Tin Sinh quyết định trong kỳ nghỉ tới sẽ
đưa cô Lan về quê ra mắt bố mẹ, chuẩn bị cho việc cưới hỏi đã lan truyền khắp
công ty. Tâm trạng những người quen biết anh cũng khá lạ lùng, trước đây bằng
mọi cách họ vun vào cho hai người, bây giờ sao ai cũng ngạc nhiên bởi kết quả
ấy. Sinh là một kỹ sư giỏi, làm việc tại phòng kiểm nghiệm công ty nước giải
khát với mức lương khá cao. Tính anh hiền lành, đôi khi hơi “bốc” một chút.
Cô
Lan, người quê miền Tây, là nhân viên cửa hàng sách, ở trọ nhà bà Tám quán nước
xế cổng công ty. Hàng ngày ngoài giờ làm việc, cô giúp bà Tám những lúc đông khách, phần nhiều là người trong công
ty. Vì nhà xa nên Sinh ở lại phòng tập thể, sớm tối uống cà phê tại quán bà Tám
cho tiện, và đây là khởi đầu cho mối quen biết Lan. Vào buổi sáng chủ nhật trực
phòng, Sinh cùng vài người bạn đến quán. Khi Lan bưng cà phê ra, có anh đùa gợi
chuyện:
- Cô Lan có cảm tình… đặc biệt với anh Sinh
không? Sao ly cà phê sữa của anh ấy lúc nào cũng đậm đà hơn của tụi anh?
Nở nụ cười e thẹn, Lan hồn nhiên trả lời”
- Dĩ nhiên rồi! Em để ý anh Sinh lâu nay…
à… em muốn nói là khách quen thôi nghen!
Cả bàn ngó Sinh cười. Câu nói thật thà của
cô làm Sinh chú ý, có dịp anh mời cô ngồi và hỏi thăm về việc làm ở cửa hàng
sách. Qua tiếp xúc, anh được biết cô chưa học hết trung học đã phải nghỉ phụ
giúp gia đình. Nhà nhiều anh em, cuộc sống khó khăn nên khi được người họ hàng
giới thiệu việc làm ở đây, Lan nhận lời ngay. Chưa quen nhiếu nếp sống thị
thành, Lan bỡ ngỡ với tất cả và điều đó làm Sinh ái ngại. Quen dần, có gì không
biết, không hiểu cũng “anh Sinh ơi… anh Sinh à!”. Bạn bè trong công ty thấy vậy
mỗi người một câu, nửa đùa nửa thật:
- Ai cũng rõ mười mươi là cô Lan… thương
anh, coi được thì tới luôn đi!
Sinh chỉ cười cho qua chuyện, đêm về nghĩ
cũng thương thương cho hoàn cảnh Lan. Anh có vài cô bạn gái trình độ ngang
ngang, việc làm ổn định, theo nhận xét không chủ quan của mọi người, thì các cô
chỉ chờ anh mở lời. Lần Lan rủ anh đi hội chợ đêm, Sinh đang ngần ngừ thì bà
Tám “bật đèn xanh” bằng lời lẽ bộc trực:
- Với người khác dì không dám nói, còn cậu
Sinh đây là người ăn học đàng hoàng, nên đi chơi một lúc cho em nó vui. Hay cậu
chê con Lan nhà quê, sợ bạn bè gặp rồi cười?
Vào hội chợ, Lan cứ tíu tít lăng xăng từ
gian hàng này tới chỗ trưng bày kia, thấy món gì lạ cũng hỏi anh, cả những vật
dụng của phụ nữ! Đi bên cô mà tâm trí Sinh lan man sự băn khoăn cho cô gái từ
quê lên chưa kịp hòa nhập cuộc sống tất bật chốn thị thành. Rồi còn biết bao
cạm bẫy chực chờ? biết bao kẻ gian manh lừa lọc? liệu cô đủ sức đương đầu trong
tương lai không? Từ chỗ muốn giúp đỡ Lan về mặt tinh thần, anh dần quan tâm đến
Lan hơn, như một người anh hướng dẫn đứa em gái về cách giao tiếp, thời trang…
sao cho hợp. Có chị làm cùng phòng tinh ý biết chuyện, thân tình khuyên Sinh:
- Chị là phụ nữ nên có lẽ hiểu tâm lý Lan
hơn em. Nếu em không dự tính gì thì cần giữ khoảng cách nhất định với cô ấy.
Phụ nữ bản chất yếu mềm, dễ rung động, Lan lại sống một mình nơi xa lạ. Em là
người duy nhất cô ấy tin cậy và được quan tâm chăm sóc, thế thì sao? Nhỡ ra đấy
chỉ là… ảo tưởng của Lan về một tình yêu không có trong tâm hồn em, thử hỏi Lan
sẽ đau khổ xiết bao. Suy nghĩ cho chín chắn nhé!
Lời khuyên chân thành của chị khiến Sinh
giật mình nghĩ ngợi. Nhưng ngược lại, chú Sáu bảo vệ công ty là người thời trai
trẻ nổi tiếng bay bướm, lại nói hơi khác:
- Chú nhìn người ít khi lầm! Lan nó xinh
đẹp, quê quê một chút, học thức không bằng nửa cháu, nhưng chú tin rằng nó hơn
nhiều cô gái khác ở chỗ chơn chất, tự lập, không đua đòi xa hoa. Nó thương cháu
là điều… chắc chắn rồi, nhưng tình cảm cháu ra sao? Bình tĩnh rà soát lại lòng
mình. Nếu cháu có ý định xây dựng cùng Lan, nên chuẩn bị tư tưởng là vừa. Cưới
Lan về, cháu phải vui vẻ chịu đựng những cách biệt nho nhỏ và làm một “ông
thầy” sao cho nó hòa hợp, hạnh phúc. Nhất thiết tránh cho Lan sự tổn thương,
mặc cảm. Trình độ học vần cách xa nhau cũng gây lắm trở ngại, nhưng chẳng là gì
nếu có tình yêu mạnh mẽ để vượt qua…
Tai vẫn nghe, nhưng tâm thức Sinh hiện diện
hình ảnh Lan với nét bối rối khi phải nhờ anh giải thích một việc khá bình
thường đối với người khác. Lan đã tìm thấy ở anh sự nương tựa vững chãi rồi
chăng? Anh có thể gạt phắt bàn tay hy vọng, tin cậy của Lan đưa ra không? Thật
ra thì thời gian qua lòng anh cũng có thay đổi, có lúng túng trong vai trò
người anh chăm sóc “em gái” tự đặt ra trước đây. Đốt điếu thuốc hút, chú Sáu
trầm ngâm nói tiếp:
- Con gái lớn của chú cũng gặp trường hợp
tương tự. Tốt nghiệp trường sư phạm, nó về dạy học ở huyện nhà. Được ba năm,
quen một cậu làm tài xế cho ủy ban, tướng mạo, ăn nói cũng ngon lành, thương
nhau rồi cưới. Chưa sinh đứa con nào thì thằng rể chú lộn xôn chuyện tiền bạc,
mất việc. Về quê làm ruộng thì nào ai chê trách, nhưng nó nặng mặc cảm thua sút
vợ. Cô giáo thì phài áo dài, chưng diện coi cho được, rồi tiếp xúc đồng nghiệp,
họp hành… Chú thường xuyên dạy con gái nhất thiết phải tôn trọng chồng và nó
hiểu điều đó. Nhưng thằng rể chú ghen thấu trời, rình rập đón chặn, vào cả văn
phòng trường sân si, chất vấn bậy bạ. Người ta thông cảm bỏ qua, nhưng con gái
chú chịu đựng hơn một năm thì sa sút, kiệt quệ tình thần, đến nỗi cương quyết
ly dị. Hòa giải mấy lần không thành, cuối cùng hai đứa mới được… giải thóat khỏi
cuộc hôn nhân vội vã, thiếu cân nhắc. Kể chuyện này không phải chú làm cháu
thối chí, mà phải coi đó là bài học, là kinh nghiệm sống chung sao cho hòa
đồng… Cháu nghĩ sao?
Nghe một thôi một hồi, Sinh thừa nhận chú
Sáu có lý. Anh cảm ơn chú và không quên hẹn một chầu bia sau ca trực để đền ơn…
sư phụ!
… Qua lại gặp gỡ Lan được hơn ba tháng,
Sinh cảm thấy rằng cô đã đặt trọn vẹn niềm tin yêu cho mình và tâm trạng anh
cũng khá chao đão. Cuối năm dương lịch, công ty tổ chức lễ tổng kết, ngoài các
ban ngành liên quan còn mời thêm một số người sống trong khu vực đến dự tiệc
liên hoan, trong số đó có Lan. Sinh dặn cô nhất định phải tới dự và gặp sau bởi
anh bận việc tổ chức. Cô lưỡng lự rồi gật đầu cho anh an tâm. Tổng kết xong,
Sinh bồn chồn trông ngóng cô bạn gái, cho tới khi vào tiệc vẫn không thấy đâu.
Sốt ruột, anh tìm cớ đi ra quán nước tìm Lan. Gặp cô ngồi một mình với tờ tạp
chí phụ nữ trên tay, anh hơi gắt:
- Đã hứa đến, sao để anh chờ mãi? Em làm
như vậy…
Lan cúi đầu, ngập ngừng:
- Em xin lỗi… vì hơi mệt nên…
Sinh chăm chú nhìn cô, dịu giọng:
- Sao em không nói trước làm anh lo… Nào,
nhìn lên cho anh xem…
Lan ngước lên, khóe mắt hình như còn vương
ngấn lệ. cô thút thít:
- Em không dám tới chỗ đông người, sợ mình…
dốt nát quê mùa không xứng với anh. Rồi người ta sẽ cười anh, nhạo báng anh, em
không muốn…
Siết nhẹ bờ vai cô, Sinh thì thầm:
- Em trẻ con quá đi! Ngoan hiền thế này thì
anh lại mong người ta cười nhiều vào càng thích. Cho anh ly cà phê, rồi mình
ngồi đây nói chuyện coi bộ thú vị hơn. Đồng ý chưa… cô bé!
… Đã thư về gia đình trước rồi mà Sinh vẫn
cảm thấy hồi hộp, lo lắng đâu đâu. Anh thuyết phục cặn kẽ cho Lan an tâm, nhờ
thêm sự hỗ trợ tinh thần của bà Tám. Mới 5 giờ sáng anh đã chỉnh tề gọi cửa và
vui mừng khi thấy Lan đang chờ mình, dấu hiệu tốt lành. Chiếc taxi đưa hai
người đến tận cổng nhà, chị Hai của Sinh ra đón với cử chỉ vồn vã. Ba mẹ anh
cũng rất vui vẻ ân cần với Lan. Lúc cô soạn các món quà cùng bánh trà, ba Sinh
săm soi cặp rượu chát, thích chí:
- Cháu mua nhiều thứ chắc tốn tiền lắm, lần
sau đừng thế! Mà sao cháu biết bác ưa rượu chát?
Lan khép nép thưa thật:
- Thưa bác… anh Sinh mua cả đấy chứ! Cháu
chỉ xách giúp thôi…
Hai ông bà đưa mắt nhìn nhau, cười ý nhị. Chị
Hai cầm tay Lan, thân mật:
- Em ra sau rửa mặt cho mát, rồi chị em
mính cùng làm vài món ăn cho cả nhà!
Ăn uống xong, ba chị em xin phép ra bến đò
sang cồn Phụng, điểm du lịch đờn ca tài tử nổi tiếng cho Lan tham quan. Buổi ra
mắt này đối với Sinh rất quan trọng bởi anh mong muốn được sự đồng tình với
điểm số cao. Nhìn chung, Lan cư xử mềm mỏng, lễ phép và điều này khiến ba mẹ
anh ưng ý ra mặt. Như người trong nhà, mẹ Sinh nhắc nhỡ Lan cẩn thận đủ mọi
chuyện. Đến chiều phải về, lúc chị Hai đưa Lan ra cồng thì Sinh tranh thủ hỏi
thử nhận xét của ba mẹ. Bà mẹ nhìn con trai, từ tốn:
- Mẹ thấy được, nhưng tự con quyết định vì
đây là vần đề chính của con. Mẹ chẳng phân biệt gì, có điều Lan nó hơi non nớt.
Mai này cần chia sẻ, giúp đỡ nhau như… như…
Ba Sinh ngồi lại gần bà, hóm hĩnh cười ngắt
lời”
- Bà nhờ hồi xưa tôi học hành đỗ đạt có
bằng cấp “Đíp-lôm” ra làm thầy giáo. Còn bà có… lớp ba trường làng, lam lũ lội
ruộng cấy gặt, mà sao tôi… thương, một hai đòi cha mẹ hỏi cưới bằng được?
Thương nhau thì chín bỏ làm mười, con chớ lo, ba má ủng hộ!
Sinh thầm cảm ơn hai đấng sinh thành đã góp
ý cho mình, lòng anh thơ thới…
… Nhịp cầu nối Sinh và Lan giúp gia đình
đôi bên gần gũi nhau hơn. Lễ cưới được tiến hành không rườm rà lễ nghi, nhưng
trang trọng, đậm đà tình thân. Sau cưới, Sinh thuê căn nhà nhỏ bên ngoài công
ty cho hai vợ chồng ở. Giả từ cuộc sống độc thân được ba tháng, thời gian biểu
sinh hoạt ngày trước đổi mới hoàn toàn. Chiếu thứ bảy, đang ngồi uống chai bia
cùng bạn bè, chợt xem đồng hồ biết Lan sắp về, Sinh tự giác chào bàn. Thức
khuya xem trận bóng đá có đội nhà tham dự, Lan bước ra nhìn rồi trở vào buồng
cũng làm anh phân vân, đành tắt tivi cho xong. Có lần anh đi đám giỗ nhà bạn
tới tối mịt mới về. Thấy vợ ngồi buồn hiu bên mâm cơm nguội lạnh, lòng anh xốn
xang mặc dù Lan không một lời trách móc. Hỏi thì Lan chỉ trả lời:
- Anh chưa về thì em ăn sao nổi? Lo anh
uống rượu nhiều, đi đường biết an toàn không? Giờ anh có đây… em mừng rồi!
Vợ đã nói đến vậy, Sinh càng thương yêu
nhiều, nhưng hình như chưa có sự “chuyển động” trong nhận thức bổn phận gia
đình. Vì hai người cùng đi làm, nên việc ăn uống chủ yếu là dặn suất cơm ngoài
quán. Những khi Lan được nghỉ sớm, đi chợ mua thức ăn về ra tay nội trợ. Sinh
kén ăn, vào bàn chẳng nói chi, nhưng thường bỏ dỡ bữa cơm. Lan sống ở quê từ
nhỏ, ăn uống đạm bạc thì làm sao biết nấu nướng theo kiểu thị thành. Chiều nọ
Lan ra chợ mua cá mòi về kho măng tươi, món Sinh ưa thích. Lại đúng ngày Sinh
lĩnh lương bị bạn bè trì kéo uống vài chai bia, về nhà đã lên đèn. Nhìn chồng
cầm đũa, Lan mong được lời khen về món cá mòi kho măng. Ngờ đâu, ăn được chén
cơm, Sinh buông đũa dợm đứng lên. Lan hụt hẫng, hỏi nhỏ:
- Sao anh không ăn thêm? Cá mòi em kho…
Ngà ngà say, Sinh đáp gọn lỏn:
- Không ăn được… Tanh!
Ngồi một mình bên mâm cơm, lòng Lan buồn
rười rượi…
… Đêm sau, đang ngủ nghe lành lạnh, Sinh
tỉnh giấc huơ tay sang bên không thấy vợ. Xem đồng hồ mới hơn một giờ sáng, anh
rón rén ra phòng ngoài. Lan đang chăm chú xem quyển sách, tay nắn nót ghi chép vào
giấy. Nhẹ nhàng đứng phía sau nhìn, anh suýt bật cười vì đây là sách dạy… nấu
ăn. Cảm nhận hơi thở của chồng, Lan vội gấp sách lại, lúng túng như vừa phạm
lỗi. Sinh choàng tay qua vai vợ, âu yếm:
- Tội nghiệp vợ tôi chưa! Ai bảo em thức
khuya học ba cái… vớ vẩn này?
Lan ngượng ngùng nguýt chồng:
- Em nấu ăn dỡ tệ… anh chê, anh giận. Em
hỏi bà Tám thì bả biểu không biết thì học, có ai vừa lọt lòng mẹ là đã tài, đã
giỏi sẵn? Bà còn nói tình yêu của người đàn ông phải đi qua… bao tử, đúng vậy
không anh?
Lòng Sinh trổi dậy niềm thương cảm lẫn chút
ân hận. Anh hôn phớt qua mái tóc thơm hương bồ kết:
- Anh có lỗi với em! À… chiều qua em đến
phòng khám…
Cúi xuống, Lan nói khẽ:
- Mắc cỡ lắm… em có… có thai rồi!
Sinh lặng im như để cảm thụ niềm vui sắp
được làm cha, bất chợt anh reo lên:
- Từ giờ em không được thức khuya, không…
học nấu ăn chi hết, để mọi chuyện anh lo. Chủ nhật tới mình về thăm ba mẹ, cho
biết… tin mừng luôn thể!
Gối đầu lên tay chồng, Lan mường tượng từ
giây phút này hai người mới bừng tỉnh… sang trang và đang sắp xếp bước khởi đầu
cho một gia đình hạnh phúc thật sự…
Nguyễn Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét