Gần đây, giới văn chương xôn xao về cuộc thi viết truyện ngắn “Tiki Young Author” với giải nhất lên đến 100 triệu đồng. Đây là mức giải thưởng khá cao, thậm chí hơn hẳn các cuộc thi của các tờ báo văn chương danh giá. Mục tiêu được Ban tổ chức cho là “tìm kiếm những gương mặt tác giả trẻ, cá tính, người sẽ làm chủ văn đàn trong tương lai”. Liệu có phải thực sự như vậy?
Vài nghĩ suy về tên gọi
“Tiki Young Author” nghĩa là “Tác giả trẻ Tiki” (Tiki là tên đơn vị tổ chức) vậy tại sao không đặt tên cuộc thi là “Tác giả trẻ Tiki” bằng tiếng Việt mà lại dùng tiếng Anh? Một cuộc thi văn chương dành cho người viết trẻ Việt Nam (chúng tôi nhấn mạnh) mà tên gọi sặc mùi lai căng thì e là không tránh khỏi… phản cảm!
Đồng ý là tên gọi không thể nói lên giá trị cuộc thi, không thể lấy tên gọi để đánh giá cuộc thi. Nhưng thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng một tên gọi thuần Việt cho cuộc thi, thì tại sao phải dùng tiếng Anh? Trong khi đó, đây llà một cuộc thi văn chương, tôn vinh cái đẹp của tiếng Việt!
Chấm tác phẩm hay tác giả?
Điểm đặc biệt của cuộc thi là vừa chấm tác phẩm, vừa chấm cả tác giả. Vòng đầu, tác giả ngoài gửi tác phẩm còn gửi kèm video clip tự giới thiệu “để thể hiện cá tính”. 5 tác giả lọt vào vòng chung kết sẽ đối thoại trực tiếp với Ban giám khảo, tranh luận, phản biện về tác phẩm và các vấn đề xã hội. Mới thì có mới thật, nhưng liệu có hay?
Nhà văn Trang Hạ - một trong bốn giám khảo cuộc thi, phát biểu: “Đây là một trong các cuộc thi đầu tiên tập trung vào tác giả hơn là tác phẩm. Cuộc thi thực sự là sức bật để các nhà văn trẻ sống thật với chính mình”. Nói vậy chỉ những người dám đăng đàn hô hào mới là sống thật, còn những người không thể hiện cá tính của mình là sống giả sao?
Chúng tôi không hiểu “chấm tác giả” là chấm cái gì và để làm gì? Vì cá tính người viết có nói lên được điều gì về giá trị nghệ thuật không? Thực tế, không phải người viết nào cũng thích tranh luận, có những người viết âm thầm, lặng lẽ, ít giao tiếp. Có thể họ rụt rè, nhưng có phải tác phẩm của họ không có giá trị? E dè hay mạnh dạn trong giao tiếp không là thước đo văn chương. Không phải ai e dè đều viết dở, ai nói năng mạnh dạn đều viết hay. Có lẽ Ban tổ chức và Ban giám khảo không biết một điều: văn chương cần sự cô độc.
Trong tiểu luận “Sự cô độc ngọt ngào” nhà văn Dạ Ngân viết: “Nói hay khác với viết hay. Rất nhiều nhà văn nói hoạt mà viết nhạt. Trái lại, không ít nhà văn viết cực hay nhưng khi đăng đàn diễn thuyết thì một câu cũng không xong. Nhà văn đòi hỏi sự cô độc phải được đổ bằng bê tông. Càng giỏi chịu đựng cô độc, nhà văn càng viết được nhiều. Cái giá của nghề viết nằm ở chỗ ấy”.
Trong tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” nhà thơ Inrasara viết: “Sự cô đơn cần thiết để tạo nên tác phẩm chiều sâu. Khi tách rời khỏi sinh hoạt đàn đúm của giới văn nghệ, nhà văn có cơ hội suy tư độc lập, viết theo cách ta nhìn. Kẻ sáng tạo nói lên ý tưởng của mình, những gì mình khám phá, trải nghiệm và tin tưởng mà không cần biết người bên cạnh nghĩ gì, nghĩ về nó như thế nào, nghĩa là độc lập toàn phần. Hãy để tác phẩm của bạn tự bảo vệ và bỏ qua không đếm xỉa tới. Nếu nó không chịu nổi cuộc tấn công, tốt hơn bạn hãy để tâm sáng tạo tác phẩm khác có thể chịu trận bền bỉ hơn”.
Nhìn lại Ban giám khảo
Ban giám khảo cuộc thi gồm nhà văn Trang Hạ, nhạc sĩ Quốc Bảo, nhà văn Anh Khang, nhà văn Gào. Ở đây chúng tôi nói về hai người mà Tiki gọi là “nhà văn Anh Khang, nhà văn Gào”. Anh Khang và Gào đều đã có vài đầu sách xuất bản và bán chạy. Nhưng thành tích đó nói lên được điều gì?
Xuất bản sách hiện nay không khó, viết nhẹ nhàng, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đồng cảm với giới trẻ và đặc biệt là đơn vị xuất bảnnhận thấy có thể bán chạy thì sách sẽ được ra lò. Một quyển sách được xuất bản không có nghĩa là nó có giá trị, mà vì nó dễ mang lại lợi nhuận. Tác phẩm văn học lấy lợi nhuận làm thước đo (chứ không phải chất lượng) thì dù có xuất bản hàng chục quyển sách, cũng chẳng nói lên được điều gì.
Ngược lại, cái khó của người viết là làm sao để có tác phẩm được giới thiệu trên các báo, tạp chí chuyên ngành Văn học, những ấn phẩm mang tính hàn lâm (như: Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhà văn & Tác phẩm, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam…). Ở đó, người biên tập đòi hỏi khắt khe về chất lượng tác phẩm, các giá trị tư tưởng, nghệ thuật, thủ pháp… chứ không phải đòi hỏi phải “bán chạy”.
Anh Khang và Gào dù đã xuất bản nhiều đầu sách, nhưng chưa một tác phẩm nào được đăng tải trên các báo, tạp chí Văn học chuyên ngành. Liệu có đủ sức thuyết phục để làm giám khảo cho một cuộc thi mà có những thí sinh có thể đã được giới thiệu tác phẩm trên báo chí hàn lâm? Tại sao giám khảo không là những nhà văn “chính thống” (ví dụ Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh…) mà là những cây bút thị trường?
Chúng tôi không phê phán đề tài tình yêu, nhưng rõ ràng Anh Khang ngoài viết về tình yêu thì chưa có một đóng góp nào về các đề tài mang tính nhân văn, nhân bản, sự trăn trở, đồng cảm về những phận người. Còn bao nhiêu nghịch cảnh cuộc sống, sao nhà văn vô tâm nhắm mắt làm ngơ, chỉ vun vén tình yêu cá nhân của mình?
Tài năng hay thị trường?
Cách đây nửa năm, tạp chí Văn nghệ quân đội trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn cho tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa (sinh năm 1984, giáo viên ở Ninh Thuận). Không công bố tiền thưởng bao nhiêu, dĩ nhiên không đến 100 triệu đồng như Tiki, nhưng rõ ràng chùm tác phẩm đoạt giải của Kim Hòa rất có giá trị, xứng đáng được xem là một thời đại mới, một thế hệ mới đầy kỳ vọng của văn đàn Việt.
Nếu muốn tìm kiếm tài năng văn học trẻ, tác phẩm có giá trị, thế hệ mới kế thừa văn đàn (như Tiki thông báo) sao không dùng 100 triệu đồng để tổ chức cuộc thi chuyên nghiệp, hàn lâm, thực sự đề cao giá trị đích thực của văn học?Khi đó biết đâu sẽ tìm được một Nguyễn Thị Kim Hòa thứ 2 của thế hệ 8x - 9x. Có phải Tiki hướng đến mục tiêu tìm kiếm thế hệ mới cho dòng văn học không “vị nghệ thuật” cũng không “vị nhân sinh” mà “vị lợi nhuận”?
KIẾN MINH
_____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét