Xe buýt qua vòng xoay
Nguyễn Kiệm rồi dừng ở trạm. Hơn một tiếng đồng hồ, từ Hàng Xanh, qua ngã tư
Phú Nhuận tôi cũng đến nơi cần đến. Nắng dần sang trưa chói chang, một vùng
mênh mang của Gò Vấp hoang sơ nay đông đúc, phồn vinh. Chợ Tân Sơn Nhứt! Những
tòa nhà cao ngất, những bảng hiệu nhỏ, to mời gọi. Người, xe qua lại như dòng
trôi. Những con đường ngang dọc thênh thang.
Xe ôm, chăng? Nghe bạn chỉ đường cũng không khó lắm. Vậy đi tìm cho biết đường đi…
“Trên đời này làm gì có đường,người ta đi mãi
rồi cũng thành đường”. Không bàn những tầng nghĩa câu nói nổi tiếng của nhà
văn Lỗ Tấn, ở đây tôi tìm đường, hỏi đường
đến nhà anh bạn để in một tập văn. Chuyện dễ tin và rất thực giữa thời các loại
thơ, văn được nhiều tác giả thành danh hay còn chờ nổi tiếng in ấn, cho ra đời
sản phẩm chữ nghĩa của mình quá dễ dàng. Còn tôi, cách đây ba năm gặp người bạn
đắm mê văn chương, tác giả hơn mười tác phẩm từng gây xôn xao dư luận cứ hỏi,
đã in tập văn, thơ nào chưa? Nếu cần, khâu duyệt tôi giúp cho (vì anh biết tôi ở
xa thành phố).Tất nhiên do quá thân thiết mà anh hỏi vậy. Đến với văn học nghệ
thuật có chủ thể sáng tạo nghiêm túc nào không hoài thai mong có ngày gởi đến bạn
đọc đứa con tinh thần rút ruột từ tim óc. Tôi cũng thế. Cầm bút làm thơ, viết
văn từ hồi bước vào giảng đường Đại học, đến nay cũng có dăm bài đăng trên tạp chí, tuần báo văn nghệ nhưng phần nhiều bài
viết của tôi góp mặt ở các trang mạng, giờ tập hợp lại để ra sách, ra thơ nên không
khó lắm! Ngần ngừ mãi tôi cũng gởi đến
nhà xuất bản bản thảo một tập văn qua anh bạn thân nói trên. Điều thú vị là tôi
ở một huyện núi miền Đông giáp ranh tỉnh Bình Thuận, trong chuyến về giao lưu
vùng sông nước tập văn của tôi anh gởi biên tập xin cấp phép ở khu vực miền Tây
Nam Bộ (Bến Tre) thuộc Hội Nhà văn Việt
Nam. Để rồi bản thảo cấp phép lại trở về
Sài Gòn lúc tôi và anh bạn ngồi café đường sách Nguyễn Văn Bình!
Chặng
cuối là nhà in tôi đang tìm đến, một địa chỉ mà giới sáng tác nhiều vùng miền gởi
gắm niềm mộng mơ lãng đãng đăng bài hoặc đến in tác phẩm xem là tri kỉ: Quán Văn. Căn gác nhỏ thật ấm áp tình
văn chương. “Ông chủ quán” đã ngoài 70,
dáng người nhỏ thấp vẫn nhanh nhẹn, tinh tế đọc từng trang bản thảo, gợi ý trình
bày trang bìa trang cuối trên màn hình vi tính. Cũng buổi chiều ấy, tôi cắt cuộc
hẹn với nhóm bạn khi biết tin tôi về thành phố để tự mình rà đọc bản nháp của nhà in. Từng
trang, từng dòng, câu chữ, cảm xúc vẫn như tươi mới của những bài viết về những
năm tháng xa xôi. Sài Gòn, Phú Nhuận, Gò Vấp… một thời tôi hiện hữu, học hành,
mơ ước, lang bạt, nổi trôi. Những chiều muộn. Những đêm mưa… “Mưa tuôn trút đổ trận ngàn/ Về qua Phú Nhuận
vừa tàn đêm thôi/ Về qua chốn cũ khuya rồi/ Mưa
xưa rét mướt, mưa đời lạnh căm” (Về Phú Nhuận - đăng trên báo Khởi Hành do nhà thơ Viên Linh chủ biên). Những câu
thơ tôi viết từ năm 1972… Giờ trưa nay, 40 năm sau tôi ngồi ở quán ven đường Nguyễn Kiệm - Gò Vấp đọc tập
văn và hoàn thiện bước sau cùng cho quyển sách đầu tay của mình để gởi đến bạn
bè, người đọc. Căng đầu đọc lại gần hai trăm trang bản thảo tôi vẫn nghe lâng
niềm vui trùng ngộ này.
2.
… Thế là ổn rồi. Chủ Quán Văn cười rộn rã. Lời Tựa cho sách vừa được gởi từ B’lao đó. Hay.
Ngắn gọn nói được điều cần nói. Chậm lắm là mười ngày, nhắn tin “nhà văn” tới nhận sách. Sách chỉ in con số khiêm tốn mà anh vẫn nhận.
Và người bạn văn ở B’lao kia nữa… Siết chặt tay giã từ. Thật ấm lòng, cảm kích
những bạn đỡ văn chương khó tìm trong cõi bụi bặm này. Chuyến xe 5 giờ chiều vẫn
còn kịp về Ông Đồn - Xuân Lộc, tôi thả bộ ra vòng xoay mà ngẫm nghĩ lan man. Buổi giới thiệu tập văn đừng quên mời nhé! Đúng
thế, đã thành lệ - trình làng sách mới -
điểm cuối của chặng đường đi tác phẩm nữa
đây. Cũng cần lắm vậy, nhưng phải chăng tác phẩm đến với bạn bè, với người tiếp
nhận điều cần hơn là xúc cảm, tấm lòng tìm thấy những đồng điệu trong xúc cảm,
nghĩ suy trăn trở của tác giả… lấp lánh
nhân văn bằng giọng điệu riêng, ngôn từ độc đáo mới là chính yếu?
Tác
phẩm đâu chỉ có con đường, sắp xếp bản thảo chỉnh sửa câu chữ, duyệt cấp phép,
in ấn, trình làng, phát hành… Bìa sách đã đổi lại theo ý tôi chọn, cô gái cầm đàn Cello của họa sĩ tài danh
Đinh Cường, mùi giấy mực chừng như còn phảng phất từ bản in mẫu. Đèn bật xanh.
Xe buýt lăn bánh nhanh hòa vào những dòng người, xe hối hả. Xe bon nhanh mấy
cũng đến điểm dừng, bến đỗ. Còn tác phẩm văn học lại có con đường đi riêng của
mình. Tác phẩm như một bản nhạc, một mùi
hương sẽ đọng lâu, bền sâu trong tâm hồn, trí tưởng… của những người mến mộ văn
chương dẫu chỉ là bài thơ, tứ thơ, câu thơ hay một trang, một dòng, một đoạn. Bằng
giá trị văn chương đích thực, tác phẩm bay lên và lan tỏa vượt không thời gian…
Tập
văn của tôi in xong tất nhiên sẽ gởi đến bằng hữu gần, xa chia vui. Còn tác phẩm
bay lên và lan tỏa đến đâu mãi vẫn là ước mong mộng mị của những ai đau đáu niềm
đam mê sáng tạo chữ nghĩa. Và chắc chắn trong đó có tôi!
NGUYỄN
NGUYÊN PHƯỢNG
HHT đã nhận tập tùy bút và tản văn CÒN ĐÓ BUỔI BAN ĐẦU. cÁM ƠN ANH NHIỀU.
Trả lờiXóaChúc vui nhé!QuỳnhHoa, MaiTuyếtcũng nhận được sách rồi.
Xóa