Hồi nhỏ có một chuyện trong nhà khiến tôi
đau lòng, tới giờ chưa quên. Lần ấy ba tôi từ Sài Gòn về, vui vẻ bình thường.
Sáng biểu tôi xách “gà-mên” ba ngăn ra tiệm chú Cưng mua hủ tíu về cả nhà cùng
ăn. Chiều má tôi cãi cọ với ba, mà hình như chỉ má nói nhiều thôi. Tôi lo lắng
đứng ngoài buồng nghe ngóng. Má vẫn rì rầm, chợt nghe tiếng ba quát lớn, tôi
vội chạy vào. Thấy má ngồi tựa thành giường, nét mặt thảng thốt, hai tay đưa
lên như che chắn. Ba đang giận, xốc tới với bàn tay xòe ra như định tát má. Tôi
dậm chân nghẹn ngào kêu lên “Ba… ba!”. Ba nhìn tôi, rụt nhanh tay xuống, hơi
thở dồn dập một lúc dịu lại, không gian lặng ngắt. Rồi người ngần ngừ xoa đầu
tôi, nhẹ nhàng đưa ra ngoài. Tôi ngoái lại, thấy rõ má vẻ như thoáng cười
ngượng nghịu, chắc vì đã nói hết những khổ tâm, ấm ức rồi và cái kết thúc cũng
không đến nỗi nào. Tôi thì buồn hiu, chiều đó phát sốt nằm vùi không chịu ăn
cơm. Thương má nhiều, mà lại thương ba nữa, thương mà tức. Tại sao trước giờ ba
luôn lo cho gia đình êm ấm, nay lần đầu thấy hình ảnh ba quắc mắt giận dữ với
má, đứa nhỏ như tôi xót xa quá. Khuya sau ba đi, kêu tôi cùng ra bến xe đò cách
nhà chừng vài trăm thước. Trong lúc chờ xe chạy, ba ngập ngừng ôn tồn nói như
với một người trưởng thành “Con đừng nghĩ nhiều, ba biết bổn phận và thương má
con, thương các con nhiều… Ba ráng làm kiếm tiền đủ xoay sở cho hai bên, ý nói
thêm… thêm bên cô Hai, má con Mỹ, thằng Thuận…”. Tôi im lặng ngó quang cảnh bến
xe khuya, nghe ba nói tiếp “Ba.. ba biết mình có lỗi với má con. Có điều nhiếc
mắng chi ba cũng chịu được, đàng này má con… má con nhục mạ, nói lời khinh khi
ba tới mức, cho nên ba có sự chẳng phải, chẳng đúng. Mà chuyện qua rồi, nói gì
thì ba hổng còn giận má con nữa đâu!”. Chú lơ vỗ thùng ra hiệu lên xe, ba xách
cặp táp đứng lên, nhét vào túi tôi tờ giấy bạc 5 đồng, giọng chùng xuống “Cho
con tiền coi chớp bóng… Ở nhà, bây đừng giỡn rùng rục, má mày làm sao ngủ được,
ráng học hành…”. Xe chạy, bỏ lại phía sau làn khói dần tản mát dư vị đường xa.
Tôi xếp lại tờ tiền ba cho, biết rằng sẽ coi được ít nhất ba suất phim ở
rạp Kim Quang…
Trưa. Má đang ngồi lặt rau nhà sau, tôi luẩn
quẩn một bên. Tiếng con nít khóc nhề nhệ bên nhà hàng xóm, tiếng võng đưa kẽo
kẹt, tiếng hát ru dỗ dành. Giọng ru đằm thắm chân tình trong vắng vẻ, cho hai má
con cùng nghe. “Nè… nè nín đi con… Trồng trầu… thì phải khai mương… Làm trai
hai vợ… ầu ơ… làm trai hai vợ phải thương cho đồng…” Cái rổ rau vụt bay văng
tung tóe vô vách làm tôi giật mình. Má đứng lên cái rẹt bỏ ra trước, lầm bầm “Thiếu
chi câu… mà hát hò xúi giục tầm bậy quá… Đồng sao được mà đồng? Bực mình bực
mẩy!”.
Lá số tử vi cũng góp phần can thiệp, bênh
vực ba tôi trong chuyện “trồng trầu…”. Cuối tháng đem tiền lương về, ba lựa lúc
má vui để nói dèm dèm, đưa ra một xấp giấy đánh máy lời tiên tri của Chiêm tinh
gia Huỳnh Liên về quá khứ vị lai, cung mạng tốt xấu theo tuổi từng người trong
nhà. Tôi nhìn cái dấu triện đỏ chót với chữ ký bay bướm chiểm chệ ở trang đầu
mà lòng ngưỡng mộ hết sức. Những dòng chữ Nho, Việt, Pháp ngữ chen nhau, khó
hiểu đến bí hiểm được ba giải thích lưu loát. Chắc ba phải tốn công nghiên cứu
nhiều ngày mới rành được. Má hờ hững nghe, tới đoạn số mệnh ba thì có vẻ quan
tâm “Ông cầm tinh con cọp muốn gì được nấy… ai làm gì được ông nè!”. Lướt qua
thuật ngữ tướng số, ba nhắc lại các nạn tai mình đã gặp và chứng minh đã thoát
được nhờ… quới nhơn phù hộ. Cuối cùng ba tôi tự biện hộ “… tôi sống mạnh giỏi tới
giờ là nhờ có… hai vợ, nó hóa giải cái xấu cái họa thành phúc lộc, tiền hung mà
hậu kiết. Mệnh số trời định vậy, tôi không muốn cũng không được…”. Tôi thấy ngộ
ngộ, mới nghe nửa tin nửa ngờ, rốt cuộc thì… tin lời ba vì chuyện đã xảy ra
thật rồi. Má nhíu mày nghe cho hết chuyện, xong quay sang tôi nạt đùa “Ngồi đó
làm gì? Lấy tập vỡ ra học… Tào lao!”. Bỗng dưng bị má mắng, sao tôi cảm nhận
chẳng có chút đụng chạm, lay động tới mình!
Cô Hai, má con Mỹ thằng Thuận ở Vĩnh Long.
Nhưng năm lận đận thời cuộc hỗn loạn, ba vất vả trôi nổi nhiều nơi, xui khiến sao về tới
đó lại đụng cô Hai, thương luôn. Cô sanh Thủy cùng năm tôi ra đời, sau ba tháng.
Giờ nghĩ thấy ba thiệt cực, hai bà vợ nằm ổ, vùa lo chạy tiền bạc vừa rối trí
chu toàn tình cảm; khó thiệt chớ hổng chơi. Chuyện dĩ lỡ, má cắn răng chịu
đựng, ba thì an ủi dịu ngọt cho má bớt sầu não. Tôi có cảm giác trong nhà ba má
thương tôi một cách khác hẳn với các đứa con khác. Má nhiều lần hay kể chuyện
ngày tôi còn nhỏ xíu mà tánh ngang ngược lắm. Chuyện ba giả bộ rầy rạc, đòi
đuổi hai mẹ con đi. Tôi lủng đủng ôm chân má kêu ẳm lên, rồi giảy khóc mếu máo,
vùng vằng “Đi… đi má… hổng thèm ở đây nữa. Má ơi… đi…”. Tôi còn vói tay dập
mạnh cánh cửa, không ngó mặt ba. Mỗi lần nhắc, má tôi có vẻ cảm động, thích thú
với cái phản ứng của thằng con trai tuổi Thìn. Có lần, má cùng tôi lên Sài Gòn
thăm ba mà không báo trước. Má mua cua đựng trong bao cà ròn từ hôm trước, cẩn
thận đậy kỹ sợ muỗi chích mắt cua. Tới nhà ba thuê ở đã xế chiều, tình cờ gặp
ba má con cô Hai ở đó sẵn. Má đàng hoàng mà lạnh mặt, cô Hai thì khép nép ân
cần chị chị em em, ba lăng xăng hỏi han má, cho tôi giấy màu bút màu đủ thứ.
Hai đứa Mỹ, Thuận rụt rè đến tội, tôi vô tư chơi giỡn một hồi cũng quen. Sụp tối,
cô Hai nhỏ nhẹ xin phép má tôi đi thăm bà con nằm nhà thương, ngủ đó luôn. Má
ngồi bó gối, không nói không rằng. dáng gầy giờ như gầy thêm. Sáng cô Hai về thật
sớm, mua luôn thức ăn sáng cho cả nhà. Ba khuấy ba ly sữa cho Mỹ, Thuận, tôi.
Hai đứa em húp sữa ngon lành, tôi vừa cầm ly lên, má để ý gằn giọng “Để đó
nghen! Con tôi ở quê cực khổ, sáng ăn củ mì củ lang lội bộ đi học… đâu dám uống
thứ của nhà giàu sung sướng như vầy!”. Ba tôi sững sờ, trán đầy nếp nhăn tội
nghiệp. Cô Hai cúi xuống, chẳng dám ngước lên. Tôi bứt rứt kêu “Má… má…” rồi
làm gan bưng ly sữa uống, ấm ngọt. Má quay đi chỗ khác…
Hai cảnh hai quê. May nhờ ba tôi làm việc
lương khá nên nuôi đám nhỏ ăn học tạm ổn. Những năm sau con cái lớn, má tôi nhờ
khuyên nhủ ngày một chút nên hòa hưởn hơn. Đám giỗ ông nội, ba nói má trước nên
có năm ba má con cô Hai về, tối cô ngủ nhà thím tôi gần bên. Mỹ, Thuận lâu nay
kêu má tôi là má lớn, giờ ba biểu kêu bằng má thôi, tôi nghe thích hơn vì có sự
gần gũi, ruột thịt. Cái gì mà má lớn, má nhỏ, kỳ cục. Năm tôi thi vào lớp Đệ
Thất (lớp 6) trường công đến lần thứ
ba… cũng rớt. Trường lớp ít, thi tuyển lấy đủ số lượng học sinh nên khó đậu,
với lại tôi học hành chẳng được giỏi giống người ta. Có kết quả thi đầy thất
vọng, tôi làm lơ cho êm, ba biết và gởi thơ riêng về ngay tôi. Ngoài lời dặn dò
chuyện nhà, ba viết “… con im im là ba biết con thi rớt rồi. Không sao, con
đang học lớp Đệ Lục (lớp 7) trường tư
thì cứ học tiếp, đừng nãn. Sau này chưa biết con làm gì, nhưng sự học luôn luôn
cần thiết cho mọi chuyện. Đừng lo ba cực kiếm tiền, lương ba có phần tiền của
con, miễn là con chịu học cho tốt…”. Tôi đọc đi đọc lại tờ thư, có lúc chảy
nước mắt thương ba. Má bệnh, ba xin nghỉ ba ngày về đưa má tới nhà thương khám.
Ở nhà, ba sát rạt má, tựa vai bón sữa, mật ong hột gà… luôn chuyện chải đầu,
rửa mình, ngọt ngào âu yếm lắm. Tôi biết má thương và nể trọng ba cho dù có chút hờn chuyện cũ. Tôi hiểu lòng
ba thương má còn nhiều hơn, thương sự chịu đựng, tảo tần cả đời cho chồng, cho
con. Không còn gì để phân tâm, vấn vương hơn nữa…
Cô Hai trở bệnh, suốt tuần không bước xuống
giường. Trước thì rề rề lướt qua, giờ là bệnh nặng rồi. Nghe tin, má tôi bần
thần rất lâu, sau đó quyết định đưa tôi qua thăm “coi má con Mỹ bệnh ra sao?”. Đi
xe đò tới Vĩnh Long, ngồi xe lôi qua T.Đ, lội bộ lòng vòng, hỏi thăm vài bận
mới tìm được nhà cô Hai. Con kinh ngang đầy lục bình lưa thưa bông tím buồn
rười rượi. Một nếp nhà lá quê mùa, dừa lả ngọn bao quanh, xóm làng thưa thớt,
lặng lẽ đến cô quạnh. Cô Hai đang nằm thiêm thiếp trên chiếc giường tre, chợt
như thảng thốt, ngạc nhiên khi má tôi ghé ngồi cạnh hỏi thăm sức khỏe. Cô muốn
gượng ngồi dậy, má không cho. Trong nhà báy trí đơn sơ, một cái bàn, bộ ấm
tách, chồng sách vỡ, dăm cái ghế đẩu chỏng chơ trên nền đất… Tôi bước lại chào,
nắm hồi lâu bàn tay xanh xao, lạnh lẻo của cô Hai, lí nhì “Cô mau mạnh… tháng
bảy tới dẫn Mỹ. Thuận về đám giỗ ông nội nghen cô Hai!”. Vành môi tái mét mấp
máy “Con… con tốt quá… Cô không chắc…”. Đôi giọt lệ ứa ra từ khóe mắt cô khiến
tôi cúi xuống để ngăn dòng cám xúc. Má tôi sửa lại mí mền cho cô, ánh mắt ưu tư
như cám cảnh phận đàn bà tiếng có đôi mà đành ra bóng chiếc!. Đặt bọc quà góc
ván, tôi kêu Mỹ. Thuận ra sân ngồi chơi, cho hai bà má chuyện trò dễ chịu. Hai
đứa giờ khá thân với tôi, gần như chẳng còn khoảng cách, chỉ chút dè dặt cử
chỉ, cư xử. Khoảng cách là sao?. Chuyện người lớn, hoàn cảnh, tình cảm, dòng
đời đưa đẩy… hổng lẽ làm buồn, làm tội lớp nhỏ, lớp sau thì quả là cay nghiệt,
bất công vô cùng. Chuyện cũ…
Má tôi soạn sành quần áo, vật dụng bỏ vào
cặp táp cho ba tôi qua thăm nuôi cô Hai, dặn thêm “Ông coi tụi con Mỹ. thằng
Thuận ở bển có gì… bận bịu thì biểu về Gò Công chơi… còn nghỉ hè mà ông!”. Ba
tôi ngó má ờ một tiếng, vỗ nhẹ vai bà rồi đi. Nhìn xa xa chập chờn bóng nắng,
tôi thấy dáng ba hơi loạng choạng, không thẳng người, vững chãi như hồi trước.
Cái cứng cáp ngày xưa rồi cũng mòn dần theo năm tháng… Ở Vĩnh Long một tuần, ba
trở lên Sài Gòn lo công việc. Tuần sau, ba về nhà lúc trưa thì chiều có điện
tín khẩn của Mỹ báo tin cô Hai mất lúc khuya. Cả nhà lặng trang, không ai dám
động tịnh chút gì. Ba lại bàn rót tách trà để tới nguội, cầm lên đặt xuống mà
không uống, đăm đăm nhìn hoài tờ điện tín. Tâm trạng ba chắc buồn thương vô hạn
cho người vợ lẽ mọn, mép chiếu góc mền sơ sài sao cho đủ ấm? Phút lìa đời âm
thầm chỉ với hai đứa con, kết tinh tình yêu sâu đậm, nghịch cảnh mà thủy chung.
Ba gỡ kính, chầm chậm lau mắt, mang kính vào nhìn má con tôi, vẫn thẩn thờ không
cất tiếng. Má đứng lên lấy vài cái khăn mới trong tủ ra, chậm rãi xếp vào cặp, lau bụi đôi giày rồi thấp giọng
“Ông cần gì lấy thêm cho đủ, tui ra coi xe, mua vé sẵn… Việc này bổn phận ông
phải lo cho tròn rồi hãy về. Nhớ gởi gấm, chu cấp hai đứa ở bển cho cậu dì
trông nom học hành…”. Trước lúc rời nhà, ba kính cẩn thắp nén nhang trên bàn
thờ ông nội, một thói quen hằng bao nhiêu năm nay…
Từ sau cô Hai mất, Mỹ và Thuận về thăm nhà
tôi thường hơn. Riết rồi từ lúc nào không nhớ, má tôi luôn xưng má với hai đứa
em cùng cha của tôi. Chắc má tự mở lòng bao dung khi bất giác nhận ra các con
mình đẻ ra vẫn đủ đầy tình thương, trong khi Mỹ, Thuận giờ phải chịu cảnh thiếu
vắng vòng tay người mẹ. Ba tôi sống thọ, ngoài chín mươi tuổi mới chịu về với
ông bà. Má tôi cũng vậy, mãi bốn năm sau mới đi theo ba. Tôi kính yêu ba, người
đàn ông xứng nghĩa, không bao giờ biết điều rẫy ruồng, phụ bac. Thỉnh thoảng
nghe lại tuồng cải lương Tuyệt tình ca của soạn giả Hoa Phượng – Ngọc Điệp, tôi
hay rưng rưng với tâm tư của “ông cò quận 9” Út Trà Ôn có hai vợ trong thời lửa
loạn. Mang máng hình dung bước chân dày dạn ba tôi đã xuôi ngược bao lần qua
chợ Trường An, Long Hồ, Thiềng Đức… ?. Đường sá xa xôi, đôi bờ đa đoan cách
trở, ba vẫn gắng giữ cho tình cảm được liền lạc, vuông tròn. Đôi khi tôi ray
rứt nhớ những lần mình đã lỡ lời còn giận hờn ba má, để nặng lòng đấng sinh
thành, để trắng thêm màu tóc. Đôi khi tôi lại có ý nghĩ xa xăm, mong rằng giờ
đây ở cõi vĩnh hằng có ba, má, cô Hai cùng chung tay… trồng trầu, khai mương sao
cho thiệt đồng đều!
Nguyễn
Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét