Việt
Nam và một số nước ở Đông Nam Á là một trong những nơi thuần hoá sớm nhất loài
chó. Theo các tài liệu khảo cổ học cho biết thì chó được thuần hóa cách đây
khoảng 13000 đến 15000 năm. Đã từ lâu hình ảnh con chó luôn gắn liền với đời
sống của người dân trên trái đất này.
Nó là con vật rất giàu tình cảm với chủ.
Các cụ xưa thường bảo khuyển mã chi tình
(chó và ngựa là những con vật có tình cảm với con người). Chó được dùng để giữ
nhà, chiến đấu, kéo xe, dẫn đường, làm xiếc, săn bắn… Nó là một trong những con
vật khá trung thành với chủ. Vì vậy hình ảnh của nó đã đi vào kho tàng văn học
dân gian thật đa dạng để ám chỉ những hành vi, ứng xử của con người, để rút ra
những bài học về đối nhân xử thế, về dự báo thời tiết hay kinh nghiệm sản xuất:
1- Về
sự thuỷ chung, đồng cam cộng khổ:
Ca
dao có câu:
Con nào chê mẹ khó khăn,
Chó nào bỏ chủ kiếm ăn nhà người
là để
chỉ sự thuỷ chung của nó đối với người nuôi. Tương tự, tục ngữ có câu: Con không chê cha mẹ khó/ Chó không chê nhà
chủ nghèo.
2- Về
các món ăn chế biến từ thịt chó:
Chó
thường được coi là bạn thân của các
em nhỏ, chúng thường hay hát:
Con gà cục
tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua
hành cho tôi.
Con chó khóc
đứng, khóc ngồi
Mẹ ơi, mẹ hỡi mua tôi
củ giềng.
Bởi
vì món thịt chó không thể thiếu hương vị của củ giềng. Trong các loại dồi thì ngon nhất là dồi chó, nên dân sành ăn đã ngợi ca đến
mức: Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó/
Chết xuống âm phủ biết có hay không? Những người đi đạo Phật cấm không được
ăn thịt nói chung, và thịt chó nói riêng. Nhưng vì sự hấp dẫn của món ăn này mà
ca dao đã có câu:
Đi tu Phật
bắt ăn chay
Thịt chó thì
cấm, thịt cầy thì không
(con chó còn gọi là con cầy).
3- Về
việc chọn mua chó để nuôi:
Trong
dân gian có kinh nghiệm chọn nuôi những con chó khôn, nhất là những con có bốn
móng chân treo, còn gọi là chó huyền đề, có câu:
Chó khôn tứ túc huyền đề
Tai thì hơi cụp
đuôi thì cong cong.
Tương
tự ca dao cũng nói:
Dù cho buôn bán trăm nghề
Không bằng
nuôi chó huyền đề bốn chân.
Những
con chó có đuôi cong nhưng phải quặt về một bên và trên đuôi không có đốm nào,
lưỡi có đốm hình con thạch sùng, có đủ 4 móng chân treo, hoặc Tứ túc mai hoa (bốn chân có đốm trắng
hoa mai) thì khôn lắm. Tương truyền, những nhà nuôi được những con chó ấy thì
làm ăn gặp nhiều may mắn. Tục ngữ còn có câu: Đốm lưỡi thì nuôi, đốm đuôi thì thịt, vì những con chó đốm đuôi
thường hay phản chủ. Nuôi chó thì phải chăm sóc, dạy bảo, huấn luyện thì nó mới
khôn.
4- Về
việc mượn hình ảnh chó để rút ra bài học:
Ca
dao có câu chê những người không biết chăm sóc, nuôi nấng nó, nhưng suy rộng ra
còn là mối quan hệ giữa con người với con người:
Chó béo
đẹp mặt chủ nhà
Nàng dâu rách rưới
mụ gia thẹn thùng.
Tục
ngữ cũng có câu tương tự: Chó gầy (ốm) hổ
mặt người nuôi. Để khuyên người ta trước khi nói phải suy nghĩ cho chín
chắn, có câu: Chó ba quanh mới nằm/ Người
ba năm mới nói. Chê những người ỷ vào thế thuận lợi của mình để hung hăng,
ức hiếp người khác, có câu: Chó cậy gần
nhà, gà cậy gần chuồng. Những kẻ thất thế lỡ thời, địa vị bị thay đổi đột
ngột, thường than vãn: Lên voi xuống chó.
Để ám chỉ người dại lúc nào cũng có, tục ngữ đã nêu: Chó dại có mùa, người dại quanh năm. Chỉ loại người hay ganh ghét
với mình, thích người khác mơn trớn mình, có câu: Chó ghét đứa gặm xương, mèo thương người hay nhử. Chê hạng người
không có tài năng, hay đi lang thang vớ vẫn, có câu: Chó khô, mèo lạc. Nói hạng người không có tài cán gì chỉ gặp vận may
mà thành công, có câu: Chó ngáp phải ruồi.
Câu Chó chê mèo rậm lông là ám chỉ
những kẻ không nhìn thấy lỗi lầm của mình, mà lại hay đi bới lông tìm vết người
khác. Thành ngữ: Chó nhảy bàn độc là
chê kẻ xấu mà ham muốn có địa vị cao. Chỉ những vật vô tri vô giác, bỏ lăn lóc
chẳng ai thèm lấy có câu: Chó tha đi, mèo
tha lại. Những nơi đất đai cằn cỗi hoang vu được mệnh danh là nơi Chó ăn đá, gà ăn sỏi. Cần tránh những sự
nguy hiểm, có câu: Hàm chó, vó ngựa.
Sử dụng người không đúng mục đích, không hợp sở trường, vì thiếu người, tục ngữ
nêu: Không có chó bắt mèo ăn cứt/ Không
có trâu bắt chó đi cày.
So
sánh giữa cảnh giàu và nghèo, con nhà nghèo khổ không bằng con vật nuôi của nhà
giàu, có câu: Con nhà khó không bằng chó
nhà sang. Những nhà nghèo thường nuôi chó cái để đẻ con dễ bán, ít tốn công
chăm sóc, có lãi nhanh, có câu: Giàu nuôi
lợn nái, nghèo nuôi chó cái, gà con. Chế diễu những thầy bói đoán mò, có
câu ca dao:
Nhà này
có quái trong nhà
Có con chó đực cắn ra đằng mồm.
Hoặc:
Nhà bà
có con chó đen
Người lạ nó
cắn, người quen nó mừng.
Phê
phán sự thiếu chuẩn bị chu đáo trước khi làm một việc nào đó, có câu: Thui chó nửa mùa hết rơm. Chỉ sự bịp
bợm, phô trương cái vẻ bề ngoài để đánh lộn, che dấu cái xấu bên trong, dân
gian thường nói: Treo đầu dê, bán thịt
chó. Chỉ những kẻ hung hăng liều lĩnh khi bị dồn tới đường cùng, có câu: Chó cắn càn, hay Chó cùng dứt giậu. Những kẻ được nuông chiều thường hay giỡn mặt,
có câu: Chó con liếm mặt. Phê phán
loại người có việc gì cứ nói đi nói lại mãi, làm phiền tai người khác, ta
thường bảo: Lai nhai như chó nhai giẻ
rách. Chê những người cứ nói lẩm bẩm trong mồm những lời oán trách, có câu:
Lẩu bẩu như chó hóc xương. Nói năng
cấm cảu, tỏ vẻ bực tức, khó chịu, kéo dài, người ta bảo: Dấm dẳng như chó cắn ma.
5- Về
dự báo thời tiết:
Trong
dân gian thường khi thấy chó ăn cỏ, phía Đông nám, phía Bắc sáng, phía Tây đỏ
là trời sắp mưa, có câu:
Sầm Đông, sáng Bắc, tía Tây
Chó đen ăn
cỏ, trời này thì mưa.
Trong
sản xuất, trồng trọt nếu thấy cây xoan bắt đầu đâm chồi giống như bàn chân con
chó thì người ta gieo hạt bông sẽ nảy mầm tốt, có câu: Xoan chân chó, mó hạt bông…
Tóm
lại:
Hình ảnh con chó xuất hiện với tần số cao trong văn học dân gian. Ngoài ca dao,
tục ngữ, thành ngữ, chú khuyển còn có mặt trong nhiều truyện nôm khuyết danh,
truyện cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, tiếu lâm, thơ ca trào phúng…và trong thơ
văn hiện đại. Tất cả đều nhằm ám chỉ con người với những sắc thái ngợi ca hoặc
phê phán, đả kích khác nhau. Nhân năm Bính Tuất (2006), ta hãy tìm lại những
bài học mà cha ông ta đã rút ra từ hình ảnh con chó để tự răn đe mình phải sống
tốt hơn, hữu ích hơn, lánh xa những điều xấu, điều ác, lánh xa những dục vọng
thấp hèn để vươn tới những điều chân, thiện, mỹ.
Lê Xuân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét