Cái lung sen rộng gần hai hec-ta xanh ngát màu lá, nở rộ những cành
bông đỏ thắm cùng các gương sen to nhỏ lay động theo cơn gió chiều. Những người
đi làm đồng về tò mò ghé lại một góc lung xem quang cảnh mò củ sen. Nhóm ba
thanh niên cởi trần lặn hụp rồi vất những củ sen lên bờ cho người đàn ông trung
niên nhặt lấy rửa sơ cho vào bao. Họ lẳng lặng làm việc, vẻ không được tự nhiên
khi có nhiều người nhìn, bởi thật ra họ không phải dân địa phương. Chỉ có ông
trung niên gầy gò có hàng ria lưa thưa ra vẻ từng trải, thỉnh thoảng trả lời
những câu hỏi của người chung quanh:
- À… tôi thứ Tư, quê ở… mà thôi… nói ra lại thêm buồn.. Tụi tôi đi
tứ xứ lao động đủ việc như đào ao, đắp bờ, cắt lúa… Chậm thời vụ nên chẳng làm
bao lâu, đang bàn tính trở về nhà. Giờ rỗi mò bậy mớ củ sen kiếm chút đỉnh tiền
xe thôi. Tha phương cầu thực vất vả lắm mấy chú ơi!
Nhìn nét mặt chất phác của chú Tư, một cụ già tặc lưỡi:
- Tội nghiệp chưa! Rồi ăn ngủ ở đâu? Hay lại đàng tôi có cái chòi
nhỏ cũng tạm che được gió máy. Ông bà ta có câu: Cây khô tưới nước cũng khô…
Người nghèo đi tới xứ mô cũng…
Câu nói chưa dứt thì từ mé lung vang lên tiếng kêu giật giọng:
- Chú Tư ơi! Tui mò đụng cái gì tròn tròn như lu khạp gì đó… ớn nổi
da gà!
Nhanh như chớp, chú Tư bật dậy chen qua đám người lố nhố, lớn tiếng
ra lệnh:
- Ba đứa bây phụ nhau đem lên bờ coi sao… Có tao đây, sợ quái gì?
Một thanh niên cười khì, lẩm bẩm:
- Ổng đâu có sợ bởi… đứng trên bờ mà! Lỡ sẩy ra con… thuồng luồng
thì ổng vọt trước!
Chần chừ một lúc, ba người khom lưng hì hục rồi cũng nâng được cái
khạp sành khá nặng lên trên. Nắp trám vỡ một mảnh, bùn sình lọt vào đầy kín nên
không ai biết vật gì bên trong. Cụ già người địa phương cười hiền hậu:
- Cái này coi bộ điềm lành, gỡ nắp ra là biết ngay. Có khi là… trân
châu, mã não, ngọc lưu ly… chôn giấu từ xưa bị thất lạc, được vậy thì mấy cháu
đổi đời!
Chú Tư sôi nổi, háo hức không kém đám người hiếu kỳ, cẩn thận lùi ra
sau ba bước rồi gật đầu làm hiệu. Khạp sành được lật ngược, lẫn trong nước bùn
là hai vật nặng trịch chưa rõ hình thù. Bảo mấy đứa nhỏ tránh xa, chú Tư vén
tay áo hồi hộp rờ rẫm rồi cầm lên rửa sạch, đặt xuống bãi cỏ, thích chí reo
lên:
- Ôi trời đất! Cặp trâu này làm bằng đồng hay sao mà nặng quá ta.
Chà… không sứt mẻ, lại sắc sảo từng đường nét. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ
tôi chưa hề thấy!
Từng người một nhốn nháo chen nhau sờ nắn, trầm trồ khen tài vị nghệ
nhân tiền bối nào đã có hoa tay đúc nên cặp trâu quá đổi tinh tế. Thêm chú bé
mục đồng mình trần nằm xoài trên lưng trâu, tay trái cầm dây vàm, tay phải nắm
xâu tiền xu. Hai con trâu nằm quay đầu vào nhau, chiều dài khoảng một gang tay.
Giữa những lời bàn tán, phỏng đoán râm ran về nguồn gốc vật lạ, cụ già lúc nãy
thong thả giương kính lão săm soi kỹ cặp trâu rồi nói ra điều vừa phát hiện:
- Đây rồi! Ô vuông ở bụng trâu có khắc dòng Hán tự. Để xem… ờ… Đại…
Đại Thanh… Khang Hy. Chuyện này xưa nay hiếm. Vùng này sao lại có thể…
Ba anh mò củ sen tức tốc ngồi vây quanh cặp trâu vừa mò được, ánh
mắt căng thẳng, gườm gườm như sẵn sàng liều thân bảo vệ vật quý. Chú Tư đắc chí
đưa cao hai tay lên, giọng oang oang:
- Cha tôi cũng gốc nhà nho, mà nho thì phải… nghèo cho nên đời tôi
không biết một chữ lận lưng. May nhờ ông bác đây tinh thông Hán học giải thích
giúp mới ngộ ra biết nho cũng hơn lắm người. Ủa… ra đây là đồ cổ hả bác?
Chống gậy đứng lên, cụ già khiêm tốn nói:
- Tôi chưa dám chắc… Có điều, tôi đọc sách và suy đoán ông bà mình
bao đời theo nghiệp nông, nên biết đâu vùng này xưa kia có tập tục khắc, đúc
hình trâu để chôn ruộng như một lễ tế linh vật cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng
no ấm. Nếu thật thì hai món này nhất định của người Trung Quốc chạy loạn vô đây
định cư, lập nghiệp bởi có ghi rõ niên hiệu… Thôi, tôi xin kiếu bà con về
trước. Lộc trời cho ai nấy hưởng!
Mặt trời khuất dần sau lũy tre, mọi người tản mác dần theo các
hướng. Có một ông nhạy miệng bàn góp một câu:
- Họa phúc do thiên! Tôi chỉ cho mấy anh lại nhà thầy Ba Giáp có ghe
cào biển ở xóm Lăng, ổng mê đồ xưa lắm. Tháng trước, ổng hỏi mua của tôi hai ấm
trà cũ xì, sứt vòi, chỉ bằng trái quýt mà dám ra giá năm trăm ngàn. Cặp trâu
này phải tính bằng tiền triệu!
Nhóm bốn người chụm đầu to nhỏ, rồi gom các thứ trực chỉ xóm Lăng…
Chầm chậm hớp từng ngụm trà như để dằn xuống nhịp tim đang đập mạnh,
thầy Ba Giáp nhè nhẹ xoa miếng vải nỉ lên lưng con trâu đúc, giọng lửng lơ:
- Mấy chú cứ định giá hai
món này, nếu rẻ rẻ chừng ít trăm thì tôi mua… chưng bậy chơi!
Miệng nói, mắt thầy vẫn dán
vào cái xoáy lưng trâu rành rạnh cùng dấu ấn vuông kề bên. Chú Tư nhón điếu
thuốc thơm châm hút, ngần ngừ:
- Nghe tiếng đồn thầy Ba là
người tử tế, rộng rãi, hiểu biết nhiều… thành ra chúng tôi cũng ngại ra giá.
Tính đem lên Chợ Lớn…
Ba thanh niên ngồi trước sân cột mấy bao củ sen vô đòn gánh xong,
nhóng vô nghe ngóng. Thầy Ba búng nhẹ móng tay út, xởi lởi:
- Nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt. Giá bao nhiêu đây?
- Dạ… thầy cho chừng… bốn triệu thôi!
- Ý chu choa! Mấy người hổng sợ tôi lên tăng-xông sao?
- Xin lỗi thầy! Đồ cổ thời vua Khang Hy dễ gì tìm được? Tôi bớt thầy
ba trăm lấy cái tình. Tích xưa bên Tàu có ông thợ đá Biện Hòa giỏi nghề tìm
ngọc, người nước…
- Rồi vua không tin, ổng ra… lung sen ngồi khóc chảy máu mắt chớ gì?
Chú muốn so sánh ngọc trong đá với… trâu trong khạp hử? Nhảm nhí! Người ta là
thợ đá cao cấp danh hiệu năm sao, chú là thợ mò củ sen, khác nhau xa lắc. Hội ý
với anh em lần nữa đi!
Chú Tư rón rén ra sân một lúc, trở vô ấp úng:
- Dạ… sách có câu “Tiền tài như phấn thổ… Nhân nghĩa tựa thiên kim”.
Chẳng dám nào xin thầy Ba rộng lòng thông cảm, tụi nó nể thầy nên đồng ý dứt
giá ba triệu hai. Nếu như…
Chủ gia cười nhạt, ngắt lời:
- Luận bàn chuyện thi phú, đông tây kim cổ thì mấy chú hổng theo tôi
nổi đâu! Tiền tài sao coi như phấn thổ? Tôi cả đời làm lụng, ăn sương uống gió,
đãi trấu bòn tro mới thành sự nghiệp, giờ mua cái nhân nghĩa để trắng tay à?
Xin lỗi… ba triệu hai thì…
Ngó ra đám thanh niên lắng nghe rồi như dợm quảy gánh lên vai, thầy
Ba thở hắt ra:
- Hai món này tinh xảo thật, nhưng chưa qua giám định chuyên môn
cũng khó xét giá trị. Nếu là đồ cổ thật, mấy chú mang đi khơi khơi sẽ có rắc
rối về mặt pháp luật đấy. Tôi, thầy Ba xóm Lăng bóp bụng trả ba triệu là đụng…
la-phông rồi, khỏi bàn thêm on đơ cho mệt!
Chú Tư lại chạy ra sân, sau cùng cả nhóm đồng ý bán cặp trâu đào
được với giá ba triệu kèm bốn gói thuốc lá thơm. Trời sụp tối, bọn họ vội vã
rời đi còn càu nhàu tranh cãi ra ý tiếc rẻ. Cài chặt cửa, ngồi ve vuốt đôi trâu
đen kịt không chút tì vết, thầy Ba Giáp mang tâm trạng vui mừng khôn xiết của
người sành chơi đồ cổ sở hữu “linh vật” từ thời Khang Hy, hỏi mấy ai có được?
Mấy tay đào củ sen quê mùa cục mịch thì biết gì?
… Thời gian dần trôi với nhịp sống bình thường. Nhưng lác đác chuyện
kể về những cặp trâu cổ “vô tình” đào được râm ran lan rộng vẫn là đề tài nóng
bỏng. Thầy Ba Giáp nóng ruột bỏ ra một ngày lặn lội tìm hiểu thực hư, lòng càng
thêm mơ hồ nghi ngại. Trâu cổ ở đâu mà… đẻ ra lắm thế? Sinh sản vô tính chắc?
Người bán không phải dân địa phương và giá cả cũng bất nhất. Ông chủ ruộng ở
Xẻo Lá mua cặp trâu móc dưới lóng kinh lên, giá ba triệu đồng. Chú Tám cây xăng
ở Gò Lức kèn cựa giá một triệu tư. Rồi còn mấy người ở huyện bên cũng chi khá
tiền để rước cặp trâu… ưa nằm trong khạp, trong chậu về nhà. Điều gây băn khoăn
nhất cho thầy Ba là đã nhìn tận mắt, sờ tận tay cặp “linh vật” được một anh lái
heo tận Vàm Nai mua, giá chỉ ba trăm ngàn! Chúng giống nhau như cùng một khuôn
đúc, vậy là sao hở trời?
Tối nay định ngủ sớm, nhưng cứ trằn trọc, lòng đầy ưu tư, thầy Ba
dậy bật sáng đèn lóng ngóng mở khóa hộp kính, nhẹ cầm con trâu lên. Nghe tiếng
kẹt cửa, thầy giật mình xoay ngang và va mạnh “linh vật” vào cạnh tủ làm… gãy
sừng. Đang bàng hoàng chết điếng trước thảm họa, thì cùng lúc vợ thầy xăng xái
bước vô vất nón lá đánh xoạch xuống nền gạch, thở dài ngán ngẩm:
- Ôi trời! Trâu cổ bây giờ đẻ đái tùm lum ông ơi! Thằng em út tui
nuôi tôm bên Cồn Cống cũng vừa mua một cặp giá hai triệu sáu, vợ nó khóc hết
nước mắt. Nghe đồn có một đại gia tỉnh bên mua với giá kỷ lục là tám triệu bạc.
Thói đời, ai cũng tự phụ mình có cặp mắt xanh thấu đáo, là bậc… sư tổ về đánh
giá đồ cổ, lỡ mắc lừa rồi thì sợ xấu hổ nên giấu biệt cho thiên hạ… chìm chung
xuồng luôn. Ủa… ông làm giống gì lạ lùng vậy?
Thấy Ba Giáp không trả lời, ngồi bẹp cặm cụi mài miết cái sừng trâu
gãy rồi bỗng dưng trợn mắt ngó lên trần nhà, miệng lắp bắp như mê sảng:
- Bà ơi! Tụi mò củ sen dựng kịch bản… nuốt của tôi ba triệu bạc. Đồ
composite… nhụa composite… Đại Thanh… Khang Hy… Láo toét!
Vợ thầy hiểu ra, im lặng buồn xo. Gian nhà trầm lắng, nghe rõ tiếng
ti-vi nhà hàng xóm giới thiệu chương trình phát hình buổi tối. Giọng cô phát
thanh viên trong trẻo vang lên: “… Hai mươi giờ ba mươi phút chiếu phim… Tập
cuối bộ phim Đài Loan… Nỗi lòng thấu trời xanh… Mời quý khán giả đón xem…”.
Nguyễn Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét