- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Dấu ấn thời khai phá
Ở Hương rừng
Cà mau, văn hóa Nam Bộ được thể hiện qua quá trình khai khẩn
đất hoang đầy gian khó của người dân tứ chiếng. Nam Bộ xưa kia là nơi hoang vu,
rừng thiêng nước độc và con người khó có thể sống ở nơi này. Ruộng
Lò Bom đã giải thích thời kì người dân đi
khai hoang mở cõi ở Nam Bộ:
“Đất này hoang
vu từ hồi tạo thiên lập địa. Nghe đâu ông Mạc Cửu tới khai khẩn vùng Hà Tiên
nhưng ổng ưa ở vùng biển để lập chợ mua bán, lập sòng bạc. Ruộng bỏ hoang. Thế
là ông Mạc Cửu tiêu tan sự nghiệp. Chợ Hà Tiên lần lần sụp đổ. Ông Mạc Cửu ở
bên Tàu qua, đem theo nhiều quân sư quạt mo nhưng chẳng ai chú ý đến chuyện làm
ruộng. Họ chê đất này ngập lụt. Họ dòm đất này rồi uống rượu, ngâm thơ, bày đặt
đủ điều lăng nhăng. Đất này giáp mí với cái Đông Hồ. Nghe đâu, mấy ông Tàu nói
rằng ở Đông Hồ, ban đêm có tiên hiện xuống… Ông Mạc Cửu bất tài, không khai nổi
xứ này. Rồi tới trào này: Tây lắc đầu, chẳng biết thế nào để lập làng lập xóm.
Bác vật Tây chê đất này phèn, ngập lụt, khó khăn, thiếu kênh rạch, muỗi mòng.
Mấy ông điền chủ không thèm khai khẩn, sợ tốn tiền đóng thuế mà chẳng thâu được
huê lợi…”.
Duy chỉ có Tư Cồ làm được ruộng ở xứ đất ngập phèn. Anh
ta cầm cây dao dài, nhảy xuống nước ngang cổ phát cỏ, rồi về. Đó là kiểu làm
ruộng Lò Bom, trồng lúa Xom Mà Ca. Đợi khi nước xuống, giữa tháng Hai, tháng Ba
nắng cháy khô cỏ. Vợ chồng Tư Cồ trở lại đốt cỏ gieo lúa giống, loại lúa Xom Mà
Ca từ lúc gieo đến lúc trổ là bốn tháng, rồi lúa chín thu hoạch. Xong rồi đi
nơi khác làm. Anh ta bám lấy nghề và cùng vợ khai khẩn vùng đất hoang ngập phèn
này.
Hai Cờ Đỏ kể về hành trình mở cõi phương Nam của vua Gia
Long, để thấy hai nghề dễ sinh sống nhất của những người đi khai phá đất mới là
phá rừng lấy củi, chài lưới bắt cá dưới sông: “Số là xưa kia… Gia Long bị Tây Sơn rượt, ngài phải dùng ghe biển mà
chạy từ Cà Mau ra Phú Quốc… Gia
Long nói xứ Nam Kỳ này không có núi cao, không có sông sâu. Còn đất phù sa thì
dở quá, vô dụng. Đến đỗi móc đất lên nắn con tu hú để thổi cũng không kêu. Duy
chỉ có hai nghề phá sơn lâm, đâm hà bá giả là dễ làm ăn. Nhưng lưới trời lồng
lộng không ai chạy khỏi: phá rừng, chài cá khiến con người phải nghèo mạt…”
(Nhứt
phá sơm lâm). Khai
thác nguồn thiên nhiên sẵn có, nhưng người dân ở đây vẫn nghèo hoàn nghèo, đó
là nghề đốn củi, chài cá. Câu “Nhứt
phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”
vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.
Khi khai phá đất hoang, người dân biết làm đường để đi
lại cho thuận tiện, xẻ kinh để có đường lưu thông chở lúa từ ngoài đồng về: “Về mặt khai phá đất hoang, giúp đỡ dân chúng
thì ông cai tổng Trần Hanh đã ghi thêm vài nét hơi đậm trên bản đồ xóm Cù Là.
Ông mướn người đào kinh, xẻ ngang thửa ruộng, giúp tá điền chở lúa dễ dàng từ
đồng ruộng đến lẫm lúa: đó là kinh thầy Cai Hanh. Lại còn con lộ gọi nôm na là
lộ thầy Cai Hanh…” (Xóm Cù Là). Tên của con kinh mang tên người đứng ra làm nó và in đậm di
tích cho đến ngày nay.
Dấu ấn của con người đến Nam Bộ
mở đất hiện vẫn còn lưu dấu, nhắc chúng ta nhớ đến công lao của cha ông là
những người đầu tiên đặt chân đến nơi này khai phá, để hôm nay thành vùng đất
phù sa màu mỡ, vun đắp cho ruộng đồng cây trái xanh tươi trù phú.
Khai thác nguồn lợi ở rừng U Minh
Nguồn lợi thiên nhiên sẵn có trong rừng U Minh là vô số.
Con người đến đây bắt đầu săn khỉ và cọp. Ông Hai Khị kể: “Xưa kia, thời ông Mạc Thiên Tứ (con của Mạc
Cửu), một người Trung Hoa tị nạn ở Việt Nam vùng chợ Hà Tiên thì sung túc nhưng
rừng U Minh còn sầm uất, khỉ sống từng bầy đôi ba chục con. Người Việt Nam đến
rừng U Minh để tìm huê lợi thiên nhiên. Họ chê cá tôm vì cá tôm bán rẻ giá hơn
cọp và khỉ. Bấy giờ, cọp, khỉ và rừng rậm nuôi dưỡng cho nhau. Khỉ ăn trái
rừng, lớn lên khỉ làm mồi cho cọp, cây sanh trái làm thức ăn cho khỉ… Cách đây
một trăm năm, ông Cai Thoại đến U Minh, ra tài đánh cọp. Cọp chết quá nhiều
hoặc chạy trốn về phía núi Tà Lơn, bên Cao Miên… Hết cọp, khỉ sống hoài trở
thành chúa sơn lâm… nhưng may quá, người Việt Nam đến rừng U Minh, tìm cách để
bắt khỉ… Họ bán khỉ qua bên Tàu, bán cái “tinh túy” của con khỉ… bày cách nấu
khỉ làm thuốc cao… bổ về đường khí huyết… sống dai, ngừa bịnh sốt rét rừng,
sanh con đẻ cháu nhiều hơn thiên hạ…” (Cao khỉ U Minh). Nấu
cao khỉ giờ trở thành chuyện đời xưa kể lại cho con cháu nghe chơi.
Hết
thời oanh liệt nói về chuyện cọp ở U Minh, làm sao con người chiến thắng được
cọp, để họ sống yên ở nơi cọp đang ngự trị: “Truyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký có nhắc lại câu chuyện
cọp ở Gò Quao. Cọp đi dạo xuống bãi sông tìm mồi, rủi bị kẹt đuôi trong bụi dừa
nước… Rõ ràng thời ấy cọp quá lộng hành dám bỏ rừng sâu, bén mảng đến các xóm
nhà sát mé sông, nơi mà chúng bị cô lập, thất thế nhứt. Ông cha ta đã đánh đuổi
lũ cọp ấy như thế nào? Có người đáp: nhờ các thầy giỏi võ, chuyên môn đánh cọp
xuất thân ở các trường võ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Gặp lúc nước nhà loạn lạc, các
thầy chạy vào vùng Cà Mau mà ẩn lánh. Võ nghệ của các thầy quá đỗi cao cường,
gặp cọp là rượt bắt lại, nắm gáy đè xuống, nện vào lưng cọp những quả đấm thôi
sơn chẳng khác nào chúng ta ngày nay đánh một con mèo hoặc một con chó con… Sự
thật ra sao?”.
Sợ nhất là cọp vào nhà nên bà con xây hàng rào
chung quanh nhà, có khi rình bắt người, nên họ đốn tre tầm vông vạt nhọn để khi
gặp cọp thì đánh trống lên, cả xóm xách tầm vông tới nghinh chiến, nhưng thất
bại. Về sau, có người gài bẫy được một ông cọp, họ đút mũi tầm vông vô miệng
cọp để đâm, dè đâu, cọp nhai nát như mình ăn mía. Làm thế nào để đánh cọp đến
nỗi không còn sót một con. Dân xóm bày đặt cất miễu thờ cọp. Đó là ngụ ý: “Chúng tôi là người làm ăn, không dám đả động
tới ông, xin ông cứ ở trong rừng để chúng tôi được yên ổn!”. Cất miếu
xong, chạng vạng có người tới đốt nhang. Mấy hôm đầu, ông cọp đi vòng quanh
miếu, đứng nhìn nhang rồi về. Bữa sau đem ra cúng một cái đầu heo rừng. Cọp
mừng lắm. Từ đó xóm giềng được yên.
Nhưng dân miệt trên xuống đây khai khẩn ngày thêm đông.
Đất giữa đồng khai thác hết. Bấy giờ chỉ còn đất rừng sát mé sông, nơi cọp ở.
Đó là hồi nguy nan nhất cho dân mình và cũng cho cọp. Nhiều người làm gan cất
nhà sát mé rừng. Ban đầu, đôi ba nhà, sau, năm mười nhà. Họ thấy ở gần rừng mé
sông tuy là nguy hiểm nhưng có nhiều huê lợi khác: ăn ong, làm rẫy. Lúc này,
nhiều người chết vì đi một mình vô rừng bị cọp chụp bất thình lình. Học sắm mác
thông, thứ có cán dài để ứng phó. Nhưng ở chỗ rừng dày, con người khó bề xoay
trở đủ thế. Thời thế tạo anh hùng. Bận đó, ông thầy Râu có đứa con gai bị cọp
vồ. Tức mình ông cầm mác rượt theo tận giữa rừng, chém cọp rớt một cẳng. Kinh
nghiệm là không nên đánh cọp nơi chật chội, tư bề có cây cối. Cọp sợ người.
Bằng cớ là ở giữa đồng trống, mình cầm mác thét lớn là cọp chạy mất. Rạch Cái
Bần không còn cọp nữa. Lần hồi, ghe xuồng đi thông thương ngày đêm từ ngọn Cái
Cau đến vàm sông Cái Lớn.
Trong quá trình khai khẩn đất hoang rừng rậm, người dân
Nam Bộ biết tự chế tạo ra các loại thuốc để chinh phục rắn và chữa rắn cắn: “Ba thằng Lợi nổi danh hơn các thầy rắn.
Thuốc của ba nó vò viên sẵn, khỏi tốn thời giờ tìm kiếm. Thuốc ấy mạnh lắm, trừ
tuyệt nọc, nghĩa là một hai năm sau đi nữa, bệnh nhơn không cảm thấy nhức xương
sống khi lập đông trở về. Phi thường nhất là có toa thuốc khi thoa vào tay, rắn
không bao giờ dám mổ” (Cây huê xà).
Mật ong là nguồn thiên nhiên sẵn có. Ong hút mật từ bông
tràm bạt ngàn trong rừng U Minh. Người dân biết làm kèo gác tổ ong
trong rừng tràm để lấy mật: “Hương
rừng ngào ngạt, mùi hương xa lạ nhưng rất quen thuộc…Rừng cơ hồ không còn chiếc
lá nào cả! Trên hàng vạn nhánh to nhánh nhỏ, bàn tay thần nào rắc lấm tấm hàng
hà sa số đợt bông gòn, không phải riêng trước mặt mà khắp các tứ phía. Rừng
sáng lạng, ai dám nói rừng là âm u? Bông kết oằn sai, mịn màng, trắng tuyết;
đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy toàn là nhụy ngọt”. Đó là rừng tràm: “Muôn ngàn hũ mật ong của trời ban xuống cho
trần gian còn treo lủng lẳng như mù sương trên nửa lừng đó. Hửi vô thì say. Say
thì không tỉnh được. Có người toan dùng nó mà luyện thuốc trường sinh, từ trăm
năm nay…” (Hương rừng). Hương
rừng, hương của mật ngọt làm quà tặng làm thức ăn và thuốc rất quý hiếm cho con
người.
Tháng
Chạp chim về cũng ghi dấu thời kì con người khai phá đất hoang, săn
bắt chim thú. Chim là nguồn lợi lớn đối với con người ở đây nhưng nhiều khi con
người khai thác quá đáng dẫn đến chim ngày một ít đi và có nguy cơ bị tuyệt
chủng. “Vùng Rạch Giá, Hà Tiên nổi
danh là nơi tập hợp nhiều sân chim, của trời đất dành riêng cho. Từ vàm đến
ngọn sông Cái Lớn, bao nhiêu là sân: sân Cái Nước, sân Thầy Quơn, sân Thứ Nhứt…
Đó là chưa kể mấy sân ở giữa rừng mà chưa ai bước tới. Từng vùng rộng chừng
mười ngàn thước vuông, tụ tập hàng vạn con chim lớn. Chúng nó sanh sôi nảy nở,
tạo lập một thế giới riêng biệt náo nhiệt, ở khắp nhành cây và mặt đất”.
Dân chúng kéo đến nơi này bắt chim nhổ lông bán cho ghe buôn từ Hải Nam đến, họ
mua về để kết quạt. Có thể chia làm hai loại chim, thứ làm ổ trên cây và thứ
làm ổ trên mặt đất: “Đất hoang, rừng
rậm lần lần được khai thác ở Kiên Giang. Vì động đất động rừng, chim bay đi, bỏ
sân cũ. Chúng bị tiêu diệt lần lần. Vài con chim còn nhớ sân cũ, hằng năm cứ
tháng Chạp là bay về. Như con chim già sói này trở về rạch Đường Sân”.
Gần Tết, năm nào con chim già sói kia cũng bay về vùng
Rạch Giá - Hà Tiên này mà trông ngóng bao đồng loại của mình bị vặt lông ở đây.
Ông Tư cũng mang mối hoài cảm với con chim nọ nên ông và con chim kia dường như
có một sợi dây tình cảm vô hình nào đó. Tình cảm của ông Tư đối với con chim kia
là tình bằng hữu, cũng mang nỗi tiếc nuối, ngậm ngùi khi con người tàn sát biết
bao loài chim: “Ông Tư nhìn nó. Có lẽ
ông nghĩ đến phận mình mà nảy sinh ra bao mối cảm hoài. Trong con tim già, qua
thời gian, giờ đây chắc chắn đã lắng xuống hết hung bạo của thời xuân xanh của
ông và của đất nước hoang vu. Giữa ông và con chim nọ không oán không thù. Biển
lặng sau cơn giông tố. Đây là Bá Nha với Tử Kỳ cảm thông nhau. Cầu cho ông Tư
với con chim già sói được sống lâu hơn trăm tuổi!”. Nhà văn tự hào về
đất nước mình trong buổi đầu khai phá: “Hiên
ngang thay! Đẹp đẽ thay! Hỡi người Việt đầu tiên đến vùng Kiên Giang hưởng ơn
Trời lộc Nước mà khai phá miền Nam…”.
Người dân đến U Minh ngoài phá rừng, bắt cá, họ còn biết
phát cỏ trồng lúa. Dấu ấn lúa nước đã để lại cho người Nam Bộ cho đến ngày nay.
Nhưng trên đường khai phá đất hoang, nhiều người sinh làm biếng, muốn tìm nghề
khác làm ăn có lợi hơn, Họ quên đi cây lúa: “Khi xưa người dân phá rừng mở nước, họ làm lụng suốt ngày quên ăn cơm,
cứ mỗi cây phảng nặng một yến. Bây giờ chỉ phát một buổi mà cây phảng sụt xuống
còn năm cân mà lắm người than mệt! Người dạy đạo phát cỏ thì lo tiền bạc rượu
thịt. Nghề làm ruộng lần lần bị cạnh tranh: nhiều nông phu tay cầm phảng nhưng
trong bụng nghĩ tới việc ra chốn thiềng thị, tìm phương kế khác làm ăn có lợi
hơn…” (Đóng gông ông thầy Quít). Ông thầy Quít khuyên mọi
người hãy giữ gìn nghề nông và bám lấy với nghề mới có hạt cơm ta ăn: “Ráng sức giữ lấy nghề nông”.
Ngày xưa để có gạo ăn, người ta giã lúa thành gạo, đó là
một quá trình lao động cực nhọc. Để đỡ cực khổ hơn, người ta xay lúa tạo thành
gạo. Ông Năm xay lúa từ ngoài hòn Cổ Tron vào Rạch Giá xay lúa mướn: “Cái ông già này mới cừ khôi, đứng xay từ
hừng sáng đến mười giờ đêm mà không nghỉ tay, sắc mặt luôn tươi rói. Bất chấp
tết nhứt, ông ra nghề từ bữa mùng bốn, xay lúa ròng rã tới hôm nay, ai cần thì
cứ gọi ông đến cho vui nhà vui cửa” (Ông già xay lúa). Sau
đó, người ta biết tạo ra cối xay gạo nhanh hơn, rút ngắn thời gian hơn để tạo
ra hạt gạo. Xay lúa đã trở thành nghề của người dân để kiếm ra tiền bên cạnh
việc phát rẫy, trồng lúa, đốn củi…
Mùa
nước nổi ở An Giang
Thân phận con người biết về đâu giữa biển nước mênh mông.
Lão Bích đang trong cơn hấp hối, chờ
chết, mà chiếc ghe của lão đang ở giữa đồng không mông quạnh, bốn bề là nước,
mặt trời lại sắp lặn. Thằng Kìm con trai lão đang cố sức bơi để tìm thấy nóc
nhà của ai đó trong biển nước: “Nước
chảy hăng, tràn lan từ bờ sông Hậu sang vịnh Xiêm La, chảy mãi về hướng Tây. Nó
thắc mắc: nước ở đâu mà nhiều quá, ngập đồng ruộng, sâu cỡ hai thước, mênh mông
không bờ bến như biển khơi… Đây là vùng ruộng sạ thuộc tỉnh Long Xuyên. Hằng
năm, nước lên vài tháng rồi giựt xuống… Bờ bến ở tận chân trời, nước tuy cạn
nhưng có thể giết người, nạn nhơn dầu lội giỏi, vượt năm bày ngàn thước cũng
không tìm thấy một căn nhà sàn, một ngọn tre mà nương tựa”.
Ba thằng
Kìm chết, nó biết nương nhờ ai để chôn ba nó. Cũng may, nó gặp người đi len
trâu chỉ dẫn nó đến nhà ông Hai Tích chỉ còn là “căn chòi lú trên mặt nước” giúp dùm. Tới nhà ông Hai Tích, nó
thuật lại hoàn cảnh của cha nó. Tâm trí nó luôn tự hỏi: “Chôn cha nó ở đâu? Làm sao mà chôn?”.
Đoán được vẻ lo âu sợ hãi đó, ông Hai Tích ngập ngừng: “Nói chôn cho đúng tục lệ chớ đất ở đâu mà chôn? Tứ bề là nước. Có hai
cách: một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo lên mặt nước, chờ khi nước giựt
mới đem chôn lại đất. Như vậy mất công lắm, diều quạ hoành hành. Cho bằng bỏ
xác lại rồi dằn cây dằn đá mà neo dưới đáy ruộng…”. Ông Hai lấy nóp gói
xác ba thằng Kìm, hai ông bà lụm khụm khiêng xuống xuồng cái thớt trên của cái
cối xay cũ… “Cả mặt nước giờ đây hiển
hiện như con ác thú khổng lồ há miệng ra nuốt trọn thân xác cha nó rồi ngậm
miệng lại, giận dữ vì chưa no”. Hai ông bà cầu siêu cho linh hồn người
bạc mạng. Tội nghiệp cho thân nó đơn chiếc mà còn gặp cảnh này (Một
cuộc bể dâu).
Mùa len trâu là một
cảnh đặc trưng của vùng nước nổi. Mùa nước nổi tháng chín, tháng mười ở An
Giang đâu đâu cũng biển trời nước mênh mông. Thời tiết khắc nghiệt: trời mưa,
nước dưới sông dâng cao rồi đến mùa hạn. Năm nào cũng vậy, cứ mùa nước lũ, thì
người dân di cư “len” những đàn trâu đi nơi khác cao ráo hơn - vùng Ba Thê,
Bảy Núi kiếm cỏ ăn. Nước xuống lại đem về. Những người đi len trâu, trong đó có
thằng Nhi con chú Tư nhiễm nhiều tật xấu nhưng ít ra nó cũng lớn khôn, nghe
thấy được nhiều việc mà ở nhà nó không nghe thấy như kinh nghiệm len trâu của
ba nó thời xưa: “Chăn trâu còn khó hơn
điều binh khiển tướng. Đời xưa, nhiều người nhờ lúc nhỏ chăn trâu mà tới lớn
được làm vua. Con nít chăn trâu ca hát nghe bậy bạ nhưng nhiều khi linh nghiệm
như sấm truyền, đoán đúng những chuyện quốc sự… Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua
miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi
hai ba con là nhiều, cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy. Đằng này, trâu lội nước
năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm dễ chứ muốn thấy được cảnh đó
không phải dễ, giống như hồi thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn…”.
Đặc sắc lời ca tiếng hát
Vùng đất Nam Bộ lúc ấy còn hoang vu, nhiều sấu cọp, lại có một gánh hát bội về phục vụ bà con. Họ mời gánh hát bội ở miệt Vũng Liêm về hát, trước mua vui sau làm nghĩa. Mỗi nhà đóng góp tùy hỷ để nuôi anh em gánh hát. Hát bội ban đêm mới vui vì ban ngày người dân bận công việc đồng áng. Họ sợ cọp ăn thịt người, ông kỳ lão trong xóm nói vui: “Phen này, mình mời cọp và sấu tới coi hát với mình cho vui luôn thể”. Xóm Khoen Tà Tưng bấy giờ chỉ mới có hơn hai mươi căn chòi lá. Bà con đốn tràm để xây rạp hát: cất một cái nhà sàn giữa sông, theo kiểu ba căn hai chái. Ba căn giữa dùng làm sân khấu, hai chái dùng để đào kép ăn ở nấu cơm. Đêm hát ra mắt, vui quá đỗi là vui. Họ hát tuồng xưa tích cũ, đào kép áo mão xanh đỏ, kèn trống thùng thùng. Hát riết tuồng cũ rồi người dân cũng sinh chán, đoàn hát dời tới chỗ khác. Gánh hát ra đi, họ rã gánh lần lần, lưu lại khắp trong vùng hoang vu này nhiều chuyện hay hay. Dân xóm Khoen Tà Tưng bị ảnh hưởng của họ đậm quá! Mấy đứa con nít chăn trâu nhái giọng hát bội, thét lên inh ỏi ngoài đồng: “Muôn tâu bệ hạ! Muốn yên nhà lợi nước, nên trồng đước với dà. Mai sau có hư cửa hại nhà, đốn nó làm kèo cột…”
Trong Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam nhắc tới ca vọng cổ. Đó là một nét đặc sắc của dân tộc. Những câu vọng cổ hát lên thắm đượm tình yêu quê hương đất nước, yêu con người. Họ có thể hát lúc lao động mệt nhọc hay những lúc rảnh rỗi: “Mỗi mùa, thay vì dành ba chục ngày để phát cỏ, giờ đây nhờ phép nhiệm màu của thầy Quít, họ chỉ cần ra sức bốn năm ngày là xong chuyện. Mấy mươi ngày còn lại, họ tha hồ đờn ca vọng cổ” (Đóng gông ông thầy Quít). Đấy, họ lao động trong môi trường nguy hiểm giữa rừng sâu hay những lúc rảnh rỗi, âm vang tiếng hát câu hò làm họ vơi đi nỗi mệt nhọc và lo sợ, giúp họ có niềm tin hơn trong cuộc sống.
Một cuộc hội ngộ của ba người A Lẩu, Tư Đờn và Hai Lượng
không gặp thời vận nhưng trong họ luôn nuôi chí anh hùng. Họ đờn ca là để tìm
quên hiện thực của đất nước. Trong những lời ca ấy chất chứa biết bao nỗi buồn
đau khi Tây chiếm đóng tới những nơi xa xôi hẻo lánh như xứ này: “Bây giờ, anh đờn
tôi hát nghe vui hơn. Nói thiệt với anh, nghe tin rừng này sắp làm “cúp” tôi
buồn quá. Chim chóc hết chỗ ở. Rùa rắn cũng phải lui. Chim với rắn vốn là bạn
bè của mình bấy lâu nay. Tôi mới đặt một bài “Xuân tình” để làm kỷ niệm. Tựa là
“Thượng điểu, hạ cầm”. Mình kể sơ sơ nghe chơi cho con nít nó biết, không dám
nói chen thêm chuyện quốc sự, Tây nghe được rầy chết… Anh nhịp đi. Xuân tình lớp
một. Tôi vô” (Hội
ngộ bến Tầm Dương). Phải chăng, những con người này
thất bại trong làm ăn nhưng không hề thất chí. Chí anh hùng vẫn trôi chảy trong
dòng máu của dân tộc Việt Nam yêu nước trước cảnh đất nước có ngoại xâm.
Giữa miệt vườn sông nước chợ Vàm lại vang vọng một giọng
hò ngọt ngào truyền cảm gợi con người xuôi về quá khứ thời dân ta đi khai hoang
mở cõi Nam Bộ. Không ai biết lý lịch của giọng hò đó. Con Bảy đưa đò, chỉ biết
rằng cô ta từ Cần Thơ xuống gặt mướn, rồi mùa không về xứ mà cất nhà ở đây
luôn. Năm sau mẹ già bệnh mà chết, con Bảy sống một mình và làm nghề chèo
đò đưa khách qua sông: “Có qua đây,
dầu vô tình đến cách mấy đi nữa họ cũng phải chú ý đến một cái tên, hay nói
đúng hơn là một giọng hát: giọng hát của con Bảy đưa đò. Nó xa lạ nhưng quen
thân, ấm áp. Khi cất lên thì nó cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao
vút tận mấy vì sao lấp lánh, giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao
động cả dòng sông, chuyển rung mặt nước dẫu khi thuyền đã xa khuất. Nó trở thành
một lớp mù sương mờ ảo che lấp bóng dáng người hát. Khách ngẩn ngơ nhìn theo
không còn thấy gì nữa, tâm trí bâng khuâng giữa cảnh sông rạch âm u” (Con Bảy
đưa đò).
Đời sống tâm linh của các dân tộc
Trong văn hóa của những con người tứ xứ về phương Nam lập
nghiệp, do điều kiện lịch sử nên dần hình thanh một nền văn hóa rất riêng của
Nam Bộ. Trong đó, chúng ta phải kể đến lễ hội, tập quán và tín ngưỡng. Vùng đất
Nam Bộ trong quá trình khai hoang mở cõi có sự giao thoa văn hóa của các dân
tộc đến đây sinh sống: Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Lễ hội, tập quán, tín ngưỡng trở thành nét văn hóa đặc sắc vùng sông
nước Nam Bộ.
Nói về văn hóa Khmer, một trong những lễ hội được tổ chức
hàng năm là Ooc-om-bok. Thời điểm tổ chức lễ hội này là lúc thời tiết bắt đầu
sang mùa khô, lúa ngoài đồng chớm chín. Lễ hội có ý nghĩa tạ ơn Thần Mặt trăng
và cầu mong điều lành, may mắn; cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà
nhà ấm no hạnh phúc. Lễ cúng trăng vào tối
ngày 14 tháng 10 (âm lịch), thời gian hành lễ trước khi mặt trăng lên đến đỉnh
đầu.
Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, ngày hôm sau lễ
cúng trăng (15/10) là tục đua ghe
ngo. “Biết rằng đem đua
ghe ngo của nhà chùa để đua ăn mừng cho ngày lễ của Tây là khó xử, nhưng cũng
phải tham dự. Sáng hôm sau cụ Lục đích thân đọc kinh làm phép cho ghe ngo. Ghe
đẩy xuống nước để tập dợt, bao nhiêu trai tráng hò reo vang dậy như lân thấy
pháo. Chiếc ghe ngo phóng từng bực rồi nổi lên cao khỏi mặt nước. Mấy hôm sau,
lúc đua, cụ Lục ở nhà đọc kinh lâm râm. Ngoài sông Cái Lớn hai chiếc ghe ngo
biến thành hai con rắn thần bay trên mặt nước. Phó hương quản Hem vội chụp lấy
cây dầm nhỏ, nâng lên cao, bơi trên gió như thu hút cả sức mạnh của trời, của
đất. Ghe vượt qua. Chiều hôm đó, tiếng hát vang dậy, tiếng cồn nhịp nhàng đưa
đến ngày một gần. Lục cụ đoán đó là điềm chiến thắng. Cụ rửa mặt, lên chùa thắp
nhang để tạ ơn đức bên trên. Cuộc đua chiến thắng, được tặng phần thưởng nhưng
Lục cụ không nói nửa tiếng, nuốt nước miếng như cố nén chút gì tủi nhục, xót xa
cho thân phận của người dân mất nước”.
Không ai thấy con ma như thế nào, nhưng người dân Nam Bộ vẫn
tin tưởng vong hồn người chết vẫn còn phảng phất đâu đây trong quá trình mở
cõi. Lão Từ Thông và thằng Tặc - cháu của lão và “tôi” có dịp ra
Hòn Tre dạo bãi biển câu cá, uống rượu dưới bóng trăng, để có dịp thoát trần,
sống xa vòng danh lợi như tám ông “hiền” ở rừng trúc. Trong lúc nửa mê nửa tỉnh:
“Tôi thấy một người con gái khá đẹp,
mặc áo lụa bạch nhảy vào khoan ghe… Mặt biển vẫn xao động, sát mũi ghe. Ánh
trăng sáng lóng lánh như tâm gương bể ra hàng trăm mảnh vụn nát. Tôi thấy rõ
ràng một kép hát bội đang nhô đầu khỏi mặt biển, đầu đội mũ dắt lông trĩ, râu
hùm hàm én, tay hươi gươm”. Đêm đó, cả ba người gặp lão chủ hang hiện về
uống rượu cùng. Bị lão chủ hang hù dọa, ai nấy cũng đều sợ. Hôm sau lão Từ
Thông giải thích: “Ông lão chủ hang…
vốn hiền lành. Từ hồi bảy tám chục năm trước, mấy người đánh lưới thường gặp
ông ta, cũng tại hang Cây Gừa này! Chú em tin rằng thế gian này có ma không?
Hồi đêm hôm, mình bị ma nhát đó!”. Và “tôi bắt đầu tin rằng ở đầu gánh cuối bãi… có thể có ma nhát! Nhưng loại
ma đó hiền hậu, nên thơ lắm. Đồng bào địa phương giữ mãi dấu ấn xưa, mơ màng vì
nó gắn bó với việc mở nước đầy gian lao” (Hai con cá).
“Giặc Tây đến,
chúng đóng binh ở ngoài huyện Kiên Giang. Binh sĩ của ông Nguyễn Trung Trực lén
kéo về Châu Thành để công kích. Dân chúng nghe tiếng súng, nửa mừng nửa sợ. Tới
một đêm đó, nhiều loạt súng nổ chát chúa ngay đầu xóm, tại Đìa Gừa. Không ai
dám bước khỏi nhà. Họ đoán rằng có người bị giết và tiếng súng sát nhơn nọ là
của Tây. Từ đó đêm nào đêm nấy giống nhau… Nước dưới đìa lần lần đen ngầu, hôi tanh… họ cúi đầu lầm
thầm đọc kinh vãn sanh, cầu nguyện cho người quá cố… Lâu quá rồi! Thiên hạ chết
oan! Cả xóm chết giống nhau. Không một người khóc, không một miếng khăn tang.
Cả tháng sau, quạ còn bay đen trời như tàn nhà cháy…”. Mọi người đồn đại
rằng Gò Mả Lạn có ma. Ông Tư Đạt thấy ma, hồn ma ông già năm xưa hiện về kêu
ông: “Phải cúng kiến chớ! Có thịt ăn
thịt. Có muối ăn muối. Rồi cất nhà cho bà con mày ở. Nhớ thắp nhang”.
Ông Tư kêu bà con lối xóm cất một cái miễu thờ thờ họ nhưng sợ bị buộc tội làm
quốc sự, nên miễu đó tên là miễu Bà Chúa Xứ” (Miễu Bà Chúa Xứ).
Ông Năm Hên bắt sấu giúp cho dân làng sống yên ổn, nhưng
cũng phải cúng “đất đai vương trạch”,
để nhớ tới tổ tiên mình biết đâu trên đường sinh nhai giữa chốn nước đỏ rừng
xanh, có thân nhân của họ đã bỏ thây vì đàn sấu này. Điều này đã trở thành tập
tục tín ngưỡng của ông bà ta truyền lại cho con cháu sau này:
“Hồn ơi! Hồn hỡi!
Xa cây xa cối,
Xa cội xa nhành,
Đầu bãi cuối gành,
Hùm tha, sấu bắt,
Bởi vì thắt ngặt,
Manh áo chén cơm,
U Minh đỏ ngòm,
Rừng tràm xanh biếc!
Ta thương ta tiếc,
Lập đàn giải oan…” (Bắt sấu rừng U Minh hạ)
Chú Tư Đức giết con sấu để trừ họa cho dân làng, cho nhân
dân yên ổn làm ăn, không phải còn lo sợ sấu ăn thịt. Giết sấu, giết cọp rồi,
nhưng con người muốn lập bàn thờ thờ chúng là để cầu nguyện cho nhân dân sống
yên bình: “Công việc của tôi đã làm
tròn. Tôi ao ước hương chức làng mình cất một cái miễu lá, thờ cái đầu con sấu
nọ. Bất luận là sấu hay cọp, hễ nó hại mình thì mình giết. Hễ giết được rồi,
mình nên thờ… Để tỏ rằng mình sợ nó nhưng mà cũng không sợ nó. Phải để cho nó
tu tâm dưỡng tánh trong kiếp sau ” (Sông Gành Hào).
Có thể
khẳng định, càng đi sâu khám phá tập truyện Hương rừng Cà Mau, chúng ta
càng thích thú và say mê, cảm phục hơn về tài năng của Sơn Nam. Tập truyện này
không chỉ cung cấp cho người đọc hiểu về vùng đất mới mà còn giúp chúng ta có
cái nhìn sâu sắc hơn về đặc trưng văn hóa Nam Bộ trong buổi đầu khai hoang lập
nghiệp. Nhà văn Sơn Nam xứng đáng là nhà văn của miệt vườn Nam Bộ.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét