Đọc
các tác phẩm trên văn đàn Việt Nam hiện nay, văn phẩm cũng như thi
phẩm, tất cả đều thể hiện sự tiến bộ và sáng tạo trong tư tưởng,
tình cảm và lối viết của tác giả. Thế nhưng, bên cạnh sự phát
triển của những tác phẩm đầy nghệ thuật, nhân văn ấy; chúng ta không
thể phủ nhận một thực tế đang diễn ra: những tiểu thuyết ngôn tình
ngày càng xuất hiện nhiều, xã hội chiếm một phần đông số lượng
người viết cũng như số người đọc loại tiểu thuyết ấy. Vậy nhân đây,
tôi cũng xin đưa ra một vài nhận định của mình về dòng văn học thị
trường.
Có ý kiến cho rằng dòng văn học thị
trường vừa mới nổi lên cách đây không lâu. Nhưng theo tôi, dòng văn học
thị trường cũng như loại sách ngôn tình đã có từ sớm, nó được du
nhập từ phương Tây vào khoảng giữa thế kỷ hai mươi. Lúc đó, các nhà
văn thường sáng tác theo xu hướng phương Tây và những cuốn tiểu thuyết
tình yêu đôi lứa ra đời rất nhiều. Sau một thời gian; một số nhà văn
đã lên tiếng phê phán tính ủy mị, nhu nhược trong những cuốn tiểu
thuyết ấy; họ cho đó là loại tiểu thuyết đi ngược với quan điểm Ngệ thuật vị nhân sinh. Giáo sư
Hoàng Tân Dân từng nói: “Nếu người nào có gan, nhận sự thật, phải
thấy rằng chẳng qua mình chịu ảnh hưởng của lối văn lãng mạn phong tình nên mình mới
phải khóc mây khóc gió. Có vậy một số ít văn sĩ mới cho là hợp
thời. Chứng bệnh không đau mà rên
trong phái thi cũ, thi mới tôi thấy nhiều lắm.”
Thực vậy, các tiểu thuyết tâm lý xã
hội hồi mới xuất hiện ở Việt Nam sau cuộc bút chiến giữa cái cũ
và cái mới đã được nhiều độc giả đón nhận nhưng rồi cũng bị một
số nhà văn phản đối bởi vì chúng quá thoát ly thực trạng xã hội,
không phản ánh được lịch sử và bối cảnh thời đại. Thế nhưng, tại
sao dòng văn học ấy vẫn tồn tại mãi cho đến tận bây giờ? Những tiểu
thuyết tâm lý xã hội đó vẫn phát triển mạnh và hiện nay người ta
gọi nó với cái tên mới: tiểu thuyết ngôn tình.
Theo dấu chân phát triển của nền văn
học, những thể loại đã cũ và không còn hợp thời đại tất bị đào
thải như các thể thơ phong kiến gò bó. Nói như vậy, thì loại tiểu
thuyết ngôn tình vẫn chẳng bao giờ cũ, bởi vì cái đề tài của nó
bao giờ cũng là đề tài tình yêu – một đề tài muôn thuở trong thơ văn
và cũng là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm hồn mỗi người.
Viết về tình yêu, tất nhiên chẳng có
gì sai, nhưng điều tôi muốn nói ở đây chính là nhiều tiểu thuyết mạng
hay các bài tản văn viết về tình yêu, đọc tới đọc lui thấy cũng chỉ
đầy rẫy những đoạn văn với câu chữ bóng bẩy, sướt mướt, chuộng theo
tâm trạng của người đọc. Để rồi người đọc cho nó là hay, là sâu
sắc; nhưng thực chất nó chỉ nuông chiều sự yếu đuối của tâm hồn. Ta
không thể không thừa nhận dường như người viết đã bi kịch hóa tình
yêu lúc thì bằng sự cao thượng, lúc thì bằng sự ích kỉ của nhân
vật. Họ cũng như chính người đọc ảo tưởng rằng đó mới là cái đẹp
của tình yêu tuyệt đích, và qua những loại văn như vậy, một số người
chỉ biết có tình yêu đôi lứa mà quên mất những giá trị đích thực
khác của cuộc sống.
Thật khó để xuất bản được một cuốn
sách, nhưng ngày nay, nhiều tác giả trẻ, hay nói đúng hơn họ chỉ là
những cư dân mạng nổi tiếng nhờ việc viết một câu chuyện tình lâm li
nào đấy và được nhiều số lượt người đọc. Những câu chuyện chỉ rộ
lên một khoảng thời gian ngắn rồi lại chìm đi theo thời gian, nhưng
lối sống yếu đuối mà nó đã hun đúc trong tâm hồn người đọc, lối
sống chỉ biết có tình yêu mà hời hợt với cuộc đời, với xã hội;
sẽ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đối với giới trẻ hiện nay. Sách
ngôn tình chỉ lo khai thác những khía cạnh phức tạp trong tình yêu,
và những khía cạnh ấy chỉ được thể hiện bằng vài đoạn văn rời rạc,
vài câu hỏi bâng quơ mà người ta cho đó là “viết theo cảm xúc” không
lệ thuộc quy tắc nào. Tôi xin dẫn chứng ra đây câu nói mà hôm trước
tôi tình cờ đọc được trên mạng: "Con
gái… mạnh mẽ quá sẽ tổn thương nhiều! Con gái… yêu nhiều quá sẽ
khóc nhiều! Con gái… yếu đuối quá sẽ ngã nhiều! Nhưng con gái… khóc
và đau nhiều quá sẽ lạnh lùng và nhẫn tâm rất nhiều!"
Cái mà người viết muốn đề cao, muốn giáo
dục sau đoạn văn không đầu không cuối như trên là gì? Lối viết không
mục đích và chuộng theo cảm xúc nhất thời chỉ càng khiến tâm hồn
người trẻ trở nên hỗn độn, buồn chán hơn sau khi đọc được và tệ hơn
nữa, người đọc sẽ dễ rơi vào một lối sống không có mục đích nhất
định.
Nói gì thì nói, các loại sách ngôn
tình cũng chỉ là để đọc giải trí đúng theo nghĩa thị trường của
nó. Nhưng thật đáng buồn khi lĩnh vực văn chương nghệ thuật lại chỉ nổi
lên nhờ những sản phẩm mang tính thị trường! Thật đáng buồn khi
người ta chỉ thích đọc chúng để giải trí trong những lúc nhàn hạ
mà quên rằng thưởng thức nghệ thuật chân chính mới là quan trọng! Có
người còn cho rằng những thể loại văn thị trường mới đến gần tâm
hồn người đọc, mới viết đúng với tâm trạng người đọc. Còn những
tác phẩm mang tính thời đại, những tác phẩm văn chương giá trị thì
xa rời đối với họ. Không, những văn phẩm nổi tiếng đầy giá trị nhân
văn không hề xa rời với người đọc; nó xa rời với họ, chẳng qua vì
họ chưa nhìn ra được thế nào là giá trị đích thực của cuộc sống,
chẳng qua họ vì họ chưa hiểu được thế nào là hạnh phúc và yêu
thương.Tôi đồng ý văn học thị trường thỏa mãn được nhu cầu thiết yếu
của họ. Thế giới trong sách ngôn tình chỉ độc nhất có những cung
bậc tình yêu đôi lứa chứ không xen tình cảm nào khác. Nhưng, nếu ta
quá chìm ngập trong những câu chuyện tình lãng mạn thì đó chỉ là ta
đang tự đánh lừa mình trong cái ảo ảnh không bao giờ tồn tại ở thế
giới thực. Nếu ta chỉ biết khóc trước nỗi đau khổ tình yêu như nhân
vật khóc nỗi đau khổ tình yêu dài dằng dặc cả mấy trang giấy của
họ, tức là ta đang tự giết chết chính mình, tức là ta chấp nhận
lối sống yếu hèn. Cuộc đời có biết bao con người và bao số phận đau
khổ đáng để ta phải nhỏ nước mắt cảm thông, thử hỏi ta đã thực sự
nhỏ được cho những con người bất hạnh ấy một giọt nước mắt nào chưa?
Hay ta chỉ biết khóc cho những chuyện tình mông lung không thật!
Tuy nhiên, cái hại ở sách ngôn tình
không chỉ nằm ở những câu văn sáo rỗng khơi gợi sự yếu đuối của
người trẻ về tinh thần mà cái hại đáng sợ hơn của nó nằm ở những
tiểu thuyết ngôn tình không hợp với thuần phong mỹ tục. Một số cuốn
sách mà người viết hơi quá đà, những chi tiết không lành mạnh được
thể hiện quá rõ ràng đến mức lố lăng. Những mối quan hệ không đúng
mực vượt ngoài khuôn khổ đạo đức và sự xa hoa, trụy lạc nghiễm nhiên
được họ đưa vào tác phẩm. Họ cho đó là phong cách viết mới, là
sáng tạo nghệ thuật nên sách mới thu hút số độc giả, mới bán chạy.
Nhưng sáng tạo theo đúng nghĩ của nó không phải chỉ đơn thuần là tạo
ra cái mới, đã gọi là sáng tạo nghệ thuật thì cái mình sáng tạo
ra nó phải đẹp và phải là nghệ thuật chân chính.
Nhà lý luận cách mạng Bùi Công Trừng
từng nói: “Muốn làm tròn trách nhiệm, các ngài tưởng không gì hay
hơn là các ngài làm sao cho tác phẩm các ngài rung động được tâm hồn
ức triệu con người đang tìm đường nâng cao nhân cách của con người.
Hàng triệu con người đang tán thành việc bồi bổ, xây đắp Việt Nam”.
Văn chương cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bồi bổ, xây đắp nền văn hóa Việt
Nam. Cái đẹp của nghệ thuật, nhưng phải là nghệ thuật chân chính thì
mới hướng thiện con người, mới có thể giáo dục nhân cách con người
Việt Nam một cách toàn vẹn.
Tôi cũng xin góp ý kiến của mình về
sự đa dạng phong phú của nền văn học Việt Nam. Có ý kiến cho dòng
văn học thị trường làm đa dạng văn học Việt Nam hơn về thể loại.
Nhưng có lẽ, văn học Việt Nam không cần có dòng văn học thị trường
cũng đủ đa dạng rồi. So với các nước khác, bao nhiêu văn thơ nước ta
từ xưa tới nay không thiếu thể loại nào và nhiều vô kể: kịch; văn
chương lãng mạn viết theo phong cách phương Tây; văn chương hiện thực phê
phán, phản ánh thời đại đất nước; cùng các tác phẩm truyện thơ nổi
tiếng được xem là di sản quý giá như Truyện
Kiều; kể cả các bài ca dao truyền miệng hay kho tàng truyện dân
gian… Bao nhiêu đó cũng đủ làm phong phú cho nền văn học nước nhà, bây
giờ cái đáng được quan tâm chính là làm sao để văn học Việt Nam phát
triển với những tác phẩm gây ảnh hưởng sâu rộng như những tác phẩm
nổi tiếng của các đại văn hào trên thế giới. Còn văn học thị
trường, có cũng được, không có cũng chẳng sao! Nhưng nếu văn học thị
trường phát triển quá mạnh, sinh sôi nhanh như nấm mọc thì thực là
vấn đề đáng báo động như nhà văn Nguyễn Đính Tú đã nói: “Tác phẩm
thị trường có thể đóng vai trò quan trọng, nhưng chỉ có thể làm
nền, mà không thể làm đỉnh của văn học. Bởi thế, nếu dòng này tồn
tại, thống trị thị trường trong thời gian dài, được bạn đọc tôn sùng
thì đó là điều đáng báo động.”
Sự phong phú, đa dạng thể loại của văn
học Việt Nam thực sự cần những tác phẩm mang ý nghĩ lớn, đó mới
là mục đích thực sự của văn chương. Vì vậy theo tôi, trong sự đa dạng
thể loại văn học không cần thiết phải có dòng văn học thị trường.
Aldous Huxley
đã nói: “Nghệ thuật, rốt cuộc chính là chống
lại sự khắc nghiệt của cuộc đời”. Nghệ
thuật mang đến cho con người niềm tin, sự mạnh mẽ để có thể chấp
nhận và vượt qua nỗi đau. Nghệ thuật chắp cho con người một đôi cánh
bay tới những ước mơ, giúp con người hướng tới cái đẹp và sống hết
mình với khát vọng đẹp. Rõ ràng, nghệ thuật giúp ta chống lại số
phận nghiệt ngã của mình chứ nghệ thuật không hề là sự ủy mị ve
vuốt trạng thái, tinh thần yếu đuối của chúng ta. Đến với văn chương chỉ
để tìm kiếm sự ve vuốt ấy, nghĩa là bạn đã hiểu sai về văn chương
và nghệ thuật.
Và tôi vô cùng tâm đắc một câu nói của
nhà văn Nam Cao: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối,
không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau
khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Bản chất của nghệ thuật
là thế! Những lớp người đi trước đã cùng nhau tìm tòi, tranh luận
để đưa ra một quan niệm đúng đắn về nghệ thuật. Nhớ lại quá khứ;
tôi không quên Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nhất Linh,
F.G.Lorca… những con người đã hết lòng ủng hộ tinh thần sáng tạo
nghệ thuật; đã ước vọng về một nền văn chương, nghệ thuật chân chính
cho thế hệ sau.
Đến nay; nền văn học của dân tộc ta vẫn
còn đó. Tôi không muốn văn học Việt Nam trở nên suy thoái bởi dòng văn
thị trường. Tôi không muốn bao nhiêu tinh hoa, ước vọng của người xưa
bị quên lãng, để rồi sau cùng, chúng ta bỗng chốc chẳng còn gì nữa.
NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY
____________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
CHÀO XUÂN ẤT MÙI 2015 & NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN XIII
>> Vui lòng nhấp chuột vào ảnh để về mục lục chuyên đề đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét