- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Đôi khi vào buổi sáng sớm, một vài câu thơ của Trần Hạ Vi trở lại trong tâm trí tôi, như lời tâm sự hay một sự thật. Thơ chị là cuốn nhật ký từ bên trong. Nhiều người quanh ta đang hạnh phúc vì có tình yêu, nhiều người khác đã có, đánh mất. Nhưng chị có cả hai cùng lúc: niềm vui và nỗi buồn, lo âu và may mắn.
tháng mấy sao mùa
xanh thế
nghịch ngầm cát bỏng
mắt trong
cánh nhạn xa mùa
chưa tỏ
sương mai uống tối
rưng lòng
Trong
những bài khác, thơ chị không trau chuốt như vậy, và ý tưởng rõ ràng hơn. Làm
thế nào để dung hợp cái đẹp của ngôn ngữ và tính mục đích? Bài thơ của chị định
nói một điều gì, không những thế, còn định nói với một người nào. Đó là thứ
ngôn ngữ trẻ trung, khi ngọt ngào thì ngọt ngào quá, khi lại phũ phàng. Thơ
châm biếm nhiều hơn hài hước, khiêm tốn nhiều hơn lên giọng, trong sáng nhiều
hơn mờ ảo. Đó là thơ tự do của những năm gần đây.
nhà em ít cãi nhau
nên lâu lâu là em
muốn khóc
Tôi
vốn cẩn thận khi đứng trước sự đơn giản. Nhiều khi chúng chỉ là giản đơn trống
rỗng, có lúc bên trong chứa những bí mật. Bề ngoài, các quãng đời của chị thể
hiện rõ ràng, không dấu diếm. Chị thành thật nhưng không phải khi nào cũng tin
vào quyền năng của thơ ca. Thực ra, đối với tình yêu, Trần Hạ Vi cũng có lúc
nghi ngờ. Tuy còn khá trẻ, dường như chị sống nhiều hơn một cuộc đời:
em ngồi cho trà
vào những túi nhỏ
lá trà khô quắt tự
ép mình
cong queo
mỗi túi trà một muỗng
cà phê
như tình nghèo
như yêu thời bao cấp
lằn ranh đói khổ
chật vật
tình yêu như con
thú dữ
đôi khi cần bỏ đói
không thể nâng niu
em cho trà vào những
túi nhỏ
như phân phối khẩu
phần
siết hờ miệng túi
phân vân
nhớ anh bao nhiêu
xa anh bao nhiêu
phải chăng là đã đủ?
Thơ
đối với Trần Hạ Vi là phương tiện để trò chuyện với tình yêu ở ngã rẽ của đời,
bao dung và khắc nghiệt, trung thành và phản bội. Thơ tình không chỉ là thơ
tình mà còn là ký ức của một người sống sót sau tai nạn, quãng đời truân
chuyên, và đôi khi, sau một cái chết.
mênh mông quá
ta lạc lòng hồ lạ
nước mịn màng
nước ve vuốt trầm
kha
yêu em đó
ta gặp em ngày lạ
tim rộn ràng
tim chở máu phù sa
Có
lẽ có người phàn nàn thơ chị bị ám ảnh quá nhiều bởi những vấn đề riêng tư. Thì
đó cũng là rắc rối của thơ trữ tình hôm nay: đào sâu vào cái tôi của mình,
không chú ý đến người khác. Nhưng trong văn chương, người đọc phải nhìn thấy
cái bóng của chính họ. Thế này thì riêng hay chung?
em đã từng yêu anh
hơn người đàn ông
đó
anh lẳng lặng ra
đi
người ta lau nước
mắt cho em
rồi hôn em
em không phản đối
trước khi quay về
anh hãy chạy qua
chín dòng suối
vớt lại giọt nước
mắt em
Càng
về sau, Trần Hạ Vi càng đi xa khỏi tính rành mạch, tới gần phía đường biên lẫn
lộn sáng tối, tìm cách nói những điều khó nói. Đó là thứ thơ nổi loạn của người
nữ, thoát khỏi định kiến về giới tính, gia đình, văn hóa. Nhưng một người muốn
nổi loạn chống lại quá khứ cần phải hiểu quá khứ, chống lại cái cũ cần hiểu cái
cũ.
tháng mấy chòng
chành ước nguyện
nhẹ nhàng anh nói
lời yêu
cứu vớt đời nhành
cúc mỏng
yêu - không yêu; tả
tơi chiều
tháng mấy mặt trời
hôn vội
mây hồng ráng đỏ
bên sông
bắt đầu mà thương
thấy tội
nụ cười sưởi ấm hờn
đông
Chúng
ta muốn nhìn thấy nhiều hơn trong thơ chị khía cạnh thiên nhiên và xã hội, vốn
thiếu vắng trong thơ tình. Cùng với một số nhà thơ cùng thế hệ, chị là tiếng
nói độc đáo, mạnh mẽ, cất lên từ lồng ngực một người tình, người vợ, người mẹ,
sống xứ người, làm việc trong môi trường tiếng Anh nhưng làm thơ bằng tiếng Việt,
một thế hệ trí thức mới trước đây chưa từng có. Thế giới qua mắt Hạ Vi là một
thế giới phục vụ cho tình yêu; tôi tin rằng rồi đến một lúc chị sẽ mở rộng quan
điểm ấy và nhìn thế giới trong những chiều kích lịch sử. Chị sử dụng thể thơ tự
do không câu thúc, đó chính là điểm mạnh và điểm yếu. Trần Hạ Vi có khả năng gần
như bẩm sinh, rút ngắn và làm mờ khoảng cách giữa người viết và người đọc, tạo
ra sự thân mật mau lẹ, làm cho người đọc dễ hóa thân vào tác giả, sống chính cuộc
đời ấy, ăn, ngủ như vậy, yêu đương và thổn thức như vậy, dày vò và sung sướng
như vậy. Đó gần như là loại thơ thuộc khuynh hướng xưng tội của Mỹ, như của
Sylvia Plath, nhưng mới mẻ hơn, hồn nhiên hơn.
sinh nhật anh mùa
hạ
em chuẩn bị quà
đầu mùa đông
nửa năm
lệ chảy bao nhiêu
dòng
vui mừng bao nhiêu
phút
sinh nhật có bao
giờ là đúng lúc
yêu nhau có bao giờ
là đúng lúc
bút nhúng mực
trăng
thơm giấy tỏ tình
Hình
ảnh trong thơ chị xuất hiện ít nhưng đẹp; bài thơ đôi khi như giai thoại. Chúng
ta vẫn chưa nhìn thấy hết tài năng và ảnh hưởng của những nhà thơ mới xuất hiện
sau năm hai ngàn, trong nước hay hải ngoại. Thành tựu của họ khó xác định không
những vì số lượng tác phẩm còn ít, mặc dù có người có sức viết ghê gớm, mà còn
vì những chiều hướng nghệ thuật mà họ theo đuổi, táo bạo, bí ẩn. Lớn lên trong
một xã hội ngày càng phân rã, những giá trị bị đảo lộn, tiếp cận thế giới bên
ngoài giữa những thay đổi chóng mặt, có lẽ chị làm thơ để giữ mình lại trong quỹ
đạo của ngôn ngữ và văn hóa Việt. Của tình yêu. Ngoài thơ tự do, chị cũng viết
một vài bài thơ có vần, xúc động.
dã tràng hay còng
đá
cũng là xe cát
thôi
viên tình tròn
vành vạnh
chìm kiếp sóng bạc
vôi
con đường chiều trắng
quá
nhạt nhòa đốm mắt
môi
cuộc tình mình trắng
quá
sao đã mất nhau rồi?
Xuất
thân từ một ngành học không liên quan đến văn chương, ở một nơi xa cộng đồng Việt,
ít khi về nước, chị vẫn giữ mối liên kết với quê nhà bằng ngôn ngữ và mạng xã hội.
Như thế, viết là con đường trở lại với lịch sử và hy vọng mới. Thơ chị riêng
tư, gần gũi, tin cậy, không êm ái dịu dàng mà gập ghềnh, thô ráp, nhiều chất
văn xuôi. Tính chất văn xuôi làm cho thơ hôm nay có những đặc điểm: gần văn
nói, xa vần điệu cổ điển, nhiều cách thể hiện ý tưởng, và tứ thơ trở thành
xương sống. Mặt khác, ngôn ngữ nào cũng thay đổi, những chữ vốn cũ nay có thể
mang nghĩa mới, và ngày càng sinh ra những kết hợp mới, vừa nhiều ý nghĩa vừa
nhòe mờ: những thay đổi như thế giúp nhà thơ hôm nay có nhiều cách tiếp cận hơn
với hiện thực, nhưng mặt khác cũng đưa người đọc đến với hai trạng thái, hoặc
tăng cường hiểu biết hoặc làm họ ngoảnh mặt đi, gây sự phân cực trong độc giả.
bạn chờ gì
không dám yêu như
đàn ông?
Không
phải là một câu thơ tầm thường.
Có
một sự thẳng thắn gần như tàn nhẫn, một sự sâu sắc che giấu cái nông nổi, và vẻ
nông nổi che giấu sự sâu sắc. Cũng vậy, sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất,
nam và nữ, truyền thống và nữ quyền, sự buồn rầu trống rỗng và tình yêu cuộc sống,
trộn lẫn trong bài thơ Trần Hạ Vi, làm cho thơ ấy trở thành một hỗn hợp hiếm, lạ.
em trải qua 5 năm
đọc ngôn tình
cùng với hai người
bạn
sủng, sắc, ngược,
huyền huyễn, hào môn
xuyên không, trùng
sinh, hiện, cổ và cận đại
lớp lớp sóng tình nhấn
chìm bờ đại hải
Lạ
chưa phải là hay. Nhưng là khởi đầu phải có của người làm thơ, nhất là người
làm thơ hôm nay. Bạn không có nó ư? Tôi thực không có nhiều hy vọng. Vì làm thơ
bây giờ khó hơn ngày trước. Mối quan hệ giữa tính mơ hồ và tính trực tiếp, tuy
vậy, thuộc về tay nghề của cá nhân tác giả: quá mơ hồ thì bài thơ không có sức
sống, quá trực tiếp thì bài thơ trở thành thông báo. Đọc một bài thơ trong trẻo
cũng tựa như khi bạn nghe tin tức đọc trên đài phát thanh, chữ nào tách bạch chữ
đó; trong khi ở người không chuyên nghiệp, sự phát âm của chữ sẽ dính vào nhau.
Tính đa nghĩa của một câu thơ không liên quan gì đến sự trong sáng của nó, thậm
chí ngược lại: một câu thơ càng trong sáng, ý nghĩa càng tích tụ nhiều lớp.
những đau đớn lòng
ngày xưa đã ngủ yên
em có yêu anh như
người thay thế
trời buông nắng xế
héo nhành hồng
héo cả lá thư tay
Từ
vựng của trần Hạ Vi gồm những chữ thông dụng. Chị không cố gắng sinh ra chữ,
không dùng ngôn ngữ như một cách làm mới, không dùng các dấu chấm, dấu phẩy, xuống
dòng để làm bài thơ trở nên lạ. Chị chấm câu và dùng chữ chính xác.
cảm giác em sẽ ngồi
với anh thật lâu
và sau anh cũng
không còn yêu ai nữa
bức tường xây dang
dở màu vôi vữa
có những tình yêu
vĩ đại hơn gái với trai
Không,
không phải chính xác, mà là giản dị.
Một
trong những công việc của thơ ca là nhắc cho chúng ta nhớ lại. Nhớ lại lịch sử,
tội ác, lỗi lầm, tình yêu, chia lìa, đoàn tụ. Con người ngày càng trở thành tù
nhân không phải của quá khứ mà là của cái chưa tới: sự lo âu. Chúng ta quan tâm
quá nhiều đến chúng ta chăng, trong một thế giới ngày càng bất ổn?
thơ cho người đàn
ông vô tư
vô cùng đặc biệt
99% là sản phẩm của
trí tưởng tượng
Ngay
cả sự đau khổ cũng được làm mới lại. Thơ có cả tối và sáng, thực ra thơ của ai
cũng thế, nhưng ở chị chúng luân phiên thay đổi mau lẹ, như các cảnh trong
phim. Khả năng chiếu rọi của chị vào hiện thực là đặc biệt, khả năng ấy sẽ còn
được tăng cường hơn nữa nếu chị sử dụng một ngôn ngữ điêu luyện.
Không
phải là một người có quan điểm nữ quyền rõ rệt, chị mang lại tiếng nói mới của
một phụ nữ ở ngoài đất nước và, trong khi mối liên hệ của chị với quê hương vẫn
còn đó, đang góp phần chỉ ra những hướng đi mới cho văn học của thế hệ mới, sự
hội nhập dễ dàng và không mặc cảm, cách nghĩ ngợi về tự do, không định kiến,
đương đại nhưng vẫn giữ hơi thở đằm thắm phương Đông. Người đọc có thể kỳ vọng
rằng Trần Hạ Vi sẽ ngày càng làm mới hơn ngôn ngữ thơ ca của mình, một ngôn ngữ
sẵn sàng đối diện với quá khứ nhưng bao giờ cũng hướng tới hiện tại, làm mới cảm
xúc của chúng ta về thế giới, một thế giới biến động, pha lẫn buồn rầu đau đớn
và hạnh phúc dịu dàng. Thơ Trần Hạ Vi đến nay vẫn còn dừng lại phần nhiều ở thơ
tình. Tôi tin rằng về sau chị sẽ khai thác những đề tài khác, và cách viết cũng
còn thay đổi. Tuy nhiên ấn tượng lớn nhất trong thơ chị phát ra từ quan hệ đối
lập giữa lòng tin và sự ngờ vực, sự đồng cảm và cô đơn, cái bồng bột và cảm
giác nhẫn nại, niềm hạnh phúc và sự chán nản cùng cực, đôi khi vô cớ, và cuối
cùng, tính châm biếm và sự tha thứ. Trần Hạ Vi đi tìm tương tác giữa các cực đối
lập và xác lập cân bằng cho mình ở đó: con đường đi tới của thơ chị.
ngày đầu tiên gặp
anh
em sẽ khóc
những giọt nước mắt
lăn ra như ngọc
dỗ dành nuôi sống
cuộc tình xa
Thơ
Trần Hạ Vi cũng còn là lòng biết ơn đối với cuộc đời. Lòng biết ơn không dựa
trên sức mạnh, tài năng, dũng cảm, những thứ mà tôi tin là chị có, mà dựa vào sự
không toàn hảo. Sự không toàn hảo của vũ trụ, của con người, mỗi chúng ta. Lòng
biết ơn làm cho chị trở nên thanh thản, giúp chị vượt qua bóng tối của đời
mình. Thưởng thức đời sống, yêu mến nó, hân hoan biết ơn nó là một trạng thái của
Trần Hạ Vi, trong trạng thái ấy không phải người ta quên bẵng đi người khác, mặc
kệ thế giới, như người sống lạc quan ảo tưởng.
cong môi nhớ nụ
hôn đầu
cái duyên con gái
nhạt màu thanh tân
nhón tay vạt áo nhẹ
nâng
thềm nghiêng nắng
nhẹ chiều dâng hồn chiều
Nếu
mọi thứ đều trôi chảy, ngày nào cũng đẹp như ngày nào, chúng ta sẽ không biết
ơn cái đẹp, sự trôi chảy: đêm tối làm ta chiêm ngưỡng ánh sáng. Trạng thái thứ
hai của Trần Hạ Vi, mặt khác, sự u ám đau buồn, mất lòng tin, sự rã rời, trong
khi làm một nhà thơ đau khổ, thì cũng làm người ấy tràn đầy lòng yêu thương trước
ngày mới. Thơ chị là ý thức đối với đời sống. Nếu thành công, mà tôi tin chị sẽ,
thơ Trần Hạ Vi là sự thức tỉnh. Thơ chị nhắc chúng ta về sự cần thiết của tình
yêu, bất chấp những trắc trở, ly biệt. Thơ tình ấy có tính nhân đạo, chiếu sáng
ngay cả trong bóng tối, chính là sinh ra từ bóng tối. Đó là một món quà mà trời
đất ban tặng cho người phụ nữ, và chị mang đi để tặng lại cho người đọc chúng
ta.
Nguyễn Đức Tùng
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét