Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Trong
khoảng hai mươi năm đầu thế kỷ XXI, tại tỉnh An Giang đã lần lượt xuất hiện ba
dòng tranh mới lạ. Điểm đặc biệt là mỗi dòng không chỉ “độc nhất vô nhị” tại tỉnh
nầy, mà còn “không đụng hàng” ở khắp đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Dù xuất
phát điểm của ba họa sĩ khác nhau cả về độ tuổi, ngành nghề lẫn ý tưởng và việc
lựa chọn chất liệu thể hiện… tuy nhiên họ đều có điểm chung là niềm đam mê sáng
tạo. Với những khám phá và trải nghiệm bằng cả tâm huyết của mình, họ đã mang đến
những tác phẩm độc đáo cho hội họa miền Tây.Chiều Bảy Núi - Tranh đá Bảy Núi
Tranh lá thốt nốt
Thốt nốt hay thốt lốt là loại cây nổi tiếng của tỉnh An Giang, tên gọi cây nầy trong tiếng Khmer là “thnot” và người địa phương thường gọi là “thốt lốt”. Cây thốt nốt gần giống cây dừa, thân rất cao và lá xòe tán rộng như lá cọ. Loài cây nầy có những công dụng phong phú như làm nước giải khát, làm đường, làm bánh bò, làm sản phẩm mỹ nghệ…
Người đầu tiên thực hiện ý tưởng vẽ tranh trên chất liệu lá thốt nốt là nghệ nhân Võ Văn Tạng ngụ tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Trước đó, ông đã có niềm đam mê với hội họa và thử nghiệm vẽ tranh trên nhiều chất liệu khác nhau. Tuy nhiên, không gặt hái được thành công như mong mỏi, ông tiếp tục trăn trở tìm kiếm hướng đi mới. Sau khi biết người Khmer dùng lá thốt nốt khô để chép kinh Phật, ông đã vận dụng vào việc làm tranh từ năm 1998.
Lá thốt nốt được sử dụng để làm tranh là lá khô. Sau khi mua về, lá sẽ được phơi khô rồi phân loại theo các gam màu và tách nhỏ ra. Tiếp đến, người họa sĩ sẽ phác họa trước bức tranh trên gỗ rồi ghép các mảnh lá lên trên, giai đoạn “tạo dáng” này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, đôi khi phải mất hàng tuần. Sau đó, ông dùng bút lửa (làm từ mỏ hàn điện) để vẽ, khi vẽ phải tỉ mỉ nhấn nhá trong từng chi tiết nhỏ để tạo nên độ đậm nhạt cho các đường nét.
Tác phẩm hoàn chỉnh sẽ có bốn màu cơ bản là trắng, đen, vàng, nâu. Các đề tài mà nghệ nhân Võ Văn Tạng thể hiện đa dạng như chân dung, hoa lá, phong cảnh, di tích… Trong đó, nổi bật nhất vẫn là những tác phẩm về vùng nông thôn Tây Nam Bộ. Ưu điểm của lá thốt nốt là loại lá bền chắc, do đó thời gian bảo quản một bức tranh làm từ chất liệu nầy cũng lâu dài, có thể lên đến gần trăm năm.
Tranh đá Bảy Núi
Tại một phòng tranh đơn sơ ở thị trấn Cái Dầu thuộc huyện Châu Phú, một dòng tranh đặc biệt khác đã ra đời và gây được tiếng vang lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, đó là tranh đá Bảy Núi. Đây là dòng tranh đầu tiên ở tỉnh An Giang sử dụng chất liệu địa phương là đá granit vùng Thất Sơn. Tác giả của ý tưởng nầy là nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam, anh cũng là người đầu tiên ở miền Tây dùng đá để làm tranh.
Hoạt động chính trong lĩnh vực âm nhạc, nhưng anh Hoàng Nam cũng có niềm đam mê với hội họa. Ý tưởng làm tranh từ đá đã được anh nung nấu từ lâu, nhưng đến năm 2008 mới có dịp thực hiện. Anh đi khắp vùng đồi núi ở tỉnh An Giang để lựa chọn những viên đá phù hợp rồi đem về giã nát ra thành bột đá. Để thực hiện tranh, bột đá được rãi lên bản phác thảo, chỉnh sửa cho mỹ thuật rồi dán keo để kết dính thành tranh.
Ưu điểm của tranh đá Bảy Núi là có thể giữ lâu bền với thời gian, nhưng hạn chế là do đá granit không có nhiều màu sắc nên tranh chủ yếu sử dụng gam màu trắng đen làm chủ đạo. Điều đó đòi hỏi người họa sĩ phải thể hiện được chiều sâu của tác phẩm. Mặc dù không lấp lánh như tranh đá quý, nhưng điều mà tác giả của dòng tranh nầy hướng đến là mong muốn người xem tranh có được cảm giác thư thái tâm hồn sau những bộn bề cuộc sống.
Qua thời gian, những bức tranh mộc mạc làm từ đá Thất Sơn đã đến với đông đảo những người thưởng thức hội họa, càng giúp dòng tranh đặc thù của địa phương có chỗ đứng vững vàng hơn. Các tác phẩm như Chiều Bảy Núi, Cố lên, Đàn bà, Trăng đồng nước, Đi sớm… cùng loạt tranh trang trí với chủ đề các loại hoa vừa sinh động, vừa khắc khoải, mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ xứ Châu Phú.
Tranh chiếu uzu
Uzu là loài cây có nguồn gốc từ khu vực biển hồ Tonlé Sap của Cambodia, phát triển mạnh từ tháng Năm đến tháng Chạp âm lịch hằng năm. Người dân thị xã Tân Châu đã sử dụng nguyên liệu nầy để dệt thành những chiếc chiếu uzu nổi tiếng khắp cả đồng bằng sông Cửu Long. Song, ít ai nghĩ rằng những chiếc chiếu được dệt từ cây uzu không chỉ có chức năng chính là dùng để nằm, mà còn được một nghệ nhân sử dụng để làm tranh.
Tranh chiếu uzu được xem là một “nghề lạ” ở An Giang, được khởi xướng bởi họa sĩ Võ Minh Mẫn ngụ tại xã Đa Phước, huyện An Phú. Trước đó, ông từng có hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực hội họa với nhiều loại hình khác nhau như tranh acrylit, tranh sơn dầu, tranh đốt gỗ… Ông bắt đầu thử nghiệm chất liệu chiếu uzu từ năm 2011.
Chiếc chiếu uzu sẽ được dùng làm phông nền cho bức tranh và các chi tiết sẽ được vẽ bằng bút lửa. Nhiệt độ được cung cấp từ điện sẽ đốt cháy phần chiếu khi đầu bút lướt qua, tạo thành những đường nét. Cách vẽ nầy đòi hỏi người họa sĩ phải trải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian và đặc biệt là phải hết sức cẩn thận. Bởi, đặc tính của thân chiếu uzu là sần sùi và có nhiều ô đan xen nhau, nên rất khó để vẽ các chi tiết. Bên cạnh đó, do được thực hiện bằng cách dùng nhiệt đốt lên thân chiếu, nên nếu đường bút lỗi, đồng nghĩa hư hỏng cả bức tranh.
Tranh chiếu uzu không có nhiều màu sắc mà chỉ có màu vàng nhạt của chiếu và màu đen của đường bút là chủ đạo, do đó để tác phẩm thật sự cuốn hút, đòi hỏi người họa sĩ phải thể hiện cái hồn qua từng nét vẽ. Họa sĩ Minh Mẫn đã thực hiện hàng chục tác phẩm tranh chiếu uzu với nhiều đề tài khác nhau, nhưng sở trường chính của ông là tranh chân dung.
Vĩnh Thông
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét