|
Tướng Huỳnh văn nghệ |
1. "Thi tướng rừng xanh"
và bài thơ "Nhớ Bắc"
Cỏ hoa
rộn ràng dâng hương, phô bày sắc thắm. Đất trời vào xuân, nõn màng tươi
mới... Vần thơ, câu chữ trên từng trang dòng như những sinh thể ánh lánh
nhiều điều. Bởi Thơ, Văn như con người luôn mang chứa một hành trình,
một số phận. Chìm nổi/ thăng hoa... Tất nhiên đây phải là những tác
phẩm nghệ thuật mang tầm vóc lớn về nội dung tư tưởng, nghệ thuật
làm lay động lòng người mến mộ trong nhiều chiều không - thời gian.
Bài
thơ "Nhớ Bắc" của
Huỳnh Văn Nghệ là một trường hợp như thế.
Chúng
ta đọc lại thi phẩm và cùng ngẫm ngợi.
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất
Thăng Long.
Ai
nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!
Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng...
Sứ
mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền,
Kinh
đô nhớ lại xa muôn dặm!
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang
kiếm trả dân ta?
(Ga
Sài Gòn, 1940)
Tác
giả Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977), quê ở Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh
Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Từ điển Wikipedia đã có những dòng
tóm lược ấn tượng về ông: một nhà hoạt động cách mạng và là
một chỉ huy quân sự Việt Nam, nổi tiếng về tài thi ca, có những câu
thơ được nhiều người truyền tụng. Ông được nhà nước Việt Nam truy
tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vì những đóng
góp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Giải thưởng Nhà nước
về văn học nghệ thuật. Thật vậy, Huỳnh Văn Nghệ đã cống hiến
trọn tuổi thanh xuân, tài năng, nhiệt tâm vì dân, vì nước. Trên bước
đường cách mạng gian nan, ngoài phong cách bản lĩnh cầm quân giết
giặc, ở ông còn dạt dào một tâm hồn thơ giản dị, chân thành hào
sảng qua những tập thơ, những vần thơ gan ruột (Nhớ Bắc - bài thơ gan ruột - TC Văn học). Cuộc đời cách
mạng, ý chí cộng sản kiên cường, tài năng thi ca của nhà thơ -
chiến sĩ đất Tân Tịch - Tân Uyên đã làm giặc thù nể sợ, người
dân vùng kháng chiến miền Đông Nam
Bộ quý trọng, tin yêu gọi ông là Thi
tướng rừng xanh! (Tôi là người lăn lóc giữa đường trần/ Không phân
biệt lúc mài gươm múa bút/ Đời chiến sĩ máu hoà lệ, mực/ Còn yêu
thương là chiến đấu không thôi/ Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi/ Thì không
lẽ bút phải chờ kiếp khác./ Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,/ Lòng ta say
chiến trận đến thành thơ… - Bên bờ sông xanh - Huỳnh
Văn Nghệ). Nhà báo Trần Ấm, nguyên phóng
viên của TTXVN trong một lần đến thăm mộ ông trong nghĩa trang gia đình
ở Tân Uyên bên dòng Đồng Nai đã bâng khuâng khi đọc hai câu thơ dưới ảnh
chân dung Gửi lại bạn những vần thơ trên cát / Và giờ đây tôi qua
bến, lên đường và lấy làm tiếc "Giá mà trên tấm bia mộ
khắc thêm hai câu Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất
Thăng Long". Bởi theo nhà báo, có hai câu thơ ấy "thì
mới thật là... trọn vẹn nghĩa tình với đất Thăng Long ngàn năm văn
hiến... mới xứng danh một người văn võ song toàn của nhà thơ chiến
sĩ đất thành đồng Nam Bộ". Những câu thơ chan chứa niềm
vọng quốc, tình yêu cội nguồn đất Tổ thiêng liêng của con dân đất
phương Nam không chịu khuất đứng lên chiến đấu giữ gìn đất đai mà 300 năm trước lớp lớp cha ông đã sơn trường khai phá, mở cõi.
Đó
chính là tâm tình mà Anh công nhân họ Huỳnh (Sở hỏa xa) gởi vào bài Nhớ Bắc (Tiễn bạn về Bắc) vào một buổi chiều tại Ga Sài
Gòn năm 1940.
(Hiện có hai luồng ý kiến
về thời điểm ra đời của bài thơ năm 1946 tại chiến khu Đ, nhưng tư
liệu của TS Cù Huy Hà Vũ nhất là tư liệu của gia đình do người con
trai trưởng - ông Huỳnh Văn Nam, nguyên TGĐ đài TH.TP.HCM cung cấp năm 1940
là đáng tin cậy).
Một
buổi chiều đặc biệt, có thể nói như vậy. Từ người đi/ được
vé tham quan xứ Bắc, nhường chuyến cho bạn về cố hương, Huỳnh Văn Nghệ trở thành người tiễn
bạn. "Buổi chiều tà luyến lưu tiễn bạn,
khi đoàn tàu dần khuất bóng cuối sân ga Sài Gòn, một cảm xúc man mác buồn cứ
ngập tràn tâm trí người ở lại và hình ảnh về một chốn kinh kỳ đô hội, hình ảnh
Tháp Rùa nghiêng bóng nước hồ Gươm, hình ảnh những chùm vải chín mọng lúc lỉu
trên cành và những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm... qua những câu
chuyện kể của người bạn cứ thế ùa về. Và rồi, Huỳnh Văn Nghệ đã phóng bút viết
nên những câu được nhiều người ví là “thần thi”. (Bđd - TC Văn học)
2. Những câu "thần
thi, tuyệt bút"...
Tôn vinh như thế có quá lời
không? Bởi những cụm từ, thần thi,
tuyệt bút, hùng văn chỉ dành cho những tác phẩm có tính khái
quát lịch sử, giá trị dân tộc - nhân văn sâu sắc, nghệ thuật mẫu mực
giàu truyền cảm, hùng tráng như Thơ
Thần - Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại
Cáo - Nguyễn Trãi, Cáo tật thị chúng - Mãn Giác Thiền sư, Thơ Trần
Nhân Tông... Ở góc độ khác, tôi cho rằng những trang văn, dòng thơ
chạm đáy tâm tình, nỗi khát khao, ước mơ cháy bỏng của đông đảo lớp
người, của cộng đồng quyết đem sinh mạng của mình giành, giữ lấy sự
tồn vong đất trời quê hương, cội nguồn tổ tiên thì chúng mặc nhiên trường tồn xuyên thời gian song hành
cùng đất nước, dân tộc. Vì thế,
nhà văn - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Bạch Đằng đã hồ hỡi
thốt lên khi nghe đọc khổ thơ đầu của bài "Nhớ Bắc", "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là
những câu Thơ Thần - tuyệt bút của thời đại". ("Thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ và bài thơ "Nhớ
Bắc" - Hoài Nguyễn). Ta hãy lắng lòng mình với những dòng thơ ấy:
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông
giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi
mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất
Thăng Long.
Âm vang
thiết tha, hùng tráng vừa bay lên vừa miên man, ngân nga. Nhiều bài
viết đã xác tín xúc cảm khó phai ấy.
"Những vần thơ hào sảng
mà tha thiết cứ vang trong tâm tưởng người đọc tạo ra những cảm xúc
vừa hùng tráng, vừa thiết tha như tan vào dòng máu đang cuộn chảy
trong tim những người VN đầy lòng tự tôn dân tộc". (Bđd - Hoài Nguyễn). Nhà phê bình văn học của đất kinh kỳ Hà
Nội Phạm Xuân Nguyên trên báo Văn
Nghệ Trẻ năm 2000 từng ghi nhận: "Tâm tư của nhà thơ đã thành tâm tư chung của muôn triệu người đất Việt
phương Nam, hơn thế, của muôn triệu người đất Việt muôn nơi, mỗi khi nhớ về quê
Việt tổ. Thăng Long đây không chỉ là Thăng Long kinh thành, đó còn là vùng châu
thổ sông Hồng - cái nôi của người Việt, của dân tộc Việt".
Tâm tình cội nguồn - hướng vọng Thăng Long
quê Việt Tổ đã làm tỏa sáng những câu thơ của Huỳnh thi tướng. Không chỉ thế, nếu
đặt chúng trong bối cảnh năm 40 thế kỷ trước, nước Việt bị giặc thù
chia cắt, trong không khí bi tráng của cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa mà sát
sườn hơn đặt trong thời kỳ "miền Đông gian lao mà anh dũng"
những câu thơ như giấc mơ đẹp "giấc mơ chiến trận của những người dân chân đất đầu trần khát khao
độc lập tự do..." (35 năm ngày
mất nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ - Bùi Quang Huy) vv... Đó là lớp nghĩa dễ dàng nhận ra, thẩm
thấu, cộng hưởng tâm tình dân nước
nồng nàn của bao thế hệ Việt dưới trời Nam, cõi Lạc Hồng thậm
chí những câu nguyên tác/ dị bản vẫn ngân ru như ca dao, dân ca của
người Việt, dân tộc Việt... Từ độ
mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long - Từ thuở mang
gươm đi giữ nước/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Giá trị thần thi, tuyệt bút hoàn toàn được
khẳng định. Điều đáng suy gẫm là từ dị
bản, nhiều bài viết, bài phỏng vấn người con trai trưởng nhà thơ
Huỳnh Văn Nghệ của Tạp chí Văn Học, báo QĐND... cất công làm rõ thời
điểm ra đời bài Nhớ Bắc, việc chỉnh sửa (nhà thơ Xuân Diệu): những từ "độ"/ "thuở";
mở cõi"/ "giữ nước";
"Trời Nam"/ "Nghìn , ngàn - năm" lại hé lộ một lớp nghĩa khác.
3. "Trời
Nam thương nhớ..." - âm vọng hào sảng chủ quyền
Theo TS Cù Huy Hà Vũ (con
ruột nhà thơ Huy Cận, con nuôi nhà thơ Xuân Diệu), cả nguyên tác lẫn
dị bản đều đậm chất văn học (Trời
Nam/ Nghìn năm), đều đắt, đều hay đọng sâu và mở ra mênh mang tâm
tình vọng quốc của lớp người con đất Bắc Nam tiến cũng như hiện nay
luôn chặt lòng thủy chung son sắt với cội nguồn Rồng Tiên, Âu Lạc. Tuy
vậy, so sánh nào dù tinh, dù khéo đến mấy cũng có độ vênh. Ta thử
đọc xem sao:
"..."Trời Nam", dù muốn hay không thì
khái niệm những người con xa quê cũng bị bó hẹp trong một vùng đất,
một không gian nhất định. Trong khi đó "nghìn năm" mở rộng
phạm trù xa xứ đến vô cùng đối với tất cả những ai mang trong mình
dòng máu Lạc-Hồng dù ở chân trời hay góc bể" (Bđd - TCVH). Còn ông Huỳnh Văn Nam
thì nêu lại những chia sẻ của cha mình lúc sinh thời, "...Từ "trời Nam" dùng ở
đây ý nghĩa rộng hơn. "Trời Nam" không phải là sự bó hẹp về
không gian mà là một sự khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm
của người Nam đã được "thiên định" như ông cha ta đã từng khẳng định trong Hịch
tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo hay Nam quốc sơn hà. "Trời Nam
thương nhớ đất Thăng Long" - đó là tâm hồn, tư tưởng người Việt
tự ngàn đời hướng về gốc gác giống nòi... Hồn thơ thức tỉnh những
mơ hồ về Tổ quốc" (Bđd -
TCVH). Đó chính là lớp nghĩa khác, lớp nghĩa cốt tủy của những
câu thần thi: âm hưởng chủ quyền. Âm
hưởng, hào khí 4000 năm "non sông
giống Lạc Hồng/ đất Thăng Long" lặn sâu trong tâm tưởng từng con dân Việt,
nay bừng dậy mãnh liệt, hào hùng hơn bao giờ. Âm vang của những Thơ
Thần, Hịch, Cáo giục giã tự hào quyết xông lên giữ gìn chủ quyền Trời
Nam, nước Việt vẹn toàn Âm vang chủ quyền còn vọng vang hùng
tráng trong những ca khúc đi cùng năm
tháng của nhạc sĩ tài hoa Lưu Hữu Phước, Tạ Thanh Sơn...: Lên Đàng, Bạch Đằng Giang, Nam Bộ Kháng
Chiến. Âm hưởng chủ quyền hào hùng ấy còn lắng đọng ở cuối bài
thơ: ...Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi/
Bao giờ mang kiếm trả dân ta? Những câu thơ lấp lánh truyền thuyết
về người anh hùng áo vải đất Lam Sơn - Lê Lợi được trao kiếm Thuận Thiên cùng hào kiệt, nhân dân
đánh đuổi giặc Minh ròng rã hai mươi năm giành lại chủ quyền, Tổ quốc Trời Nam, nước Nam.
Cũng chính vì vậy mà
nhà văn Hoàng Văn Bổn, người đồng hương, đồng nghiệp, đồng ngũ thời
kháng chiến chống Pháp với Huỳnh thi tướng, đã khẳng định: Nguyên
tác bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ là "Trời
Nam chứ không phải "Nghìn năm. "Trời Nam" mới đúng chất
của anh Tám Nghệ. (theo Trần Ấm). Một ý kiến khác cũng chỉ ra
điều đó: Cần trả lại đúng văn phong, nguyên chất cho người sáng tạo
những câu thần thi ấy.
"...
Có ba chữ hay bị đọc sai trong hai
câu này: “độ” thành “thuở”, “trời Nam” thành “nghìn năm”, và nhất là “cõi” thành “nước”. “Cõi” đây là cõi giang sơn, vùng
lãnh thổ, công nghiệp mở mang bờ cõi đất nước của bao đời tiền nhân, những con
người ra đi từ sông Hồng đến lập ấp bên dòng Cửu Long. Biên tập sửa lại câu
chữ như thế có vẻ làm câu thơ nghe mênh mang hơn, nhưng không hợp với tên bài
thơ và nỗi niềm tác giả gởi gắm trong đó khi sáng tác. Và đặc biệt không tôn
trọng nguyên văn một tác phẩm". ("Trời Nam Thương Nhớ Đất Thăng Long" - Phạm Xuân Nguyên). Thậm
chí "Cũng có người thì đề nghị thay hai chữ “mang gươm” bằng “mang
cày” cho phù hợp với lịch sử khai khẩn ở phương Nam". (Con trai của "thi
tướng" Huỳnh Văn Nghệ nói về bài thơ "Nhớ Bắc"-
báo QĐND - Thanh Kim Tùng thực hiện phỏng vấn). "Ý kiến" này xin dành cho người yêu thơ thẩm
định!
Tôi lại cho
rằng, không chỉ "không hợp với tên bài thơ và nỗi niềm tác
giả gởi gắm khi sáng tác" mà
còn làm mất đi âm hưởng chủ đạo,
hồn cốt của nguyên tác. Đó là
âm hưởng chủ quyền - hào khí, hào sảng Trời Nam, đất và người Nam
Bộ, thành đồng Tổ quốc nguyện "hiến thân, liều thân cho nước" đau đáu vọng gởi, khát hòa hồn
thiêng Thăng Long đất Tổ...
Bài thơ "Nhớ
Bắc" nhất là khổ thơ đầu đã từng là sách gối đầu
giường, hành trang ý chí, khát vọng
của những đoàn quân Nam tiến, của bao chiến sĩ vệ quốc thời kỳ
chống Pháp, Nhật. Quả là hạnh phúc cho người cầm bút. Và những
người mến mộ Huỳnh thi tướng cũng chung niềm hạnh phúc ấy vì những câu tuyệt bút trong trong buổi
chiều đặc biệt xuất thần tại Sài Gòn 70 năm trước của tác giả đã trở về với nguyên bản và được
khắc bia. (theo Thanh Kim Tùng).
4. Vĩ thanh: Tháng năm chồng
lớp tháng năm. Dòng đời thản nhiên trôi chảy... Huỳnh thi tướng đã "lên đường" vào ngày 5/3/1977
hoàn tất "cuộc đời như tác phẩm" (Triệu Từ Truyền). Tính đến nay đã hơn 30 lần giỗ của ông.
Tụ về là những bậc cán bộ lão thành, các vị đương chức, đương
quyền nhưng đông nhất vẫn là đồng chí, đồng đội của bộ đội Tám Nghệ đã từng sát
cánh, chung lòng xông pha giết giặc. Và còn có cả những dân thường đến viếng, hoài
niệm ở nhà riêng đường Hai Bà Trưng - TP.HCM, ở nghĩa trang gia đình
Tân Uyên - Bình Dương, ở Đồng Nai. Bởi cuộc đời của ông gắn lền với
nhiều chiến công lẩy lừng, múa gươm vung bút giữa chiến trường miền
Đông Nam Bộ, oai hùng và lung linh
huyền tích, huyền thoại. Mà "huyền thoại nào cũng đẹp, huyền tích nào cũng hấp dẫn" (Bùi
Quang Huy). Và giữa những ngày
xuân mới sang, trời phương Nam như lộng xanh hơn. Những cánh rừng chiến
khu Đ, những vạt rừng Tân Uyên năm xưa rì rào hát. Dòng Đồng Nai như
chậm trôi... lắng nghe vó ngựa Thi tướng sãi nhịp cùng quân dân miền
Đông ra trận. Những câu thần thi,
tuyệt bút như lại thiết tha, vọng vang tâm tình nguồn cội Thăng Long đất Tổ, âm hưởng chủ quyền Trời Nam, Nước Việt muôn mãi vẹn
toàn.
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non
sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang
gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Lập xuân 2015
Nguyễn Nguyên Phượng
________________________________________
Tài liệu tham
khảo:
(1) "Người
Bình Xuyên" - Nguyên Hùng, "Huỳnh Văn Nghệ, Tác giả và Tác
phẩm" - Bùi Quang Huy.
(2) Bài viết của các tác giả Trần Ấm,
Phạm Xuân Nguyên., Nguyễn Huy Hùng...; các bài phỏng vấn của TC Văn
Học, báo QĐND...
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét