Chiều ba mươi cũng là chiều, nhưng là một chiều thăm thẳm lắng sâu, dẫu chuỗi bận rộn tất bật vẫn chưa dứt, sự hối hả vội vàng vẫn còn đâu đó.
Nhớ những năm mẹ còn ở với chị em tôi, không thể kể hết những công việc phải làm vào những ngày giáp Tết: dọn vườn, gom củi, hái lá,... gian khó nhất là cạo những mảng rêu bám trên tường rào, cũng may việc nặng nhọc đó đã có chị tôi lo. Vất vả trong háo hức, mệt nhoài nhưng ăm ắp niềm vui, giờ chỉ còn là hoài niệm!
Năm tôi vào lớp 9, mẹ đi bước nữa, chỉ một bước nữa mà xa xôi quá, mà chơi vơi quá, chị em tôi bơ vơ lạc lõng giữa cuộc sống dường như chỉ có một màn đen sâu thẳm.
Tôi mất mẹ nhưng còn có chị, an ủi phần nào. Chị may vá nuôi tôi ăn học. Mùa hè năm tôi vừa xong lớp 11 chị có người yêu. Ghen tỵ, hụt hẫng, ích kỷ, sợ hãi khiến tôi ghét cay ghét đắng người đàn ông xa lạ đó. Rồi một ngày chị theo chồng đi biệt phương xa, tôi tự lo lấy cuộc sống của mình. Những ước mơ ngày nào đành cất giấu tận trong sâu kín trái tim, những dự định thế này thế kia mẹ đã lấy mang đi, chị đã lấy mang đi, những buồn vui gia đình trôi theo dòng năm tháng. Theo những đứa bạn, bỏ quê lên phố, gọi là đi tìm công ăn việc làm để nuôi thân, mà đúng vậy, bây giờ tôi đã có việc làm có cơm ăn, nhưng hình như tôi không còn là tôi nữa, tôi đã đánh mất chính mình.
Chiều nay, chiều cuối năm, khóa chặt căn phòng trọ, tôi đi tìm tôi. Giữa chiều cuối năm nhận ra cổ xưa đang trải dài trên phố, nỗi xưa không cũ, nét cổ không mờ. Hương trầm hương giác từ những ngôi nhà đang cúng lễ rước ông bà tỏa thơm một vùng ký ức lan tận đến thực tại.
Tôi luôn đứng bên cha mỗi lần cúng lễ. Cha tôi luôn nói với tôi một đôi điều, khi ấy tôi đã cảm nhận đó là những điều vô cùng hệ trọng, luôn dặn dò nhắn nhủ động viên tôi sau mỗi lần hương. Có lẽ từ đó, tôi hiểu nghi lễ rước ông bà về ăn tết vào chiều ba mươi đã có từ nghìn đời kéo dài đến tận hôm nay và sẽ trường tồn mãi mãi trong tâm trí và trong cuộc sống mọi người. Ông bà có về ăn tết với chúng ta, tôi chẳng biết, nhưng chắc chắn rằng sự ngưỡng vọng về một niềm thiêng, sự trân trọng tôn kính về tổ tiên cội nguồn được hiển hiện trên gương mặt thành tâm trước bàn thờ gia tiên là truyền thống tốt đẹp, là nét văn hóa đậm tính nhân văn, là đạo lý và lẽ sống làm người cần được truyền giữ đời đời kiếp kiếp. Chẳng bao giờ tôi quên được hình ảnh cha tôi cả cái mùi trầm hương quyến rũ đó.
Yêu quá hương trầm hương giác chiều ba mươi, bay xa mà thật gần, hương thiêng mà thế sự, cái vị của tình thâm khiến lòng rạo rực và tâm hồn thêm thánh thiện. Thế mà, tôi lại lang thang một mình trong thời điểm này, biết cha ở nơi xa có hiểu!
Một con mèo lông xám lững thững qua đường. Tiếng kêu kỳ quái khiến tôi giật mình. Không phải là “meo meo” quen thuộc, “wuam, wuam”, tiếng kêu uất ức, quặn lòng. Phải là mèo hoang mới buồn đau như thế! Hắn dừng lại nhìn tôi, hình như đang van lơn cầu khẩn điều gì đó. Mặc kệ, chỉ là con mèo hoang thôi mà!
Tôi đi. Tôi đi giữa chiều ba mươi, sót lại nồi bánh tét muộn của một ngôi nhà góc phố. Thường giờ này bánh trái đã đâu vào đấy chứ không còn trẻ già vây quanh đun củi châm nước như thế này. Hương vị nếp ruộng mới và màu lá chuối vườn xanh làm nên chiếc bánh đượm thơm kéo dài đến tận ra Giêng.
Cha tôi gói bánh tét đẹp và nhanh nhất làng. Cha tập cho tôi gói bánh. Từ làm sạch nếp, chọn lá, chẻ lạt, đến gói cột, rồi chụm củi thế nào châm nước ra sao.... Giọng cha nhẹ như gió thoảng nhưng đầy ắp niềm tự hào về tôi.
- Con phải tập làm tất cả mọi việc nhà. Con sẽ là trụ cột của gia đình đó biết không?
Khéo tay, giỏi việc, chất phác, thật thà nhưng yểu mệnh. Chỉ một cơn gió mùa đông khắt nghiệt đã mang cha bay đi đâu mất! Từ đó tôi không còn ăn bánh tét do cha tôi gói, thói quen để dành ra giêng cắt từng lát chiên giòn cũng không còn nữa.
Mỗi lần nhìn nhà người ta nấu bánh tôi lại chạnh lòng, nhớ cha nhớ mẹ, và chiều nay...
Tiếng mèo hoang không làm tôi để tâm đến nữa. Con mèo hoang có gì lạ đâu chứ, ở nơi nào mà không có!
Những dãy hàng bày biện bánh mứt trái cây đã dần vơi. Tôi rẽ vào đường hoa. Đặc trưng của ngày tết không thể thiếu hoa. Hoa bán tận đến giờ giao thừa. Đường hoa, chợ hoa chiều ba mươi khác hẳn các hàng quán khác, càng về chiều càng nhộn nhịp ồn ào. Có lẽ do bận rộn với việc buôn bán dọn dẹp sửa sang nhà cửa nên giờ mua hoa thích hợp nhất là chiều ba mươi.
Ngày xưa, dẫu nhà chẳng dư dả gì, mẹ tôi vẫn mua hai chậu vạn thọ rực vàng đặt trước cửa chính. Mẹ bảo cha bây thích loại hoa này. Mới đó mà xa! Mới đó mà lắm lắm đổi thay! Chẳng biết những năm sau này mẹ mua hoa gì chưng tết! Có còn là hoa vạn thọ! Năm mẹ đi lấy chồng, chị tôi vẫn chưng hoa vạn thọ ngày tết, gọi là vì mẹ vì cha. Chỉ được một đôi năm không hơn không kém, rồi thôi....
Càng về chiều phố xá còn lại người mua hoa, bán hoa. Hoa đủ chủng loại, đủ màu sắc. Hoa từ các đường hoa, chợ hoa theo người tỏa ra khắp đường quê ngã phố hẻm nhà. Thú chơi hoa ngày tết đã trở thành nhu cầu không thể thiếu như cơm ăn áo mặc thật rồi.
Tôi vui và tôi khóc...
Con mèo hoang khi nãy không biết từ đâu lại xuất hiện trước mắt tôi. Màu xám khó chịu giữa một rừng hoa muôn màu nghìn sắc. Huơ tay xua đuổi, hắn vẫn đứng ì ra đó. Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện đâu đó của ngày xưa đã từng nghe. Mèo là một con vật cực kỳ lạ, nó có thể mang đến điềm lành và cả điềm dữ nữa. Một xác chết có thể bật dậy khi nó nhảy qua, mèo đến đẻ trong nhà là điều xấu... Tôi rụt vai lo sợ, sao nó cứ chợt ẩn chợt hiện theo mình? Chỉ là con mèo hoang thôi mà! Mặc xác nó! Tôi tiếp tục cuộc rong chơi, không phải vậy, tôi đi tìm tôi chiều ba mươi.
Cứ ngỡ chỉ mình tôi rong chơi chiều ba mươi. Không, khi nắng chiều yếu vàng và đèn đường bật sáng, phố xá đã xuất hiện nhiều đôi trai gái dìu nhau đi trong chập choạng xuân, những ông bố bà mẹ dẫn trẻ con dạo quanh cuối vườn tháng Chạp. Dễ nhận ra hạnh phúc ngập tràn trong mắt, niềm vui sướng vỡ ra từ những tiếng cười giòn. Họ đi giữa chiều ba mươi để cảm nhận, để thẩm thấu tình yêu thương giữa người với người và được tự do hít thở khí thiêng trời đất để tự hào về một điều mơ hồ nào đó.
Không phải như tôi...
Trong ảo mờ của một chiều có thật, tôi quay về khu nhà trọ. Thật không thể ngờ, con mèo hoang xám nằm ngay trước hiên nhà. Có điều gì đó không bình thường? Tôi dậm mạnh chân xuống nền đất, nó vẫn nằm yên. Nỗi sợ hãi ập đến như một cơn xoáy lạnh khiến tôi rùng mình. Một điềm dữ chăng? Với tôi ư?
Chỉ là con mèo hoang thôi mà! Tôi cố trấn tĩnh, rón rén mở cửa phòng. Đẩy cửa bước vào, tiếng kêu “wuam wuam” dội lên từ trong bóng tối, con mèo hoang cũng đã theo tôi vào nhà. Không nghi ngờ gì nữa, dấu hiệu của một tai ương đang chờ phía trước. Tôi hốt hoảng phóng chạy ra đường.
Lang thang trong nhờ nhợt tối chiều cuối năm. Tôi lo sợ điều gì? Cha tôi không còn, mẹ tôi, chị tôi đã đi lấy chồng, đã có nơi nương tựa. Ngôi nhà vẫn ở quê chỉ có điều tết nay không ai hương khói. Hay là... Tự dưng nỗi lo như ngọn lửa gặp gió bùng lên dữ dội. Dừng lại một góc phố, phải gọi cho mẹ, cho chị xem sao. Không ai bắt máy, có nhầm số hay không? Trước đây, vì buồn, vì tự ái, vì hờn giận, cứ nghĩ để tự mình lo lấy thân không cần nhờ vả ai, nên đã đổi số điện thoại, cắt đứt quan hệ, chừ biết làm sao đây?
Đêm xa quê bắt đầu từ những sợ hãi hoang mang. Lẽ ra, đêm nay là đêm đoàn tụ, là đêm hạnh phúc nhất mới phải chứ!
Có tiếng chuông điện thoại. Giọng của mẹ tôi đây rồi:
- Xin lỗi, ai vừa gọi vào máy tôi?
Nước mắt mừng vui yếu mềm chảy ròng như ngày thơ ấu.
- Con gọi cho mẹ đó, mẹ đang ở đâu, vẫn khỏe mạnh chứ?
Giọng của mẹ chậm buồn:
- Sao con không về, mẹ và chị đang ở nhà mình, vừa mới cúng cha xong.
Tôi nghẹn ngào:
- Con xin lỗi....
Mẹ nói gì đó tôi không còn nghe được nữa, hình như có nhắc đến chị tôi. Tôi ngắt máy để khóc cho thỏa. Mẹ và chị vẫn khỏe mạnh, vẫn nhớ đến cha, thế là vui rồi. Những giọt nước mắt lo âu, mừng vui, hối hận chen nhau chảy mềm đêm phố. Hình ảnh con mèo hoang xám không khiến tôi bận tâm nữa. Dự định về nhà trọ, bình tâm trở lại, tôi sẽ gọi điện thoại nói chuyện với mẹ, với chị lâu hơn.
Trên đường về tôi gặp một cô gái ước chừng tuổi tôi đang ôm một con mèo. Có phải con mèo hoang khi nảy? Tôi giả vờ hỏi đường để nhìn cho rõ hơn.
- Em ơi, cho tôi hỏi đường về khu nhà trọ gần đây?
Cô gái nhìn tôi từ đầu tới chân rồi nói:
- Say rồi hả, anh không nhận ra tui hả, con bà chủ nhà trọ đây! Nhà trọ trước mắt anh kia.
Chẳng nghe cô gái nói gì, nhưng đích thực cô đang ôm con mèo hoang xám đó. Thì ra, tôi nhầm, nó là con mèo có nhà cửa, có người thân thuộc, đang nằm trong vòng tay ấm áp của cô chủ. Tôi mới chính là con mèo hoang... con mèo hoang chiều cuối năm.
NGUYỄN BÁ HÒA
–––––––––––––––––
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ 21
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào mục lục <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét