1. Hiện nay không khó để xuất bản một cuốn sách. Người viết có thể vừa tổ chức in ấn, vừa tự lo phát hành tác phẩm của mình. Thay bằng việc gửi bản thảo đến NXB và chờ đợi xem liệu tác phẩm của mình có được lọt vào kế hoạch A (NXB in, phát hành và trả nhuận bút), hoặc kế hoạch B (NXB in sách, tác giả nhận nhuận bút bằng sách và cùng NXB chịu trách nhiệm phát hành sách) hay không thì giờ đây, sau khi xin được giấy phép từ NXB với mức phí dao động khoảng 1- 2 triệu đồng, nếu muốn người viết hoàn toàn nắm quyền chủ động với “số phận” tác phẩm của mình.
Họ sẽ tự chọn tìm cơ sơ in ấn có giá cạnh tranh, quyết định số lượng xuất bản; khi sản phẩm ra mắt thì bán – cho tùy ý. Bởi vậy mới có hiện tượng những cuốn sách dù đã in ấn cả vài trăm cuốn nhưng không thể tìm được trên thị trường; hay những tập thơ mỏng chỉ xấp xỉ trăm trang, cũng được tác giả cho in giá ngoài bìa lên tới gần 100.000 đồng. Giải thích cho điều này, một tác giả cho biết: đằng nào thì sách cũng có bán (được) đâu, in thế cho nó sang!
Với sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ xuất bản như hiện nay, người viết cũng chẳng cần phải nhọc công đi xin giấy phép, vì mọi việc đã có những công ty kinh doanh trong lĩnh vực in ấn xuất bản làm hộ. Họ chỉ phải tốn kém về tiền bạc mà thôi. Qua khảo sát, muốn in một cuốn tiểu thuyết chừng 300 trang, tác giả cần số tiền từ 20- 40 triệu đồng, tùy thuộc loại giấy, và số lượng sách in ấn. Chi phí để in một tập thơ thì ít tốn kém hơn. Thậm chí, chỉ với số tiền khiêm tốn là 2,5 triệu đồng, một tập thơ cũng có thể được ra mắt! Trường hợp nếu không có nhiều tiền, có người đã “xuất bản” theo kiểu tự dàn trang trên máy tính rồi ra hàng photocopy nhân bản chỉ vài chục cuốn để tặng bạn bè, hàng xóm lấy oai. Và rồi, trong danh thiếp sau đó có thêm hai chữ “nhà thơ” hoặc “nhà văn”!
2. Nhà văn Trung Trung Đỉnh - Giám đốc NXB Hội nhà văn từng nhận xét về tình trạng “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” khiến không ít người lo lắng, thậm chí còn gọi đó là “đại dịch thơ”, rằng : “đa số người yêu thơ làm thơ thì đều là thơ thù tạc, hồi ức kỷ niệm bạn bè, đồng đội... Người ta in một trăm hai ba trăm cuốn, nhằm có quyển sách tặng bạn bè nhân dịp nào đó, chứ không phát hành rộng được”. Và ông cũng thừa nhận rằng trong số những người làm thơ dở lại thích in thơ ở NXB Hội nhà văn “để giải quyết khâu oai”, tức là họ có biết thơ mình dở, nên mới “tranh thủ ông cơ chế cho phép”. Vì cơ chế chỉ cấm những bản thảo vi phạm luật xuất bản chứ không có quy định nào cấm tác phẩm dở không được in!
Rõ ràng làm thơ, viết văn là quyền của mỗi người. Thật khó ngăn cản một ai đó đừng viết nữa vì… “dở quá”. Mà viết ra rồi thì ắt nảy sinh nhu cầu được xuất bản, phát hành. Số lượng những người có nhu cầu này trên thực tế không hề nhỏ. Vì thế mới xuất hiện “nhà thơ, nhà báo lừa” Đăng Hạ, đi khắp nơi, trưng ra cái danh “Chủ nhiệm câu lạc bộ sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam”, quy tụ được trên 4500 hội viên, hầu hết là những người về hưu, thậm chí có cả những cụ 80, 90 tuổi - bao nhiêu năm chẳng thơ phú gì, đến lúc tuổi cao sức yếu mới lấy thơ ca hò vè làm bầu bạn. Những hội viên cao niên ấy vì yêu thơ, vì cả tin, đã rút cả sổ tiết kiệm, cả tiền lương hưu để đưa cho “nhà thơ” Đăng Hạ in thơ kiểu không phép để tặng lẫn nhau, và để hân hoan sung sướng vì cái danh xưng “nhà thơ” vừa được ban tặng sau khi có sách in ra.
3. Có lẽ chưa bao giờ số lượng nhà văn, nhà thơ đông đảo như hiện nay. Nhà văn, nhà thơ là Hội viên của Hội trung ương và các Hội địa phương đã đông đảo, mà những nhà văn nhà thơ tự phong, tự xưng cũng xuất hiện ngày càng lắm. Một tác giả “vô danh” chỉ cần ngày trưng ra một vài bài thơ dạng… văn vần lên facebook, vậy là đã có người vào tung hô là “nhà thơ”. Những lời khen vô thưởng vô phạt được hào phóng ban tặng dễ sinh ảo tưởng. Rồi từ mạng ảo, nhiều tác phẩm “nửa thơ nửa vè” được xuất bản. Cá biệt có những người không tiếc tiền để tổ chức các buổi ra mắt sách của mình. Họ sẵn sàng thuê cả MC chuyên nghiệp và dàn ca sĩ đến hát cho rôm rả; thậm chí tự tin trưng lên bản danh sách báo chí đến dự dài cả mấy trang như để chứng tỏ cho “đẳng cấp” của mình. Không ít những “lời có cánh” cất lên từ những buổi “tiệc sách” mầu mè ấy; nhưng tiếc thay tiệc tan thì không còn ai nhớ được một câu thơ, hay truyện ngắn nào của “nhà văn/nhà thơ mới nổi” . Không hiểu, “nhà văn/nhà thơ” nọ có chạnh lòng mà nghĩ ngợi? Sự tốn kém thời gian, tiền bạc để rồi nhận về một danh xưng ảo liệu có đáng?
4. Một tác giả trẻ chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng: có lần anh ta tình cờ được tham dự một cuộc “hội đàm” văn chương. Điều anh ta ngạc nhiên là người to tiếng nhất, phát ngôn hùng hổ nhất ở đó lại là người chẳng viết được tác phẩm nào đáng kể, trong khi cái người lặng lẽ nhất lại là người mà ai nghe tiếng cũng phải ngả mũ kính phục.
Văn chương là thứ không thể làm giả. Tác phẩm chính là bộ mặt của người viết. Mọi lời xưng tụng hoa mỹ không tạo nên giá trị cho tác phẩm. Không phải cứ vỗ ngực tự xưng là “nhà văn” thì ai đó bỗng nhiên đẳng cấp hơn. Vì văn chương vừa là nghề, vừa là nghiệp. Nó cần sự đam mê, thái độ nghiêm túc, không ngừng học hỏi, ý thức sáng tạo của người làm nghề. Và văn chương tuyệt đối không phải là một bộ cánh thời trang cho ai đó.
Bài viết của nhà văn Phong Điệp đã phác hoạ khá rõ nét tình trạng xuất bản sách hiện nay, chỉ cần cho ra lò 1 cún sách mà vội vàng phong mình là "nhà thơ" "nhà văn" thực sự là quá vội vàng. Có quá nhiều sách mới xuất bản đến nỗi ko thể chọn lọc được để đọc và bình phẩm.
Trả lờiXóaBản thân tôi là một người trẻ cho rằng ước muốn cho ra đời sách là điều tốt, nhưng điều không tốt ở đây là sách đã đạt chất lượng và để lại giá trị NHÂN VĂN cho XÃ HỘI hay chưa ?
Phan Nam (Quảng Nam)