Mỗi lần có dịp đi xa, thời gian ngồi trên xe khách tôi hay nhìn qua
khung cửa quan sát các bảng hiệu hàng quán để tạm quên quãng đường dài. Chuyện
nhỏ này cũng lắm điều thú vị. Hiệu giò chả thường là Ngọc Hương, Kin Hương,
Thanh Hương…, buôn bán nữ trang thì chọn Kim Tùng, Kim Mỹ, Kim Ngân…, làm đẹp
cho phụ nữ có chú Thoòng, chú Cỏn, chú Phò…, sửa xe lại khoái lấy tên A Lỳ, A
Bảo, A Cáo… Hàng ăn uống thích tạo thương hiệu riêng bằng tên hoặc biệt hiệu
chủ nhân, đặt là Ông Mập. Ông Ốm, Ba Cô, Năm Ngù…
Buồn cười hơn khi gặp những
quán nhậu gây ấn tượng tức thì, ví dụ như Sống Trên Đời, Chính Nó, Nè, Bảy Món,
Vào Đây Ngay… kèm hình vẽ cái thủ cấp chó nhe răng trừng trợn hay nguệch ngoạc
cái đầu dê với chòm râu khiêu khích do một cây cọ vườn nào đó ngẫu hứng thực
hiện. Đối với tôi thì những tên hàng quán bình dân là lạ dễ tạo sự chú ý và nằm
vùng lâu hơn trong trí nhớ…
Tối nọ, tôi cùng hai bạn thân Tuấn và Tùng ngồi xem trận bóng đá tới
gần mười giờ mới chấm dứt. Chuyện phiếm thêm một lúc, Tuấn nổi hứng rủ đi quán
dê nướng Trần Ai ở giáp hạt lai rai vài xị. Tuy biết chữ giáp hạt có nghĩa là
vùng đất phân ranh giữa các địa phương, nhưng quán mang cái tên có vẻ khinh bạc
này thì tôi chưa đến bao giờ. Và tôi tán thành bởi Tuấn gợi ý: “Ông chủ quán
quen mình, nghe nói biết rất nhiều việc lạ lùng từng xảy ra ở nơi ấy mấy chục
năm về trước, giá như tìm hiểu được thì hay lắm…”. Chung sự tò mò, ba đứa hai
xe tà tà vượt đường xa hơn mười cây số tới một ngã ba. Đường vắng, Tùng kể cho
nghe địa danh “Cây me thắt cổ” gần đó. Người ta đồn rằng, từ lâu lắm sau khi có
người thất tình, thất chí treo cổ trên cây me, oan hồn không siêu thoát nên đến
khuya hay hiện hình, vật vờ kêu khóc. Cây me giờ chẳng còn, chuyện huyễn hoặc
tôi không tin, nhưng bóng đêm luôn làm mình yếu đưối, sợ hãi vu vơ. Rẽ vào lộ
đất nhỏ nhiều lùm bụi, hai bên là ruộng lúa, ao bưng, nhà cửa khá thưa thớt…
dẫn đến gian nhà lợp lá, cất kiểu nông thôn. Bên rào dựng tấm bảng sơn trắng
xiên xẹo dòng chữ màu đỏ “Dê nướng Trần Ai”, đúng lời Tuấn giới thiệu. Một ngọn
đèn măng-xông treo trước sân, độ mươi người khách đang gù gật tính tiền, loạng
choạng kéo nhau về. Quán nhậu làng xã buổi tối thường chỉ có khách vãng lai vài
chập là tan. Chúng tôi vào gặp lúc chú Năm chủ quán đang thắp nhang cho ba bàn
thờ gian giữa, không gian âm u, leo lét ánh sáng vàng vọt của mấy ngọn đèn dầu
nhỏ gợi nhớ mênh mang. Đợi chú làm xong phần việc thiêng liêng trên, chúng tôi
mới cùng ngồi vào cái bàn nhỏ đặt gần gốc khế già cỗi. Lần lượt mấy dĩa mồi
nhậu được cô cháu gái ông chủ mang ra. Quan sát chú Năm tuổi trên bảy mươi, gầy
gò, mái tóc trắng dài cùng đôi mắt già lúc ủ rũ, khi linh hoạt, tôi cảm nhận
trong ông có lẽ chất chứa khá nhiều uẩn khúc, buồn vui cuộc đời mà ít thố lộ.
Chú nhiệt tình mời mọc:
- Chú Tuấn chiêu đãi các bạn cho xôm lên nghen! Sườn, thịt nây bụng,
tôi ướp nướng đặc biệt dành cho khách quen. Có dĩa cua gạch xào chua phụ họa
thêm cho đỡ ngán. Cứ ăn thiệt tình. Rượu ngâm chuối hột đường phèn loại cốt,
uống vô bảo đảm sáng dậy không nhức đầu… Nào… vô… vô!
Không khí bỡ ngỡ ban đầu sớm được xua tan qua cuộc trò chuyện lan
man đủ thứ đề tài, thường chỉ nghe được trong bàn rượu, có thể là lúc mỗi người
chợt cảm thấy trống vắng và cần chia sẻ, cảm thông. Tôi cũng hào hứng tham gia,
nhắc lại các mẩu chuyện mà ba tôi từng tham dự hoặc chứng kiến, thời đánh Tây
sau trận Cầu Nổi tản cư qua miệt biển Lý Nhơn, Đồng Hòa. Hào hùng, bi thương,
oan khuất có đủ, nhưng xuyên suốt vẫn là ý niệm đối trọng giữa thiện và ác. Hai
bạn tôi lừ lừ đốt thuốc lắng nghe, nhấm nháp ly rượu, thỉnh thoảng góp lời.
Trời về khuya, ánh sao dày đặc trên nền trời đen trông như cái bát úp thủng chi
chít. Chú Năm đứng lên vào nhà thắp thêm tuần nhang, trở ra bảo chúng tôi cùng
cụng ly rồi khàn khàn lên tiếng:
- Tôi cảm ơn chú Tuấn đưa các bạn tới đây và vì quán tôi cũng sắp
dời đi, nên nhân dịp này kể cho nghe một câu chuyện thật về nhân quả hay báo
ứng gì đó. Bao nhiêu năm nay, chuyện lạ lùng này nó cứ luẩn quẩn, ám ảnh trong
tâm trí tôi hoài mà khó giải thích được. Mấy chú uống cầm chừng, đừng ngại trời
khuya và xin chớ ngắt lời tôi…
Từ giờ phút này, ba đứa chúng tôi chỉ im lặng đưa mắt cho nhau cùng
hiểu ngầm là đã may mắn khơi đúng mạch nỗi sầu tư chất chứa trong lòng ông chủ
quán dê nướng Trần Ai. Chú Năm hơi cúi đầu nhìn xuống, giọng đều đều, âm ỉ hòa
tiếng côn trùng rả rích, tiếng gió lạnh lẽo lướt qua khu vườn…
…Khoảng năm 1955 hay 1956, xóm làng này nhà cửa còn hẻo lắm, chỉ
trong miệt vườn thì đông đông một chút. Dân phần nhiều là nghèo, sống cơ cực
với miếng ruộng, cây dừa, chăm bẵm làm sao cho đủ ăn là mừng. Khổ nhứt hạng là
cái đồn lính Bảo an đoàn chưa đầy hai chục mạng mà nó hành người ta quá trời.
Suốt ngày chúng quẩn quanh dòm ngó, chọc gái, kiếm chác nhậu nhẹt. Ai cũng rủa
thầm đám ôn hoàng dịch tễ này. Lúc ấy tôi chừng mười hai, mười ba tuổi, giống
như bà con là rất có ác cảm với thằng cha Ba Đởm phó đồn. Hắn to khỏe, cỡ ba
mươi tuổi, tính tình cục cằn, tham lam và ác. Vợ hắn bị hành hạ, dằn vặt tới
nỗi trốn biệt xứ, bỏ đứa con gái chín tuổi lại. Con nhỏ tên Hoa, thui thủi một
mình trong nhà thấy cũng tội nghiệp, nhưng đám trẻ trong xóm biệt đời không cho
lân la chơi chung. Tôi còn nhớ lần nấp bên rào nhìn nó ngồi bệt dưới sân, lấy đất
nắn vài hình người với vẻ say mê, đem phơi nắng một lúc rồi đặt nằm thành hàng.
Biết nó làm gì không? Cầm con dao găm của cha, nó đâm, chặt những hình người
làm đôi mà môi thì mím lại, nghe hình như có tiếng rít trong họng. Tôi sợ, thật
sự sợ con nhỏ. Nghe truyền miệng, cha nó trước khi đổi về đây đã khét tiếng “ba
ngày không thấy máu, không ăn cơm” ở Tam Bình. Ba Đởm đóng đồn vùng giáp hạt
hai năm mà rất nhiều chuyện thương tâm xảy ra, nhưng tôi chỉ nhớ hai vụ. Vụ
cướp nhà bà Cả Trọng đầu rạch Quao, một giờ sáng làng xóm đánh mõ, dộng thùng
thiếc vang trời chẳng thấy làng lính nào tới tiếp cứu. Tội nghiệp bà Cả Trọng
già nua, đơn chiếc bị trói, đánh khảo chết ngất, máu me ướt mặt, chỗ giấu tiền
trống trơn. Trong đồn bung ra lùng sục một buổi rồi thôi, đổ cho bọn cướp ở bên
cồn qua. Nói có đầu có đuôi, chiều hôm kia con trai bà Cả làm nghề ruộng muối ở
Lý Nhơn về giỗ cha, sẵn gởi mẹ số tiền khá lớn dự tính tháng nười sửa nhà với
mua cái thọ dưỡng sanh, nào ngờ khuya sau xảy ra cớ sự đau lòng. Sau này, người
ta thì thào với nhau rằng lúc rời nhà ra bến đò, anh con trai bị lính Ba Đởm
bắt về đồn lấy cung vì “tình nghi liên lạc phía bên kia”. Bị đánh mấy báng
súng, anh nói thiệt tình cảnh với tên phó đồn và gởi mớ tiền “nhẩm xà” mới được
tha. Bà Cả may còn sống, nhưng lơ láo thất thần, hai tháng sau thì thổ huyết chết.
Dư luận lén xầm xì rằng còn ai dám vô đây ăn cướp?...
Ngừng một lúc như để sự nặng nề lắng xuống, chú Năm mời tiếp vòng
rượu rồi trầm ngâm thở dài:
- Vụ thứ hai cách khoảng một năm, tôi nhớ rõ vào giữa trưa tết Đoan
ngọ vì đang phụ má tôi soạn bánh cúng. Nghe tiếng la làng, tôi chạy theo mọi
người vô tuốt vườn dừa ấp Kinh Một. Thiệt táng tận lương tâm, cầm thú không
bằng! Chị Hài con dâu bác Năm Thơ bị cưỡng hiếp, bóp cổ chết nằm trên bờ mương,
nửa thân lỏa lồ vắt nửa trên nửa dưới. Nhẫn tâm hơn là nghe bà con nói chị ấy
đang mang bầu ba tháng. Cảnh sát quận có xuống làm ăng-kết điều tra, ban đầu dè
dặt đặt nghi vấn Ba Đởm vì ngay trưa đó hắn nhậu chỉ xa nơi chị Hài chết ba dây
ruộng và đường về đồn nhất thiết phải qua chỗ chị móc dừa khô rớt mương. Hồi trước
hắn si mê chị Hài, òn ỉ xin cưới nhưng cha mẹ chị lần lựa né tránh, sau lén gả
chị cho nhà quen biết, đàng hoàng. Chuyện tưởng đã yên, ngặt cái tên hung thần
ác sát này thù dai đến độ điên cuồng, vì dục vọng không thỏa mãn nên… hiếp,
giết chị chăng? Tới lui cả tuần không ra chứng cớ, tụi cảnh sát chấm dứt cuộc
điều tra bằng chầu nhậu rôm rả tại đồn. Sau đó có người tình cờ nghe Ba Đởm
nhừa nhựa trong cơn say: “Một phát hai mạng cho cả dòng cả họ nó khóc hận tới
ngày xuống lỗ!”. Ôi… Chẳng hiểu sao trời đất lại sinh ra hạng hình người lòng
thú như tên súc sinh này?…
Chỉ tay ra phía tây con đường, ông chủ quán nói rành mạch:
- Nền nhà cũ Ba Đởm chỗ đó, năm bảy mươi chủ đất cho san phẳng cấy
lúa, còn một gốc cây ô môi. Gò mả thì không xa mấy, thân nhân lấy cốt gần hết,
chỉ sót vài cái mả lạng cầm cự ít năm rồi cũng trâu nằm, heo ủi ráo! Giờ chắc
hơn nửa đêm, chú nào còn sức thì nhâm nhi chơi, bằng không uống trà nghe tôi kể
để mà thấm thía chuyện trả vay nghiệt ngã này…
Tuấn xua xua khói thuốc trước mặt, tôi tưởng chừng anh đang khuấy
động bóng tối cùng sự nghẹn uất chuyện vừa nghe. Tùng rót ly rượu mời chú Năm,
thấp giọng:
- Những u uất trong lòng người sống, nếu nói ra được cũng là cách
làm vơi nhẹ và biết đâu nỗi oan khiên của người chết nhân đó mà tiêu tan, siêu
thoát…
Ngửa cổ trút cạn ly, chú nhếch môi cười khó hiểu, nếp nhăn trên trán
như giãn ra:
- Ờ… số phận, cứ cho là như vậy sẽ thanh thản hơn phải không? Có
điều tôi suy nghĩ khác nên cái tâm mới khổ!
Tôi xoay người tựa lưng vào thân cây khế lắng nghe những lời ông chủ
quán trầm tư nghiền ngẫm nỗi thống khổ, áp bức kêu chẳng thấu trời cách nay hơn
năm mươi năm của người dân quê chơn chất, ngay trên mảnh đất ruột rà. Chú Năm
ngó đăm đăm vào âm u bóng tối, nghiêng nghiêng đầu tựa hồ lắng nghe âm thanh
huyền ảo của đêm về sáng. Chuyện kể khiến lòng tôi se thắt, miệng khô váng vất,
không dám hỏi thêm điều gì nửa. Tuấn và Tùng cũng tay chống cằm, chắc khó mà
hình dung ra cảnh tượng gớm ghiếc vừa nghe. Rít một hơi thuốc, chú Năm nói
tiếp:
- Tôi bị gọi làm giấy lược giải cá nhân, có nghĩa là sắp bị bắt
lính. Cha tôi vét bồ bán ba chục giạ lúa hối lộ tụi lính gác bến đò Vàm Giồng
để đưa tôi trốn lên Sài Gòn. Hơn một năm sau, ông chủ chành gạo người Tiều chỗ
tôi làm đúng là quới nhơn. Ổng thương, chạy cho cái giấy hoãn dịch giả mà như
thiệt, đỡ khổ. Đầu năm sau nữa, tôi về lại đây mới biết thêm nhiều việc trong
thời gian ở Sài Gòn. Trời bất dung gian, Ba Đởm bị ai đó ra tay bắn hai phát
đạn, một vào chân, một bể hàm. Hắn ra lính khoảng năm một chín sáu ba, năm tôi
về. Mất chức, hết quyền, chẳng ai thèm dính líu, nói chi giúp đỡ làm ăn. Hắn tự
biết thân, chìu lòn, chỉ chọc để ăn nhậu chực và dựa thế phần nào. Quên, con
gái hắn trổ mã dậy thì, trắng đẹp giống mẹ, có điều trông ngu ngơ, đồng bóng.
Mấy nhà hàng xóm quả quyết rằng mỗi lúc Ba Đởm nhậu say về là… ngủ cùng con gái
ruột, quả là tâm cuồng trí loạn! Cái ác khi đã ăn sâu trong máu thì chuyện gì
mà nó không dám làm, kể cả đối với người ruột thịt. Chưa hết đâu, thằng đệ tử
của tay phó đồn mới khoái con Hoa, cầm lựu đạn tới đòi Ba Đởm phải gả cho nó
làm vợ bé. Bị áp lực và cô thế, hắn đành nuốt hận chấp nhận, Ba cặp vịt “xin”
của dân làm tiệc nhậu tới nửa đêm là xong lễ đón vợ về đồn. Mờ sáng, chó sủa
dậy làng vì thằng “rể” Ba Đởm lôi con Hoa tới trả, hậm hực đòi bồi thường tiền
tiệc nhậu. Nguyên do là trong đêm động phòng, con Hoa phát điên xé quần áo, gào
khóc van lạy tứ phía khiến bọn lính vừa bực vừa sợ. Nhìn con Hoa mà tôi hụt
hẫng, xót thương cho một đời con gái sao quá nhiều bất hạnh. Tóc rối bù, mắt
long sòng sọc vô cảm, lưỡi thì thè ra thụt vô như rắn đóp mồi. Có lúc nó lăn ra
đất quẫy đạp, giãy giụa, chắp tay trước ngực xá lia xá lịa như sắp bị ai đó ăn
tươi nuốt sống. Cho cơm, nó đổ xuống đất rồi gục mặt, há miệng lè lưỡi nuốt
miếng được miếng đổ, ai thấy cũng lắc đầu bất nhẫn. Người thì cho là báo ứng
nhỡn tiền, người bảo tội nghiệt ai làm nấy chịu mới công bằng, chớ con nhỏ có
hại ai đâu. Tôi chịu ý sau, nhưng không nói ra vì ý trước được nhiều người ủng
hộ hơn. Ba Đởm với bộ dạng đen đúa, chân khập khiễng, miệng méo xệch rì rầm kéo
con gái cột chân ở góc nhà. Cuối năm đó hắn càng tuột dốc thảm hại bởi người ta
dựa thân thế trình bằng khoán lên quận để đòi đất, đuổi nhà. Cha con Ba Đởm cất
cái chòi lá gần gò mả, lủi thủi sống xa mọi người. Hắn giăng câu bắt cá bán, có
tiền ngoài việc đổ vô rượu, còn thì mua nhang tối đốt lập lòe trên những ngôi
mộ, trong đó có mộ của bà Cả Trọng và chị Hài…
Con Hoa thì cả ngày lang thang bờ bãi đầu trên xóm dưới, bà con cám
cảnh thương cho ăn cho uống. Tới khuya nó về ngủ cạnh các ngôi mộ, trơ trụi
lạnh lẽo. Có lần đi soi ếch, tôi thấy Ba Đởm trần trụi nằm ôm con gái khóc mùi,
tiếng khóc đàn ông trong đêm nghe rờn rợn, khó nhận ra đó là nỗi bi thương của
kẻ một thời gây sợ hãi, tang tóc cho mọi người!
…Ác giả ác báo! Hắn chết đúng sớm ngày tết Đoan ngọ mùng năm tháng
năm, trùng ngày giỗ chị Hài, con dâu bác Năm Thơ. Khuya, ghe chở lá lợp nhà
ngang cầu Sắt thấy xác hắn nằm sấp trên hai ngọn tầm vông xiên thủng ngực,
bụng, đầu gục thõng xuống gần mặt nước, hai chân quấn trong mớ kẽm gai bùng
nhùng của bà con giăng chận lục bình. Phỏng đoán chung là Ba Đởm nhậu say về
qua cầu té xuống ngọn tầm vông. Những người tinh tế lại có nhận xét khoảng cách
từ cầu tới chỗ xác hắn khá xa, cho dù cố tình nhảy cũng không thể tới được. Rõ
ràng thi thể hắn tựa như bị một sức mạnh kỳ bí nào đó nâng lên cao để rồi ép ấn
xiên vào hai ngọn tầm vông nhọn. Không giải thích được thì thôi, bà con lấy dây
thừng cột dong xác Ba Đởm theo đường sông tới ngọn vàm, đào cho cái huyệt, bó
chiếu, lấp đất, coi như trục xuất vĩnh viễn hắn ra khỏi đất giáp hạt này. Con
Hoa theo coi từ đầu tới cuối, nó cười ngặt nghẽo suốt mà nước mắt nước mũi ràn
rụa. Chôn Ba Đởm xong, ba ngày sau con gái hắn bỗng dưng biến mất, cả làng xã
chẳng ai biết đi đâu? Cho tới giờ tôi vẫn không quên nét mặt thơ ngây của con
Hoa ngày còn nhỏ, đối chọi với hình ảnh cô gái điên chịu đọa đày tinh thần,
thân xác quá nhiều. Tội lỗi này thuộc về ai đây? Có lẽ cái hữu hình và vô hình
có mối liên quan nhân quả báo ứng chăng?...
Tôi hơi chóng mặt, tâm trí mơ hồ, nghe vẳng tiếng gà gáy xa xa. Chú
Năm vuốt vuốt mái tóc bạc trắng, khoát tay đứng lên ra ý chấm dứt câu
chuyện:
- Hai giờ sáng rồi, mấy chú muốn ở hoặc về lúc nào thì tùy, tôi mệt
vào nghỉ trước. Bàn nhậu này là duyên may gặp, nhất định phải để cho tôi được
mời. Ờ… chuyện kể rồi thuộc về quá khứ, tôi mong đừng ai có ý nghĩ sâu nặng hay
bình phẩm khe khắt người trong cuộc. Tất cả chỉ là nghiệp chướng vay trả mà
thôi!
…Hơn tháng sau, rỗi việc, tôi cùng Tuấn và Tùng trở lên quán dê
nướng Trần Ai thì nơi ấy chỉ còn nền đất, trơ trọi cây khế già. Hỏi người sống
gần đó, họ cho biết chú Năm cùng cô cháu gái đã dọn đi hai tuần trước, về đâu
thì chú không nói. Chuyện kể này thực hư tôi chẳng muốn tìm hiểu thêm làm chi,
bởi một đêm như thế trên vùng đất này đủ làm tôi trăn trở, khắc khoải về sự
sống, cái chết cùng số phận mỗi con người!
Nguyễn Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét