Đã từ lâu, cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến người ta lại truyền
nhau câu đối của Tú Xương:
Thịt mỡ,
dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng
pháo, bánh chưng xanh.
Bây giờ, thời đại đã có nhiều đổi thay cả vật chất lẫn
tinh thần, nên thịt mỡ ít người ăn,
cây nêu thì lác đác còn có ở một vài vùng nông thôn, và nhiều nhất là ở vùng
đồng bào các dân tộc miền núi. Pháo thì tuyệt nhiên không còn nữa, theo lệnh
cấm đốt pháo của Nhà nước. Chỉ còn thịnh hành nhất là bánh chưng xanh và
dưa hành. Hai món đó không thể thiếu được đối với người miền Bắc mỗi khi
Tết đến. Và câu đối mấy năm gần đây mới được phục hồi bằng lối viết thư
pháp. Có câu đối bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, chữ Anh được viết trên
nhiều loại giấy, vải, đủ loại màu sắc, hoa văn theo yêu cầu của người mua.
Câu đối là một thú chơi tao nhã về trí tuệ của nhiều bậc
tao nhân mặc khách. Nó đã đi vào đời sống tinh thần của dân tộc ta từ xưa, trở
thành một loại hình nghệ thuật được thể hiện trong văn chương, điêu khắc, trong
nghi lễ, trang trí. Có người giữ một đôi câu đối như một báu vật trên đời,
hoặc coi đó là của gia bảo. Trước đây trong nhà trường phong kiến, câu đối
là một loại văn học cổ (thể câu đối), được dạy theo lối cử tử. Hình ảnh những Ông
Đồ ngồi viết câu đối để bán trong những phiên chợ Tết đã được nhà thơ Vũ Đình
Liên ghi lại:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Tuỳ theo yêu cầu của người thuê viết mà người “bán”
thứ chữ nghệ thuật này có thể trình bày theo lối “thảo” như rồng bay phượng
múa, hoặc theo lối chữ “triện”, chữ “chân” vuông vức. Song, dù viết theo lối
nào cũng phải đạt được những yêu cầu: hình thức đẹp, đúng luật, và nội
dung câu đố phải có ý sâu sắc, kiểu ý tại ngôn ngoại.
Câu đối phải cô đọng, phải thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của con người mới
hay. Đó là sự nhanh trí, thông minh, sự hiểu biết sâu rộng, lịch lãm, khẩu khí
của người ra vế đối và người đối. Người Việt Nam ta tự hào về những câu đối đi sứ của các quan, các trạng, các nhà
thơ như: Giang Văn Minh, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Quỳnh, Xiển Bột,
Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… Không ai quên được câu đối đanh thép của Giang Văn
Minh khi đi sứ nhà Minh. Vua Minh ra vế đối:
Đồng trụ chí kim đài
thượng lục (Cột đồng trụ đến nay rêu vẫn xanh), thì Giang Văn Minh
dõng dạc đối lại ngay:
Đằng giang tự cổ
huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ). Vế đối đã rất chỉnh
về đối ý, đối lời, đối thanh, đối từ loại, màu sắc nhưng quan trọng hơn cả là nội
dung của vế đối thể hiện được tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống đánh giặc
giữ nước của ông cha ta. Nó còn là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cho những kẻ nào có ý
đồ lăm le xâm lược.
Phần lớn câu đối được người có học sáng tác, nhưng trong
dân gian, nhiều người bình dân đã Việt hoá câu đối, trong đó các yếu tố Hán Việt
và thuần Việt xen kẽ nhau, hoặc có khi không còn yếu tố Hán Việt nữa. Ngay cả một
số nho sĩ cũng theo khuynh hướng này để câu đối đến được với nhiều lớp người
trong xã hội. Vua Lê Thánh Tông- chủ soái hội Tao Đàn, cũng đã viết một câu đối
Tết bằng tiếng mẹ đẻ để tặng một bà chủ quán bán trầu, nước:
Nếp giàu quen thói kình cơi, con cháu nương
nhờ vì ấm,
Việc nước ra tay chuyên bát,
Bắc Nam đâu đấy lại hàng.
Còn bà chúa thơ
Nôm Hồ Xuân Hương thì có câu
đối nổi tiếng, tuy còn vài từ Hán Việt:
Tối ba mươi khép cánh
càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới,
Sáng mồng một lỏng then
tạo hoá, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.
Câu đối của Trạng Quỳnh thì có ngôn nữ nôm na, tinh nghịch,
biến ảo nhưng không kém phần thâm thuý, sắc sảo như:
Trời sinh ông Tú Cát
Đất nứt con bọ
hung.
Hoặc: Miệng
nhà quan có gang có thép
Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.
Cấu trúc tu từ của câu đối có khi dùng từ đồng âm thuần
Việt như: Ruồi đậu mâm xôi đậu/ Kiến bò đĩa
thịt bò. Hoặc có khi là những từ Việt đồng âm xen lẫn từ Hán như câu đối có
vế ra của Đoàn Thị Điểm, và vế đối của Trạng Quỳnh:
Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn
long.
Quả dưa
chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử.
Có những câu đối dân gian sử dụng vần lưng, có sự hoà
thanh bằng - trắc nhịp nhàng, đọc lên nghe sướng tai:
Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc,
nó cạch đến già,
Chim công đi qua chùa Kênh, chim
nghe tiếng cồng, chim kềnh cổ lại.
Đây là câu đối dán chuồng heo (lợn) mà Nguyễn Khuyến viết
để đùa anh trưởng tràng, chỉ dùng có hai chữ Hán là “trưởng” và “tràng”:
Trưởng trưởng, tràng tràng, tràng trưởng trưởng.
Tràng
tràng, trưởng trưởng, trưởng tràng tràng.
(Nghĩa là: Lớn lớn,
dài dài, dài lớn lớn/ Dài dài, lớn lớn, lớn dài dài). Mong cho heo chóng lớn
như thế quả là điều đáng mừng trong năm mới. Nhưng cái sâu cay, nhớ đời đối với
anh trưởng tràng là Nguyễn Khuyến đã chỉ ra cái “con heo” ẩn dụ của anh nó khác
thường (!) Ông còn có câu đối làm hộ cho vợ người thợ nhuộm khóc chồng, có đủ màu
sắc chỉ việc nhuộm vải:
Thiếp từ thuở lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc
cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ.
Chàng ở dưới suối vàng
nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.
Nhà thơ Nguyễn Công Trứ hồi chưa vinh hiển, đã có câu đối
tết than thở cảnh nghèo:
Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng
Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu tràn quý tị, giơ tay bồng ông
Phúc vào nhà.
Ngày nay trên các báo Tết, phần lớn đều có đăng câu đối.
Những câu đối ấy luôn gắn liền với hình ảnh của một trong 12 con giáp (Tí, Sửu,
Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), hay gắn với nhiệm vụ của mỗi
ngành, mỗi nghề. Có câu đối mừng Đảng, mừng Xuân, có câu đối ước mơ một điều tốt
đẹp và xua đi những thói hư tật xấu, những tiêu cực trong xã hội. Nhiều nơi còn
tổ chức thi câu đối trong hội báo Xuân. Nhưng cũng có những kẻ vì hám tiền, chữ
nghĩa nông cạn, vốn chữ Hán, chữ Anh bập bẹ, chữ quốc ngữ viết như giun dế, không
hiểu về luật lệ câu đối cũng bày mực tàu, kim nhũ, với đủ giấy, xanh, đỏ, tím,
vàng loè loẹt để lừa thiên hạ. Qủa là phản mỹ cảm, điếc không sợ súng, đã
bôi nhọ một thú chơi thanh tao của ông cha xưa.
Ngày xuân, nâng ly rượu nhâm nhi cùng cái hay, cái đẹp của
câu đối, biết bao điều thú vị về nhân tình thế thái, xã hội và con người, hiện
tại và tương lai phơi phới hiện về, nâng cao hồn ta, trí ta vươn tới bao điều
Chân, Thiện, Mỹ. Thưởng thức vẻ đẹp của câu đối, ta như được uống thêm một liều
thuốc quý bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ.
Lê Xuân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét