Thói quen của
chú Tư Cao là uống cà phê lúc 5 giờ sáng, mà nhất thiết phải ở quán cô Năm Dung.
Nói đúng ra chú là khách quen của quán ấy từ lúc chồng cô còn sống, tức là cách
đây hơn ba năm. Dạo đó lò bún, hủ tiếu của chú còn lụp xụp chớ đâu được như bây
giờ, cơ ngơi phát triển gấp ba lần, nhân công gần hai chục người, thêm chuồng
nuôi heo quy mô cất ở mé sông. Sớm nay, vào quán chú hơi khựng lại vì cái bàn
thân thương sát quầy là nơi hầu như chỉ dành riêng cho chú, đã có kẻ ngồi. Chú
Tư hậm hực qua bàn đối diện và lặng lẽ quan sát kẻ… không biết điều. Gã thanh
niên để ria mép, công nhận là hơi điển trai, rít thuốc và nheo mắt vẻ cười cợt
với… chú. Cô Năm Dung mặc bộ đồ mỏng màu hồng bước ra cười tươi tắn:
- Chú Tư uống gì?
Nhịp tay lên bàn, chú Tư nói tiếng một:
- Cô cho tôi một
cái như thường lệ, với gói con mèo!
Gã thanh niên liếc
mắt lên trần nhà, nói trổng:
- Một “cái” là
chi vậy ta? Ăn nói trật chìa!
Quán vắng, nhìn
sức vóc kẻ gây hấn cao to đầy đe dọa, chú nuốt giận:
- Cà phê sữa!
Bưng ly cà phê
ra, cô Năm Dung kéo ghế ngồi sát chú, cười ỏn ẻn:
- Người đồng hương với em đó chú Tư!
- Mới nhìn đồng hương hay từ hồi tối này vậy
cô?
- Chú cứ nói giỡn
em hoài!
Đến lúc này chú
mới nổi chút tự ái, sửa lại thế ngồi:
- Không giận cô đâu! Em út tôi nhiều lắm và tôi
lại có tiền, bỏ ra vài triệu bạc để làm bầm dập ai đó dám xúc phạm tới tôi thì
không khó. Cô nhắm tôi làm được hông nè?
Chụp lấy cánh
tay xương xẩu của ông khách quý, cô chủ quán mơn trớn:
- Chú Tư thương em bỏ qua giùm…
Năm cái móng tay
sơn đỏ quàu quàu nhẹ làm lòng chú dịu ngay:
- Là nói chơi
thôi chớ có thằng khùng nào mà hổng… thương em!
Gã thanh niên nhổ
bãi nước bọt vô vách, móc tiền để lên bàn rồi bước nhanh ra cửa. Chú Tư
Cao nghiêng sát
mặt cô Năm Dung:
- Hắn tên gì? Nói cho tôi ghi sổ…
- Dạ… tên Hưng,
mà sao giải thích rồi cứ thắc mắc hoài. Anh ấy tới thăm thấy quán em xập xệ nên
tính giúp đỡ…
Đưa bàn tay mang
cập khâu vàng chóe sát mặt vô Năm Dung, chú Tư cười khà:
- Cỡ nó mấy lăm hơi mà giúp… Hỏi thiệt em cần
bao nhiêu?
- Dạ… nếu chú
thương em thì…
Chú Tư Cao trợn
mắt:
- Từ giờ phút
này… đừng kêu anh bằng chú!
- Dạ… anh có lòng
tốt cho em mượn đỡ chừng… năm chỉ vàng là tạm đủ!
- Rồi em lấy gì…
thế chấp?
Thấy hai người
khách bước vào, cô Năm Dung vội mở to đôi mắt long lanh nhìn chú, giọng ngọt
ngào:
- Bảo đảm bằng… tấm thân em, chịu chưa? Mà chừng
nào có đây?
Vỗ nhẹ vào đùi
cô, chú Tư tỏ ra hào phóng:
- Yên trí! Mà phải
tính lãi suất đặc biệt nghen cưng!
Gật nhẹ đầu cùng
nụ cười hứa hẹn, cô chủ quán đứng lên vào quầy…
… Đã vợ con đùm
đề và lên chức ông nội, ông ngoại nhiều năm nay, nhưng khi có tiền của kha khá
trong tay, chú Tư Cao vẫn theo cái lẽ thường tình đa số là… ham của lạ. Cô Năm
Dung góa chồng, không con, xét về mọi mặt thì hợp với… chú quá chừng. Lúc trước,
thiệt tình chú cũng coi cô như hàng xóm ruột dù ở khác phường. Uống cà phê mỗi
sớm, nghe tâm sự nỉ non riết rồi chú đâm ra cám cảnh để ý đến cô. Bữa nổi cáu với
“người đồng hương” cô chủ quán, chú Tư sẵn đà thả câu, ai dè dính thiệt. Mồi nhữ
bền lâu ư? Chú cũng dám bóp bụng đưa cô năm chỉ vàng hăm bốn cùng quà tặng thêm
là cái đầu đĩa, cặp loa gần ba triệu chớ bộ ít sao? Thiệt ngặt, hôm đưa vàng,
quà cho cô, chú phải lén lút như làm chuyện phi pháp. Giấu đút tiền riêng cho
gái, vợ con biết được thì có mà bị cắt cơm, ra chuồng heo ngủ. Cô Năm Dung vẫn
lặng lờ, đá lông nheo cùng chú, hơn nửa tháng nay chưa được… cơm cháo, nước nôi
gì. Riêng gã thanh niên kình địch có lân la tới quán ba lần, rồi chắc tự xét
mình yếu pin nên tự động rút lui. Vậy cũng ổn và đỡ gai mắt!
Lời hẹn gặp để
trao đổi “một số vấn đề” lúc 10 giờ đêm tại quán cô Năm Dung khiến chú Tư Cao
như bay bổng. May mắn là chú khỏi tìm cớ gì, bởi lúc chiều bỗng dưng vợ chú biểu
con trai út lấy xe chở đi thăm cháu ngoại, tới sáng mai mới về. Trời chiều lòng
người, thời cơ thuận lợi, không bứt dây đánh tuốt còn đợi khi nào?
… Ngồi nhấm nháp
ly bia và chuyện trò thắm thiết với người mình yêu dấu tới hơn 11 giờ khuya,
chú Tư Cao cứ nôn nao trong dạ. Dưới ánh đèn có chụp màu hồng, trông cô Năm
Dung thật hấp dẫn. Bộ đồ ngủ mỏng dính khoe những đường cong tuyệt mỹ của người
góa phụ còn đầy xuân sắc. Chú Tư thấy cô cũng hơi lạ, đáng lẽ thời khắc này phải
gợi ý mặn nồng với chú thì cô lại dè dặt, lễ phép quá mức bình thường. Sốt ruột,
chú vô đề:
- Bữa nay anh…
ngủ đây nghen cưng?
Cô chủ quán bụm
mặt:
- Ý! Đừng nói
chuyện động trời, em là đàn bà…
- Chớ có ai bảo em là con gái nguyên xi đâu?
Cúi xuống, cô bẻn
lẻn:
-“Ông” còn bà vợ
dữ như chằn, em sợ lắm!
Chú Tư Cao đứng
bật dậy, chồm qua bàn xoa xoa bờ vai cô, cao giọng:
- Sợ quái gì?
Anh là… gia trưởng, sống với bả hơn ba chục năm trời đằng đẳng, tới nước này
đã… lợt lẽo lạnh tanh, tình ái khô khan lắm rồi!
Bước vòng qua
bàn, chú dúi đầu vào cổ cô Năm Dung, hơi thở hổn hển:
- Em ơi… cho anh
thương, mai mốt có cần gì…
Cô chủ quán chợt
hất tay người tình hờ ra và trở mặt nghiêm nghị, lớn tiếng:
- Tui hổng ham
tiền đâu, ông già đừng thấy tui đơn chiếc rồi dụ dỗ, ức hiếp. Tui sắp có chồng,
ông hổng về liền… tui la làng nghen. Đồ… già dê, già ó đâm!
Chú Tư Cao còn
đang sững sờ trước tình thế rẽ ngoặt đắng cay thì cửa quán lay động và bật mở.
Vợ chú hùng hổ xông vào túm chặt cổ áo ông chồng, đứa con trai út đứng kề bên mẹ
như sẵn sàng tiếp ứng. Bà nhảy đong đỏng, gào lên:
- Trời ơi! ông đầu
hai thứ tóc còn thay lòng đổi dạ… Uống cà phê kiểu gì nửa đêm lại đóng cửa kín
mít là sao?
- Bà quen tật om
sòm… Tháng này có áp thấp nhiệt đới gió máy nhiều, tôi đề nghị đóng cửa cho ấm,
mắc mớ ai?
- Im! Tui nghe hết
rồi… Ông chê tui già, tui lợt lẽo lạnh tanh, khô khan tình ái nên ông phụ bạc.
Ông là đồ già dịch, già mất nết…
Chú Tư còn đang
phân vân chẳng hiểu mình thuộc loại… già nào, gã thanh niên “đồng hương” với cô
chủ quán đột ngột xuất hiện. Anh ta thân mật an ủi cô Năm Dung đang não nùng thổn
thức:
- Chuyện kết
thúc rồi! anh đã đoán được việc này, tội nghiệp thân góa bụa muốn sống đời trinh
bạch cũng chẳng yên. Đời này… dê già cùng trời!
Ngó cô chủ quán
ngã đầu vào vai “tình địch” như tìm sự chở che, chú Tư giận sôi gan mà không
dám nói hết sự tình:
- Mấy người âm
mưu… gài tôi hử? Lúc trước… lúc trước tôi… cô hứa… hứa…
Giằng co, lôi
kéo chồng tới cửa, thím Tư quay lại vẻ như bối rối:
- Nhờ cậu đây
cho hay và dẫn đường, tui mới biết tâm địa ổng… Chuyện bỏ qua, đừng nói tới nói
lui hổng tốt. Chừng nào hai người tổ chức ra mắt, nhớ… mời tui nghen!
Chú Tư ấm ức muốn
lên tiếng cho hả hơi, bị đứa con trai đẩy nhanh ra ngoài, cằn nhằn:
- Người ta không
làm phiền hà mình… thì thôi, ba còn tính quậy nữa sao? Xấu hổ quá ba ơi!
Âu yếm vuốt tóc
cô chủ quán, gã thanh niên ân cần nói vói theo: - Đường tối, đưa chú Tư đi chầm chậm kẻo vấp ổ
gà đấy… Tội nghiệp, già cả hom hem không
lượng sức mình còn mò mẫm đi đêm làm chi cho cực… Thôi mình vô ngủ em ơi!
Nguyễn Kim
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét