Hai bà cháu dắt
tay nhau chầm chậm đi trên lề đường công viên, trời chiều mát dịu. Những người
tập thể dục ngang qua, có người ngoái nhìn hai bà cháu, khẽ cười thân thiện. Tới
cuối đoạn đường, bà đưa cháu lại băng ghế ngồi nghỉ chân. Đứa cháu độ mười tuổi,
tung tăng sờ ngắm các viền cây xanh tỉa khéo thành khối hình vuông, hình thoi…
bao bọc công viên. Thấy bà vẫn lặng lẽ ngồi nhìn đăm đăm qua bên kia đường, chỗ
trường mẫu giáo mới chỉnh trang, đứa bé ngập ngừng hỏi:
- Bà ơi! tại sao
bà thích ngồi đây, không đông vui như bên hồ phun nước?
Hiền hậu xoa đầu
cháu, bà bảo:
- Có lẽ cháu
chưa hiểu nhiều, nhưng để bà kể cho cháu nghe chuyện về ông và vì sao bà quyến
luyến nơi này đến vậy. Nhất là hàng năm vào cuối tháng tư… bà nhớ lắm!
Mắt bà như
thoáng buồn, hồi tưởng thành lời những kỷ niệm ngày xưa…
“.. Bà thân thiết
với ông cháu từ khi còn nhỏ, vì sống cùng quê, cùng xóm. Chừng trưởng thành thì
ông bà cưới nhau, cùng lúc chiến sự, bom đạn lan rộng khiến cuộc sống rất vất vả.
Như bao thanh niên nặng lòng quê hương bị dày xéo, ông thoát ly tòng quân lên
đường đánh giặc. Bà ở lại bám đất, giữ nhà để chờ đợi ngày ông cháu xong việc
nước trở về. Hàng chục năm trời dài đăng đẵng bà trông ngóng, hy vọng. Cháu biết
bà ước nguyện gì không?
Đưa tay vuốt lọn
tóc trắng lòa xòa trước trán cho bà, đứa cháu tựa lưng vào băng ghế, chăm chú lắng
nghe…
“Cho đến một
ngày cuối tháng tư năm một chin bảy lăm, ngày đất nước sắp hoàn toàn giải phóng
thì… Đây là câu chuyện từ những người bạn chiến đấu cùng ông cháu, sau này kể lại
với bà. Cháu nghe cho rõ để mà thương, mà kính trọng ông nhiều hơn. Đơn vị của
ông cháu tiến quân đến đây thì chạm súng với cứ điểm phòng thủ chặn ngang quốc
lộ của địch. Mục tiêu cần giải quyết nhanh bằng bất cứ giá nào. Chỉ qua lời kể,
nhưng bà vẫn có thể hình dung được thời khắc ấy… cháu ạ! Trận đánh rất ác liệt
và thương vong nhiều vì ụ sung lớn từ hầm ngầm bắn ra. Bây giờ bà hay vương vấn,
trăn trở về tâm trạng ông cháu lúc đó. Cuộc chiến sắp kết thúc, làng xóm, vợ
con mong đợi từng giờ, từng phút… Năm đó ba cháu mới mấy tuổi đầu thôi. Nhưng rồi
ông của cháu quyết định… hy sinh, ôm khối thuốc nổ lao dưới làn mưa đạn đánh sập
hầm ngầm địch, tiêu diệt hỏa lực cho đồng đội xung phong chiếm cứ điểm…”
Nhìn đôi mắt ươn
ướt của bà, đứa cháu ngây thơ thì thầm:
- Như vậy là
ông… không về với bà, với ba cháu?
Ôm cháu vào
long, bà thở dài:
- Ừ… ông đã chấp
nhận, đã chọn con đường hy sinh cho đất nước! Cháu có biết ngôi trường mẫu giáo
bên kia đường, xưa kia là mảnh đất chiến trường, là nơi ông cháu cùng các đồng
đội không tiếc máu xương cho cuộc sống hôm nay…
- Bà ơi! cháu
thương ông… mà cũng thương bà nhiều lắm!
Cầm tay cháu đứng
lên, bà thấp giọng:
- Ừ… mỗi năm cứ
tới tháng tư là bà lại buồn, lại nhớ… Nhưng bà rất tự hào về những người đã sống,
chiến đấu và hy sinh dũng cảm, trong đó có ông cháu!
Hai bà cháu lại
chầm chậm đi trên lề đường công viên. Đứa cháu bỗng dừng lại kéo tay bà cùng
nhìn về phía trường mẫu giáo vừa sáng ánh đèn, những hình vẽ đầy màu sắc trang
trí dãy tường như tươi tắn, sinh động hơn…
Nguyễn
Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét