… Nửa đêm đang ngủ ngon giấc,
chợt nghe tiếng chuông điện thoại reo dồn dập, cô Út choàng tỉnh cầm máy lên nghe.
Đầu dây bên kia có tiếng người ồm ồm:
- Hê-lô dì Út! Anh Ba ở Mỹ gọi
về đây, em nghe rõ không?
Cô Út dụi dụi mắt cười mừng:
- Dạ rõ! Khỏe không anh Ba Mo…
Mo?
Giọng bên kia cằn nhằn vẻ
không vừa ý:
- Anh tên Móc, sang Mỹ đổi tên
thành Mo-rờ, dì gọi trật lất! Thôi kệ chuyện rờ chuyện móc, anh cần hỏi vấn đề
này. Nghe nói thời gian gần đây thằng Tùng chồng con Hạnh thường say xỉn, hiếp
đáp, thậm chí đánh đập con nhỏ phải không? Dì cứ nói thiệt cho anh dễ xử lý,
chớ đã sống xa cách xứ người mà biết tin con gái mình bị đối xử phũ phàng, anh
chị xót ruột lắm…
Nhận xét mức độ khá hệ trọng,
cô Út cân nhắc trả lời:
- Dạ… thì cũng có… đụng độ chút
chút! Nửa tháng trước, bất đồng sao đó Tùng có tát tai Hạnh, om sòm cả xóm. Hội
phụ nữ khu phố có tới hỏi đầu đuôi và nhắc nhở, khuyên can Tùng. Nó chịu lỗi và
cam kết không tái phạm, giờ coi bộ êm. Đúng ra trong chuyện tiền bạc, làm ăn
phải đồng vợ đồng chồng, hỏi ý kiến nhau, Nhưng tánh con Hạnh anh biết, hơi
ngang bướng, cãi chày cãi cối, thằng Tùng bực không dằn được nên…
- Nên nó chơi trò bạo lực chớ
gì? Cái đó anh Ba rành, muốn thì chìu ngay… Phải bên Mỹ, anh thuê một thằng da đen
cao to dợt “bốc” chừng nửa hiệp là nó… thuần tính liền!
- Chuyện vợ chồng lục đục khó
tránh khỏi, anh nóng nảy xử trí kiểu Mỹ không tốt đâu. Bề gì cũng còn em qua
lại mà…
Yên lặng một chút, ông Ba Mo
lên tiếng:
- Hỏi dì thêm vậy thôi. Anh có
chiến lược trừng trị thằng Tùng rồi, nói trước là tuần sau anh bay về, một mình
thôi. Hừ… làm rể Việt kiều mà không biết điều, hành hạ con gái cưng của anh, dễ
mà tha thứ à? Dì nói thêm gì không?
Cảm thấy ngột ngạt, cô Út trả
lời ngắn gọn:
- Lạt mềm buột chặt! xin anh
bớt căng thẳng… Em gởi lời thăm chị Ba mạnh nghen!
Trở lại giường nằm trằn trọc,
cô Út suy nghĩ hoài về tính bộp chộp của người anh rể sống ở nước ngoài và linh
cảm chuyện không hay sắp xảy ra. Hay do cô sống đơn thân nên không hiểu nổii
nhũng ngóc ngách phức tạp, bức xúc trong quan hệ vợ chồng, con cái? Chỉ một
điều cô tin tưởng là sự ôn hòa, tỉnh táo sẽ giúp tránh được nhiều rắc rối trong
cuộc sống. Nửa đêm về sáng, trời se lạnh…
… Bữa tiệc mừng ngày về thăm
quê hương của ông Việt kiều Ba Móc (đúng tên Mỹ đã đổi là Mo-rờ) tổ chức tại
nhà con gái khá xôm. Năm bàn khách tề tựu đông đủ, yên lặng nghe chủ tiệc nói
vài lời chúc mừng, rồi thì cứ thay nhau chạm ly côm cốp, cười vui rôm rả. Tùng
theo sát cha vợ đến từng bàn chào khách cho đúng phép. Ông Ba tửu lượng hơi kém
nên anh con rể phải thay thế chuyện cạn ly liên tục. Đến bàn cuối toàn người
lớn tuổi, họ nhiệt tình mời hai cha con ngồi chung. Việc chuẩn bị tiệc bận rộn,
tô cháo ăn từ khuya đã tiêu hóa và phải uống đỡ đòn cho cha vợ gần chục ly bia
khiến Tùng hơi ngầy ngật. Chuyện trò cùng khách, nhưng ông Ba vẫn kín đáo chú ý
quan sát cử chỉ Tùng. Một ông cụ thân tình hỏi:
- Ở bên ấy chú làm nghề gì?
Khá không?
Ông Ba Móc hơi đắn đo khi giải
thích:
- À… một nhóm tụi tôi chừng
mươi người hùn hạp sắm sửa phương tiện, dụng cụ để hợp đồng chăm sóc, làm sạch
đẹp sân nhà, vườn cảnh cho đám nhà giàu. Được khá tiền, nhưng phải bao giàn
nhiều chuyện kỳ cục lắm!
Người khác lại than phiền:
- Dù gì cũng khỏe hơn bên
mình. Chó, gà thả rong, vất rác tứ tung bất chấp nhà hàng xóm dọn dẹp mệt nghỉ!
Chủ gia buột miệng:
- Đâu cũng vậy thôi, có điều
nhiều hay ít… Xui xẻo gặp mấy nhà nuôi chó béc-giê bầy, tối thả, sáng nhốt. Nó
ị ra sân cả đống lùm lùm, mình phải… hốt sạch, rửa từng vốc sỏi, làm khô, khử
mùi, xịt hương táo hương cam, gian nan chi xứ. Lơ mơ chủ nó cắt việc thẳng
thừng, còn chứi như tát nước!
Vừa cạn ly bia, Tùng gù gật
tham gia câu chuyện:
- Nghề ba cháu làm, bên mình
gọi là công nhân vệ sinh môi trường, cần thiết lắm chứ…
Ông cụ lúc nãy vân vê chòm
râu, đăm chiêu vẻ như hiểu biết:
- Ờ đúng! Giống như mấy chú thu
gom rác, khai thông cống rãnh ở khu phố, mỗi tháng mình trả tiền công cho họ.
Trước giờ tui cứ tưởng rằng qua Mỹ…
Cả bàn chợt im lặng, lắng
đọng, điều này thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở các bàn nhậu khi ai đó trót lỡ lời.
Bàn sát bên đang hóng chuyện cũng dừng đũa tò mò ngó qua. Ông Ba rủa thầm trong
bụng: “Miệng ăn mắm ăn muối, tưởng là tưởng làm sao hở lão già… ó đâm!”. Một vị
chủ động khui bia rót đầy các ly rồi đứng lên, cao giọng:
- Nào, xin mời nâng ly chúc
mừng sự nghiệp anh Ba Móc… ủa quên… anh Ba Mo-rờ áo gấm về làng, rỡ ràng khu
phố ta! Vô… vô chăm phần chăm!
Không khí ồn ào, náo nhiệt trở
lại qua tràng vỗ tay kéo dài. Uống hớp bia đắng ngắt, chủ gia lại thầm đay
nghiến: “Tổ cha thằng xỏ lá!”. Tùng khè một tiếng ngon lành rồi ung dung thưởng
thức cái cánh gà chiên bơ bóng vàng. Ông Ba Móc chợt quay sang, tâm trí cay cú
chĩa mũi dùi sang thằng rể: “Nó khai pháo công thành rồi ngồi gậm nhấm sự quê
độ của cha vợ nó đây!”. Vờ say, ông rút lui qua bàn trà, tâm trạng đầy ác cảm
với Tùng, mà theo ông là kẻ trước sau chuyên ngáng đường, phá bĩnh!
… Chuyện lâu gần mười năm, ông
Ba Móc vẫn nhớ mồn một. Thời gian làm hồ sơ chuẩn bị xuất cảnh thì Hạnh, con
gái ông quen biết Tùng. Để ngừa sự cố, ông từ chỗ nhẹ nhàng đến gay gắt cấm
đoán Tùng gặp Hạnh. Chuyện đời, khi đôi lứa đã yêu nhau thắm thiết thì có tiền
thuê Thiên Lôi cầm búa hăm he chưa chắc chia cắt được, huống hồ là ông. Gia
đình lúc đó rất rối ren. Hạnh khóc lóc suốt ngày và chẳng quan tâm tới việc ra
nước ngoài cùng cha mẹ. Ngày đi gần kề, vợ chồng Ba Móc đành bó tay, chấp nhận
đứng ra tổ chức lễ cưới cho con gái. Chuyến bay qua đất Mỹ, ông cương quyết không
cho Tùng đưa tiễn để bày tỏ thái độ bất mãn. Ba năm sau, Hạnh sinh được đứa con
trai, lòng ông cũng nguôi ngoai. Tính toán cặn kẽ, thời gian sau ông về để bàn
bạc một việc quan trọng với vợ chồng Hạnh. Trước đây, vì Hạnh thiếu hồ sơ bổ
sung và chương trình định cư tại Mỹ triển khai chậm, nên khi gọi phỏng vấn thì
Hạnh đã qua tuổi qui định. Nay ông định tiến hành thủ tục tái phỏng vấn cho con
gái và cháu ngoại sang Mỹ đoàn tụ, hứa hẹn trong tương lại khi Hạnh nhập quốc
tịch sẽ bảo lãnh chống sang theo. Thời gian có lẽ là 5 năm hoặc kéo dài tới… 10
năm không chừng! Chẳng cần suy nghĩ, Tùng trả lời ngay: “Con không cản việc ba
rước con gái ba đi, nếu Hạnh đồng ý thì con cũng chấp nhận. Nhưng ba không được
kéo theo cháu ngoại ba, tức là con ruột của con, nó được làm khai sinh hợp
pháp, đàng hoàng mà ba!”. Còn nước còn tát, ông biểu con gái cố gắng thuyết
phục thằng chồng cứng đầu, dám chịu cảnh… gà trống cô đơn. Hy vọng sớm lụi tàn
bởi ba ngày sau Hạnh cho kết quả: “Ba ơi, vợ chồng con thương nhau, giờ phải tan
đàn xẻ nghé thì… thà chết còn sướng hơn!”. Biêt con gái… phản phé, ông trở về
Mỹ ngay, chất chồng căm giận Tùng, kẻ luôn ngáng đường, phá vỡ những dự tính
của ông từ bước đầu. Bây giờ, nhờ chịu khó làm ăn nên kinh tế gia đình vợ chồng
nó khá vững, có vẻ biết điều hơn, Tuy nhiên, trong con mắt chủ quan của ông thì
thằng rể “đâm xuồng bể” này hình như hơi tự mãn, không trọng thị, thậm chí muốn
chờ có dịp để bỡn cợt ông, để trả đũa quá khứ! Thôi được, hãy đợi đấy con ạ…
Mày sẽ biết cơn phẫn nộ của Ba Mo-rờ này!
… Suốt hai tuần lễ, ông Ba Móc
chưa có một ngày vui trọn vẹn trong không khí gia đình. Sáng sớm nhà đã vắng
hoe. Hạnh ra sạp hàng vải, Tùng đưa con tới trường rồi lại thẳng xưởng cưa làm
việc, khi rỗi thì giúp vợ trông hàng, mua bán. Thấy chúng bận bịu, ông tự
nguyện ăn ngoài và thăm thú nơi này nơi nọ tùy thích, tối về nựng nịu cháu
ngoại một lúc rồi… ngủ. Ông cảm thấy mất tự nhiên lẫn chán ngán khi phải tiếp
xúc với Tùng, sự miễn cưỡng, gượng gạo giữa hai bố con khó che giấu. Như mọi
khi, ông nằm chập chờn tới hơn 8 giờ tối thì tỉnh hẳn khi nghe tiếng Tùng trách
vợ:
- Năm rồi bà Tư Giỏi lấy vải
về chợ xã bán, nợ nần của mình gần chục triệu bạc, trả dần mòn tới giờ chưa
xong. Trưa này, em nghe bả nói ngon ngọt lại giao thêm cho số quần áo may sẵn
gần năm triệu nữa. Đúng là dại dột, giao trứng cha ác!
Giọng Hạnh phân trần:
- Bà Tư người đàng hoàng, nợ
cũ trả lần hồi gần hết rồi…, tội nghiệp bả ít vốn liếng, mình làm chút ơn…
- Chẳng ai ơn ai, nghĩa ai cả!
Mai em xuống xã tìm bà Giỏi thu hồi lại hàng…
Bỗng dưng Hạnh nói với vẻ
giận:
- Sống trên đời phải biết ơn
nghĩa chứ! Chỉ có anh vô tâm, ích kỷ thôi. Cần thì em lấy tiền riêng bù vô cũng
được!
Tiếng đập bàn làm ông Ba giật
mình. Tùng lớn tiếng:
- Em ám chỉ anh chuyện gì? Vợ
chồng mà em bình thản nói chuyện tiền riêng, tiền chung quá dễ dàng, thật là
khó nghe. Em ỷ lại vào đâu?
- Anh đừng bắt bẻ, kiếm chuyện
với tôi. Tôi dám từ bỏ cái mà nhiều người mong muốn là được ra nước ngoài, ở
lại để sống cùng anh cả chục năm nay, chưa vừa ý sao? Thời gian ba tôi về đây,
anh đối xử lạnh nhạt thì có đúng bổn phận con rể không?
- Không có lửa thì sao có
khói! Từ xưa “ổng” đã khinh tôi nghèo nên không chấp nhận, chừng gạo thành cơm
rồi còn muốn tìm cách bắt con, bắt cháu đi, có bất công, tàn nhẫn với tôi
không?
- Quan trọng là tôi một lòng
cùng chồng con, anh phải hiểu chứ! Sao tự mặc cảm rồi dằn vặt vợ con. Biết vậy…
Một
phút yên lặng, tiếng ly vỡ và giọng Tùng hậm hực quát tháo:
- Biết vậy thì cô đã sang Mỹ
để làm… tôi mọi người ta hòng kiếm nhiều tiến, rồi về nước giở thói khoe mẽ,
hợm hĩnh. Tôi không nói nữa, cô suy nghĩ lại đi… Chưa chắc ai khen ngợi mình
đâu!
Cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng
đột ngột chấm dứt. Ông Ba nghe cơn giận nghẹn ứ ở cổ, vừa thương con gái vừa
thương mình bị thằng rể nói cạnh khóe, sĩ nhục. Tình trạng này biết giải quyết
thế nào đây?
… Đội nón nỉ sùm sụp, mắt kính
đen ngòm, áo khoác kín cổ, trông ông Ba Móc như một thám tử tư. Quán cà phê
ngoại ô vắng khách, đối diện ông là gã chạy xe ôm bậm trợn, tay đầy hình xăm.
Ông thở dài:
- Tôi muốn mấy chú dằn mặt nó
cho biết lễ độ… Đánh vừa phải thôi, chủ yếu gây khủng hoảng sợ hãi càng nhiều
càng tốt. Tiền bạc không thành vấn đề, đánh bầm dập mà không… gãy xương thì
thưởng thêm!
Gã thanh niên đưa nắm đấm lên,
tự tin:
- Ông yên chí! Tôi gọi thằng A
Bu cùng đi là ăn chắc. Thằng ông cần… chăm sóc tên gì?
Đưa tấm hình cho “đối tác”
nhận diện, ông Ba nói nhanh:
- Nó tên Tùng, làm ở xưởng
cưa… Khoảng 3 giờ chiều nó về ngang khu phố 1. Mà… A Bu là thằng nào? Người
nước ngoài hả? Tôi không ưa hợp tác cùng… khủng bố nghen!
- Không đâu… bố già! Thằng đó
có nghề tẩm quất thâm niên, hợp đồng “đầm nện” có giá biểu theo thời gian đối
tượng… nằm nhà thương mà!
Ngại ngồi lâu, ông Ba len lén
chìa xấp tiền trong gói giấy báo ra. Gã xe ôm cho vào túi quần, ra cửa còn
ngoái lại cười cười:
- Bố cho biết nó tội gì để đưa
vô… khung xử! Tội phổng tay trên bồ nhí chắc?
Mím chặt môi, ông Ba thì thầm:
- Nó dụ dỗ… con gái tôi!
Trên đường về nhà, ông đôi lúc
thảng thốt, toát mồ hôi về cuộc giao tiếp vừa rồi, hậu quả thì ông chẳng dám
nghĩ đến. Tên đã rời cung, chẳng còn cách nào xóa bỏ cái thỏa hiệp đen tối ấy
được. Trong sự căng thẳng, ông Việt kiều nóng tính lẩm bẩm: “Cho nó biết điều
một chút, thằng chồng “sọc dưa” của… con gái mình!”.
… Gã xe ôm và tên A Bu thực
hiện “hợp đồng” hơi quá đà. Ông Ba Móc hốt hoảng khi Hạnh từ bệnh viện thút
thít gọi về báo tin chồng vô cớ bị côn đồ tấn công mang thương tích khá nặng.
Vô coi tình hình ra sao, thấy thằng rể bèo nhèo, tay quấn băng trắng toát, mặt
mày sưng húp lốm đốm vết máu, đã vậy còn ráng hé con mắt bầm xanh nhìn chăm
chăm mình; tự dưng ông hơi chột dạ. Điều khiến ông thót tim là sau vài giờ, công
an phường đã truy xét, tóm được gã xe ôm đánh người. Trông cảnh con gái mắt đỏ
hoe ngồi bón cho Tùng từng muỗng sữa, đứa cháu ngoại thì buồn hiu, vuốt ve xoa
bóp vai cha; lòng ông Ba rối bời, mơ hồ mình đã sai lầm trong cách giải quyết.
Ba ngày sau Tùng ra viện, vừa lúc tên A Bu liệu trốn không thoát cũng ra đầu
thú. Miệng hùm gan sứa, chúng khai ra tất tật nguyên nhân hành hung Tùng là do
có người thuê mướn. Nghe con gái cho hay Tùng có ý định gởi đơn đến cơ quan
điều tra nhờ làm rõ sự việc và sau đó sẽ chính thức khởi kiện. Ông Ba bần thần
lo sốt vó: “Chỉ là vấn đề thời gian, có thể nó biết ai chủ mưu rồi. Phen này
mình còn dám nhìn mặt ai, chết chắc!”…
Sau một đêm trằn trọc, ông tới
nhà dì Út nhờ kêu Hạnh tới và ngượng ngùng nói thật diễn biến câu chuyện. Hai
dì cháu bàng hoàng nhìn nhau. Hạnh xót xa ngó ngang cha:
- Ba thiệt… bất nhơn! Chồng
con đụng đâu nói đó có khi sái quấy, nhưng đâu đến nổi ba phải mạnh tay? Gia
đình nào mà không thỉnh thoảng rầy rà, lục đục, từ từ cũng yên. Lỡ hai thằng âm
binh đó đánh ảnh… chết thì con góa bụa, cháu ngoại ba mồ côi cha, liệu ba thanh
thản tới già được không? Không biết vì sao ảnh chần chừ chưa chịu phát đơn
kiện, chừng đó ba ráng mà… ở tù cho tốt, chắc chừng sáu tháng thôi, đâu có lâu
phải hông ba?
Ông Ba ngỡ ngàng trước nhận
xét của con gái mình và chợt nhận ra rằng vợ chồng nó chung sống mặn nồng cả
chục năm trời, vượt qua bao trở ngại, mâu thuẩn mới có hạnh phúc hôm nay. Đành
rằng có lúc mây đen che phủ, nhưng rồi sẽ sớm tan biến bởi tình thương, bổn phận
gia đình. Ông không sâu sát, độ lượng, hóa giải bất đồng mà cứ khăng khăng
thành kiến nặng nề về con rể mới ra cớ sự này. Cha vợ thuê côn đồ đánh con rể,
chuyện lạ có thật. Suy nghĩ hồi lâu, dì Út chậm rãi nói:
- Chuyện anh Ba làm vừa rồi là
trật, tất cả chỉ vì thương con tới mức hành động thiếu cân nhắc. Nhưng con Hạnh
không nên nặng lời với cha. Tánh thằng Tùng tự trọng cao, anh thì… xin lỗi… độc
đoán quá! Chín phần mười thằng Tùng biết ai tổ chức đánh nó mà sao còn do dự,
kiêng dè không làm tới? Em dàn xếp được. Tạm thời anh với cháu Hạnh lánh mặt,
em điện Tùng về để nói hết, chuyện cũ bỏ qua.. Tùng chịu nghe lời thì cha con
anh ra gặp, ráng xoa dịu nỗi ấm ức của nó, coi vậy không khó đâu. Em tính vậy
được không anh Ba Mo-rờ?
Vẻ mặt Hạnh trông bớt ủ rũ.
Còn ông Việt kiều lúc này mới ngẩng đầu lên, tâm trạng đầy phức tạp, lo âu, mãi
lâu mới nói được một câu:
- Tôi có lỗi can thiệp quá sâu
vào đời sống riêng tư con cái, dì Út nói khéo giúp anh. Thật ra anh chỉ bực
thằng Tùng bướng bỉnh và lo con Hạnh bị ăn hiếp nên cạn nghĩ. À… dì cứ gọi
thẳng anh là Ba Móc, chứ Mo-rờ. Mo-rẫm gì cái tên lai căng đó!
Hai dì cháu cùng cười, nụ cười
chưa trọn, nhưng lan tỏa chút ấm áp, hy vọng vào điều tốt đẹp trong mái gia
đình ngày mai, ngày sau…
Nguyễn
Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét