|
Tình già
Ảnh: Võ Hoàng |
Đang chăm chú
vót những nan trúc nhỏ rức để
đươn sửa lại mấy cái lờ, nghe đợt gió lồng lộng thổi xạc xào mái lá, cây mít
bên hè run rẩy tuôn ào mớ lá khô; ông Ba ngừng tay ngó ra. Chợt thoáng
thấy tàu dừa khô nhà bên lìa bẹ rơi xuống và tiếng người kêu thảng thốt: “trời
ơi!”, ông nhanh chân vẹt rào bông bụp chạy ngay đến. Bà Sáu hang xóm đang ngồi
bệt dưới đất, tay vịn vai, tay ôm đầu vẻ như đau đớn. Kéo tàu dừa sang bên, ông
Ba tặc lưỡi, nhíu mày:
- Giông gió mà
bà ra vườn chi cho bị vầy? đâu để tôi coi…
Ấn nhẹ vào vai
thấy bà nhăn mặt, ông Ba rờ trán xem xét rồi trấn an:
- Xây xước nhẹ thôi… để tôi về lấy dầu nóng với ống thuốc nhỏ mắt!
Ngó ông bươn bã
đi, bà Sáu hơi ngượng ngùng lẫn chút an ủi khi có người lo lắng cho mình. Già cả
hết rồi, chắc hổng ai nghĩ gì đâu!. Linh, con gái bà hốt hoảng ra đỡ mẹ đứng
lên:
Má bước thử vài
bước coi có sao không? Củi đưốc chất đầy bếp, má quơ chi nữa? May mà hổng
trúng… trái dừa khô rụng!
Ông Ba vừa tới
nghe được câu sau, tưng tửng bông đùa:
- Dừa khô rụng
trúng bả, chắc tao… chết theo quá! Con tin không Lành?
Nhìn con gái che
miệng cười hưởng ứng, bà Sáu giận lẫy quay mặt:
- Ăn nói vậy mà
mày còn cười hả? tao vô đây…
Biết bà hàng xóm
tánh nghiêm, ông Ba giả lả:
- Thôi cho tôi
xin lỗi… Giờ bà phải xức dầu chỗ vai, tối trời lạnh bớt đau nhức. À… nhớ nhỏ
vài giọt thuốc mắt, hổng thôi xốn lắm!
Lành nhận mấy
chai thuốc, lí nhí cảm ơn. Ông già hàng xóm lắc đầu, chân dợm bước, nói mà
không nhìn lại:
- Thoa dầu cho tới
hết đau mới thôi… Tôi về lo cơm nước. Lỡ nói giỡn chút xíu mà má cháu giận bác
thiệt đó Lành!
Đợi
ông đi khuất, bà Sáu vịn tay con vô nhà, bâng quơ dặn nhỏ:
-
Chút con nấu canh chua khóm cá lóc… múc qua cho ổng một tô nghen!
Ông
Ba tuổi ngoài bảy mươi, tánh thật thà, tốt bụng với mọi người. Vợ mất cùng đứa
con gái đầu long mười bốn tuổi trong tai nạn chìm đò ngoài sông Cái, cách nay
mười tám năm. Ông ở vậy, bận bịu lo toan vườn ruộng, thương yêu nuôi dưỡng đứa
con trai lúc ấy vừa tám tuổi. Mấy năm trước,trong đợt tuyển quân, nó xin phép
ông tình nguyện thi hành Nghĩa vụ quân sự như các bạn cùng lứa tuổi. Ông mừng
vì con mình biết ý thức bổn phận thanh niên, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cũng như thế hệ ông ngày xưa tiếp nối nhau lên đường đánh giặc, trưởng thành
trong gian khổ mà hào hùng. Hoàn thành nghĩa vụ, con trai ông học tiếp khóa
trung cấp cơ khí trên tỉnh, ra trường và làm việc trên đó luôn. Cuối tuần nào
nó cũng về ân cần thăm hỏi sức khỏe cha. Mới đây nghe tin con trai có tình ý khắng
khít với một cô dạy mẫu giáo trường xã, ông tìm hiểu và định sắp tới sẽ chính
thức đưa con ra mắt gia đình sui gia tương lai. Nhớ chuyện năm rồi làm giấy tờ
đất đai, thằng Tín con ông có về coi bên địa chính đo đạc. Chỗ giáp nhà bà Sáu
có cây me già làm ranh từ mấy chục năm trước, ông bàn với con ít câu. Hiểu ý
cha, Tín bảo đo nhường cây me cho bà Sáu, đóng cọc lùi vô mấy tấc. Bà Sáu thấy
ông chịu thiệt, có ý áy náy. Ông chỉ nói đơn giàn: “Đời nay hay nói tấc đất tấc
vàng, tôi thì nghĩ rằng tấc đất là tấc tình. Tình là tình nghĩa xóm làng với
nhau…”. . Hàng xóm mến tính ông chẳng nghĩ quấy cho ai, luôn lấy lòng thành thật
mà cư xử Đất vườn ông khá rộng, trồng được năm bảy chục gốc sơ ri, hai ao lớn
nuôi cá. Chừng Tín lấy vợ, liệu cách cho vợ chồng nó về đây, gần gũi…
… Hơn
30 năm trước, chồng bà Sáu hy sinh tại chiến trường K, lúc đó bé Lành mới 1 tuổi.
Cũng giống ông Ba, bà nén niềm đau để nuôi dạy con, lấy tương lai con làm lẽ sống.
Khi Lành có chồng, bà không đòi hỏi chi, chỉ mong vợ chồng nó sống gần bà.
Quân, chồng Lành, thương vợ và lo cho bà nên đồng ý. Có hai đứa cháu ngoại quấn
quít, bà Sáu ít đi đâu xa. Nhiều năm nay, quan hệ thân tình với gia đình bà gần
như chỉ có ông Ba. Ai không biết, cứ tưởng hai nhà có bà con họ hàng nhau. Ông
Ba tốt với bà theo cách của ông, không dè dặt. Nghe bà than nhức mình, ông đi
đâu đó cả buổi, cả ngày. Ba ngày sau, nhân lúc bà đi đám giỗ xóm trên, ông vác
một bao cỏ xước, lá lốt đã phơi khô, sao thử thổ… qua nhà gặp vợ chồng Lành.
Ông hơi lúng túng khi dặn: “Để dành nấu nước cho má bây uống, trị đau khớp hay
lắm… Mà đừng nói của bác, bả giận đổ hết thì uổng công…”. Ông Ba quá lo xa, bởi
lúc Lành nói thật với mẹ thì bà chỉ bó gối im lặng nghe, mắt già đăm đăm vời vợi…
Mừng
thằng Tín về thăm, ông Ba mượn người phụ lưới cá dưới ao.Chọn mấy con cá to bỏ
vô giỏ đục, ông tự tay xách qua biếu bên nhà bà Sáu. Thấy bà đi vắng, ông nấn
ná dài dòng nhắc chuyện câu cá bông lau lúc sống miệt bưng biền Đồng Tháp. Bằng
giọng hứng thú, ông kể:
- Khúc sông Vàm
Nao dài cỡ sáu, bảy cây số, nối sông Tiền, sông Hậu. Đặc biệt cá bông lau nơi
đó lớn không dưới năm ký lô, có người câu dính cá nặng mười mấy, hai chục ký.
Câu bằng mồi con gián là nhạy nhứt hạng, bây giờ giăng lưới búa xua mà ít khi
được cá lớn…
Nói tới đó thì
bà Sáu về, thấy ông hàng xóm mình mấy còn lấm bùn, giỏ cá bên chân. Bà cằn nhằn
với giọng nhẹ nhàng:
- Ông cho này nọ
hoài, riết tôi mắc nợ hổng trả được!
Lành ngó chồng,
cười ý nhị. Ông Ba liếc thấy, ngần ngừ một chút rồi nói nhanh trước khi bước ra:
- Tại bà hổng chịu
trả, dễ ợt!
Ông đã khuất sau
rào bông bụp, còn nghe vẵng giọng ông khàn khàn kiểu nói thơ: “Ngó lên Châu Đốc… Vàm Nao… Thấy buồm đang chạy…
như dao cứa lòng…”Bà Sáu lắc đầu, nhận xét chung chung:
- Bây coi già cả
mà trật trờ, nói năng chẳng ý tứ…
Quân đang theo
dòng suy nghĩ riêng, chợt buột miệng:
- Con nghe Tín
nói ba nó dạo này sức khỏe kém sút, trong người nhiều bệnh, đêm nằm thao thức
hoài…
Bà Sáu buông thỏng
tay, nén tiếng thở dài. Lành ôm vai mẹ, thì thầm:
- Con biết người
già cũng cần tình cảm của người già, có điều kín đáo thâm trầm hơn. Sống một
mình như bác Ba, hình như…
Quân cười, tiếp
lời vợ:
- Ý em nói là bác
Ba cần có thêm người sau này… khóc mình?
Chẳng muốn nghe thêm,
bà Sáu cắt ngang:
- Con Lành làm
cá, chiều nay nấu nồi cháo cho ngon. Còn Quân, chút con nói cha con thằng Tín qua đây ăn… Đàn ông mà
nấu nướng nỗi gì!
… Ông Ba sốt cao
hai ngày đêm không giảm. Vợ chồng Lành phải thay nhau trông chừng, lo thuốc men
cho ông già. Sắp xếp công việc xong, Tín về đưa cha vô bệnh viện nằm suốt hai
tuần lễ. Xuất viện, ông Ba còn mệt không đi đứng nhiều. Bà Sáu bức rức qua thăm
mấy bận, ông vẫn thiêm thiếp. Chiều nọ, bà đang ngồi ủ dột cạnh giường thì ông
chợt tỉnh. Hé mắt nhìn bà, ông mấp máy môi:
- Bà… bà qua
chơi mà tôi… tôi nằm liệt giường vầy thiệt không phải…
Cảm thấy rưng
rưng trong dạ, bà Sáu hỏi nhỏ:
- Ông đỡ chứ? chắc
chừng vài bữa…
- Không! Trước
kia còn sức… nó lấn lướt được. Còn lần này tôi liệu bệnh tật… hổng bao lâu đâu.
Chắc khó qua được cái tết này… bà ơi!
Nghe lời nói rầu
rĩ như trăng trối, bất giác khóe mắt bà Sáu ươn ướt. Nghiêng đầu bên gối nhìn
cho rõ, ông Ba mệt nhọc thì thào:
- Bà… khóc cho
tôi sao?
Chẳng còn dằn lòng
được, bà Sáu ôm mặt nghẹn ngào:
- Ờ… tôi khóc
trước đây… ông ơi!
Hai người già
cùng ngó mong ra vườn, gió chướng vi vu thổi từng cơn, đủ làm rơi rụng những
chiếc lá vàng. Chiều buông lặng lẽ…
Nguyễn
Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét