- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Mùa xuân khởi nguồn của sự sống, là kết tinh của những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất được khai mở trong một năm mới. Bởi mùa xuân luôn là khúc hoan ca của đất trời và lòng người, của tuổi trẻ, của đam mê và khát vọng. Và đó cũng là mạch nguồn khơi gợi bao cảm xúc sáng tạo của các nhạc sĩ. Có lẽ chưa ai ngồi đếm hết các ca khúc viết về mùa xuân. Ca khúc nào cũng hay, cũng rộn ràng khí thế và chứa đầy tình cảm yêu thương, riêng tôi thì Tình ca mùa xuân của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ Nguyễn Loan cứ luôn bên mình, với ca từ dung dị, giai điệu vừa rộn rã, tươi vui, vừa chứa chan tình người.
Tôi được cái may mắn là thời Bình Trị Thiên sáp nhập, đơn vị công tác của
tôi chung tường rào với nhà nhạc sĩ Trần Hoàn, là văn nghệ sĩ với nhau, hai anh
em nhiều lần ngồi với nhau bên ấm nước trà đàm thoại. Chị Hồng - vợ của nhạc sĩ
cũng vui tính, luôn muốn chồng bè bạn sum suê.
Với Nguyễn Loan - lúc bấy giờ bạn ấy vừa rời quân ngũ, mới xin được vào
làm việc ở Xí nghiệp In Bình Trị Thiên - thích làm thơ, mà lại thơ hay trong số
người làm thơ ở trong cái tỉnh dài và to này! Tôi thì văn xuôi. Hai anh em cũng
hay ngôi nhâm nhi chén rượu của chị Kim Bông, lúc đó là kế toán trưởng của Xí
nghiệp, rất yêu thơ mời. Mỗi lần như thế, Nguyễn Loan hay đưa thơ ra đọc. Nói
như nhà văn Phùng Quán từng nói bên tôi là: “Thơ lúc nào và nơi nào cũng xuất bản
được!”, nhưng nghe thơ của Nguyễn Loan cứ thấy thích!
Còn mang chất lính trong người, trong một đêm trực cơ quan, Nguyễn Loan
đã cho ra đời bài thơ Tình ca mùa xuân.
Sau đó ít lâu, bài thơ đã được báo Tuổi
trẻ và báo Văn hóa đời sống Bình Trị
Thiên đăng tải. Rồi mùa xuân về, quân bành trướng Trung Quốc xâm lược phía Bắc,
Nguyễn Loan đang cùng anh em tự vệ Xí nghiệp trực chiến thì nhận được tin của
nhạc sĩ Minh Phương báo: “Trong chương trình văn nghệ đón Giao thừa chào xuân Kỷ
Mùi 1979 đêm nay của Đài Truyền hình Huế, có ca khúc Tình ca mùa xuân của Trần Hoàn, phổ thơ Nguyễn Loan!”. Tất cả cùng
đón xem và tràn ngập vui sướng!
Tình yêu và người lính là đề tài hấp dẫn của thi ca.
Có rất nhiều bài thơ, bài hát đã ra đời và đi cùng năm tháng. Chuyện kể rằng: Một
lần bà Thanh Hồng - phu nhân của nhạc sĩ nhắc chồng: “Kể từ hai bài hát anh
viết tặng em là Sơn nữ ca và Lời người ra đi từ trong kháng chiến
chống Pháp, đến nay đã lâu rồi, anh chẳng còn cảm hứng gì để viết riêng cho em
nữa nhỉ”. Bị vợ “kích”, nhạc sĩ quyết định “hâm” lại cảm xúc thời trai trẻ
với người vợ rất đỗi yêu thương. Đang loay hoay tìm ý thì tình cờ nhạc sĩ đọc
được bài thơ Tình ca mùa xuân của nhà thơ Nguyễn Loan, một bài thơ giàu chất
nhạc đã thổi bùng lên trong trái tim nhạc sĩ một cảm xúc dạt dào yêu thương
trước những biến chuyển của thời gian, của mùa, của cỏ cây hoa lá, và của lòng
người. Thế là ông cầm đàn guitar gẩy nên những âm điệu đầu tiên rồi phổ
hết bài thơ thành một ca khúc cũng rất gọn gàng với giai điệu ngọt ngào, tha
thiết, rất tình tứ: “Em ơi em! Mùa xuân/ Đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá/ Cho
trời xanh xa thẳm…”.
Vì quá mê ca khúc, tôi từng ngồi với
nhiều nhạc sĩ thuộc bậc “cây đa” gợi hỏi, thì các nhạc sĩ đều có nhận xét:
Nguyễn Loan viết theo thể thơ 5 chữ đơn giản với cách ngắt chữ 2/3, 3/2 - “Em
ơi em/ mùa xuân/ Đã về/ trên cánh lá/ Tiếng chim kêu/ ngọt quá/ Cho trời/ xanh
xanh thẳm…” trong bài thơ lại phù hợp cách ngắt nhịp 3/2, 2/3 ở cung La thứ và La
trưởng trong nhạc. Điều vô tình này đã được nhạc sĩ Trần Hoàn chọn làm phương
tiện phổ nhạc cho Tình ca mùa xuân.
Và sinh ra vốn đã vậy, La thứ là
cung thể hiện hiệu quả nhất nỗi buồn so với các cung khác. Nên khi nhập vào thơ
khiến bao hình ảnh tươi mới, xinh đẹp của “tiếng chim kêu”, “trời xanh”, “mùi
hương thơm”, “làn môi”, “nụ hôn đầu”… không thể che giấu đằng sau là nỗi nhớ
thương, mong mỏi sớm gặp lại người yêu của bao chàng trai, cô gái. Tình yêu
khiến con người trở nên nhạy cảm và căng mở mọi giác quan, tình yêu đi từ bản
thể đã vượt ra ngoài, lan tỏa vào đất trời, thiên nhiên và vũ trụ. Trong sự reo
ca của tâm hồn đang yêu, cuộc sống qua cái nhìn của họ cũng trở nên tha thiết
và đầy năng lượng, sức sống. Cung La trưởng, vốn phù hợp cho “tuyên ngôn tình
yêu” được hòa âm ở phần hai bài thơ lại giúp nỗi mong mỏi ấy trở thành niềm hân
hoan, khi họ luôn tin rằng người yêu sẽ quay về. Để không một hình ảnh buồn,
không một lời than trách, không một tiếng thề nguyền trong thơ nhưng bằng hai
cung La thứ và La trưởng, nhạc sĩ tài hoa Trần Hoàn đã giúp đôi lứa cảm nhận
được tâm tư, tình cảm sâu đậm trong ấy.
Bên cạnh đó, các thanh điệu cũng tạo nên chất nhạc
trong bài thơ với độ cao thấp, ngắt nghỉ cố định. Bắt đầu câu đầu tiên là tiếng
gọi người yêu tha thiết, trìu mến với ba chữ không dấu (thanh bằng) đầy sức lan
tỏa của chàng trai: “Em ơi em”. Để khi nghe tiếng gọi dịu nhẹ, mến thương này,
cô gái cũng yên lòng cảm nhận có điều gì đó nguyên sơ, trọn vẹn đang bắt đầu.
Và chúng ta như lắng lại khi nhà thơ Nguyễn Loan gọi đó là “mùa xuân”. “Mùa xuân”
nối tiếp ngay sau tiếng gọi thể hiện đầy đủ nhất niềm tin mà đôi lứa dành cho
sức sống mãnh liệt của tình yêu. Và sau đó, việc nhà thơ Nguyễn Loan sử dụng nhiều
thanh trắc ở chữ cuối như “lá”, “quá”, “thẳm”… nhấn sâu cho tác phẩm, giúp cô
gái hiểu niềm tin yêu dành cho nhau là vững bền, là bất biến. Việc sử dụng
nhiều từ láy “xanh xanh”, “sinh sôi”, “xinh xắn”, “hối hả”… không chỉ khẳng
định sự nguyên sơ trong tình yêu mà còn nâng cánh tình yêu trở thành lý tưởng
để chàng trai chắc tay súng nơi biên giới và cô gái “vững vàng bàn tay” xây
dựng quê hương ở hậu phương.
Qua từng âm thanh, hình ảnh của Tình ca mùa xuân, ta nghe cuộc sống dậy lên muôn màu tươi mới. Và
khi cất lên tiếng hát, ta nghe đâu đó tình cảm thương mến, mang chút riêng tư
của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông
tin Trần Hoàn với người vợ đã bao mùa xuân xa cách. Mọi người thường nói tình
yêu với Huế, với dải đất miền Trung, với âm nhạc và với người vợ nơi hậu phương
đã giúp nhạc sĩ Trần Hoàn thăng hoa trong những bài thơ về mùa xuân, về Huế. Và
với tôi, Tình ca mùa xuân tràn đầy
sức sống khi mùa xuân đất nước được sinh sôi từ tình yêu đôi lứa, từ ngôn ngữ
thơ chuẩn xác của nhà thơ Nguyễn Loan và nốt nhạc tài hoa của nhạc sĩ Trần
Hoàn.
Bốn mươi
bốn năm đi qua kể từ khi Tình ca mùa xuân
đến với thính giả cả nước, ca khúc không chỉ được đón nhận nồng nhiệt ngay từ
lúc mới ra đời mà cho đến hôm nay chất thơ trong cảm xúc, sự lãng mạn trong chủ
đề đã khiến cho bài hát luôn sống trong lòng người yêu nhạc. Nét riêng đó
dường như đã mang cho ca khúc một diện mạo riêng giữa muôn vàn bài hát được phổ
nhạc từ thơ ra đời trong kháng chiến. Những nốt nhạc kỳ diệu khiến
không ít đôi lứa nhìn thấy mình và thấy cả niềm tin yêu với người yêu dấu.
Sự sâu lắng, mượt mà, đậm đà của
tình yêu lứa đôi được ươm mầm từ tình yêu quê hương đất nước và nảy nở trong
lao động, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bài hát đã lay động lòng người, gieo vào
tâm hồn của mỗi người niềm lạc quan, yêu đời phơi phới vẫy gọi tương lai và cho
thấy giá trị đích thực của tình yêu trong sáng mới đẹp làm sao. Bốn mươi bốn
năm kể từ khi ca khúc ra đời, đến hôm nay thính giả vẫn cảm nhận được sức sống
và tình yêu khi nhạc sĩ Trần Hoàn đã để lại cho đời một trong những hạt ngọc
sáng lấp lánh, một chân lý vĩnh cửu không thể bị phôi pha bởi thời gian.
Với tôi, một người không sống
trong không khí huy hoàng ấy, lại thấy chân - thiện - mỹ tràn ngập cả cuộc đời,
khi chỉ mới vài ba phút nghe nhạc phẩm Tình
ca mùa xuân. Càng nghe càng cảm nhận rõ, sự thành công của bài hát không
chỉ bắt nguồn từ tài năng âm nhạc Trần Hoàn mà còn được tạo nên từ chính bài
thơ giàu chất nhạc của nhà thơ Nguyễn Loan. Nhạc và thơ hòa quyện tạo thành sức
sống lâu bền cho ca khúc. Ngày xuân nghe lại ca khúc ta
vẫn cảm nhận được nét trong trẻo, đầy sức sống của nhạc phẩm đã khiến lòng
người thấy tràn ngập tin yêu, thấy đâu đâu cũng hân hoan, chứa chan niềm tươi
mới, mến thương.
“Em ơi em! Mùa xuân đã về trên cành
lá…” và “Mùa xuân rồi đi qua/ Cơn mưa hè hối hả…”, đó là lúc anh
và em xa nhau, em vào nhà máy, anh ra biên giới: “Tình ta càng thêm sâu”… Bài
thơ không còn hình ảnh buồn, không than vãn, u uất mà trở thành một bản tình ca
đậm nét tâm tư, dạt dào tình cảm và bay bổng tâm hồn. Nhạc Trần Hoàn - thơ Nguyễn
Loan hòa quyện vào nhau làm nên một bản tình ca xuân rạo rực tin yêu trước cuộc
sống, tương lai của đất nước, con người.
Giờ
đây, cứ mỗi độ xuân về, bài hát trên của Trần Hoàn lại được vang lên ở khắp
nơi, đem đến cho người nghe những cảm xúc đặc biệt với những cung bậc dạt dào,
phong phú.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét