Dư lững thững đi men theo
bờ hồ để băng qua đường. Tới chỗ vạch sơn trắng mờ nhạt, nó hồn nhiên chăm chú
nhìn xuống đất bước. Mang cảm giác đang giữ thăng bằng như người làm xiếc, Dư
chậm rãi đi. Tiếng xe thắng gấp làm nó giật mình chạy vụt qua bên kia lộ. Anh
thanh niên mặc đồng phục công nhân điện lực quát lên:
- Đi ẩu vậy nhỏ?
Vuốt mái tóc vàng hoe vì
nắng, Dư nhìn anh cười nhận lỗi. Anh cẩn thận quan sát bên trái rồi tấp xe vào
lề. Nhìn mấy tờ vé số trên tay thằng bé, anh hất hàm:
- Còn mấy vé? Gần bốn giờ
rưỡi rồi đó…
Tranh thủ cơ hội, Dư lẹ
miệng mời luôn và thở phào nhẹ nhõm khi người khách dễ tính lấy cả 5 tờ vé số ế
ẩm. Tiếp tục bước, thâm tâm nó thầm mong chiều nay anh ta sẽ trúng, chí ít cũng
được hai con số đầu. Với nghề rong ruỗi đường phố này, Dư đã gặp biết bao hạng
người với từng tính ý khác nhau. Những ai tốt, ai xấu, với nhận xét của tuổi
mười ba thì nó biết cả. Nhẫm tính ngày hôm nay bán được hơn năm chục vé, nó
mừng lắm. Hai mẹ con Dư sống đạm bạc, đùm bọc nhau trong căn nhà lá nhỏ cuối
con hẻm gần đây, từ ngày ba nó bỏ theo người đàm bà khác, lúc nó vừa lên 5
tuổi. Gia cảnh khó khăn, cơ cực buộc Dư nghỉ học khi vừa xong lớp bốn. Nhiều
lúc nó phải an ủi mẹ, vì bà hay tự trách mình không lo được cho con ăn học như
bao đứa trẻ khác may mắn hơn. Không được đi học nữa cũng chẳng sao, miễn là có
một bà mẹ biết thương yêu, dạy bảo điều hay lẽ phải ở đời thì còn gì bằng. Dư
không nói ra điều đó, nhưng từ tâm hồn, trái tim nó hiểu là như vậy…
Độ chừng giờ này mẹ mình
giúp việc cho cửa hàng ăn uống ngoài thị xã chưa về, Dư ghé thăm ông Hai một
lúc. Căn chòi chơ vơ cạnh chòm mả đá ong xưa, vách lá xác xơ lay phần phật bởi
cơn gió chuyển mùa. Ngồi tựa lưng vào thành giường, ánh mắt lờ đờ mệt mỏi của
ông Hai thoáng vẻ mừng khi gặp thằng bé, đỡ hồi đơn độc. Đưa bàn tay gầy guộc
chỉ sang chiếc bàn gỗ ọp ẹp, ông run giọng:
- Con rót giùm ông chén
nước… Bán về đúng giờ quá hén!
Hớp ngụm nước trà nguội
lạnh, ông chép miệng:
- Lạt giọng… mà lại hết
thuốc rồi!
Dư chợt nhớ ra, nó lục túi
lấy hai điếu thuốc lá đầu lọc cong queo đặt tận tay ông già, toét miệng cười:
- Con bán vé số gặp khách
uống cà phê bỏ sót lại nè ông Hai… Để rồi con nhớ mua cục thuốc rê cho, mà ông hút
thuốc hoài hổng tốt!
Chưa vội đốt thuốc, ông Hai
thủng thẳng hỏi:
- Thuốc này mày lén lấy của
người ta hả?
Dư vùng vằng phân trần:
- Con tính kêu, nhưng họ đi
rồi. Mình không lấy thì đứa khác cũng lấy, uổng. Má con dặn…
Rít hơi thuốc ngon lành,
ông Hai gượng cười móm mém:
- Chà… thằng nhỏ biết tự ái…
Tao giỡn chơi thôi chớ sao không biết mẹ mày dạy con có khi còn tốt hơn tụi con
nhà giàu hợm hĩnh ngoài phố. Nhớ ông ngoại mày ngày xưa thân thiết với tao… ờ…
bây giờ cũng sắp gặp nhau rồi. Cái thời thế…
Ngại nghe lại câu chuyện đã nghe nhiều lần
và bức rứt nhất là phải thấy đôi mắt ướt xúc động của ông, Dư chen lời:
- Độ rày ông xanh xao quá!
Có thuốc men gì không ông?
- Lúc sáng sớm mẹ mày có đưa
thêm mấy gói thuốc nam,
nhờ cô Quí kế bên sắc giúp. Uống thì tạm ngủ được, mà đau thì cứ đau!
Tay
xoa xoa bờ ngực xẹp lép, ông Hai thở ra:
- Ông không phải bệnh lao
liếc gì đâu! Mấy lần thổ huyết là do bầm dập lao tù hồi xưa, giờ phát bệnh hậu
thì thuốc men nào chữa khỏi. Thời còn trẻ, ngoại con cùng ông, cùng anh em tứ
chiến lặn lội vẫy vùng nào kém ai. Về già lại lao lực kiếm cái ăn cái mặc, sự
thiếu thốn nó tàn phá con người nhanh lắm con ơi! Vợ con ông bị cơn bom đạn
loạn lạc vắn số, phải chi…
Cơn ho bộc phát kéo dài
khiến ông gập người, chiếc mền cũ rơi xuống nền đất. Thằng bé lo lắng vỗ vỗ nhẹ
lên lưng người bệnh như để xoa dịu bớt sự hành hạ thể xác. Đỡ ông nằm xuống
giường, Dư hỏi nhỏ:
- Nãy giờ con quên, ông ăn
gì chưa?
Ông Hai ngập ngừng:
- Trong bụng có ba hột… hồi
sáng rồi, nồi cơm còn mà hổng thiết chi hết!
Nhìn ra khoảng vách trống
thấy mặt trời sắp lặn, Dư cố hỏi thêm:
- Ông có thèm ăn món gì
không? Con mua được mà ông…
Một tình cảm tha thiết
thương yêu và được thương yêu tràn ngập lòng ông Hai. Nỗi tê tái, cô đơn tạm
thời dứt bỏ. Bóp nhẹ tay thằng bé, ông dịu giọng:
- Ông thương mẹ con bây lắm…
Đời ông chẳng còn ai, nay mai theo ông bà cho nhẹ thân, nhẹ lo cho nhiều người.
Ừ… con thơm thảo thì mai mua cho ông tô cháo thịt rắc tiêu hành, thèm! Thôi về,
mẹ mày trông, đi đứng coi chừng xe cộ…
Thằng bé nghẹn ngào, nước
mắt chực ứa ra:
… Đêm ấy, hai mẹ con thức
khá khuya. Mẹ Dư mừng vì chuyện đã gặp cô giáo chủ nhiệm cũ của con và có nhắc
là vào khai trường tới nên cho Dư học lại, nhà trường sẽ hỗ trợ sách vở và miễn
các khoản đóng góp. Sự vui mừng của hai mẹ con chợt lắng lại khi Dư nhắc đến
tình cảnh ông Hai. Đắn đo một lúc, người mẹ hỏi con:
- Má tính sẽ đưa ông Hai về
đây ở tạm để tiện chăm sóc trong lúc ốm đau. Bề gì cũng là trọn tình nghĩa với
vong linh ông ngoại con…
Dư đập tay xuống giường,
reo lên:
- Con chịu liền! Sáng mai má
cho con mười ngàn mua tô cháo thịt cho ông Hai…
Trìu mến vuốt tóc con,
người mẹ dịu dàng:
- Được rồi! kêu họ thêm cái
hột gà, ông ăn cho lợi sức. Cùng cảnh nghèo mà không đỡ đần nhau thì còn ai vô
đó?
Tiếng gió xào xạc bên
ngoài, trời lác đác mưa rồi dần nặng hột. Kéo mền lên kín cổ, Dư chìm vào giấc
ngủ hồn nhiên…
Như mọi bữa, mẹ Dư đi làm
từ tờ mờ sáng. Trời lạnh được đắp ấm, thằng bé ngủ đến hơn bảy giờ sáng mới
chịu dậy. Nó hối hả rửa mặt, lận lưng cuốn sổ dò số, cầm tay cái ca nhựa rồi
vạch liếp cửa đi nhanh ra khu chợ chồn hổm. Tay cầm cả cháo trắng thơm phức mùi thịt bằm, mùi tiêu, Dư chậm rãi đi với niềm vui tràn ngập tâm hồn. Từ xa đã thấy đông người lố nhố trước căn chòi của ông Hai, Dư hồi hộp linh cảm điều gì xấu đã xảy ra. Không hỏi han ai, nó nôn nóng chen vào, tai nghe lời bàn tán mà rụng rời:
- Chết rồi, chắc lúc gần sáng…
- Thiệt khổ! Sống tứ cố vô thân, cháu con
chẳng có…
Dư nhìn vào giường, khuôn
mặt thân quen của người chết xa vắng, bình thản với những xô bồ, chộn rộn bao
quanh. Nước mắt bỗng dưng lăn dài trên đôi má Dư. Tình cảm bấy lâu nó bấu víu,
gìn giữ giờ không còn cụ thể nữa, vĩnh viễn… Người đàn ông to béo đưa cao hai
tay vỗ bồm bộp:
- Bên hội từ thiện phường
cho cái hòm, sắp chở tới đây… Anh em đạo tì lo chuyện gói xác, ông già ốm nhom
mà đồ đạc hổng có, phải chèn thêm bao trấu xin bên lò bún. Phần bà con mình cử
ai đứng ra quyên góp chi phí nhang đèn, trà nước… coi cho được. Bà con gấp gấp
giùm!
Một chị hàng xóm lên tiếng:
- Cũng hổng tốn bao nhiêu, ông Chín trại cây giúp luôn
cho khoản đó… làm phước!
Ông to béo trợn mắt:
- Đâu được! ý
tui muốn mỗi người một chút cho có tình làng nghĩa xóm, thỏa vong hồn ông Hai!
Ai đó nói như
than vãn, trách cứ vu vơ:
- Ông Hai bệnh
rề rề mấy tháng nay, xóm giềng có mấy người tới thăm viếng, giúp đỡ đâu? Ôi…
nhà nghèo hết số thì phải khổ!
Dư lặng lẽ
đứng một góc khóc thút thít cho đến khi có người xô mạnh vai, nạt đùa:
- Thằng nhỏ này
lạ chưa? Nội ngoại gì mà mày khóc? Đi tránh ra cho người ta làm việc!
Bước ra ngoài
đứng cạnh cây ổi mọc hoang, sớ tay vào ca cháo còn nóng ấm, Dư lại rưng rưng.
Chẳng biết lúc sắp chết, ông Hai có giây phút nào nhớ tới mẹ con nó không? Móc
ca cháo vào nhánh cây, Dư thẫn thờ đi dọc theo con hẻm, bước chân rã rời…
Nguyễn Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét