Tám giờ đêm Thái
Luân còn làm việc tại văn phòng. Trên màn hình laptop những bảng số trôi trôi,
nhảy múa, mắt Luân hoa lên. Đứng dậy, dụi mắt, lau kính, nghe lạnh, khoát vội chiếc
áo, ra khỏi phòng hít thở chút không khí trong lành. Từ hành lang tầng hai nhìn
xuống phố, xe cộ ngược xuôi nối đuôi nhau, đèn bảng hiệu cửa hàng nhấp nháy,
đèn đường sáng trưng.
Ngày còn mẹ con Trầm Miên ở nhà chưa bao giờ anh làm việc
qua đêm dù công việc có bù đầu khẩn cấp đến mấy. Bây giờ thì khác, ngủ ở công
ty, ngủ ở nhà cũng vậy, có khi ngủ ở công ty tiện hơn, tranh thủ làm thêm giờ,
sáng dậy ăn uống qua loa rồi làm việc ngay. Gió chạy dọc hành lang, xào xạc
tiếng lá, anh rùng mình. Những chiếc lá rơi vô tình sà xuống vai, đưa tay nắm
lấy, chiếc lá rất mới, ừ mà toàn là những chiếc lá xanh, sao vậy? Một chút lo
lắng thoáng qua, rất nhanh, Luân nhớ lại, chiều nay, bác làm vườn tỉa bớt cây
lá rậm rạp vắt trên mái hiên của hành lang. Mà Thái Luân lo lắng điều gì chứ?
Cu Bo rất khỏe, học tiếng Anh rất tốt, vào năm thứ hai tiểu học rồi. Trầm Miên
xong các chuyên đề, chuẩn bị luận án để bảo vệ, nếu không có gì trở ngại, chừng
nửa năm nữa mẹ con cô ấy sẽ về. Ban đầu hai vợ chồng cứ nghĩ mỗi năm Trầm Miên về
ít nhất một lần vào dịp tết hoặc Thái Luân bay sang đó một lần kết hợp với
những chuyến công tác. Thế nhưng, tết đầu tiên Cu Bo cảm lạnh, tết thứ hai
trùng vào dịp đi thực tế của Trầm Miên, bên ấy là mùa hè mà!. Thái Luân cũng
đã đi công tác nước ngoài mấy chuyến nhưng việc sắp xếp qua New
Zealand thì chưa có dịp.
Mới đó mà đã hai năm rồi, nhanh thật. Thái Luân còn nhớ rất
rõ những ngày chuẩn bị cho chuyến đi của vợ con.
Những ngày ấy, những ngày giáp tết, hai vợ chồng
rất bận rộn. Trầm Miên, cô giảng viên Đại học nhận quyết định nghiên
cứu sinh ở New Zealand.
Ngày đi là giữa tháng hai dương lịch nhưng lại đúng ngày mồng ba tết
âm lịch. Thái Luân, giám đốc kinh doanh một công ty, phải sắp xếp lịch
để đưa vợ con thăm nội ngoại, bạn bè thân thiết, cả trước và sau
tết. Lo dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị chuyến đi, nhất là chuẩn bị cho
cả Cu Bo cùng đi nhưng hai vợ chồng không thấy mệt ngược lại họ cảm
thấy hạnh phúc dâng đầy. Cưới nhau xong, sắp xếp thời gian để học
hành, lo công ăn việc làm, đến bốn năm sau mới sinh thằng Cu Bo. Bây
giờ Cu Bo đã gần năm tuổi, hai vợ chồng nghĩ rằng ba năm ở nước
ngoài Cu Bo có điều kiện để được chăm sóc sức khỏe, học tiếng Anh
tốt hơn, vả lại nếu ở nhà thì Thái Luân cũng không thể chăm sóc
được, ở với nội hoặc ở với ngoại thôi. Thái Luân đánh xe ô tô ra
cổng:
-Hết tháng hết năm rồi, ngớt mưa cho tụi con nhờ
một chút!
Trầm Miên vừa dắt Cu Bo ra xe vừa hỏi:
-Mình đi đến đâu trước vậy anh?
-Qua thăm mấy đứa bạn, ghé siêu thị mua ít đồ dùng
cho Cu Bo. Ngày mai về quê thăm ông bà nội, ở lại một đêm, ngày kia
ngược lên thăm ông bà ngoại, còn cô dì cậu mợ nữa chi, phải tranh thủ
thời gian thôi!
Trời tháng chạp đỏng đảnh khó
tính, khi mưa khi nắng, lập xuân đến trước tết hơn nửa tháng, lẽ ra
thời điểm này phải có nắng ấm mới đúng quy luật chứ. Thái Luân
không thích mưa nên mới nghĩ thế, thực ra trời tháng chạp năm nay rất
đẹp. Nắng vừa đủ để hong phơi, đi dạo phố mua sắm, nhưng lẫn trong
gió vẫn có một chút se se lành lạnh có thể khoe áo quần mới, thi
thoảng một vài cơn mưa nho nhỏ như cố níu kéo hoặc ít ra cũng gợi
nhớ mùa đông. Xe chạy qua các ngã phố chính, hai bên đường không khí
tết đầy ắp, hàng quán bày biện lấn ra vỉa hè, hoa tươi khắp nơi về
trang điểm cho thành phố sắc màu lộng lẫy. Cu Bo không ngồi yên, nhìn
ra cửa xe chỉ trỏ trầm trồ. Trầm Miên nhìn chồng, biết anh ấy buồn,
tiễn vợ con đi xa, không buồn sao được, nhưng vì sự nghiệp của vợ vì
tương lai gia đình nên anh ấy đành phải gượng vui. Định nói với chồng
điều gì đó nhưng lại thôi. Từ nay đến lúc bay còn nhiều thời gian để
tâm sự! Trầm Miên quay sang ôm Cu Bo, mẹ con mình sắp xa nhà, xa ba Luân,
xa ông bà rồi đấy, con có biết không
nào! Cu Bo dường như đã hiểu lòng mẹ qua vòng tay siết chặt tràn đầy
hơi ấm, nó muốn tự do nhìn ngắm thành phố nhưng vẫn cố ngồi yên
trong vòng tay mẹ. Dòng người xe ngược xuôi tấp nập, một ngày tháng
chạp vô cùng đáng nhớ. Những lời chúc xuân sớm, những bàn tay nắm
chặt truyền thêm nghị lực niềm tin trước lúc chia xa, những ánh mắt
chờ đợi ngày về... Bà con bạn bè mừng rỡ chúc vui chúc khỏe chúc
lên đường bình an khiến hai vợ chồng cảm thấy an tâm và tự hào. Dự
định của hai vợ chồng thực hiện khá trọn vẹn, thời gian còn lại họ
dành riêng cho gia đình bé nhỏ của họ mà thôi.
Mới đó mà đã hai năm rồi! Thái Luân lẩm bẩm một mình.
Hơn hai năm xa vợ con, Thái Luân trở thành người khó tính,
đồng nghiệp, bạn bè đều nói vậy. Đôi lúc cũng tự trách mình thay đổi tính nết
làm ảnh hưởng quan hệ, công việc, Thái Luân có muốn thế đâu, tự nó đến chứ! Tiếng
chân người rất khẽ, nhưng Thái Luân đã nhận ra, anh quay lại, Minh Thu, cô gái
bộ phận xuất nhập khẩu, nổi tiếng soi mói:
-Tối nay ở lại làm nốt một số việc.
-Cô thư ký xinh đẹp giúp việc của anh
đâu mà anh phải vất vả vậy?
-Việc ai nấy làm chứ! Cô cũng làm thêm
giờ?
-Không, em sắp về đây, à, khi nào mẹ
con chị ấy về hả anh?
Lảng tránh những câu hỏi riêng tư,
Thái Luân trả lời nửa vời qua chuyện:
Minh Thu chẳng buông tha:
-Hay chị ấy đã có ai bên đó rồi!
Không chịu được sự xét nét đến trơ
trẽn như vậy, Thái Luân nổi cáu:
Anh quay vào phòng đóng rầm cửa, buông
mình trên chiếc ghế xoay thừ người nghĩ ngợi. Biết đâu Minh Thu đúng, có trời
mà biết. Mở mail định viết cho vợ mấy dòng, lại thôi, có khi bây giờ cô ấy đang
đi với ai thì những lời nhớ thương đâu ý nghĩa gì, buồn cười nữa! Lật tập tài
liệu thư ký để trên bàn chiều nay, Thái Luân thấy mảnh giấy nhỏ: Sau giờ làm
việc, bọn em mời Giám đốc đi ăn cơm. Thái Luân biết đó là lời mời của Vĩ Hạ,
cô thư ký của Thái Luân. Nhìn đồng hồ, chưa ăn uống gì, đang buồn, có người trò
chuyện cũng hay, nghĩ như vậy nhưng chẳng hiểu sao anh lại dùng máy bàn
gọi cho Vĩ Hạ:
-Vĩ Hạ đó hả! Thái Luân đây, chừ mới
đọc được giấy mời của bọn em, nhưng anh không đi được. Cảm ơn bọn em nhé!
Ở công ty, không chỉ Minh Thu hay Vĩ Hạ
chú ý đến anh. Nhiều người như Minh Thu sẵn sàng chờ đợi sơ hở của anh trong
công việc, trong cuộc sống để bêu rếu hay hạ bệ. Nhiều cô gái như Vĩ Hạ mong
có anh, một người tình, giúp anh quên đi nỗi cô đơn, xa vợ xa con. Anh hiểu
tất cả nhưng cũng mặc kệ tất cả.
Thái Luân tiếp tục công việc dang dở. Màn nền laptop là
hình thằng Cu Bo. Ai cũng bảo nó giống cha. Khuôn mặt trái soan trắng hồng, đôi
mắt đẹp nhờ hai hàng lông mày lá liễu con gái, chỉ chiếc mũi hơi to là đàn ông.
Nhìn mình trong gương, anh bỗng mỉm cười, nụ cười đến thật bất ngờ, có lẽ từ niềm
tin, từ tình yêu! Anh quyết định về nhà,
căn nhà của riêng anh, gia đình bé nhỏ của anh…
Trầm Miên ngồi hàng giờ, tài
liệu “Tâm lý người” dày cộp mới đọc được mấy trang. Bên kia cửa sổ
lắp kính là góc phố yên bình thân quen. Hơn hai năm sống ở đây, góc
phố kia dần gắn bó với Trầm Miên, bất cứ lúc nào cũng có thể nhìn
thấy qua ô cửa sổ, nơi ấy còn là sự mong chờ xen lẫn nỗi lo lắng.
Tony Lawton, người bản địa, người bạn học, thường đưa Trầm Miên về sau
mỗi buổi học, đón Trầm Miên dạo phố mua sắm, góc phố ấy là nhân
chứng của con tim yếu mềm cần được chia sẻ chở che. Lần đầu tiên khi
máy bay từ Singapore đáp xuống sân bay thành phố Auckland, đang lúng
túng loay hoay với hành lý, với Cu Bo thì một chàng trai mảnh khảnh
xuất hiện, khi biết được mục đích chuyến đi của Trầm Miên, anh ấy
rất tự nhiên nhận ngay làm đồng môn, tự nguyện đưa mẹ con Trầm Miên
tìm chỗ lưu trú, lo các thủ tục ăn ở nhập trường.... Tony có nét hao
hao giống Thái Luân nhưng cao hơn đến một gang tay, đôi mắt màu nước
biển không lẫn vào đâu được. Anh ấy rất yêu trẻ con, vì thế Cu Bo là
cầu nối tình cảm thân thiết giữa hai người, chỗ dựa của mẹ con Trầm
Miên trong những ngày sống nơi đất khách quê người.
Bận rộn công việc kinh doanh nên
những cuộc gọi, những lá thư qua hộp thư điện tử của Thái Luân dành
cho mẹ con Trầm Miên thưa dần?. Hứa sẽ bay qua đây với mẹ con Trầm Miên
nhưng cũng chỉ là hứa!. Hình ảnh các cô gái của công ty vây quanh
Thái Luân hiện ra chập chờn trước mắt trêu tức, thử thách. Hay anh ấy
có bạn mới, có người chia bùi sẻ ngọt lúc không có Trầm Miên!. Bù
lại nỗi buồn bực của sự hoài nghi là những chuyến đi chơi xa Tony
dành cho mẹ con Trầm Miên, những chuyến đi này làm nguôi ngoai nỗi nhớ
quê. Hơn nữa, với những du học sinh có mặt ở đây bên cạnh bằng cấp nhận
được còn là những thưởng ngoạn phong cảnh, trải nghiệm về văn hóa,
những kinh nghiệm thu nhận được từ cuộc sống cũng vô cùng cần thiết
cho nghề nghiệp. Vì thế Trầm Miên quyết sẽ không bỏ sót một địa chỉ
văn hóa, một danh lam thắng cảnh nào của đất nước xinh đẹp này. Cùng
với không gian xanh ngút mắt của cây cối trong các công viên, thành phố
Auckland khi mùa xuân về rực rỡ, lộng lẫy, kiêu sa với ngàn hoa đua
sắc. Hoa magnolias nở hồng quanh khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Auckland. Cây
cherry trơ cành trụi lá, chỉ một đêm trở dạ, sớm mai chúng đồng loạt bung
hoa trên khắp các ngã đường. Vườn hoa anh đào ở công viên Domain phất phơ
từng mảng hồng tươi thắm. Tony và Trầm Miên thường đưa Cu Bo đến đây
vui chơi, chụp ảnh, yến ắng, riêng tư, rất đổi nồng nàn. Trong khung cảnh
ấy, Tony hứa sẽ xin việc làm cho Trầm Miên ở Auckland này. Trầm Miên
không trả lời, tất nhiên nếu con được tiếp tục học ở đây thì tốt
quá!
Gấp tập tài liệu định đi đón con
thì Tony đã đưa Cu Bo về rồi, bên kia cửa sổ trên con đường rẽ vào
góc phố, hai người đàn ông nắm tay nhau bước tung tăng thân mật và vui
vẻ. Cu Bo ra vẻ người đàn ông đích thực với bộ vest đồng phục màu
xanh lá cây. Chưa vào đến nhà, đã nghe Tony nói bằng tiếng Việt, không
sõi lắm:
-Bo dạy Tony nói tiếng Việt, Tony
dạy Bo nói tiếng Anh, Trầm Miên thấy thế nào?
-Tiến bộ nhiều lắm, cố lên hai
người đàn ông nhé!
Cả ba cùng cười rạng rỡ. Có
chuông điện thoại, Trầm Miên giật mình nhìn màn hình nhấp nháy sáng,
không phải anh ấy, tiếng thở dài thườn thượt như muốn kéo dài nỗi
buồn chờ đợi hay muốn trút đi nỗi lo sợ đang đè nặng trái tim cô. Như
mọi lần Trầm Miên chưa kịp buồn đã nhận ngay niềm vui đến. Tony hứa
có dịp sẽ đưa mẹ con Trầm Miên đến làng chài Moeraki trên bãi biển
Koekohe, tham quan bãi sa thạch với hàng trăm khối đá đã xuất hiện hàng
mấy chục triệu năm, hình thù kỳ dị nằm rải rác ven biển. Ngôi làng
Moeraki đẹp như một bức tranh tĩnh vật, nếu cùng nhau uống cà phê bên
những khối cầu đá cao hai ba mét, tắm biển và thưởng thức những món
ăn đặc sản của vùng này thì còn gì bằng. Cu Bo đòi xem hoa, Tony lại
kể về các cánh đồng hoa, nào là cánh đồng hoa hướng dương lộng lẫy
sắc vàng dưới ánh mặt trời ban mai, thung lũng hoa cải vàng phất phơ
trong gió sớm, rong ruổi theo đường hoa tulip lắm màu. Nào là đồi hoa,
suối hoa, ruộng hoa đủ các sắc màu sắp xếp như tranh vẽ, như cầu
vồng, như những dải lụa thần tiên, khi thì rực rỡ dưới ánh bình
minh, lúc thì dịu dàng ngây dại trong sắc hoàng hôn.... Anh kể về sự
quyến rũ của các cánh đồng oải hương khi trở tím. Cu Bo há miệng
nghe không kịp hiểu, Trầm Miên tuy lặng thinh nhưng trong lòng cô đầy ắp
sắc màu.
-Cả nhà qua bên kia cầu cảng Auckland
ăn tối nhé!
Trầm Miên do dự trước lời mời
hấp dẫn của Tony, còn phải tìm một số tư liệu bổ sung luận án tốt
nghiệp. Nếu suôn sẻ, Trầm Miên hoàn thành việc học vào cuối hè, sẽ
đưa Cu Bo về nước, thời điểm ấy là những ngày giáp tết ở quê nhà.
Nghĩ đến ngày về lòng Trầm Miên như có lửa đốt. Trầm Miên luôn nhận
được tin tức hình ảnh của gia đình, ông bà nội ngoại của Bo vẫn
khỏe mạnh, Thái Luân vẫn bận rộn cho công việc ở công ty. Nhưng biết
đâu để Trầm Miên yên tâm học tập họ nói vậy, chứ thực hư thế nào
phải về nhà mới biết được. Một ý nghĩ liều lĩnh đến rất nhanh,
Trầm Miên buột miệng nói ngay kẻo nó trôi mất:
-Tony! Về Việt Nam với Trầm Miên nhé!
Tony bất ngờ trước đề nghị của
Trầm Miên.
-Về Việt Nam ăn tết với gia đình
mình, tết Việt Nam hấp dẫn lắm!
-Rồi Trầm Miên có quay lại không?
-Điều đó phụ thuộc vào Tony!
Nói như thế nhưng Trầm Miên đã
quyết định rồi. Chuyến này về ăn tết, giới thiệu Tony với cha mẹ,
chia tay Thái Luân, sắp xếp ổn thỏa việc gia đình, Trầm Miên sẽ đưa Cu
Bo quay lại tiếp tục việc học, tìm kiếm cho mình công việc mới.
Tony không kịp phản ứng, không kịp
trả lời, anh đứng ngây người chờ nghe tiếp những dự định của Trầm
Miên. Trầm Miên không nói gì nữa, tìm chiếc áo ấm khoác lên người Cu
Bo, tìm chiếc khăn choàng cổ cho mình, hai mẹ con dắt tay nhau ra cửa,
Tony theo sau:
-Tony mời ăn tối kia mà!
-À! Đúng rồi, chúng ta đi thôi.
Cây cổ thụ ở góc phố lại chứng
kiến họ đi bên nhau vui vẻ. Gió từ hướng tây thổi ngang qua, tóc Trầm
Miên bay bay vướng cả vào người Tony.
Rồi mẹ con Trầm Miên cũng về đến nhà. Đại gia đình
Thái Luân có mặt đông đủ mở tiệc tất niên mừng gia đình đoàn tụ.
Chiều hai mươi tám tháng chạp rồi, không khí ngày cuối năm thiêng liêng
và ấm cúng. Ông bà nội ngoại cứ dành lấy Cu Bo khiến cậu bé tự
hào lắm. Thái Luân sắp xếp chỗ ở cho mọi người, cả Tony nữa nhưng
theo gợi ý của Trầm Miên, Tony được bố trí ở một khách sạn gần
nhà. Anh ấy có vẻ e dè ngượng ngập, rất khác với Tony hoạt bát vui
tính thường ngày. Thái Luân gọi anh em thân quen ở công ty đến giúp đỡ
trang trí nhà cửa, đón tiếp khách. Tiệc đãi khách đặt nhà hàng mang
đến, cô dì chỉ tập trung chuẩn bị mâm cơm cúng rước ông bà mà thôi.
Nhà có khách mà khách tây nữa nên Thái Luân rất chu đáo, phân công
việc đâu ra đó, còn lên kế hoạch đưa Tony đi chơi tết tìm hiểu văn hóa
Việt bổ sung kiến thức cho đề tài nghiên cứu khoa học, như Trầm Miên
đã giới thiệu. Từ khi về đến nhà, Trầm Miên chưa có dịp chuyện trò
riêng tư với cha mẹ và cả Thái Luân nữa. Hết người thân, bạn học rồi
đến hàng xóm, hết anh em trong trường của Trầm Miên lại đến anh em
công ty của Thái Luân, ai cũng đến chúc tụng thật lòng vui vẻ, Trầm
Miên vô cùng cảm động. Thái Luân lăng xăng dọn dẹp nhưng vẫn hóng nghe
chuyện, thỉnh thoảng chen vài câu hưởng ứng, nét mặt rạng ngời. Trầm
Miên cảm thấy những năm tháng đã trôi qua, nhưng nơi đây chẳng có gì
thay đổi, cảnh vật và lòng người vẫn thế!. Cô muốn nó phải thay đổi
như cô đang nghĩ chăng!. Nhìn kỹ lại, cha mẹ tóc đã bạc hơn trước,
Thái Luân cũng có những nếp nhăn trên trán kia rồi! Anh có vẻ già hơn,
khắc khổ hơn trước nhiều! Trầm Miên giấu tiếng thở dài vào trong và
chờ đợi.
-Em còn nhớ quán tạp hóa bà Sáu đầu đường không?
-Em nhớ, có chuyện chi không anh?
-Ra lấy ít hương đèn về cúng, anh mua rồi nhưng để
đâu quên mất!
Trầm Miên dắt Cu Bo theo như sợ lạ đường. Mấy dì đã
chuẩn bị xong từ lâu chỉ chờ giờ dọn lên cúng. Bàn thờ tổ tiên đặt
trên tầng hai, Thái Luân sắp xếp trang trí từ nhiều hôm trước, đôi đèn
cùng bộ lư đồng được đánh bóng sáng loáng, bình hoa tươi, mâm ngũ
quả đầy ắp, bánh tét, bánh tổ còn thơm mùi lá mới, hương đèn trầm
giác cũng đã có ở đây rồi!
Khách đến đông dần, nhà hàng cũng sửa soạn xong
bữa tiệc tất niên. Thái Luân tranh thủ lễ cúng ông bà. Anh đốt đèn,
xông giác, thắp hương. Lặng yên nhìn lên bàn thờ, mùi trầm hương ngày
tết không như ngày thường, xa xăm, gợi nhớ, quyến luyến, lắng sâu. Nước mắt Thái Luân tự dưng trào ra,
lấy trong túi áo tờ giấy viết sẵn lẩm nhẩm vái: “Hôm nay, ngày cuối
năm, chúng con Thái Luân Trầm Miên xin dâng lễ mọn rước tổ tiên về ăn
tết với gia đình. Sang năm mới, cầu xin tổ tiên phù hộ cho vợ con,
Trầm Miên, được nhiều sức khỏe thành đạt hơn nữa trên con đường nghiên
cứu học tập giảng dạy, Cu Bo sức khỏe tốt học thật giỏi, gia đình
chúng con luôn được bình an hạnh phúc, ...”. Bài viết rất dài, chẳng
hiểu anh nói gì với tổ tiên ông bà nhân ngày tết. Có tiếng động, mẹ
con Trầm Miên đứng nhìn anh từ lúc nào, tay cầm bó hương đèn mới mua
thêm.
-Em và con lại đây, vái lạy ông bà.
Anh nhường chỗ cho Trầm Miên và Cu Bo. Vòng khói
hương bay lên lờ lững mang theo nỗi niềm của anh. Định đốt tờ giấy,
lời cầu xin sẽ lên trời, đến với cõi vô hình thiêng liêng nào đó.
Trầm Miên nhắc anh:
-Để em đốt, anh xuống dưới nhà, khách đến đông lắm
rồi, em và Cu Bo sẽ xuống ngay.
Thái Luân cũng nhắc thêm:
-Em gọi ngay cho Tony qua dự tiệc nhé!
Thái Luân vội vàng đi xuống, Trầm Miên đọc xong tờ
giấy trước khi đốt. Đôi mắt cô ướt và sáng. Cô cúi lạy trước bàn
thờ một lần nữa.
Phòng khách nhà Thái Luân rất rộng chứa cả hơn năm
sáu chục người. Tony xuất hiện ở cửa, Thái Luân chạy ra bắt tay đưa
anh vào nhà, Cu Bo chạy theo cầm tay Tony thân mật. Trầm Miên trò
chuyện với bạn bè vờ như không nhìn thấy.
-Kính thưa ba mẹ! Kính thưa bà con hàng xóm láng giềng,
thưa các anh chị bạn bè đồng nghiệp. Nhân ngày cuối năm gia đình làm
bữa cơm tất niên, mời bà con và mọi người chung vui với gia đình.
-Trầm Miên nói gì đi chứ!
-Trầm Miên đã hoàn thành khóa học, cảm ơn ông bà
nội ngoại đã động viên, cảm ơn tất cả mọi người ở quê nhà đã vất
vả vì gia đình nhỏ bé này. Những ngày sống ở nước ngoài, được sự
giúp đỡ của bạn bè bên ấy nên nơi ăn chốn ở được ổn định, cảm ơn
Tony, người bạn thân thiết của Cu Bo trong suốt thời gian qua. Tuy có
bận rộn với việc học tập nhưng Trầm Miên vẫn có chút thời gian thăm
thú nhiều nơi, Trầm Miên nhận ra rằng không nơi nào thiêng liêng, tình
cảm, thủy chung và xinh đẹp bằng quê hương mình. Những cánh đồng hoa
oải hương bên ấy trở tím thật buồn không thể so sánh với những cánh
mai vàng kiêu sa rực rỡ quê nhà.
Tiếng vỗ tay vang lên, Tony cũng vỗ tay, anh đã nghe
sõi tiếng Việt chưa nhỉ? Tiếng ly cụng nhau chan chát, tiếng cười nói
vui vẻ. Cơn gió cuối ngày gom góp hương xuân từ bên kia triền dốc chảy
vào những trái tim thơm ngát.
NGUYỄN BÁ HÒA
_________________
Bài văn hay, rất cuốn hút người đọc. Chúc tác giả vui, sáng tác tốt
Trả lờiXóacảm ơn bạn đã góp ý. Chúc vui
Trả lờiXóa