Xã nhà năm nay trúng lớn vụ lúa. Vào đợt thu hoạch, ở những cánh đồng
mênh mông lúa chín không lúc nào ngớt tiếng người í ới gọi nhau trong tiếng máy
nổ rền vang. Thường vào buổi chiều mới thấy hết cảnh lao động tất bật, hối hả
của nông dân.
Cánh phụ nữ ngừng tay cắt lúa, lo thu dọn quang gánh, nồi niêu…
chuẩn bị về nhà. Đám đàn ông mồ hôi nhễ nhại vác từng bó lúa nặng oằn, đi như
chạy đến máy tuốt, tranh thủ chút thời gian cuối ngày. Bọn trẻ con thì vô tư tụ
tập, cười đùa mừng vui mỗi khi bắt được mấy con cá sót lại trong các vũng nước
đọng ở chân bờ. Cho tới lúc mặt trời lặn chỉ còn những người chủ lúa và nhân
công máy tuốt ở lại. Tất cả bắt đầu cuộc sinh hoạt riêng, quanh đống bao lúa
chất chồng chưa kịp chuyển về nhà. Đây đó, làn khói rơm bốc cao lan xa mùi thơm
cá nướng, cua nướng để mở màn các cuộc nhậu lai rai cho… dãn gân cốt! Chạng
vạng tối, thấp thoáng bóng vài cô gái mặc phong phanh đồ bộ ngắn ngủn đi vẩn
vơ. Quan sát cử chỉ, mặt mũi thì chắc chắn không phải dân vùng này. Vài ông
uống rượu ngà ngà, bạo dạn rủ vào nói chuyện cho vui, Chẳng chút chần chừ, các
cô gái ấy vui vẻ, tự nhiên nhập cuộc và hòa mình thoải mái với những lời bông
đùa ởm ờ. Từ sự xuất hiện của các bóng hồng di động trên cùng không khí buông
thả đã phát sinh nhiều chuyện oái oăm, buồn cười trên cánh đồng vào mùa thu
hoạch!
Bà Hai bước vào nhà, ngồi xuống ghế nhìn bồ lúa đầy ắp gian bên, miệng
hỏi nhanh:
- Có chuyện gì mà kêu tao gấp vậy? Lúa vô bồ rồi, vợ chồng bây khỏe rồi
hả Mận?
Chị Mận bày ly tách, châm bình trà, nhỏ nhẹ trả lời:
- Dạ… xong xuôi con mừng, nhưng… hơi lo bởi chồng con không chịu nghỉ
ngơi mà cứ nằng nặc đòi đi cắt lúa mướn ở ấp trên nữa!
Bà Hai ngạc nhiên gặng lại:
- Ủa! được thằng chồng siêng năng, giỏi giang, tự nguyện đi làm kiếm
thêm tiền cho gia đình mà sao bây lại…
Chưa kịp đáp, ngó ra cửa thấy mấy người đàn bà dợm bước vô, chị Mận lăng
xăng kêu lên:
- Mời cô Bảy, dì Tư, chị Út, em Nhạn… Mình phải bàn tính cho xong vụ
này!
Đợi mọi người ngồi quây quần bên bàn, chị Mận bằng giọng không vui nói
về sự ấm ức, bất bình của mình trước việc bọn gái làm tiền đổ xô về đây vào mùa
thu hoạch lúa để… xâm canh. Đám đàn ông giữ lúa, tuốt lúa thường xuyên ngủ đêm
ngoài ruộng đã uống rượu sần sần, gió mát hữu tình mà đụng loại gái ngọt ngào
chuyên nghiệp này thì… trời biểu hổng buông. Ông này lôi kéo ông kia, tán hươu
tán vượn, xúi giục ngủ ngoài ruộng cho đủ đầy hứng thú. Cái hại trước mắt là
làm gia đình nghi kỵ, xào xáo, lỡ cọ quẹt vướng bệnh quái quỷ nào đó thêm khổ
vợ con. Bà Hai gật nhẹ đầu, chăm chú nghe chị Mận bức xúc nói tiếp:
- Chú Ba Chai với thằng con trai lớn ngủ ruộng mấy đêm, khuya hôm qua
lén vác lúa nhà bán trả nợ mấy con yêu nữ ấy… Trời xui khiến cha con đụng đầu,
tẻn tò rồi cự nự nhau om sòm, thiệt mắc cở. Mấy chuyện chướng mắt này, hỏi mấy
bà tính sao?
Cô Bảy nóng nảy chặn ngang:
- Tôi nghe nói xã có cho dân quân đi xác minh, trục xuất bầy… gà móng đỏ
ấy rồi. Nhưng tụi nó mồm mép ỉ ôi, than thân cô đơn nghèo khổ phải đi… làm mướn
làm thuê kiếm gạo, đáng lẽ bà con phải… thương yêu đùm bọc, sao lại đuổi xua?
Chà… cô đơn nghèo khổ mà ăn diện, son phấn nước hoa thơm phức như đi dự đám
cưới vậy. Phụ nữ mình nhất định đứng lên chống tệ nạn này, khỏi nhờ cậy ai!
Nhíu mày suy nghĩ, bà Hai bồn chồn chép miệng:
- Ờ… ông lão nhà tao già rồi mà hai đêm nay cũng lần mò ra chỗ tuốt lúa,
mắc mớ chi ổng đâu? Đi tới nửa đêm mới quờ quạng về, mà mặt mày phơi phới mới
lạ chớ, tao cự nự thì ổng đổ quạu biểu là đi nghe tụi thanh niên đờn ca, nhậu
nhẹt để… ôn lại thời trai trẻ. Giận ứa gan chưa? Tình hình này để kéo dài chắc…
loạn!
- Ý chị Út sao nè?
- Tôi thấy mình cần biện pháp mạnh, thiệt mạnh mới được. Chị em kết hợp
nhau, tối tối chịu khó… tuần tra, hễ gặp con… gà mái nào là áp lại dằn mặt sơ
sơ rồi… trói giải lên xã luôn!
Cả bàn phấn khích, nhao nhao tán thành. Chị Mận hơi băn khoăn:
- Còn… gà trống nó phản đối rồi tính sao?
- Dễ ợt! im thì thôi, nếu quang quác chống cự là… trói luôn cho đủ cặp,
ê mặt mới chừa dứt. Dĩ độc trị độc!
Bà Hai vỗ bàn cười ngất:
- Cái này kêu là đội săn bắt… gà móng đỏ đây! Mà chừng nào ra quân? Lực
lượng yếu làm không xuể nghen!
Dì Tư đứng lên vung cánh tay phốp pháp, giọng hừng hực khí thế:
- Tui kêu thêm vài đứa chuẩn bị đòn gánh, dây cộ sẵn để ngay đêm nay
tiến hành. Mình quần vài trận là mấy ổng ê nanh, xuôi xị, rã đám liền!
Tiếng cươi, tiếng vỗ tay đồng tình vang lên. Mọi người lục tục kéo nhau
về, ra tới bờ kinh còn hăng say bàn tán…
Qua mấy đêm “tuần tra” tích cực, nhóm “săn bắt” tóm quả tang và đưa lên
xã được ba cô gái đang ngã ngớn cùng hai đấng mày râu trong tình trạng say xỉn,
xốc xếch. Với lời khai cùng chứng cứ rõ ràng, ba cô bị lập biên bản và đưa đến
cơ quan chức năng xử lý. Hai ông ham của lạ phải viết cam kết và nộp phạt hành
chính. Có một trường hợp éo le lại rơi vào chị Út, người phụ nữ luôn chủ trương
biện pháp mạnh. Lo việc chung, lơ là việc riêng, anh Út lén vợ đi đêm bù khú
vui chơi. Xui xẻo bị phát hiện, thay vì nương nhẹ thì chị Út lại giữ nguyên
hiện trường, rồi hô hoán lên cho bà con tới xem. Sau đó, suốt hai ngày anh bần
thần lạnh nhạt và sáng nọ anh chỉ nói một câu ngắn gọn:
- Bà làm xấu mặt tôi quá… Thôi thì để tôi đi cho khuất mắt bà!
Mặc đứa con gái nhỏ khóc gọi, anh Út mang túi quần áo ra lộ lớn đón xe
khách. Chưa ai biết anh đi đâu? và anh giận thật hay làm nư với vợ? Nhưng từ
hôm ấy, có lẽ chị Út ray rức, ân hận chuyện mình cư xử qua đáng với chồng nên
không tích cực tham gia cùng chị em, cho dù trong lòng vẫn còn… hứng thú!
Một việc rắc rối khá tai hại vừa xảy ra. Số là lúc trời sụp tối có cô
giáo xã bên đi ngang “trọng điểm” bị cô Bảy phát hiện xông ra túm chặt xe đạp.
Bà Hai vừa sấn sổ chụp tay cô, lôi sợi dây thừng ra thì giật mình biết mình nhầm
to. Cả nhóm hết lời xin lỗi cô giáo, cô hiểu chuyện cũng thông cảm bỏ qua.
Nhưng việc ấy tới tai ông Chiến công an ấp, chiều sau ông gọi cả nhóm tới trách
móc, nhắc nhở:
- Mấy bà gặp hên đó! Xúc phạm nhân phẩm, thân thể người ta là vi phạm
pháp luật, tội không nhỏ đâu. Cố gắng giám sát, khuyên răn chồng con mình là
được rồi…
Trên đường về, chị Mận thì thầm:
- Ông xã tôi bữa nay về bên má tôi mời đám giỗ, rảnh tay lắm! Chừng bảy
giờ tối, mình xuống chỗ ruộng rẫy cạnh bến ghe, điểm đó coi bộ lùm xùm dữ
nghen…
… Chồng chị Mận cột dây mũi xuồng vào gốc bần
xong, bật quẹt soi cho cô gái đi cùng bước lên. Vừa lúc có tiếng hét to như
xung trận:
- Chị em ơi! vây chặt đừng cho tụi nó chạy!
Anh chưa hiểu chuyện gì thì một người từ bụi rậm lao ra, ghì cứng hai
tay không cho phản ứng. Còn cô gái bị ba phụ nữ lăm lăm chổi dồn sát mé rạch,
cô uất ức kêu vang:
- Mấy người là ai? làm gì đánh tôi? Anh Hai ơi anh Hai!
Chị Mận nghe tiếng quen nên buông tay “gà trống” ra, đứng chen vào giữa
cuộc tấn công, miệng lắp bắp:
- Đào… con Đào em tôi… chồng tôi… Mấy bà ơi! đừng làm ẩu nữa…
Ngọn đuốc lá dừa được đốt lên, ánh sáng soi rõ cô em gái chị Mận mặt mày
xây xước, quần áo lấm lem bùn đất. Cô nghẹn ngào ngồi thụp xuống, ôm mặt khóc.
Chồng chị Mận bực tức đay nghiến vợ:
- Thấy còn sớm, sẵn xuống tôi đưa em bà về trước để phụ làm đám giỗ cha.
Bà ghen tuông hồ đồ kiểu này, tôi còn nhìn mặt ai? Đào là con gái chưa chồng,
nay mai thiên hạ đồn đãi bậy bạ, thêm mắm thêm muối thì sao? Ủa! sao bà còn
đứng ngó tôi mà cười? bộ dạng tôi dễ cười lắm hả?
Mọi người biết mình hoàn toàn sai lầm, xúm lại an ủi, vỗ về cho Đào
nguôi ngoai rồi cùng đưa cô về. Vợ chồng Mận lầm lũi đi phía sau, cách nhau một
khoảng…
Cánh đồng lúa toàn xã hoàn tất việc thu hoạch, giờ chỉ trơ gốc rạ đợi
canh tác tiếp. Đám gái má phấn môi son, áo xanh áo hồng như đã bốc hơi mất biệt
trong cái nắng khô khan, gay gắt. Nhóm phụ nữ tự phát chống tệ nạn xâm nhập
vùng quê đã tự giải tán êm thắm, để lại bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn…
NGUYỄN KIM
_____________
Người ở quê luôn mang bản chất lương thiện thương người. Cảm ơn tác giả, bài viết rất xúc động,
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Đình Văn đã đọc và có nhận xét cho bài viết. Nhân năm mới, chúc bạn cùng gia đình luôn được sức khỏe, bình an và hạnh phúc.
Trả lờiXóa