Trong 12 con giáp, Dê đứng hàng thứ 8, sau
Ngựa, trước Khỉ. Dê được lấy làm đối tượng cho rất nhiều câu ngạn ngữ, tục ngữ,
thành ngữ, ca dao sinh động. Từ đó ám chỉ vào con người để nhằm dạy bảo, phê
phán, khen chê làm người với người sống tốt đẹp hơn.
Câu "Bán bò tậu ruộng mua dê về cày" mỉa mai cách thức làm ăn trái
khoáy không biết tính toán hoặc bỏ vật hữu ích để chuốc lấy thứ chẳng ra gì. Khi
đánh giá một người hay kể lể tản mạn, dài dòng huyên thuyên những chuyện lặt
vặt, vớ vẩn người ta bảo: "Cà kê dê
ngỗng". Để nhìn nhận coi hai chuyện, hai sự việc, sự
vật chẳng khác gì nhau mấy, tục ngữ có câu: "Máu bò cũng như máu dê". Câu: "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi
ngỗng" là kinh nghiệm lựa chọn những hoạt động phù hợp với năng lực,
hoàn cảnh.
“Mười
dê chín người chăn”: để chỉ một sự việc mà nhiều người giành nhau làm.
“Nuôi
dê được cắt lông”: chịu khó làm việc thì được thu lợi.
“Đuôi
dê ngắn không đủ che đằng sau”: chỉ việc làm quá sức mình.
“Dê
khoác áo cọp”: mượn oai kẻ khác để dọa nạt, đánh lừa người.
“Ném
chó bằng bánh bao nhân thịt dê”: cái gì đưa ra không bao giờ lấy lại được.
“Nộp
dê cho sói”: đưa người vào cõi chết hoặc tìm đến sự nguy hiểm.
“Sói
nuôi dê”: chỉ sự việc không bình thường, không có mục đích tốt.
“Mất
dê được bò”: biến việc rủi thành điều may mắn.
“Máu bò
cũng như tiết dê": chỉ việc nhìn
nhận hai chuyện, hai sự vật chẳng khác gì nhau mấy.
Trò chơi “Bịt mắt bắt dê” có nhiều thú vị đối với trẻ con và người
lớn, nam nữ thanh niên có dịp tiếp xúc để “cọ sát”, tìm hiểu nhau:
Chơi trò bịt mắt bắt dê
Để cho cô cậu dễ
bề... với nhau.
Ai sinh vào năm dê đều mang tuổi Mùi. Đây
là hình ảnh một cụ dê:
Tuổi Mùi là con dê chà
Có sừng, có gạc, râu ra um sùm.
Tuổi Mùi là tuổi tốt, dù mang tiếng là dê, nhưng dễ dựng vợ gã chồng.
Do đó, ai cũng thích tuổi Mùi:
Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
Em đây xấu số bùi ngùi tuổi Thân.
Tuy đứng sau con ngựa, nhưng con dê cũng biểu tượng sự sung túc, mang nhiều sức
sống cho con người ấm no, hạnh phúc:
Năm Ngọ, mã đáo thành công
Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê.
Dê béo là dê thịt ngon nhất, một món ăn khá hấp dẫn được kể một trong ba cái
thú vị mà con người ca ngợi:
Thế gian, ba sự khôn chừa
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.
Người ta cũng thường liên hệ giữa con
dê và người có máu dê. Bà con thường chỉ trích và cảnh cáo những kẻ già đa tình
hay sàm sỡ một cách bừa bãi, có ngày gặp tai nạn:
Dê sồm ăn lá khổ qua
Ăn phải sâu rọm, chết cha dê xồm.
Thói dê của bọn tình ái lung tung, hoang tàng bị người đời nguyền rủa khá
nặng nề:
Phụng
hoàng đậu nhánh sa kê
Ông
thần không vật mấy thằng dê cho rồi.
Trong dân gian, từ Dê đã biến dạng thành De. Chữ De gốc từ Dê mà thôi, nó
làm cho ngôn ngữ thêm phong phú, trữ
tình:
Cam
sành lột vỏ còn the
Thấy em còn nhỏ anh de để dành.
Trong điêu khắc, bài ca dao về anh thợ mộc cũng có chỗ đứng của Dê, vì con Dê
là một trong ba con vật "tam sinh" (bò, heo, dê) trong các lễ tế
thần:
Bốn cửa anh chạm bốn dê
Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
Nhằm mỉa mai bọn gian thương bất chính, thành ngữ có câu: “Treo đầu dê bán thịt chó” chỉ sự không
thống nhất giữa nội dung và hình thức, nói một nơi làm một nẻo, nói và làm không ăn khớp với nhau. Hoặc:
Chớ quen bán
chó mua Dê.
Vui cùng hạc
nội, ham chi gà lồng.
Khi đã yêu thì nhất định tiến tới hôn
nhân, cưới xin hẳn hoi, cho rỡ ràng hai họ, một chàng trai giới thiệu lễ cưới, trong đó có Dê:
Cưới em tám
vạn trâu bò
Bảy vạn dê
lợn, chín vò rượu tăm.
Dê chỉ chứng tỏ sức khỏe qua một phương
diện thôi, nhưng về các mặt khác như lao động thì rất bê bối, nên thế gian có
câu chê trách:
Em tôi buồn ngủ, buồn nghê
Bán bò
làm ruộng, mua dê về cày
Đồn
rằng dê đực khỏe thay,
Bắt ách lên cày, nó lại phá ngang.
Ngày xuân bên
ly rượu, chén trà bàn thêm về hình ảnh con Dê được dân gian cảm nhận qua những
câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao… ta càng thấy những mặt tốt, xấu của con người
với bao điều thú vị. Từ đó giúp cho chúng ta sống tốt hơn, nhân văn hơn.
LÊ XUÂN
__________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
CHÀO XUÂN ẤT MÙI 2015 & NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN XIII
>> Vui lòng nhấp chuột vào ảnh để về mục lục chuyên đề đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét