ dì tâm sự với thầy về chuyện những năm qua xong
để về dượng chợt thấy một rào cản dựng lên giữa hai người. Những điều mà dì và
thầy nói là một thế giới mà người ít học như dượng không hiểu nổi, và cả vẻ lịch
lãm của một người đàn ông đầy tri thức kia làm dượng khẽ kéo ống quần đang chân
thấp chân cao và lấm bùn phủ xuống. Cuộc chia tay kết thúc bằng một câu nói:
- Thầy thấy tiếc cho em, ngày đó em là cử nhân xuất sắc
nhất khoa, hai tháng nữa chương trình bảo lưu sẽ bước vào thời hạn cuối, nếu có
thể...
Thầy bỏ dở câu nói nhìn dượng, dượng cũng chợt hiểu sự
ràng buộc của mình. Quả nhiên những ngày sau đó dì như người mất hồn, có lẽ nếu
không có sự xuất hiện ấy dì không chợt nhận ra mình vẫn còn cơ hội, mà thà
không biết để cuộc sống êm xuôi, khi đã vướng bận mọi thứ đều để trong lòng.
Vào tuần cuối cùng của ngày đó, dượng tới nói với dì:
- Mình à, tuần sau mình lên phố đi. - Nói rồi dượng lấy
ra một cái túi nhỏ, bên trong có một ít tiền - Tiền này mình cầm, tôi nghe thầy
nói vẫn còn chỗ cho ký túc xá? Nếu thế cũng được hai năm cho mình, dĩ nhiên
không đủ, chắc phải khổ mình làm thêm.
- Ý anh là sao?
- Tôi nói ba rồi, hơn tháng qua ngày nào tôi cũng nói với
ba, ba cũng xuôi xuôi. Mình yên tâm, có tôi ba sẽ không nói gì mình nữa. Tôi lo
được chuyện ở nhà.
Chả trách hơn tháng nay kể từ ngày đó dì luôn để ý thấy
dượng cứ hay sang nhà rì rầm to nhỏ với ba, thì ra là miệt mài rất lâu cho đến
hôm nay khi ngoại tôi đồng ý thì dượng mới nói cho dì mừng. Dì vui đến mức sắp
xếp đồ để đi ngay, bên tai chỉ còn thoảng lời nói của dượng: "Bắt đầu lại sẽ
rất khó, mình cố gắng nhé, khi rảnh tôi sẽ lên thăm mình."
Dượng nói thế nhưng trong hai năm học dượng không một lần lên thăm dì, chỉ có tôi lên, và lúc đó thể nào dượng cũng sẽ chuẩn bị đồ này đồ kia dưới quê dặn tôi mang lên cho dì, lại sợ tôi sợ nhọc bỏ bớt đồ lại nên hôm nào cũng lấy xe dậy từ sớm chở tôi ra bến xe, gói buộc cẩn thận. Khi tôi hỏi sao dượng không lên thăm dì, dượng chỉ cười cười nhìn lại cái áo bà ba đang lấm bùn che làn da đen nhẻm, ngại ngùng không nói. Có bận tôi còn chọc dượng: “Dượng không sợ dì lên phố rồi có người cưa mất dì sao?”. Dượng thoáng lo lắng: “Từ ngày để dì đi, không ngày nào không sợ, nhưng dượng thương dì, thương và để dì làm điều mình muốn. Dượng cục mịnh lắm, nếu vì vậy mà dì xa dượng luôn thì... đành chịu”.
Những năm sau đó, vì học sau và nhiều kiến thức cần học lại
nên hầu như dì bảo vệ bằng thạc sĩ của mình một cách khó khăn hơn, do đó dì ở
tiệt trên phố để vừa học vừa làm cho thuận tiện. Dì năng gọi về nhà, ngoại ban
đầu còn khó chịu sau dì nghe loáng thoáng tiếng dượng rồi ông cũng nói dễ nghe
hơn. Mỗi lần dượng nói chuyện với dì đều như kể hết mọi việc trong nhà nhưng
tuyệt nhiên không bao giờ hỏi dì khi nào trở về. Cho đến ngày dì tốt nghiệp,
trường cho dì hai sự lựa chọn: một là ở lại trường vì chuyên ngành ấy còn thiếu
người trợ giảng, hai là về quê, dì cũng nói với dượng sự đắn đo ấy... Dì suy
nghĩ một tuần là tuần đó dượng cũng không gọi dì, dượng không muốn sự chờ đợi của
dượng làm rào cản cho tương lai của dì.
Ngày dì về quê, tôi đón dì. Dì giấu không cho dượng biết
vì muốn tạo sự bất ngờ, tôi chở dì thẳng ra ruộng, nơi dượng đang khom lưng dưới
trời nắng gắt gieo mạ. Vừa nhác thấy bóng dì, dượng đưa tay dụi mắt mấy lần vì
sợ nhìn nhầm, rồi chạy bổ đến, miệng ấp úng như muốn hỏi tại sao. Dì nhoẻn cười:
- Làm giáo viên trường huyện, mỗi ngày phải phiền mình
đèo đi dạy rồi nhé?
Vì tốt nghiệp thạc sĩ nên dì được nhận và có vị trí tốt
trên trường huyện, có điều xa nhà một chút nhưng đi về cũng mất cả tiếng. Dẫu
thế vẫn rất gần so với trên phố cách cả ngày xe. Dượng rơm rớm đỏ mắt, còn dì
thấy ngượng hai má đỏ cả lên. Tôi chợt nhớ khi đèo dì về từ bến xe, hỏi dì sao
không chọn ở lại, dì nói:
- Việc dì muốn dì đã làm, dì cũng muốn học xong là để đi
dạy cho trẻ em nghèo nhưng có chí hiếu học như dì. Hơn nữa, dì còn người ở nhà
đợi dì về, sao nói bỏ đi là đi luôn được...
Lời dì nói có phần hơi e ngại dù là với tôi, tôi chợt nhận
ra có lẽ nói về tình yêu của hai người là điều quá xa xỉ, đơn giản dù không ai
nói ra, nhưng tình cảm của họ dường như lớn dần lên qua những thấu hiểu, tôn trọng
và hy sinh tất cả vì nhau.
Lê Hứa Huyền Trân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét