- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Trung thu sắp đến, thơ viết về trăng chắc sẽ nhiều. Đêm nay tôi nhìn trăng trong thơ người bạn vong niên của mình, nhà thơ Ngã Du Tử. Hình như tôi đã từng lạc dưới bầu trời trăng của biết bao nhiêu thi sĩ xưa và nay, để thắm thiết, để mê ly, để bay cao vào vùng trời vô biên tuyệt sắc. Đêm nay tôi bước vào vườn thơ trăng của Ngã Du Tử, nhưng tôi chỉ lướt qua bởi trí óc đã già, thời gian lại ít. Tuy thế những cảm xúc trong lòng tôi thật vô cùng.
Tôi viết những cảm xúc nầy như
viết trong mơ, mong rằng viết trong mơ là ảo ảnh, nhưng ảo ảnh kể lại sẽ làm
vui cho người tỉnh ngủ.
Đầu tiên xin đi vào từng khổ
thơ của giấc mơ tôi.
Đó là bài thơ YÊU TRĂNG của Ngã
Du Tử:
Lỡ đã hẹn cùng Trăng nên suốt
đời yêu mến
Em có lúc lờ mờ hư ảo, lúc sáng
trong
Khi nhạt nhòa bị vần vũ mây
giăng
Tôi yêu trăng nên yêu cả em
Hằng
Đọc thơ ta biết mối tình trăng
của Ngã Du Tử có duyên từ kiếp trước nên kiếp này dầu trăng sáng, trăng mờ hay
trăng nhạt nhoà vì bị mây vần vũ thì nhà thơ vẫn yêu trăng. Tác giả thổ lộ “Tôi
yêu trăng nên yêu cả em Hằng”. Chữ Hằng viết hoa có thể là tên của những cô
gái trần gian có tên Hằng, hay cũng có thế tác giả đã hư cấu vầng trăng thành
một mỹ nhân. Vậy mở đầu bài thơ ta đã thấy trí tưởng tượng của tác giả là vô
cùng.
Khổ thơ thứ 2:
Có lẽ trên cao em vén mây nhìn
xuống
Cho rõ người - tha thiết với
trăng
Tôi xa quá và em cùng xa quá
Nên cả đời mường tượng mắt môi
xinh
Sự tưởng tượng của một tâm hồn
lảng mạn vượt trên sự thật rất cao. Nhà thơ đã “Hồn bướm mơ Tiên”, thấy
cả trăng vén mây nhìn mình và chính mình mường tượng mắt môi trăng. Hình tượng
trăng trong thơ Hàn Mạc Tử là nỗi đau: “Ta nhớ mình trăng thương đứt ruột/
Gió làm nên tội buổi chia phôi”. Ngược lại hình tượng trăng trong thơ Ngã
Du Tử là thân ái, tuy xa mà gần tuy gần mà xa: “Có lẽ trên cao em vén mây
nhìn xuống/ Cho rõ người - tha thiết với trăng.”
Khổ thơ thứ 3:
Lúc trăng thanh sao em mãi vô
tình
Tôi kiêu hãnh giữ tình em đơn
chiếc
Có thể tôi vô tình chưa khi nào
biết
Lúc sáng trưng em tỏa sáng chỗ
tôi ngồi
Cũng như Hàn Mạc Tử, Nhà thơ
Ngã Du Tử đã nhân cách hoá trăng thành người tình, nhưng trăng của Hàn Mạc Tử
gợi lên thứ tình lả lơi, dục vọng: “Trăng nằm sóng soải trên cành
liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi” / “Ô kia bóng nguyệt trần
truồng tắm/lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”. Ngược lại trăng của Ngã Du
Tử có thứ tình yêu tinh tuyền ngây thơ, quyến luyến, dễ thương: “Có thể tôi
vô tình chưa khi nào biết/ Lúc sáng trưng em toả sáng chỗ tôi ngồi”.
Khổ thư thứ 4:
Đã một lần tính xách cung bắn
em rơi
Nhưng nghĩ lại trần gian thiếu
em buồn biết mấy
Hình như lần trăng ấy
Mắt buồn xo và ánh sáng mờ mờ
Ngày xưa có chuyện Hậu Nghệ bắn
rơi chín mặt trời chớ chưa có chuyện ai bắn trăng khi nào. Ngày nay Ngã Du Tử
bắn trăng nhưng cuối cùng không bắn. Đó là một ý thơ lạ, mà hay, mà thâm thuý.
Thâm thuý bởi tình yêu của nhà thơ với trăng là vô đối, bắn trăng là muốn chiếm
đoạt trăng cho mình. Thế nhưng, tình yêu của nhà thơ với nhân gian còn cao hơn.
Nhà thơ sợ bắn trăng thì “thế gian buồn biết mấy”, đành cao thượng hy
sinh tình yêu của mình. Thơ còn có ý nghĩa trăng là của chung, không phải của
riêng ai, nên ai không có quyền cướp lấy nó.
Khổ thơ thứ 5:
Tôi yêu em cho thỏa sức tình
thơ
Để thần thức nhập với hồn trăng
mộng
Những đêm ta kiêu hãnh dưới
trời gió lộng
Ngồi ôm đàn vỗ khúc: - Dưới
trăng ca
Trăng trong thơ Lý Bạch : “Ngẫng
đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”
Trăng trong thơ Đỗ Phủ: “Vầng trăng vẫn
sáng quê nhà/ Các em ly tán biết là về đâu”
Trăng trong thơ Xuân Diệu: “Trăng
sáng, trăng xa, trăng rộng quá/ Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”
Trăng trong thơ Thế Lữ: “Nào
đâu những đêm vàng bên bờ suối/ Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”.
Đọc những câu thơ về trăng của
các tác giả trên, ta thấy họ đều mang tâm sự nặng nề dưới trăng. Trăng vô tội,
tự nhiên các nhà thơ mang cho nó vòng Kim Cô của Tôn Ngộ Không lên đầu. Đọc
những câu thơ về trăng của Ngã Du Tử ta thấy trăng được tự do đàn ca với người,
tình yêu của nhà thơ với trăng không phải là thư tình yêu mong chiếm đoạt,
trăng và người, người và trăng như trẻ thơ, hai bên đều tự nhiên để “thần
thức nhập vào hồn” thanh tao và quyến luyến.
Khổ thơ thứ 6:
Tôi thương em lúc mưa gió mịt
mờ
Buồn như núi, mênh mông như
biển lớn
Này trăng ơi! Em đừng làm tôi
giận
Sợ vô tình bỏ mặc ánh trăng
nghiêm
Ngã Du Tử tỏ tình với trăng,
Ngã Du Tử thỏ thẻ với trăng như thỏ thẻ với cô em bé bỏng của mình, nhưng lời
tình ấy cao như núi và mênh mông như biển. Hình ảnh buồn của trăng khi mưa gió
mịt mờ cũng chính là nỗi lòng của nhà thơ khi vắng ánh trăng, cũng chính là
tình yêu của nhà thơ dành cho thần tượng của mình.
Khổ thơ cuối cùng:
Rồi trăng lên màu ánh sáng dịu
huyền
Soi xuống thế. Tôi về nghe kinh
nguyện
Ta yêu trăng như say đời dâng
hiến
Buổi ta về trăng trải thảm vàng
mơ
Cuối cùng trăng là huyền diệu,
trăng là toả sáng và trăng là nữ hoàng của thế giới tình yêu. Ngã Du Tử thờ
phượng trăng bằng kinh nguyện, tất nhiên lời kinh nguyện đó chính là ca từ mà
nhà thơ “Ngồi ôm đàn vỗ khúc: - Dưới trăng ca”. Ngã Du Tử dâng hiến cho
trăng, tất nhiên nhà thơ dâng hiến những vần thơ trác tuyệt của mình. Tất cả để
rồi trăng đền đáp lai: “Buổi ta về trăng trải thảm vàng mơ”.
Bây giờ xin mời chúng ta “Lội
Dưới Đường Trăng” cùng Ngã Du Tử:
Đọc khổ thơ mở đầu “LỘI DƯỚI
ĐƯỜNG TRĂNG” của nhà thơ Ngã Du Tử, ta có ngay một mãnh trăng tuyệt đẹp làm xao
động tâm hồn:
Chiều xuống vội phía hoàng hôn
úp mặt
Ai treo mảnh trăng trên đầu non
Màu ánh sáng dịu kỳ vằng vặc
Bức tranh quê toát lên rực mảnh
hồn
Qua khổ thơ thứ hai của “Lội
Dưới Đường Trăng” ta thấy nhà thơ Ngã Du Tử nhìn trăng với tất cả sự lạc
quan của mình:
Tay nắm chặt nghe đêm nghìn lau
lách
Lời trần tình loài dế giục
trong đêm
Một tấc dạ cùng lòng son hiển
hách
Biết nhân gian có thân ái nỗi
niềm
Đêm trong tâm hồn Ngã Du Tử là
tiếng reo ca của dế, như thổ lộ cho tấm lòng son sắt của nhà thơ. Câu thơ
“Biết nhân gian có thân ái nỗi niềm” là một sự băn khoăn nhưng không
đánh dấu hỏi, nghĩa là nhà thơ còn tin tưởng nhiều đến sự thân ái của nhân
gian.
Tác giả đi dưới trăng, bước
trong trăng và thấy trăng của quá khứ nằm trong hiện tại:
Giữa quạnh vắng nghe muôn trùng
im ỉm
Con đường quê hun hút đến vô
cùng
Chân vẫn bước trong ân cần bóng
ngả
Quan san ơi! Lòng đau đáu riêng
chung
Vẫn quê mẹ, vẫn con đường mùi
lúa
Thời gian trôi hương vị cứ ngọt
ngào
Ai xa xứ nghe hương đồng mời
gọi
Như tình ca, như tiếng mẹ ca
dao
Từ bóng trăng hiện tại, nhà thơ
Ngã Du Tử lạc quan đến cực độ khi thấy “Thời gian trôi hương vị vẫn ngọt
ngào”, nghĩa là ông hưởng trọn vẹn hạnh phúc của quá khứ trong hiện tại.
Thế rồi bước qua những khổ thơ
cuối, nhà thơ Ngã Du Tử tả trăng tràn ra khắp cùng vận vật, lai láng một màu
sắc lung linh và êm ái một thứ tiếng động ngập tràn, làm bình an tâm khảm:
Chân vẫn bước dưới dòng trăng
lênh láng
Nghe cơ hồ róc rách chảy hàng
cây
Những ai đi đâu? – Ta về đây
Uống nỗi nhớ nghe ngọt ngào tim
óc
Tiếng đạp xe của người chở rau
lóc cóc
Nghe nhỏ dần lối ngược phía
đường xa
Mím môi chặt cùng con đường
thổn thức
Ai giàu sang, ai cùng khó một
thời?
Đêm yên ắng trăng rất gần với
núi
Góc non sông ôm chẳng hết nửa
đời
Trăng bình yên rọi ánh sáng nơi
nơi
Và tiếng dế mơ màng trong nhạc
điệu
Trong ánh trăng tuyệt vời đó,
nhà thơ đã cho “Tiếng đạp xe của người chở rau lóc cóc/ Nghe nhỏ dần lối
ngược phía đường xa” làm cho người đọc trong vô thức như thấy được
thời gian trôi từ quá khứ, qua hiện tại, đến tương lai dội vào tâm hồn từng
tiếng nhạc mê ly.
Hai bài thơ “YÊU TRĂNG” và “LỘI
DƯỚI ĐƯỜNG TRĂNG” của Ngã Du Tử là tình yêu của nhà thơ đối với vầng trăng
thật, đó là vầng trăng treo trên bầu trời, chiếu ánh sáng xuống mặt đất và làm
đề tài cho biết bao nhiêu thi sĩ dệt mộng, dệt thơ.
Thế nhưng nhà thơ Ngã Du Tử còn
có thơ cho một vầng trăng lạ, đó là “VẦNG TRĂNG EM VỪA CHỚM NỤ”. Vầng
trăng đó tồn tại trong ký ức nhà thơ, nó gợi nhớ khi ta thấy, hay ta nghĩ đến
vầng trăng thật tại quê nhà.
Bây giờ, hãy nhìn qua vầng
trăng trong tâm khảm nhà thơ Ngã Du Tử xem thử nó đẹp ra sao:
SÔNG HOÀI MÃI NHẬN VẦNG TRĂNG
Trăng trần thế nghìn năm còn
soi rạng
Buổi ta đi trăng - Mới chớm dậy
thì
Yêu lắm vầng trăng em vừa chớm
nụ
Biết thẹn thùng một dáng dấp
hào hoa
Vài mươi năm chắc em đã đàn bà
Mùa dong ruổi quên vầng trăng
chớm nụ
Mải miết thị thành áo cơm chưa
đủ
Nợ một đời đánh mất tình yêu
trăng?
Đêm cố hương. Vầng trăng em
xuất hiện
Mắt ngỡ ngàng . Ngại thất lễ
mùa xưa
Không trách ai, chỉ tiếc thuở
trăng vừa
Dang tay hứng - Thiếu tâm tình
đón nhận
Ta cúi xuống thâm tạ tình - Ân
hận
Màu trăng xưa huyền nhiệm đến
vô cùng
Con đường vàng mật ngọt chẳng
đi chung
Mắt em ướt, lòng ta như gió bão
Ngày trở về lòng như không xiêm
áo
Trăng đầu hiên vò võ một cung
trầm
Ước mai này trên vạn nẻo trần
gian
Sông muôn đời nhận vầng trăng
em soi rạng
Ngã Du Tử
Đây là một bài thơ mà nhà thơ
đem hình ảnh người yêu ban đầu nhập vào trăng trần thế. Trăng trần thế tuy
nghìn năm soi rạng nhưng bây giờ không già nữa, nó đã biến thành em vừa dậy
thì, vừa chớm nụ, “Biết thẹn thùng một dáng dấp hào hoa”. Trăng của Ngã
Du Tử ở đây bỗng khác với trăng của biết bao thi sĩ từ xưa đến nay, nó bé bỏng,
nó thanh khiết, nó nhu mì, nó thơ ngây và nó toát ra cả hai vẽ đẹp quý hiếm của
loài người và của vạn vật.
Rồi thì nhà thơ xa quê hương,
xa vầng trăng và tất nhiên xa em. Rồi thì nhà thơ quay lại cố hương, gặp em như
gặp vầng trăng xưa. Em đã khác nên vầng trăng cũng khác, tình vẫn còn nhưng
tình chỉ như vầng trăng soi trong đáy nước một dòng sông.
“Sông Hoài Mãi Nhận Một Vầng
Trăng” là một bài thơ nói về tình đầu, bài thơ được tắm trong dòng sông có
ánh trăng soi, làm cho trăng trẻ lại muôn năm và tình lâu bền vĩnh viễn.
Đó là vườn thơ trăng của Ngã Du
Tử mà tôi đã vào thăm trong đêm nay. Một chút hương hoa tôi kể ra đây chỉ là dư
hương, dư vị còn sót lại khi tôi ra về. Mong ai đó sẽ bước vào vườn trăng ấy, sẽ
thưởng thức, sẽ trải nghiệm tận nơi ánh trăng soi trên từng luống hoa tươi đẹp.
Châu Thạch
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét