Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Tiếng nói của con người không chỉ dừng lại ở chức năng kể lể, truyền đạt thông tin mà đối với người dân miền Tây nói riêng, nói còn là một nghệ thuật. Đặc sắc hơn chính từ lớp khẩu ngữ mộc mạc ấy được đi vào lời ngâm, câu hò, điệu lý hình thành nên những bài ca dao, một thể loại trữ tình dân gian. Cảm nhận ca dao, ít nhiều chúng ta nhìn thấy được tính cách của người dân miền đất Cửu Long mênh mông sông nước.
Trong ca dao miền Tây, lối nói của người dân nơi đây khá đa dạng và mang màu sắc đặc trưng của vùng. Nó được biểu hiện ở những phương diện sau đây:
* Lối nói trực tiếp
Chúng ta hiểu đơn thuần về lối nói trực tiếp là cách nói thẳng ra những sự thật, không cần giấu giếm điều gì cả.
Khi trái tim rung động, chàng trài đã sử dụng cách nói thẳng vấn đề để tỏ tình cùng nàng:
“Gió đẩy đưa rau dừa quặn quỵu,
Anh mảng thương nàng lịu địu xuống lên”
Ý tứ của câu thơ đã góp phần thể hiện một hiện thực của buổi đầu ngỏ lời trao ý. Đồng thời, nó cũng tả đúng tình cảnh khắc khổ của người chân quê chất phac.
Một khi con tim đã rộn ràng, người trong cuộc cần nhiều hơn nữa sự chân thật. Và họ bày tỏ nỗi lòng của mình:
“Bước cẳng xuống tàu, tàu khua rổn rổn
Tàu qua Nhựt Bổn lấy nước Châu Thành
Anh với em phải nói cho rành
Để anh lên xuống nhọc nhằn thân anh”
Cách dùng phương ngữ “cẳng” thay cho chân, hay từ tượng thanh “lổn rổn” như để diễn tả tâm trạng, họ chỉ mượn cớ để nói. Thực tế làm gì có nước Châu Thành, mà nó cũng chẳng liên quan đến Nhựt Bổn. Đó là cách tạo cớ để nói, cớ không thật nhưng lòng người thì ngay thẳng, thiệt lòng.
Từ yêu nảy sinh ra tương tư, họ nói mà như bày tỏ cả gan ruột với đối tượng mình thương:
“Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quại,
Đem anh treo tại nhánh bần.
Rủi đứt dây mà rớt xuống,
Anh cũng lần mò kiếm em”
Vi yêu em, anh bất chấp cha mẹ đánh đập, cột anh vào gốc cây bần nhưng trong tâm trí anh mãi nhớ đến em, mong tìm để được gặp em. Thế mới thấy, yêu rồi thì ngăn sông cách trở cũng quyết tìm nhau. Lời bày tỏ của chàng trai rất thẳng thắn và không ngượng ngùng.
Tình yêu được chấp nhận và lời thề được thốt lên mãnh liệt:
“Chẳng thà lăn xuống giếng cái chũm
Chết ngủm rồi đời
Sống chi đây chịu chữ mồ côi
Loan xa phượng cách biết đứng ngồi với ai”
Động lực yêu đương đã thôi thúc con tim. Họ thề sống thề chết để người bạn tình tin tưởng tình yêu đích thực của mình. Chỉ khoảnh khắc xa nhau thôi đã là ruột đâu như xé.
Tuy vậy, những lời nói ngay thẳng như thế mà mọi chuyệnđều tốt đẹp vẹn toàn, người trong cuộc đã nếm cảnh giác:
“Biển Đông gió thổi bốn mùa,
Say mê lời nói thuốc bùa không hay”
Miệng lưỡi đàn ông nói như tha mỡ, trơn lùi, giỏi bỏ bùa các cô nhẹ dạ, cho nên, người bình dân mới nhắn gởi lời khuyên ấy.
Khi lâm vào cảnh tan vỡ, cô gái đã nhận ra mọi sự phũ phàng nên kiên quyết tránh xa:
“Bần gie, bần liệt, diệc đau chờ mồi
Anh với em duyên nợ hết rồi
Đi tìm chỗ khác đừng ngồi kế em”
Đò tình lỡ chuyến thì chàng đừng níu kéo. Hãy để thời gian nguôi ngoai. Cô gái đã lánh mặt thì chàng đừng tìm tới làm chi nữa. Vì tình nghĩa đôi lứa chỉ thế thôi. Cách nói rất dứt khoát và cũng rất kiên dịnh.
Một trường hợp khác, ai đó, vì vấn đề tế nhị đã quẩn quanh, cố che đậy một sự thật, đến khi sự thật ấy bị phát hiện:
“Bậu nói với qua bậu không lang chạ,
Qua bắt đặng bậu rồi, đành dạ bậu chưa”
Đau đớn tột cùng khi sự thật đã phơi bày ra trước mắt. Bậu dang díu với người khác. Vì thế, lời lẽ của Qua có gì đó hờn trách, chua chát, ngận ngùi.
* Lối nói gián tiếp
Ở phần trên đề cập đến cách nói thẳng thắn. Đến đây, chúng ta tìm hiểu cụ thể hơn cách nói gián tiếp, tức là nói bóng gió, vòng vo của người dân miền Tây.
Khi gặp tình huống không nói thật được, đành phải nói xa nói gần để đặt vấn đề:
“Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương”
Muốn khen cô gái đẹp mà mình vừa ý và muốn tỏ tình thương. Nói bằng lời thật khó, không khéo dễ bị vô duyên, chối từ. Như thế, mọi việc hỏng hết. Cho nên, chàng trai đã dày công bắt cầu trong cách nói. Vừa nhớ ơn bà, vừa khen má và tất nhiên là khen cả đối tượng anh ta muốn nói đến.Mặt khác, với cách nói lấp lửng, vô tình anh ta đã gọi được tiếng “ngoại”, tiếng “má” của cô gái như chính cô gái hay kêu. Thông thường, cách kêu như vậy chỉ xảy ra khi hai người đã nên vợ nên chồng. Thật là đáng khen trong cách nói vòng vo.
Cách thức hỗ trợ đắc lực cho lối nói gián tiếp là vận dụng các biện pháp tu từ.
Trước tiên, họ dùng từ đa nghĩa để chơi chữ trong ca dao miềm Tây:
“Em ơi hãy lấy anh thợ bào
Khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng êm”
Chúng ta dễ nhận ra chuyện thợ bào đẩy bào để bào cây, bào ván cho bóng, cho trơn. Từ đó, ta liên tưởng đến chuyện “đẩy” theo cách nói của dân gian gợi nên hành động của đôi vợ chồng chốn phòng the.
Chúng ta hãy nghe lời tâm sự một thiếu nữ dặn người mình yêu khi hai người muốn gần nhau:
“Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo kẻo đụng giường mẹ hay”
Xưa kia cái giường của người nhà quê là loại giường chỏng đóng bằng tre già, lâu ngày thành xiêu lỏng, đụng vào đó nó kêu cót két, giống như tiếng chuột kêu chút chít. Có lẽ bà mẹ của cô gái đã hơn một lần chợt thức giấc, nghe tiếng chiếc giường tre kêu rúc rích. Cô gái đã nhanh trí trả lời rằng đấy là do chuột ở trong rương. Rút kinh nghiệm, cô gái đã nhắc khéo cho bạn tình kẻo lỡ làng chuyện ân ái.
Kế đến, người bình dân Tây Nam Bộ dùng hình thức so sánh, phúng dụ, ẩn dụ, hoán dụ trong sinh hoạt hằng ngày.
Với hình ảnh so sánh gợi nhiều cảm xúc:
“Thân em như cá rô mề
Lao xao giữa chợ biết về tay ai”
Cá rô mề rất quen thuộc với vùng sông nước, ruộng đồng. Mượn nó để ví với thân em thì thật là dí dỏm. Tình cảnh của người con gái ngày xưa không khác gì thân cá rô nằm trong rổ nhảy rồ rồ, lao xao giữa chợ. Tinh ý hơn, người nghe còn phát hiện cá rô mề là để liên tưởng đến chỗ kín đáo nhất của người con gái. Một kiểu nói thật khéo làm sao.
Tới lối nói phúng dụ, mượn lời con vật để thay lời người muốn nói:
“Cóc chết nàng nhái rầu rầu
Chàng hiu đi hỏi lắc đầu hổng ưng
Con ếch ngồi ở gốc đưng
Nó kêu cái ẹo biểu ưng
cho rồi”
Chồng chẳng may chết sớm để lại nàng bơ vơ trên cõi đời. Có người dạm hỏi, nguyện cùng nàng san sẻ những tháng ngày còn lại thì nàng nỡ lòng từ chối. Và người dưng thấy chuyện cảm động nên đã nói hộ giùm, khuyên bảo họ đến với nhau. Nói vòng vo nhưng là thiệt bụng, thiệt lòng làm sao.
Rồi người miền Tây lại nói bằng ẩn dụ:
“Ruộng ai thì nấy đắp bờ
Duyên ai nấy gặp đợi chờ uổng công”
Câu ca dao tả thực cảnh của người nông dân chân lấm tay bùn. Song ý người muốn nói chưa dừng ở đó. “ruộng” và “bờ” liên quan nhau như vật sở hữu và người sở hữu. Vậy tình yêu, có cần phải cắm ranh, cặm cọc hay không? Có lẽ trả lời rằng cần phải có “bờ” để xác lập chủ quyền. Coi ra không có gì là quá đáng.
Và họ dùng hoán dụ để bày tỏ:
“Nước chảy re re con cá he nó xoè đuôi phụng
Em có chồng rồi trong bụng anh vẫn còn thương”
Sử dụng từ “bụng” để nói cả tâm tình lưu luyến của cố nhân. Lấy bộ phận để nói tổng quát cho cái toàn thể là như thế đó.
* Lối nói khó nghe
Trong giao tiếp hay sinh hoạt hằng ngày người ta thường nhắc “uống lưởi bảy lần trước khi nói”. Tuy vậy, vẫn có những lời nói khó nghe dễ mất lòng nhau.
Hỏi mà không có lời đáp và chắc cũng chẳng cần ai trả lời. Vấn đề là người nghe, cụ thể hơn là đối tượng hướng đến của giao tiếp có hiểu hay không mà thôi:
“Có chồng bậu nói rằng không,
Con đâu bậu ẵm bậu bồng trên tay”
Không biết sự thể của người trong cuộc thế nào, có chịu nỗi oan không chồng mã đã có con, tay bế tay bồng này hay không.
Nhẹ nhàng hơn, nói một cách đón ngách chặn đầu:
“Đá cheo leo muốn trèo sợ trợt,
Muốn nói một hai lời sợ nhột ý em”
Mượn câu chuyện trèo non gặp đá chông chênh lắm vất vả, chàng trai lấy cớ muốn tâm tình cùng cô gái như sợ phật lòng, phật ý nàng. Cách nói như có cảm giác rào trước đón sau.
Thông cảm hay mỉa mai, chọc ghẹo. Tính chất đa nghĩa ấy bộc lộ qua lời hỏi khó, dành cho người kém may mắn trong chuyện lứa đôi:
“Cau già lỡ lứa bán trăm,
Chị nọ lỡ lứa biết nằm
cùng ai”
Quả cau thường được dùng trong việc cưới hỏi hoặc tục người lớn tuổi hay ăn trầu với cau. Cau già thì có thể bán được vài trăm đồng tiền nhưng phụ nữ quá tuổi xuân xanh, không gặp duyên nào thì coi như ế chồng và cũng thật khó tìm chồng. Câu ca dao như cò gì san sẻ, có gì đùa cợt những chị đang lâm vào hoàn cảnh như thế.
Có thể tìm ra nguyên nhân của những lời hỏi khó nghe như vậy là vì cuộc sống vốn không thiếu người có tính này, ý khác:
“Bậu đừng ăn nói đảo điên,
Cái áo bậu bận cũng
tiền anh cho”
Chàng trai đang bức xúc, hờn trách vì bậu ăn nói trắng thành đen làm cho mất lòng hết cả. Mọi thứ đều do chàng lo cho bậu nhưng bậu phủ nhận công lao này khiến cho chàng rất đau lòng, xót xa.
* Lối nói cho mát bụng
Từ chổ nói khó nghe chuyển sang nói cho mát bụng, nói để trút cơn tức giận:
“Miệng đuổi chim, tay cầm cần vụt
Mãn mùa rồi xí hụt anh ơi”
Những công lao bao nhiêu tháng ngày vun vén giờ bị đem bỏ sông bỏ biển. Ai mà không buồn, không đau, không tức giận. Nhưng biết ai chia sẻ, thôi thì cứ nói lên, hét lên cho hả hê, cho tâm hồn được thanh thảnh, nhẹ nhàng.
Có lúc, họ nói như mỉa mai, cười cho sự chua chát của thân phận mình:
“Anh tưởng giếng sâu anh nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt sợi dây
Qua tới đây không cưới được cô hai mày
Qua chèo ghe ra biển đợi nước đầy qua chèo trở vô”
Với cách nói ngược: “giếng sâu – dây cụt”, rồi “giếng cạn – hụt sợi dây”. Dường như để ám chỉ sự đổi trắng thay đen của thói đời. Biết vậy, dại gì chết đi cho uổng kiếp người.
Hơn thế nữa, tiếng nói của sự khao khát yêu đương, tiếng nói của những chuyện oái oăm được dân gian thể hiện:
- “Con gái mười bảy mười ba
Đêm nằm với mẹ, khóc la đòi chồng
Mẹ giận mẹ phát ngang hông:
- Đồ con mất nết đòi chồng suốt đêm!”
Con gái tuổi mới mười ba mười bảy đã nghe con tim rung động, ước mơ được có chồng khi nằm ngủ với mẹ. Đây là một dấu hiệu kỳ lạ. Cho nên, người mẹ đã bực mình tát vào lưng con vì đòi chồng sớm và còn la khóc nữa. Song thực tế ngày xưa, con gái lấy chồng còn rất non trẻ. Câu ca dao cho ta thấy được hiện tượng thay đổi rõ rệt về tâm lý của cô gái nhỏ đang hướng tới tuổi xuân thì, tuổi cặp kê và mùi ái tình đang trổi dậy mãnh liệt.
Có lúc, nói cho hả lòng, nói cho mọi người biết, vì chỉ cần lơ là một chút đã bị bạn bè, lối xóm ra tay hãm hại:
“Mảng coi con quạ rỉa lông,
Chị em lân cận giựt chồng không hay”
Sự mất cảnh giác trong hôn nhân, mải mê làm những chuyện khác rất dễ đánh mất bạn đời như chơi. Không ai khác là chị em, những người lân cận ta thường giao du. Người bình dân miền Tây đã nhắc khéo phụ nữ hãy biết cách ứng xử có ý có tứ để giữ chồng, giữ hạnh phúc gia đình.
Hướng đến người mình yêu ngày trước. Nay anh đã không vẹn chung tình, anh bỏ em đi cưới vợ khác. Anh hãy nghe này:
“Bần gie bần liệt đóm đậu ngọn bần
Anh đi cưới vợ em vái cho sóng thần nhận ghe”
Rất chính xác, chỉ có những cô gái quê mùa, tóc dài bỏ xoã, bận áo bà ba mới có tính bọc trực để bật thành tiếng nói như thế.
Giận dữ hơn, cô gái lớn tiếng rủa kẻ ve vãn mình:
“Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhầm lá đậu chết
cha dê xồm”
Bọn dê xồm lả lơi ong bướm với phụ nữ một cách bất chấp nên bị chửi cho bị ê mặt như vậy đó.
Tiếng nói uất nghẹn còn hướng đến những đối tượng đã gây ra nhiều chuyện phiền toái:
“Quất ông tơ cái trót
Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần
Biểu ông se mối chỉ
năm bảy lần, ổng không se”
Đôi lứa yêu nhau chỉ cầu mong được sum vầy một nhà nhưng ông tơ, người may mốt sao vô tình quá, không muốn tác hợp nhân duyên này. Sự tức giận của đôi trẻ lên đến đỉnh điểm nên đã quất ông tơ một cái “trót” cho hả lòng.
* Lối nói bông đùa
Bông đùa là lời nói nhằm mục đích đùa vui, làm cho cuộc sống thêm xanh tươi, yêu đời hơn.
Chàng trai thấy cô gái dễ thương nên bông lông:
“Nước Láng Linh chảy ra Vàm Cú
Thấy em chèo cặp vú muốn hun”
Đây là lời tỏ tình trắng trợn, muốn chuyện rất nhạy cảm mà dám cất thành lời nhưng xét cho cùng đối tượng cần nghe hình như không nghe thấy. Người dưới sông, người trên bờ, khoảng cách quá xa. Có lẽ, nếu gần nhau chẳng ai dám nói cách đó.
Nếu như bị phản ứng, anh ta sẽ dễ dàng ứng phó theo kiểu tán gái:
“Bới tóc cánh tiên, bỏ vòng lá liễu
Thấy miệng em cười
trời biểu anh thương”
Miệng lưỡi đàn ông thật dẻo nhẹo. Biết khen, nịnh nọt để lấy lòng cô gái. Rồi từ đó thả mồi tán tỉnh, tỏ lời đường mật. Thật là dẻo mồn dẻo miệng.
Nhiều khi, tỏ tình không được thì làm liều kiểu Chí Phèo yêu Thị Nở:
“Tui hun mình, dẫu mình có la làng
Thì tui la xóm hai đàng la chung”
Nói đùa cho vui, ai nghe được thì cứ xem là câu nói giễu, để cười. Song không phải vì thế mà không có ẩn tình, ngụ ý.
Trong hoàn cảnh khác, có lẽ chàng trai đã để ý đến người mình thương nhưng anh ta không dám mở lời, bèn mượn con cua để nói khơi khơi:
“Con cua càng bò ngang đám bí
Nó với chị mày giờ tí qua qua”
Chức năng bông đùa của câu ca này nằm ở mốc thời gian hẹn ước. Giờ tý là canh ba, mọi người đã yên giấc ngủ, anh ta lại “qua” để gặp chị mày thì chắc là sẽ có chuyện.
Khi nói bông đùa, yếu tố tục, những từ ngữ gợi đến những bộ phận trên cơ thể của con người được tận dụng triệt để:
“Thân anh lỡ dại hai lần
Nhỏ măn vú mẹ, lớn mằn vú em”
Cách nói tếu táo của chủ thể phát ngôn khi anh ta nhận mình là “dại” nhưng thật ra thì là khôn đấy, một cách nói ngược đáng nghe.
Lời chối từ của cô gái gửi đến anh chàng đã có vợ rồi còn giở thói “trăng hoa”:
“Yêu anh em chẳng sợ ai
Em chỉ có sợ dao phay với chổi chà”
Nói là “em sợ” nhưng cũng ngầm cảnh cáo, anh có sợ những thứ “ghê gớm” ấy không mà dám buông lời tán tỉnh.
Người dân đồng bằng sông Cửu Long vốn chất phác, thật thà nhưng cũng rất tinh tế, khéo léo trong ứng xử. Họ sẵn sàng đùa cợt để xua tan đi những nỗi nhọc nhằn trong quá trình chinh phục thiên nhiên hoang dại. Và lời nói là nơi thổ lộ rõ ràng nhất.
Chính lời nói là phương tiện quan trọng trong giao tiếp. Thông qua đó, nó bộc lộ nét văn hoá ứng xử của người bình dân. Hơn thế nữa, lời nói đã đi vào lời ca, tiếng hát và hình thành lối nói trong ca dao đồng bằng sông Cửu Long, góp phần làm lung linh thêm nền tảng thần của cư dân miền Tây sông nước.
Trần Thanh Xem
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét