Tiếp nhận tập truyện “Thông thiên” của nhà văn Đoàn Văn Đạt, cảm giác đầu tiên của tôi là một sự thú vị vì cái hấp dẫn riêng của tập truyện khi được đọc, được sống trong cái thế giới nghệ thuật quen thuộc mà tác giả đã tái hiện: vùng sông nước An Giang.
Nhà văn Đoàn Văn Đạt sinh ra và lớn lên ở vùng quê An Giang. Có thể cảm nhận rằng mọi vấn đề có liên quan đến vùng đất này đều có thể trở thành đối tượng tạo nên những cảm xúc, trăn trở nghĩ suy của tác giả. Có lẽ con người tinh thần của nhà văn đã gắn bó chặt chẽ với vùng đất này từ lâu. Vì vậy mà khi đọc tập truyện của anh, tôi đã có cảm giác như vùng đất này thân quen gần gũi với tác giả đến mức anh đã viết về nó bằng tất cả tình cảm yêu thương gắn bó lẫn những suy tư, trăn trở, buồn vui. Thế giới nghệ thuật trong cả tập truyện là cuộc sống của con người An Giang được đặt trong một không gian quen thuộc cả xưa và nay của vùng đất này với lối sống, thói quen, sinh hoạt, văn hóa và cả những việc nổi cộm như việc tranh chấp đất đai, việc đền bù giải tỏa nhà, ngày lụt, mùa nước lũ… Không chỉ gắn bó với vùng đất An Giang mà tác giả còn có khả năng quan sát cuộc sống, tích lũy vốn sống và sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Vì thế những câu chuyện trong tập truyện đều xoay quanh nhiều vấn đề gắn bó với đời thường từ vấn đề nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống đến những việc nóng hổi, bức xúc trong xã hội như việc tranh chấp đất đai (Đất đai viên trạch), việc khiếu kiện của dân đòi bồi hoàn đất khi giải tỏa nhà (Thông thiên), cảnh mùa lũ ở vùng quê An Giang…
Nhà văn Đoàn Văn Đạt có lối viết chân thật, dung dị, tự nhiên như không hề dụng công sắp xếp mà câu chuyện cứ thế mở ra. Có cảm giác như nhà văn nghĩ gì viết nấy, tuy nhiên không phải là tùy tiện, cẩu thả. Điều gây cảm giác thú vị khi đọc truyện của anh là nghệ thuật trần thuật khá linh hoạt, đặc biệt cách vào truyện thường gợi ấn tượng cho người đọc. Có thể đó là cách đặt vấn đề theo kiểu diễn dịch, đặt ra vấn đề về những cái ngẫu nhiên trong cuộc sống, từ đó câu chuyện bắt đầu mở ra. Ở truyện ngắn “Hoa hoa”, tác giả dẫn dắt bằng cách nói rất thú vị, dí dỏm:
“Có những chuyện sờ sờ như treo trước trán nhưng ta cứ suy tìm mãi tận đâu đâu. Một nhà thơ nọ trong phút hứng khởi, thi tứ tuôn trào, vội chạy vào bàn viết. Xếp giấy trắng còn đó nhưng cây viết đâu rồi? Trên mặt bàn không có; trong các ngăn kéo không có; tức mình nhà thơ đưa tay đấm ngực mới phát hiện nó nằm trong túi áo!…”
Từ đó tác giả dẫn dắt vào câu chuyện cây mai và chuyện lặt mai ngày tết. Tôi rất ấn tượng về lối dẫn dắt như thế vì đối với tâm lý tiếp nhận thì điều đó dễ gợi được sự tò mò, hấp dẫn từ phía người đọc.
Ở truyện Xe Tăng và Ruồi cũng vào truyện bằng cách đặt vấn đề như thế. Để nói về số phận những người tù mồ côi – tức những người tù không được thăm nuôi trong nhà tù cũ – tác giả viết:
“ Ở trong nhà tù này, cái người ta để tâm suy nghĩ nhiều nhất là gì? Cha mẹ, vợ con, bồ bịch?… Không! Tổ quốc, danhh dự, trách nhiệm?… Cũng không! Là chuyện ăn, chuyện cốt tử của con người. Đói là phải nghĩ tới nó. Nhất là loại tù “mồ côi”…
Có truyện tác giả cũng nêu vấn đề và đưa quan điểm của mình một cách thẳng thắn. Ví dụ ở truyện “Đất đai viên trạch”, nói về việc tranh chấp đất đai, tác giả viết:
“ Ở đời có tranh chấp thưa kiện là khi quyền lợi mình bị thua thiệt, hoặc cảm thấy thua thiệt. Muốn tranh chấp thưa kiện phải xác định mình có quyền hạn gì. Quyền sở hữu? Quyền sử dụng? Bằng khoán? Di chúc?…Thực tế hiện nay nhiều người có đủ giấy tờ hợp lệ, chấp hành tốt chính sách, sống có đạo lý tình người, nhưng gặp phải tranh chấp đền bù, thua thiệt đủ thứ. Còn người chẳng có quyền hạn gì, giả bộ oan ức, tranh chấp thưa kiện lung tung, lại được nhiều lợi lộc… Cái gốc vấn đề vấn đề có phải từ đây, từ những quyền đã được quy định rạch ròi, nhưng khi bước vào tranh chấp, nhiều người vẫn khư khư ôm lấy có một quyền: Quyền của tôi…”
Sau cách mở đầu trực diện như thế là những mẩu chuyện như để chứng minh cho vấn đề đã được đặt ra và quan điểm của tác giả.
Cách xây dựng chi tiết nghệ thuật cũng là một điều thú vị của tập truyện. Có khi tác giả cố tình tạo những chi tiết lấp lửng, kết thúc truyện vì thế không mang đến điều gì rõ ràng nhưng cũng tạo cho người đọc sự thú vị (truyện Hoa hoa).
Có chi tiết nghệ thuật rất bình thường, khi đọc người đọc dễ bỏ qua nhưng lại là yếu tố tác giả dường như cố ý đưa vào để tạo hiệu quả bất ngờ trong phần kết truyện. Ví dụ như truyện“Tướng công hạ cố”, đầu truyện tác giả giới thiệu nhân vật cùng với cái chi tiết nghệ thuật hết sức “văn xuôi”, tức không hề thi vị, là chi tiết cái nhà cầu của Tư Đui. Nếu không để ý, người đọc dễ tưởng rằng đó chỉ là chi tiết miêu tả bình thường trong câu chuyện nhưng không ngờ đó lại là yếu tố dùng để mở nút thắt của câu chuyện: nhờ cái nhà cầu đó mà tay trung tướng do chột bụng vào đi nhờ nên Tư Đui phút chốc mới được đổi đời. Truyện “Tội cho chú chó Mi Na” cũng có cái kết bất ngờ như thế.
Truyện “Thông thiên” thì cái kết truyện lại không chỉ bất ngờ mà còn gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ với hình ảnh bà Ba “trịnh trọng quỳ xuống trước bàn thông thiên lâm râm nguyện cầu…” để nguyện vọng bà mau chóng được giải quyết. Cái kết truyện như vậy thật đặc biệt tạo nhiều dư âm, suy nghĩ cho người đọc.
Nhà văn Đoàn Văn Đạt có lối viết dí dỏm, hài hước rất thú vị tạo nên một cá tính riêng trong phong cách văn xuôi cho nên khi đọc tác phẩm của anh, dù đề cập đến những vấn đề nghiêm túc nhưng nhiều lúc tôi vẫn có cảm giác nhẹ nhàng thoải mái. Giọng văn của anh vì thế thường mang màu sắc vừa thâm trầm đầy cảm xúc vừa nhẹ nhàng, dí dỏm. Có lúc tôi cũng thử hình dung về con người nhà văn và nghĩ có lẽ anh cũng là một người dí dỏm, có khiếu hài hước. Có lẽ người đọc thường gặp những cách viết kiểu như thế này của anh:
“ Rồi khi cái công viên Đoàn Kết mọc lên từ bãi cát, nỗi khổ này giảm thì nỗi khổ khác lòi ra. Ấy là lúc chập choạng tối nhằm lúc bà đang cúng lại trước bàn thông thiên thì đám gái bán hoa cùng đủ thứ tục tặc chẳng biết từ đâu ùa tới nẹc pô xe cười nói tục tĩu. Bà giận lắm nhưng đành phải vuốt ngực…mô phật…”(Thông thiên)
Nhìn chung lối kể chuyện của nhà văn tuy không nhiều sự đổi mới theo xu hướng viết truyện hiện nay nhưng cũng cho thấy sự linh hoạt trong việc dựng truyện, cách mở và kết truyện, cách tạo dựng chi tiết, lối viết hóm hỉnh, có chất hài hước nhẹ nhàng nên tạo cảm giác thú vị, hấp dẫn cho người đọc.
Có thể cảm nhận rằng ngòi bút của nhà văn Đoàn Văn Đạt thể hiện những suy ngẫm, trăn trở về cuộc sống nên hầu hết tác phẩm của anh chứa đựng nội dung sâu sắc. Truyện “Xe Tăng và Ruồi” là câu chuyện cảm động trong cuộc sống: Chuyện người tù được gọi là Ruồi trong chế độ cũ can tội hủy hoại thân thể để trốn lính. Vào tù do bị đói phải dùng chính bàn chân lở lói vì bị hủy hoại của mình để dụ bắt lũ ruồi bán cho tù được thăm nuôi lấy tiền hoặc hàng hay đồ ăn. Cuối cùng Ruồi đã chết vì nhiễm trùng máu trước khi ra tòa xét xử.
Có những truyện nói về những việc có vẻ rất vụn vặt của đời thường như việc cây mai ngày tết (Hoa hoa), chuyện chú chó (Tội cho chú chó Mi Na), chuyện trò chơi con trẻ (Trò chơi)… nhưng cũng hàm chứa trong đó ý nghĩa sâu sắc.
Có truyện rất đậm chất ký, chẳng hạn như truyện “Về mái trường xưa”, “Tắm mát dòng kinh”... Có truyện mang dung lượng của một truyện vừa với đầy ắp sự kiện gắn với những mốc lịch sử đã qua của đất nước liên quan đến vùng đất An Giang (Về mái trường xưa). Ở các truyện này, có nhiều đoạn có tính chất ghi chép những sự kiện xảy ra ở vùng đất An Giang trải qua một thời gian dài trước và sau năm 1975. Yếu tố truyện kết hợp với chất ký nên sự kiện được coi là đối tượng chính của việc trần thuật. Điều này có ưu điểm là có thể tái hiện lại câu chuyện của một thời đã qua ở vùng Bảy Núi An Giang. Tuy nhiên điều này cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng nhân vật. Sự kiện được sắp xếp nối tiếp nhau liên quan đến số phận nhân vật nên nhịp điệu kể chuyện nhanh, ít dừng lại để khắc họa nhân vật ở góc khuất của thế giới nội tâm.
Có nhiều truyện ghi chép sự việc bức xúc, nóng hổi phản ánh được những vấn đề thời sự xảy ra đâu đó trong cuộc sống. Truyện “Đất đai viên trạch” dùng cách ghi chép của thể loại ký với những mẩu truyện cụ thể và con người cụ thể như là những nhân chứng cho câu chuyện, có cả số liệu thống kê và thời điểm cụ thể. Việc đền bù giải tỏa nhà, bức xúc của người dân lẫn những đòi hỏi của họ, cách giải quyết của chính quyền là vấn đề nổi cộm xảy ra nhiều nơi cũng được tác giả chú ý phản ánh. Điều này cho thấy ngòi bút của tác giả rất mạnh dạn, xông xáo đi vào những vấn đề bức thiết của cuộc sống.
Tập truyện gồm 13 tác phẩm thì có 4 tác phẩm ký. Đây là những tác phẩm có giá trị vì đã ghi lại chân thật cuộc sống và con người ở vùng đất An Giang những ngày xảy ra lụt(Đồng sâu ngày lụt) hay trong mùa nước lũ (Mùa nước dữ), những khó khăn gian khổ của những người hoạt động cách mạng trong lòng dân (Ngồi hầm bí mật)…Các tác phẩm này chủ yếu là ký tự sự, tức thiên về kể việc, qua đó có thể cung cấp cho người đọc những tri thức phong phú của nhà văn về địa lý, lịch sử vùng An Giang với thời gian, địa điểm, con số, nhân chứng cụ thể, xác thực. Lối kể chuyện trong ký cũng sinh động, tự nhiên. Khi kể chuyện, ghi lại sự việc, tác giả cũng tái hiện những bức tranh miêu tả sống động, có không khí, tạo cho người đọc ấn tượng sâu sắc. Chẳng hạn cảnh cấy lúa trong ngày nước lụt:
“ …Gần đó có ba, bốn cô gái đang nhẩn nha cấy lúa. Mỗi cô cầm một cây cù móc dài khoảng hai thước, trên đầu có gắn cái bù cào nhỏ. Họ dùng cù móc búng bụi lúa nơi dầy đặt vào chỗ thưa, trông rất nhàn hạ, khác hẳn lối cấy dậm cổ truyền tốn công, đau lưng mất thời gian mà lúa phát triển chậm. Chẳng biết người nông dân nào nẩy ra phát kiến độc đáo này, trông rất hạp với dáng vẻ các cô, áo gió xanh đỏ, tay mang găng, khăn choàng bịt kín mặt, lại thêm cái nón lá,chẳng biết dưới chân có giày ủng gì không?…”(Đồng sâu nước lụt)
Hay cảnh sông nước mùa lũ:
“…Từ cầu chữ S, quốc lộ 91, xuồng chúng tôi nương theo dòng kinh Mười cuộn chảy băng băng vào đồng. Đến kinh Tám, xuồng ngoặt lên hướng Ô Long Vỹ – một xã vùng sâu của huyện Châu Phú. Nước, nước, xuồng chạy tới đâu cũng thấy toàn nước. Những ngôi nhà sàn lợp lá lợp tôn ven kinh cao lêu nghêu vào mùa khô mà giờ đây trông thấy lè tè như nằm nước. Hàng tre, hàng gáo, hàng còng… cũng nằm nước…” (Mùa nước dữ)
Ký của nhà văn Đoàn Văn Đạt thể hiện sự quan sát, vốn sống, sự trải nghiệm sâu sắc của anh về cuộc sống. Người đọc không chỉ hiểu được sự thật được phản ánh mà còn hiểu được quan niệm của chính nhà văn về hiện thực. Những tác phẩm ấy cũng thể hiện sự kết hợp linh hoạt các yếu tố tự sự, nghị luận, trữ tình.
Đọc tác phẩm “Ngồi hầm bí mật”, có thể hiểu được những vất vả khó nhọc của những người hoạt động cách mạng bí mật trong lòng dân những năm 1969 và tấm lòng người dân đối với cách mạng, đồng thời cũng hiểu được quan điểm của người kể chuyện trước sự đùm bọc, chở che đầy cảm động của dân: “Mình nằm hầm như vầy có khác gì nằm trong lòng dân!”.
Trong các tác phẩm ký, những cảm xúc và lời bình luận của tác giả thường xuất hiện giữa trang viết. Khi nói về mùa lũ xảy ra ở An Giang, nhà văn đã đưa vào trang ký những hình ảnh bi thương khốn khó của đồng bào sống trong vùng lũ lụt làm rơi nước mắt nhiều người. Bên cạnh đó còn là những cảm xúc, nghĩ suy nẩy ra trong tâm trí nhà văn:
“…Giữa xanh xanh màn nước, chợt ló lên một chiếc cổng nghĩa trang. Cố nhìn sau chiếc cổng ấy, tôi không thấy một cái mả nào vượt qua khỏi mặt nước. Cạnh cổng có một cái chòi kê sàn, mái lá te tua, bên trong đặt hai cỗ quan tài. Chạnh nghĩ vào thời điểm này, nếu có ai bạc phước phải vô quan tài nằm, biết tìm đất đâu chôn?…Người chết còn khốn khó vào mùa này huống chi người sống vốn có biết bao nhu cầu cần thiết, trên hết là chuyện ăn ở…”
Khép lại trang ký “Mùa nước dữ” tấm lòng của nhà văn cùng với những trăn trở, mong ước cũng đã bộc lộ rõ:
“ Suốt một ngày trong vùng sâu, nỗi khốn khó của bà con trong vùng lũ lụt ít nhiều chúng tôi đã chứng kiến. Những lời thăm hỏi, những món quà nhỏ, biết có bù đắp cho bà con được phần nào? Từ đáy lòng mình, chúng tôi cầu mong, với truyền thống hàng trăm năm chống lũ, bà con mình sẽ sớm vượt qua cơn lũ hung hãn này. Những mất mát đau thương rồi sẽ vợi tan như cơn lũ cũng vợi tan…”
Bên cạnh việc phản ánh những thực tế đau thương của người dân trong mùa lũ, nhà văn cũng tỉnh táo nhận ra những mặt trái của hiện thực đó. Cảnh lụt những năm qua dẫn đến những hậu quả “Nhà cửa, đường sá, trường trại hư hại đều trời. Trẻ em chết nước khá nhiều”.Nhiều người thương tâm từ nơi xa xôi về cứu trợ nhưng lại thấy cảnh chủ nhà “ngồi nhậu đặc sản mùa lụt với bạn bè, nói cười rôm rả”, họ đã quày quả lui ra ngay. Tác giả đã bình luận ngay về điều này: “Âu cũng là mặt trái của cảnh sống chung với lụt có từ lâu đời”
Bài “Khúc cuối cùng nhà văn Mai Văn Tạo” là bài ký ghi chép những kỷ niệm về nhà văn Mai Văn Tạo khi nghe ông đột ngột qua đời. Bài ký tuy ngắn nhưng cũng cho thấy cảm xúc chân thành của nhà văn trước việc mất đi người bạn thân thiết. Tác giả đã gửi vào đó những cảm xúc sâu lắng chân thành:
“…Bên ông nằm, qua lớp kính trong lãng đãng khói hương, tôi ngắm ông hồi lâu, bất chợt tôi thấy ông hình như hé nụ cười buồn. Bần thần nhớ tới buổi tối cuối cùng hầu rượu ông, khi ra về ông tặng tôi cuốn “Đất quê hương” – tuyển tập truyện ký, tác phẩm thứ hai mươi chín, cũng lá tác phẩm cuối cùng của ông và một bài thơ đánh máy vi tính, ông nói không có ý định gửi đi đâu, chỉ để đọc chơi. Bài thơ đề tựa “Không đề II”, khúc cuối là hai câu:
Chuyện đời
Còn lắm cái nghĩ suy.
Khép lại tác phẩm với những cảm xúc như vậy tạo những dư âm sâu lắng cho bài ký. Chất trữ tình ở đây làm cho bài ký này thiên về bút ký nhiều hơn.
Tóm lại, đọc những trang viết của nhà văn Đoàn Văn Đạt, dù là truyện ngắn hay ký, đều có thể thấy rằng ngòi bút của anh thể hiện rõ tinh thần nhập cuộc, mạnh dạn, xông xáo nắm bắt những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Lối viết chân thật, dung dị pha chút màu sắc hóm hỉnh, lối dùng từ mang tính địa phương đơn giản mộc mạc đã thể hiện một phong cách văn xuôi riêng biệt, khó trộn lẫn. Sự hiểu biết sâu sắc vùng đất An Giang cùng với những tình cảm sâu đậm tác giả dành cho quê hương mình đã đem đến cho những trang viết của anh sự chân thật và những cảm xúc sâu lắng. Theo cảm nhận cá nhân tôi thì tác giả Đoàn Văn Đạt rất xứng đáng được coi là một những cây bút tiêu biểu của văn nghệ An Giang.
NGÔ THỊ HY (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________________
Đã từng đọc tập truyện này, rất hay. Cám ơn tác giả Ngô Thị Hy đã góp thêm đôi lời phân tích, đánh giá
Trả lờiXóaNhà văn Đoàn Văn Đạt viết lúc nào cũng dí dỏm, bất ngờ. Chúc anh luôn khỏe và có nhiều sáng tác mới
Trả lờiXóaCám ơn 2 bạn Nghĩa Huyền và Hoa Tím đã có lời chia sẻ cùng nhà văn Đoàn Văn Đạt cũng như W.BT.
Trả lờiXóaW.BT rất hân hạnh được giới thiệu những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ đến bạn đọc. Chúc quý bạn đọc vui khi đến với W.BT và mong tiếp tục quan tâm ủng hộ.