Chuyện đất và
người năm, bảy chục năm về trước có thể
chưa quá xưa, tôi gọi là chuyện cũ… Gần
nhà tôi có một hãng sản xuất tương, nước tương, củ kiệu, chanh muối… Ông bà chủ
người Hoa, ra dáng thương gia, tính tình trầm lặng, như đa số người Hoa chuyên
tâm làm ăn. Họ có một chiếc xe tải hiệu Thames để vận chuyển hàng lên Sài Gòn, số
nhân công khoảng hơn mười người. Tôi chỉ nhớ vài người nhờ vào các đặc điểm,
như anh Xồi nói ngọng, chú Lẹ có bàn tay phải cụt ngón trỏ… Chỉ chú Mạnh là tôi
nhớ rõ hơn, sau mấy mươi năm vẫn hình dung ra được giọng nói, khuôn mặt của
chú. Bọn trẻ trong xóm tôi phá phách ghê lắm, nhưng chú ít khi giận, thỉnh thoảng
còn lén cho chanh muối, củ kiệu ăn chơi. Kể lại chuyện cũ, nhớ đâu nhắc đó, nhiều
khi không theo tuần tự sự việc, thời gian được.
Đất đai hãng
tương khá rộng, phía trước có trụ cổng bằng cây cao gần 3 mét, chu vi rào kín bằng tre, dây kẽm gai,
tôi liên tưởng sự kiên cố này như… pháo đài. Một khoảng sân xi-măng xếp ngang dọc
thẳng hàng các khạp sành, giàn vĩ tre dành
ủ, phơi sản phẩm. Kho chứa đậu nành, muối hột cùng bếp lò, lu, khạp, giỏ cần
xé… nằm phía sau. Ngay giữa là căn gác gỗ cất kiểu xưa, trông thô kệch mà vững chãi. Đây là nơi ông
chủ nghỉ trưa những lúc không về nhà ở phố chợ. Một bà già lưng hơi gù, tóc xõa
trắng, chuyên mặc bộ đồ lụa đen, hình dạng cổ quái khó tả. Bà có nhiệm vụ như
gác dan thường xuyên cả ngày và đêm. Bà tên Xí Phò, nghe nói hồi xưa bên Tàu, lúc
giặc giã đói kém bà bị bán về gia đình ông chủ, ẳm bồng, trông giữ ông lúc còn
nhỏ. Sau đó bà theo sang bên đây, gốc gác lưu lạc, giờ như người nhà tin cậy của
chủ. Tôi không biết bà ngủ lúc nào, mỗi lần lén nhìn qua khe rào đều thấy bà
tay cầm gậy tre, khập khiễng đi lòng vòng quanh những người thợ đang làm việc. Con
chó mực nằm chỗ bóng mát thè lưỡi thở dốc, dõi theo. Trời mưa thì bà choàng tấm
nylong đi xem từng dãy khạp, che chỗ này, đậy chỗ kia, thật cần mẫn đến tội
nghiệp. Về đêm mới đáng sợ, đối với đứa trẻ mười mấy tuổi như tôi. Nỗi sợ hay
kích thích trí tò mò. Trên nóc căn gác, về khuya có con chim cú mèo hay đến đậu,
lâu lâu kêu lên vài ba tiếng, nghe sởn gai ốc. Có đêm, tôi cùng đứa bạn làm gan
lần mò tới khoảng rào gần căn gác gỗ. Nhìn vào thầy gian dưới có bóng đèn điện
tròn chiếu ánh sáng vàng oạch, tù mù. Trên gác có cây đèn bão cạnh lư hương thắp
mấy cây nhang, gió thoảng lập lòe. Bà Xí Phò từ đâu đột ngột xuất hiện, cách
chúng tôi chừng mươi bước chân. Hai đứa lặng người, cầm chặt tay nhau. Trong cảnh
tranh tối tranh sáng, bà ngước nhìn khoảng trời chi chit ánh sao rồi cất giọng
khàn khàn, bà… hát. Tôi chẳng biết tiếng Tàu, nhưng âm điệu trầm bỗng, ngân nga
ngắt quãng, dịu vợi mà thê thiết, khiến lòng mình như mềm đi, như cảm thông, mà
thật sự nghe buồn, buồn lắm. Hát một lúc, bà chậm rãi đi về căn gác, giọng nhỏ
dần, chỉ nghe tiếng gậy tre khua lọc cọc. Sau này lớn lên, có lúc tôi ngẫm nghĩ
mà thương cho bà Xí Phò. Cuộc sống trôi nổi, tha hương đất khách, cội nguồn là
đâu? Có lúc nào bà hồi tưởng lại đời mình, hay vật vờ như chiếc bóng, cam phận
nô bộc. Con người thường ai cũng có nỗi
buồn riêng, may mắn thố lộ ra được thì cũng nhẹ lòng. Đàng này bà một thân cô
quạnh, không người chia sẻ, tâm tư u uất, chỉ biết ngô nghê bày tỏ cùng đất trời
mang mang xa tít!
Có một dạo, bọn
trẻ trong xóm tôi nghịch phá hãng tương đến độ quá quắt. Giữa trưa nắng, thợ
đang làm thì nấp xa xa dùng ná thun bắn đá vào tới tấp. Các ông thợ phải đội
nón cối nhựa, sợ trúng đầu. Được vài bận thì có người bị đổ máu: bà Xí Phò. Thấy
mọi người xúm quanh xem, băng vết thương cho bà già, bọn chúng tôi sợ mất hồn
vía, ném hết ná thun xuống sông. Chiều sau, mấy đứa đang ngồi chơi ở sân nhà
tôi thì bất chợt chú Mạnh bước vào, chìa cho một bịch chanh muối. Chú nhìn từng
đứa rồi ôn tồn nói:
- Bà Xí Phò bị
trúng viên đá lổ đầu, sốt cả đêm… nhưng giờ chắc không sao. Bà già xa xứ không
con cháu, đáng thương chưa? Anh muốn các em đừng chơi vậy nữa, tụi anh có việc
làm yên ổn mới có tiền nuôi cha mẹ, lo cho vợ con… Chớ bị phá phách hoài, ông
chủ bớt việc thì tụi anh biết sống sao đây?
Cả đám ậm ừ im lặng,
rồi ngước nhìn anh như hối lỗi. Anh Mạnh cười xòa, thân thiện vỗ đầu từng đứa
trước khi bước ra. Từ hôm đó, chúng tôi không còn phá phách hãng tương nữa, có
khi còn qua xem thợ đóng khạp tương, trám vôi, dán nhãn, chuyển xe tải lên Sài Gòn. Bà Xí Phò vẫn lặng lẽ qua
lại, gậy tre trong tay, mắt ngó bọn tôi dè chừng…
Hàng năm, khoảng
đầu tháng chạp hãng tương có lệ đem biếu mươi nhà lân cận chút ít sản phẩm họ
làm ra: khạp tương nhỏ, củ kiệu, nước tương… Nhà tôi cũng được nhận món quà ấy
và chiều đó ba tôi tặng lại ông chủ cặp rượu nếp nấu nhà, biểu tôi đi. Ông chủ
vui vẻ nhận, cười ha hả, luôn miệng nói tiếng Tàu pha tiếng Việt chưa sõi. Anh
Mạnh đang soạn sành đóng gói thùng quà khá lớn, ngoài thắt dây vải đỏ rất trang
trọng, quay sang tôi “thông dịch”: “Ông chủ nói rất cảm ơn ba em… chúc em học
giỏi, sau này làm… quan lớn!”. Tôi ngượng ngùng, cúi chào rồi chạy về ngay…
Những ngày cận Tết,
không khí chuẩn bị vui rộn ràng, náo nức làm sao. Nhưng năm ấy, cả nhà tôi
không đi đâu xa vì có biến động lớn. Cái bót kiểm soát cây cầu đường lên Sài
Gòn bị phía “bên kia” bất thần tấn công, đánh sập lúc nửa đêm về sáng. Đạn pháo
từ quận bắn lên chừng mươi loạt, ánh chớp lòe sáng từng lúc. Cảnh sát, lính
tráng chia từng toàn đi lùng sục khắp nơi. Sáng mùng hai Tết, tôi cùng má định
sang nhà ngoại thì nghe ì ầm tiếng xe nhà binh thắng gấp, đỗ trước hãng tương.
Sáu người lính lăm lăm súng trên tay đạp
cửa xông vào, xô ngã các giàn phơi, xốc tung những bao đậu nành để lục soát.
Hai người mặc thường phục hầm hầm kéo lôi anh Mạnh từ nhà sau lên. Anh mặc áo
thun, quần ka ki rách gối, một bên mắt sưng vù, hai cánh tay trần lem lấm nước
tương, chắc anh đang khuấy trộn dỡ chừng. Họ tấn anh vào vách, thô bạo bẻ ngoặt
tay ra sau để trói. Anh mím môi, khẽ cau mặt có lẽ vì sư đau đớn. Tiếng chửi rủa,
đe dọa át cả những lời xì xào bàn tán của bà con trong xóm đang tò mò đứng xem.
Đột ngột, bà Xí Phò huơ gậy, khập khiễng chen vào, vói tay khăn lau vội mặt, rồi
đến hai tay bẩn của anh Mạnh. Một tên lính hằn học xô bà loạng choạng, quát mắng:
- Đi chỗ khác…
Con mẹ Tàu già khùng… bẩn thỉu!
Trước khi lùi
ra, bà Xí Phò nghiêng mặt ngó tên lính với
ánh mắt cứng cỏi. Con chó mực bên chân nhe răng hộc lên một tiếng khàn đục,
tên lính giật mình suýt buông rơi khẩu sung. Mọi người im lặng, ngạc nhiên chứng
kiến cử chỉ đầy tình người của một bà già sống cuộc đời thấp kém. Bọn lính áp
giải anh Mạnh lên xe bít bùng, anh còn kịp cúi đầu mấy lần chào từ giã bà con
trước khi xe chuyển bánh. Lòng tôi bùi ngùi, buồn khó tả…
Chuyện anh Mạnh
bị bắt, tôi nghe ngóng được đôi chút. Anh hoạt động hợp pháp cho “bên kia”, nhiệm
vụ tìm hiểu về quân số, cách bố phòng của cái bót đầu cầu, đường lên Sài Gòn. Gần
Tết, anh dùng cớ mang quà của hãng tương biếu để vào bót quan sát lần cuối, chuẩn
bị cho trận đánh thắng lợi. Bọn an ninh điều tra nhanh và anh không thoát được.
Ông chủ hãng tương và những người làm công bị cảnh sát mời lấy lời khai liên tục,
phải lo lót số tiền lớn mới yên. Bọn trẻ chúng tôi giờ đã học Trung học, ít tụ
họp lêu lổng như trước, gần như quên chú ý đến sinh hoạt của hãng tương. Những
đêm học bài khuya, thỉnh thoảng tôi vẫn còn nghe bà già Tàu hát, tiếng được tiếng
mất. Riết rồi mặc nhiên coi như bà tồn tại mãi, lạ chưa? Mà chẳng biết bà Xí
Phò này bao nhiêu tuổi. tám mươi hay tám lăm?
… Tháng tư năm một
chin bảy mươi lăm, hãng tương đóng cửa ngừng hoạt động. Chiếc xe tải hiệu
Thames bị trộm gỡ lấy máy móc, cả bốn bánh xe. Kho nguyên liệu cùng vật dụng
cũng lần hồi bị lấy sạch. Tới tháng mười, cả gia đình ông chủ năm người cùng bà
Xí Phò đã tìm cách vượt biên bằng đường biển, Rồi qua nguồn tin chính xác thì
chuyến tàu ấy đang lênh đênh trên biển thì gặp nạn rất thê thảm: bị bọn cướp biển,
tấn công, hãm hiếp, giết chóc và đánh chìm tàu. Nhà ông chủ hãng tương chết
toàn bộ, mất xác. Tháng này chướng non, có chăng gió mùa Đông bắc đưa giúp vong
linh họ về quê hương? Chủ đất trưng giấy tờ sở hữu nhận lại đất trước kia cho
hãng tương thuê. Trong ba ngày đã dọn trống trải tất cả và tiến hành tháo dỡ
căn gác gỗ. Rác rưởi, đồ lặt vặt, quàn áo cũ chất đống đốt bỏ, ngọn khói bốc cao. Tôi đứng
xem, vừa thoáng thấy cây gậy tre của bà Xí Phò bỏ lăn lóc, định đến nhặt thì một
anh nhanh tay vất vào đống lửa, tí tách thành than tro, nhẹ nhàng bay theo gió…
Ký ức một thời ấy
đeo đuổi tôi rất lâu, chen lẫn hoài niệm có chút trắc ẩn, cho những phận người,
những kiếp đời không như ý. Có đêm mưa khuya thao thức, tôi ngồi rất lâu trông
qua hãng tương cũ, đã xây dựng mới. Bóng tối nhòa nhòa hoa mắt. Như thấy lại
căn gác gỗ, những con người từng biết… và như nghe lại giọng rền rĩ của bà già
Tàu, giờ phiêu dạt đâu ngoài biển Đông, lưng gù không còn gậy tre chống đỡ…
Nguyễn Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét