|
Từ trái sang: Lê Đình Hạnh - Kha Tiệm Ly
tại Mỹ Tho |
Đây là câu chuyện có thật, hai người trong cuộc vẫn còn sống sờ
sờ, họ còn làm thơ và còn có dịp say bí tỉ cùng nhau.
Chuyện là cách đây gần 50 năm, có
hai chàng thanh niên sống ở miền Nam đất Việt. Họ có học và đến tuổi nên bị
động viên đi lính, vào trường võ bị sĩ quan Thủ Đức. Trong thời gian là sinh
viên sĩ quan, họ không biết nhau. Trải qua chín tháng quân trường gian khổ, hai
người ra bãi tập, đi giây tử thần, chạy đoạn đường chiến binh. Nói chung họ làm
cái việc theo khẩu hiệu lúc bấy giờ là “Thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt
đổ máu”.
Sau đó họ ra trường mang quân hàm Chuẩn Úy. Cả hai tân sĩ
quan được binh chủng Pháo Binh tuyển dụng. Họ được đưa qua quân trường pháo
binh Dục Mỹ, Nha Trang để tiếp tục tôi luyện tay nghề bắn súng loại nặng. Tại
đây, họ ở chung cùng một trung đội. Một hôm, trong giờ nghĩ
giải lao, chàng sĩ quan có máu làm thơ nầy nổi hứng, ứng khẩu đọc to một bài
thơ sáng tác đột xuất cho các bạn mình nghe. Bài thơ đó, tuy chỉ nghe một lần
nhưng lại nhập tâm trong lòng, nằm mãi trong ký ức của một chàng sĩ quan có máu
làm thơ khác.
Người đọc thơ tên là Lê Đình Hạnh.
Người nghe thơ một lần mà nhớ mãi tên là Thái Quốc Tế, bút hiệu là
Kha Tiệm Ly. Sau cuộc chiến, hai người cùng đi tù cải tạo. Được phóng thích trở
về, họ sống cuộc đời bình thường, chỗ ở cách nhau hàng ngàn cây số: Đà Nẵng và
Mỹ Tho. Bây giờ Thái Quốc Tế với bút hiệu là Kha Tiệm Ly đã nổi danh trên văn
đàn với những bài thơ, những bài phú hào khí ngất trời. Lê Đình Hạnh vẫn lấy
bút hiệu là Lê Đình Hạnh, ít sinh hoạt trên văn đàn, nhưng thơ anh làm say mê
nhiều người trong giới thầm lặng. Hai người không những quên mặt nhau là điều chắc
chắn bởi bao nhiêu biến đổi do thời gian, mà họ còn quên luôn tên của nhau nữa.
Nhờ có facebook, họ kết bạn ảo với nhau. Rồi một hôm, họ nhớ ra nhau và nhận ra
nhau nhờ Kha Tiệm Ly một lần nhắc lại bài thơ kia. Lê Đình Hạnh từ
Đà Nẵng bay vào Mỹ Tho gặp Kha Tiệm Ly. Họ uống với nhau suốt ngày đêm.
Bài thơ của Lê Đình Hạnh như sau
đây:
CHỈ CÓ THẾ!
Nơi nghĩa trang vào một trưa mùa Hạ
Con chó đực long trọng bảo con chó cái rằng : - anh yêu em,
Ừ nhỉ! anh yêu em.
Bỗng nhiên mặt trời thấp xuống
Bỗng nhiên người chết cựa mình.
Chỉ có thế
Chỉ có thế!
người đời nguyền rủa.
Nơi nghĩa trang vào một trưa mùa
Hạ
Con chó cái e dè bảo con chó đực rằng:
Em cũng yêu anh
Ừ nhỉ! em rất yêu anh
Bỗng nhiên mặt trời oi bức
Bỗng nhiên người chết đứng dậy
Chỉ có thế!
Chỉ có thế!
Mà người đời nguyền rủa .
Nơi nghĩa trang vào một trưa mùa
Hạ
Hai con chó cùng yên lặng…
Ân hận vì những giọt mồ hôi đã đỗ?
Mặt trời tản ra
Người chết nằm xuống.
Chỉ có thế!
Chỉ có thế!
Mà người đời lãng tránh...
(1970 mùa hè Dục Mỹ - Nha Trang)
Đọc bài thơ nầy có lẽ nhiều người
không hiểu Lê Đình Hạnh muốn nói gì. Thế nhưng trên đời có những bài thơ như
thơ điên của Bùi Giáng, không ai hiểu gì nhưng không ai dám chê vì đọc nó, ai
cũng có một cảm nhận tiềm tàng, ẩn sâu và mơ hồ thấy được cái hay của nó. Tôi
không dám đem so Hạnh với Bùi Giáng, nhưng tôi biết một bài thơ mà tác động vào
tâm hồn của một người dày kiến thức như Kha Tiệm Ly, gây ấn tượng mạnh cho cho
một nhà thơ có bài “Lý Ngạo Đời” rất nghạo nghễ như Kha Tiệm Ly, để chỉ nghe
một lần mà nhớ nó 50 năm, thì nhất định bài thơ ấy phải có gì đặc biệt.
Với tôi, tôi cảm thấy rợn người
khi đọc khổ thơ đầu tiên. Tôi cảm thấy những tiếng kêu răng rắc của hàng ngàn
bộ xương trong nghĩa địa cựa mình vì bất bình khi được nghe con chó
đực tỏ tình. Tình yêu là quyền tự nhiên của mọi sinh vật mà đấng tạo hóa cho
phép. Thế nhưng những thây ma trong nghĩa địa cho rằng chó không được yêu.
Rồi khi con chó cái chấp nhận tình
yêu ấy, thì các bộ xương người đứng dậy. Phản ứng của loài ma quỷ nặng nề đến
nỗi mặt trời cũng hạ thấp xuống và trở nên oi bức.
Việc nầy chỉ có thể xảy ra ở nghĩa
địa, nơi mà ma quỷ lộng hành, nơi mà những quyền thiêng liêng đươc tạo hóa cho
phép đã không được tôn trọng mà còn bị cho là phạm pháp.
Thế nhưng tình yêu đã thắng sự phi
nghĩa. Ma quỷ cũng phải đành nằm xuống khi hai con chó đổ mồ hôi để dành được
tình yêu cho mình.
Lê Đình Hạnh kể câu chuyện về chó
và những bộ xương người trong nghĩa đia. Thế nhưng lạ thay, ở cuối mỗi khổ thơ
anh đều dùng hai chữ “người đời”: “Chỉ có thế mà người đời nguyền rủa, chỉ có
thế mà người đời lãng tránh”. Vậy thì chuyện tình yêu cúa chó trong nghĩa địa
đã được đưa vào giữa xã hội con người. Nghĩa địa là hình ảnh của một xã hội
băng hoại. Trong nhĩa địa ấy, loài bần tiện như chó nhưng biết yêu thì mang
linh hồn con người. Ngược lại, các bộ xương khô, tuy đã từng là người nhưng nay
họ là ma quỷ. Vì mang linh hồn ma quỷ, họ đoán phạt cả những lẻ phải, như đoán
phạt tình yêu tốt đẹp đang
xảy ra tại nơi chốn của họ!
Bài thơ nầy cũng có thể hiểu rằng
cặp tình nhân loài vật đã làm cho những bô xương tuy khô héo nhưng vẫn còn tiềm
tàng dục vọng, họ bi xung động gây hưng phấn bởi sự âu yếm của hai con vật.
Thật ra, nếu tác giả chủ ý diễn tả như thế thì sẽ đưa cuộc tỏ tình vào một
khung cảnh nên thơ hơn, một buổi sáng mùa xuân hay một đêm trăng sáng chẳng
hạn, chớ không thể cho cặp diễn viên kia diễn xuất trong một buổi trưa hừng hực
nóng. Hơn nữa các bộ xương người trở mình rồi đứng lên biểu hiện một hành động
giận dữ và phản đối rất rõ ràng. Nếu những bộ xương người đồng cảm với cặp tình
nhân thì tác giả sẽ diễn tả những linh hồn thức giấc và ngồi dậy trong cử chỉ
khoái lạc khi xem một màng kích dục mê ly. Trong thơ Lê Đình Hạnh hoàn toàn
không nói đến điều ấy. Bởi thế, người viết buộc phải hiểu theo chiều hướng bất
bình của các bộ xương trong bài thơ nầy vậy.
Châu Thạch
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét