|
Mai trắng - Tranh đá Bảy Núi PVHN |
Sáng nay mở cửa ra ban công, chợt nghe bước chân của nàng
Xuân đến thật gần. Nơi song cửa, giỏ cúc sao băng lung linh đến lạ, những giọt
sương long lanh đậu trên nhành lá xanh tươi cứ lóng lánh như hạt ngọc, một mùi
hương thân quen khiến lòng ta lâng lâng xuôi về mùa sum vầy cũ...
Những mùa xuân của tuổi thơ bên ba má và các em nơi quê hương
Trà Vinh thân yêu. Con
sông Ô Lắc nước lớn ròng quyện phù sa nồng nàn với loài hoa lức tím tím, hoa
quao trắng tinh khôi, hoa ô rô ven sông mà chiều chiều mấy chị em vừa đi lấy củi
khô về cho má vừa thả hồn theo những câu thơ, nốt nhạc... luôn khắc sâu
vào tâm khảm. Mùa giáp tết là mùa thu hoạch tôm cá, những chiếc xà ngom đặc sệt
cá kèo và tép, ba tôi đi giở khi nước đứng lúc hơn nửa đêm. Chị em tôi cùng má lựa riêng cá kèo, tép thẻ,
tép đất… đựng vào rộng để mang ra chợ bán cho các thương lái. Chợ quê tôi nhóm trước ánh bình minh nên chưa rạng
sáng đã nghe thấy các cô bác trong xóm rủ nhau đi chợ. Những ánh đèn pin loang loáng cầm theo để soi đường. Má và tôi cũng chuẩn bị cá kèo trong thùng thiếc
gánh ra chợ. Má tôi là tiểu thơ nơi Sài Thành vì yêu ba nên theo chồng về quê,
tập gánh gồng làm quen với đường đất thịt trơn trợt, cầu cây lắc lẻo. Dáng má mỏng manh, cá kèo hai thùng nặng oằn
gánh, tôi thì xách hai chiếc giỏ đựng đầy tép theo sau, lòng vui nên chẳng cảm
thấy vất vả. Sau khi bán cho thương lái số cá kèo và tép là lúc tôi hí hửng nhất
vì được đi ăn bún nước lèo, ghé gian hàng của bác ba Thưng. Bác là mẹ của bạn Hảo học chung trường. Nhìn rổ
rau ghém đủ loại: bắp chuối, chuối cây, bắp cải, bông súng, hẹ, rau thơm và
thích nhất là những cọng năn bộp nõn nà trắng phau vừa giòn vừa ngọt. Nồi nước
lèo nấu bằng mắm bò hóc với cá kèo toả khói thơm phức hoà mùi sả, riềng nồng nàn đã theo tôi suốt khoảng thời
gian xa quê sau này. Chị Đan, con gái bác ba Thưng chiên chảo bánh giá và chả
giò vàng rộm. Chị đặt trước mặt tôi dĩa bánh cùng tô bún nước
lèo nóng hổi. Tôi chan muỗng dấm ớt với vài miếng ớt ngâm
trong nước mắm, trộn lên và ăn một cách ngon lành kèm bánh giá, ăn hết tô mà
tôi còn thòm thèm. Má
tôi hào phóng cho con gái thêm tô nữa. Bây giờ nhớ lại mà vẫn nghe hương vị tô
bún nước lèo ở chợ quê Ô Lắc.
Quê tôi thuở đó chợ đơn sơ lắm, toàn cây nhà lá vườn của bà
con mang ra bán, hoa tết chỉ toàn cúc và vạn thọ, có thêm vài chậu ớt kiểng màu
đỏ, tím, vàng nhưng tôi mê mẩn cả tâm hồn. Năn nỉ má mua thật nhiều để chưng cả
sân trước, sân sau. Mặt trời lên khoảng một sào là má và tôi về, không quên ghé
gian hàng của chị chú Chẩy mua bánh bò, bánh da lợn làm bằng bột gạo với nước cốt
dừa béo ngậy về làm quà cho mấy đứa em của tôi ở nhà.
Có năm sáng ba mươi tết tôi không theo má đi chợ mà ở nhà vớt
rươi, chị em tôi toàn là gái nên tôi với nhỏ Ngọc Nhi theo ba ra vuông tôm của
nhà để vớt, tờ mờ sáng lội xuống nước lạnh lắm nhưng vui vô cùng, xung quanh
vuông nhà tôi, hàng xóm cũng đi vớt rươi, gió đưa tiếng nói cười rôm rả, tiết
trời xuân se lạnh, gió chướng thổi thông ngọn mạnh mẽ của con nước thủy triều
dâng là lúc ta được thiên nhiên ban tặng lộc trời. Từng mảng rươi kết dính vào nhau đỏ thắm, đầy cả
mặt nước, chúng tôi cứ vớt nặng vợt là bỏ vào thùng thiếc, chẳng mấy chốc mà đầy
cả hai thùng. Rươi này ba tôi làm nước mắm để dùng cả năm, kho
với cá kèo là không thể nào quên được hương vị. Nắng lên là không còn rươi nữa,
mặt nước trở lại màu sắc hàng ngày, chị em tôi tung tăng tắm "sông"
trong vuông tôm thoả thích rồi mới lên bờ, nắng ấm. Má đã đi chợ về và dọn sẵn
trên bàn rổ bắp nấu thơm ngọt ngào, ngon đến tận bây giờ.
Chiều ba mươi tết, rước ông bà với mâm cỗ ngày xuân, má tuyên
bố tết đã vào nhà, chị em chúng tôi phải hoà thuận vui vẻ, không được cãi nhau.
Nồi thịt kho tàu của má thơm từ nhà sau lên nhà trước làm chị em tôi cứ đói bụng
hoài. Cua gạch son, tép đất, ba tôi để ăn tết không bán, má luộc cả thau cho
chúng tôi. Ngon ơi là ngon.
Chuẩn bị giao thừa, chị em chúng tôi giúp má dọn chè, bánh, mứt
cúng, nghe má kể về tuổi thơ của má và những mùa xuân bên ngoại ở Sài Gòn. Má rưng rưng nhớ ngoại, nhớ nhà, nhớ các cậu dì
của tôi... Thấy thương má lắm, tôi cầu nguyện đất trời cho chị em tôi sau này lập
gia đình được ở gần bên ba má.
Ba tôi treo phong pháo dài trên cành mai, tôi khỉ khọt xin được
châm ngòi, rón rén đến gần đưa cây nhang đang cháy vào... Xẹt... Xẹt ánh lửa
cùng tiếng nổ vang, chị em tôi chạy ra xa và bịt hai tai lại. Kỷ niệm này không
còn trở lại nữa.
Rồi tôi và hai nhỏ Ngọc Nhi, Ngọc Nhiên vào đại học, phải xa
ba má và các em, chúng tôi lên Sài Gòn học và ở nhà ngoại, lòng luôn canh cánh
nhớ về mái tranh bên sông Ô Lắc. Cứ khoảng đưa ông táo về trời là ba đứa nôn nao sắm sửa chuẩn
bị về quê. Ngoại tôi cũng lo gói ghém quà tết, bao lì xì để
gửi về quê cho con gái và các cháu. Nơi quê nhà ba má, mấy nhỏ Ngọc Nhuận, Ngũ
Long và Ngọc Hân đếm ngược từng ngày... Thời đó chưa liên lạc với nhau bằng điện
thoại, chỉ là những bức thư viết tay gửi bằng bưu điện cho nên cứ thấy chuyến
xe đò nào đậu lại nơi đường cái là cả nhà hồi hộp chạy ra xem chúng tôi đã về
chưa. Bao nhiêu thương nhớ, người đi xa gom thật đầy, bước qua chiếc cầu cây lắc
lẻo mà sung sướng đến trào nước mắt. Ba má với các em chạy ra tận đường cái, ôm
chầm, nghẹn ngào, xúc động. Trong tôi, mùa sum vầy là đây.
Mùa xuân đầu tiên sau khi tôi kết hôn, gia đình tôi chào đón
thêm một thành viên. Anh về mang theo mùa xuân của Sài Gòn lung linh hơn cho
ngôi nhà nơi miền quê yêu dấu. Anh ghi lại những khoảnh khắc ấm áp êm đềm của gia đình tôi
vào chiếc máy chụp hình mà sau này khi rời Trà Vinh, những hình ảnh đó là kỷ niệm
vô giá. Anh cũng rất yêu quý Trà Vinh quê tôi.
Bây giờ tôi đang ở cái tuổi của má tôi ngày ấy, trời thương
nên đã cho chị em tôi được sống gần nhau, sống gần với ba má. Cứ mỗi độ xuân về
là gia đình tôi sum họp đầy đủ ngày ba mươi tháng chạp rước ông bà. Chúng tôi vẫn tíu tít dưới sự chỉ đạo của má. Không khí thật trang trọng! Chị em chúng tôi, đứa lo cắm hoa, chưng trái
cây, kho thịt... năm nào cũng thế, thành nếp nhà. Má tôi nấu nồi chè cúng giao
thừa, chị em tôi đứa nào cũng được chia lộc. Trước giao thừa, mỗi đứa tranh thủ
ghé về giúp má dọn mâm cúng rồi mới về lo cho gia đình riêng. Nhà tôi, hai công
chúa đã lớn bằng cái tuổi của tôi ngày đó, đang sắp bánh mứt dọn mâm cúng giao
thừa, nhìn các con tôi chợt thấy mình của ngày xa xưa... Giao thừa đến rồi!
Hương trầm nghi ngút... Tiếng mõ chùa đâu đây... Mùa sum vầy. Mùa an lành và hạnh
phúc!
Lê Thị Ngọc
Nữ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét