Thắm thoát ba
tôi mất đã hơn mười năm, sau bốn tháng trời nằm đau đớn, vật vã trên giường bởi
chứng bệnh hiểm nghèo. Chiều ấy, lúc tôi ngồi bón cháo cho người, ông cứ khẽ
xoay trở ra ý từ chối không ăn. Cố ép uống vài muỗng nước mát, ba tôi cũng chẳng
nuốt được. Cúi xuống, trong ánh mắt lạc thần của người, tôi cảm nhận được chút
tinh anh lóe lên như thay lời trăn trối, vĩnh biệt.
Tôi pha nước ấm gội đầu cho
ba, nghẹn ngào hiểu rằng đây có lẽ là lần chăm sóc cuối cùng. Ba tôi hôn mê suốt
rồi mất trong đêm. Điều an ủi là các anh chị em đã kịp về chứng kiến, chịu
tang. Suốt mấy ngày tang lễ, tôi cứ thờ thẩn mơ hồ với những ý nghĩ nhói buốt:
“Từ nay không bao giờ còn được gần gũi, nhìn lại ba bằng xương bằng thịt nữa rồi!”.
Chợt soi gương thấy đầu mình chớm bạc mới thấm thía tâm trạng “mồ côi cha”, tôi
thảng thốt tự dằn vặt mình thiếu sót nhiều trong sự thăm viếng, trò chuyện cùng
ba khi người còn khỏe…
Ngày tôi học Tiểu
học, ba ở Sài Gòn hàng tháng mới về thăm nhà đôi bữa. Tôi nhớ như in hôm ấy là
ngày thứ bảy, tan học xong đã cùng mấy đứa bạn mê mãi chơi đá banh gần tối mới
chịu về. Ba tôi có mặt từ lúc xế chiều, người vẫn bình thản hỏi han việc học rồi
biểu đi tắm rửa, ăn cơm. Tôi nơm nớp lo sợ, lúc sau ba gọi riêng tôi lên căn
gác gỗ, bắt nằm sấp trên bộ ván. Cầm cây roi tre, ba trầm ngâm nói về sự lo lắng,
trông ngóng của mẹ tôi và những bất trắc luôn chực chờ đối với những đứa trẻ.
Tôi bật khóc không phải vì sợ đòn, mà vì lời lẽ của ba ẩn chứa lòng yêu thương
con cái vô bờ. Ba chỉ phạt một roi và từ ấy về sau cây roi tre người không cần
dùng đến nữa. Tối đó ba đưa cả nhà đi xem cải lương ở rạp, tan hát còn được ăn
cháo gà thỏa thích. Sáng sau, trước khi ra bến xe ba cho riêng tôi 5 đồng bạc,
để dành “… lâu lâu con coi chiếu bong giải trì!”. Thuở ấy, tuổi như tôi vào rạp
chỉ tốn có 1 đồng rưỡi thôi!
Ba vì hoàn cảnh
phải ở xa, nhưng vẫn thường xuyên quan tâm chăm sóc gia đình. Người uốn nắn, dạy
bảo những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, kể những câu chuyện lịch sử đất nước,
chuyện gương sáng danh nhân… cho anh em chúng tôi nghe. Với gia đình, ba tôi thật
sự đã và luôn là cây cao bóng mát nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi. Thậm chí, tôi
nhớ lúc học lớp Đệ lục (lớp 7 bây giờ) trong bài luận văn với đề: “Em hãy kể về
người em ngưỡng mộ, quý mến nhất”, tôi đã nảy ra ý định viết về… ba mình! Nhưng
cuối cùng, tôi bối rối không dám thực hiện vì nỗi e ngại lớn lao nhất là khi… cả
lớp biết được sẽ cười nhạo không thôi. Tôi chọn một hình tượng lịch sử khác, tạm
yên tâm với lòng tự hào riêng về ba mình là được rồi. Năm sau, vào dịp hè tôi đến
thăm cô giáo dạy Văn và trong lúc tâm trạng cởi mở, vô tình buột miệng nói ra ý
định “ngây ngô” trên. Đến giờ tôi còn hình dung ra nét mặt cô bỗng dưng buồn bã,
nhìn tôi như đắn đo điều chi mà không tiện nói. Sau này tôi mới biết cô giáo mất
cha từ khi còn bé. Những chuyện đó tới giờ tôi mới trải lòng và có… trẻ con quá
chăng?
Tuổi già, ba về
quê với nếp nhà nhỏ cùng mảnh vườn, ao cá… Anh em chúng tôi đã lập gia đình ở
riêng và luôn bận bịu, lo toan cuộc sống còn khó khăn nên chẳng giúp được nhiều
cho cha mẹ. Người xưa thường nói: “Bậc làm cha mẹ đến xuôi tay nhắm mắt mới hết
lo lắng cho con”, nghe xót xa mà thật đúng. Ba thương đứa này nghèo khổ, sợ nó
không đủ sức nuôi vợ con. Ba nhắc đứa kia làm việc cẩn trọng, tránh sự a dua, thèm
muốn vô lối. Ba sống giản dị, đạm bạc mà thanh khiết với phương châm: “Biết đủ
là đủ” như lời người nói và suốt cả đời tuyệt đối không dính dấp vào những chuyện
tư lợi bất chính…, dù là nhỏ nhặt. Mắt ba lòa, tóc ba bạc trắng, đôi tay gầy gò
run rẩy… là quãng thời gian cuối của một người cha đã trải qua nhiều đắng cay,
giông bão, cho anh em chúng tôi vô tư học hành, khôn lớn…
Chắc rằng khó ai
có thể diễn đạt hết tình cảm sâu kín của người cha dành cho con. Không phải là
giọt nước mắt nhỏ xuống, mà là giọt nước mắt nuốt vào bên trong cho con mình thêm
cứng cáp, nên người, có ích cho xã hội.Mỗi lần nghĩ đến ba, tôi lại nhớ một câu
của Nhà văn Pháp J.F.Blade: “Khi cha cho
con ăn, cha con cùng cười – Khi con cho cha ăn, cha con cùng khóc”, như lòng
biết ơn và hối lỗi chân thành!
Nguyễn Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét