Lòng mừng rơn khi mẹ đồng ý cho theo nhỏ Tâm về quê.
Mẹ hứa rồi nghen. Ừ. Tui hứa, nhưng với điều kiện. Gì nữa đây. Thu thầm lo, sao
phải điều kiện cơ, chỉ về với miệt quê thôi mà. Điều kiện cô nhỏ tui phải có
giấy khen cuối kỳ. Mừng thầm. Tưởng gì. Dễ ợt. Thầm nói, mẹ nhớ đi, con gái mẹ
có bao giờ thiếu giấy khen ở mỗi quý đâu.
Loay hoay miết với thành phố đăm lấn
cấn với dòng người, dòng xe. Dẫu người thành phố tính cách luôn phóng khoáng,
cỡi mở, dễ gần. Như đó cũng là bản chất đặc thù từ dòng lưu dân hội tụ, những
con người đến từ nhiều vùng miền, như vì vậy họ luôn biết sẻ chia, bao bọc mặc
nhiên làm nên tính cách đặc trưng Sài Gòn Nam Bộ. Thương thì thương đó, dễ gần
gũi đó, chừng ấy góc tình dường như chưa đủ cho kẻ lưu dân quên đi nỗi hoài
nhớ, nhớ về một góc nhớ miền quê ngoại. Nới có dòng sông Thơm, có núi Ngự, có
phá Tam Giang, có miền Vĩ Dạ, miền đất làm nên một góc tình miên hoài với Hàn
Mặc Tử, khiến góc thơ bỗng dưng dặt dìu giữa hư và thực…
“Thuyền ai đậu
bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đâm đà…”
Lao xao nhất là với mùa chim én, chim
én chao bay chao bay miết nơi bến Cồn Hến. Mẹ vốn là đứa con của làng Vĩ Dạ,
làng men sông, xa xa bên kia sông là Cồn Hến. Con hến cồn nhỏ mà dễ thương, nhỏ
mà cũng làm nên những góc đời chắt chiu với những đứa con gái miệt cồn. Những
góc đời chịu thương chịu khó với quang gánh, quang gánh cơm hến kĩu ca kĩu kịt
trên mọi nẻo đường, mọi góc phố. Cơm hến ai một lần ăn chắc đâu dễ quên. Cơm
thơm dẻo, hến trắng phau, nước trong veo, ngọt đủng đỉnh. Nhớ luôn khúc Nam
Bình, tiếng hò nghe chừng khắc khoải…
“Nước non ngàn dặm
Ra đi
Cái tình chi
Nặng lòng ơi Huế…”
Hai đứa đồng tình đi chuyến xe sớm.
Nhỏ Tâm nói, dáng đồng vào lúc tinh mơ đẹp lắm, nhất là màu xanh lá dưới nắng
lụa. Mi sẽ ngỡ ngàng cho coi với dáng đồng mềm mộc, nơi bình minh chim hót,
chiều về chim cũng hót, không chừng mi sẽ ngẩn ngơ. Mà thiệt, chỉ dọc đường
thôi, lòng đã lâng lâng cảm xúc với màu xanh ở triền lúa trượt dài như triền
sóng sau con gió thoáng dưới nắng thủy tinh. Chắc triền lúa vụ đông xuân, chắc
vậy khi tiết mùa đã vào chạp. Hỏi nhỏ. Ừ. Mưa mùa này dứt sớm, nước mùa cũng
xuống sớm, nên người làm đồng xuống giống sớm, may ra lúa sẽ kịp cắt trước Tết.
Miệt đồng mà, ai cũng trông chờ vào hạt lúa, đâu sá gì một nắng với hai sương.
Nghe nhỏ, chực nhớ, mà cũng đâu nhớ
được, “Đất Phương Nam” của
Đoàn Giỏi hay Son Nam, viết
về góc đời cư dân phương Nam
thời mở cõi. Nếp quê mộc đến thẫn thờ, phản ánh rõ nét những góc đời quá nhiều
chắt chiu, chắc chiu đến xót xa. Tình cảnh ở họ ngày ấy, nếu thấy được không ai
không chạnh lòng với kiếp đời thuở con người đi tìm đất để khai hoang. Tình
cảnh đến nao lòng với kiếp sống có phần xót xa, kiếp sống tạm bợ sao đâu. Gia
tài chỉ vỏn vẹn với chiếc xuồng, cùng cái cà ràng, vừa để nấu ăn vừa để un muổi
và, cái phảng để khai hoang. Tâm thức người Việt thuở ấy không việc làm ăn gì
bằng nghề nông. Lúa chỉ làm một mùa, giống lúa gì nghe tên lạ hoắc “Xom cà na”,
lúa từ lúc gieo đến lúc trổ là bốn tháng.
Chợt nhìn dáng đồng mênh mông, đăm hoài nhớ,
đâu rồi đụn rơm sau ngày mùa, đâu rồi làn khói vướng vương, cạnh bên là dáng
trâu nằm nhơi cỏ, dáng đồng bỗng dưng dặt dìu cùng tiếng sáo ở bờ tre ranh. Dẫu
đổi thay là tính quy luật, là tất yếu để đi lên, nhưng lòng vẫn nghe canh cánh
với nổi nhớ. Tự dưng nhìn nhỏ, chừng như nhỏ đang nghĩ ngợi, ánh mắt có chiều
mông lung. Hỏi nhỏ.
- Không vui à. Nhớ phố phải không.
- Không, chỉ trăn trở với còn mất, đăm khắc khoải
Nghĩ ngợi mà làm gì đăm day dứt, đành
rằng đã có nhiều những mất đi, nhưng là cái mất cần thiết. Nhưng dáng quê vẫn
còn đó bản sắc đồng với tính chân chất quê vẫn còn đó những chiều đồng với bảng
lảng hương đồng gió nội. Ờ hén. Với ở tuổi tụi mình thì đâu nói chi, nhưng với
những ai kia, hỏi có mấy ai còn nhớ được tiếng chày, tiếng nhịp cất cum ở cối
giả sau mùa gặt, và, mấy ai còn nhớ được dáng bồ từ nan tre bện, nhớ mùi cứt
trâu hăng hắt ỏ lưng bồ. Nhớ cả mùi cá khét ở ơ đất để ghé nhờ nơi đụn trấu un
muổi rồi lại quên.
Xe phóng nhanh thiệt, đâu chừng hơn 2
giờ, xe đã vượt lên dốc cầu Mỹ Thuận. Cầu cao vượt đẹp lạ, cây cầu dây giăng
đầu tiên của đồng bằng sông Cửu long. Giờ, người của bên này sông không còn cảm
xúc lóng ngóng với người ở bên kia sông, rồi sốt ruột lo không biết người của
bên kia sông có nán đợi không nữa. Nhanh cũng phải, đường sá láng trơn, rộng
thênh, đoạn lộ từ Long An về Trung Lương nay đã là xa lộ cao tốc, xe phóng với
tốc độ cao, gió lồng mát rượi. Thêm vui, quốc lộ 80 giờ cũng trơn tru, đâu như
ngày trước, ngồi xe mà giận vì phải chịu
dằn xốc ê ẩm cả người. Xe đã vào Thành phố Sa Đéc. Lạ, sao xe không dừng. Hỏi
nhỏ. Mới đó mà quên, hởm trước đã nói với mi, đất ở mình là miệt Lai Vung. Ờ
hén. Yên bụng đi, một đổi đường nữa thôi là tụi mình sẽ về với “vùng rốn” của
xứ quýt thôi.
Cả nhà nhỏ như ai cũng vui, như không ai
có ánh nhìn xa lạ với người lạ, tự dưng lòng cũng vui. Người miệt quê tính
thiệt quá, nỗi lo bối rối với lạ lẩm giữa người dưng với người dưng cũng không
còn, nhẹ lòng hết biết. Nhà nhỏ gọn, nằm lọt thỏm giữa vuông vườn. Mái ngói đỏ
au, chắc mới dựng lại. Nghe nhỏ, nhà chỉ có mỗi mẹ con và anh nhỏ. Nhưng chừng
đâu phải vậy, lạ là nhiều người lúm xúm bên mớ quýt. Chắc chòm xóm, chắc vậy, chòm
xóm đến tiếp tay, nhớ nhỏ nói vào chạp là mùa quýt chín, nhà lu bu dữ lắm. Hỏi nhỏ,
té thiệt. Tình làng nghĩa xóm thú vị thiệt. Quýt lạ thiệt, không tròn như quýt
đường, màu cũng không vàng trơn mà phớt vàng pha sắc đỏ. Thấy ai cũng vui, ngồi
ngoài chi hè. Mẹ nhỏ Tâm thấy mình lấn cấn nên thiệt tình chỉ vẻ. Góc chuyện tự
dưng thân tình, nhờ vậy mà thêm thú vị. Theo lời mẹ nhỏ Tâm, quýt rộ vào khoảng
giữa tháng chạp. Vào mùa quýt chín nhà vườn luôn chộn rộn từ sáng sớm. Ai cũng
có phần để lo, ai lo phần hái cắt thi hái cắt, phần ai soạn bọc gói thì bọc
gói. Cực là khâu cắt, cắt phải tỉ mẩn, cắt từng trái, cắt giữ lại một phần
cuốn, giữ lại vài phiến lá. Vốn là lộc để cúng kiến, phải cẩn thận, tỉ mẩn để
giữ cho quýt được tươi lâu. Thão nào, quýt ra Giêng hương vị quýt như đậm đà
hơn, ngọt thanh hơn, như quýt đầy đủ hơn độ chín. Người Lai Vung chắc tự hào
với trái đặc sản quê mình. Ưng lòng cũng phải thôi, ngoài hương vị đặc trưng,
quýt còn có sắc màu cũng đặc trưng, phớt vàng pha sắc đỏ, biểu trưng tài lộc.
Lạ là chỉ có vùng đất bốn xã Long Hậu,
Tân Thành, Tân Thới và Vĩnh Phước, nằm dọc theo kinh Thong Dong, quýt lúc nào
hương vị cũng ngon. Nghe người Lai Vung, lạ là nếu quýt trồng xa chừng một đổi
thôi, tự dưng quýt không còn cái hương vị đặc trưng vốn có, ngọt thanh, chua
dịu. Nghe nói mà lạ, lắm người âm ức đem trồng thử ở đất khác, dù trồng từ hạt
giống gốc hay từ cành chiết ở cây bố mẹ, quyết không ngon bằng trồng ở miệt đất
rạch Thong Dong. Hỏi những cư dân cố cựu, họ cũng lắc đầu, cười nhẹ, nhưng nét
cười hàm ý tự hào với tính đặc trưng với thứ trái đặc sản quê mình. Như lộc
trời, nên người Lai Vung quý trọng luôn quấn quýt với đặc sản quê mình. Nghe
đâu có hội ý, nên đổi mới cách trồng, trồng
theo tiêu chuẩn sạch, chuẩn Việt Gap để làm nên thương hiệu.
Thu thấy lạ sao có đứa con trai giữa
tụi con gái. Thúc nhỏ. Anh tao, quên bẳng nói với mi. Thu hỏi chào. Ờ. Chào em.
Chỉ nói chừng đó rồi lại châm bẩm tay soạn, tay cột. Lạ hoắc mà em ngọt xớt, tính
chi thiệt quá trời vậy cà. Dáng hiền khô, nhưng đâu có vẻ quê mùa đâu.
Con cứ thiệt tình nghen. Dạ. Lời mềm mỏng ở mẹ nhỏ
Tâm, nghe ấm lòng sao đâu. Bữa ăn nghe ngon, ngon bởi món ăn lạ, hay bởi thân
tình, khó lòng biết. Thuở giờ đâu biết món cá rô kho ơ đất miệt đồng. Thoáng
thôi, con cá no tròn bụng trứng nằm ở xem xép nước nơi ơ đất, thơm lừng mùi
tiêu, thêm trên mặt cá là những vụn mở ươm vàng, nhìn thôi, đủ thèm. Hỏi nhỏ.
Cá rô kho tộ. Lạ, tộ đâu, đâu thấy đâu, kỳ dữ. Lạ phải không. Ừ lạ. Thời trước
đâu có ơ đất đâu, nên dùng tộ để kho, riết thành quen, nên gọi vậy. Thú vị thật
nếu không có chuyến, chắc mấy đời để biết. Mi kho được không. Được thì dược,
nhưng không cách gì bằng mẹ. Nghe từ mẹ nhỏ Tâm, té ra muốn có được món ăn ngon
phải chăm chút, tỉ mẩn, nên đôi lúc nói vui có ý sánh như làm nghệ thuật. Thiệt
lòng Thu không mấy hiểu ý người miệt đồng, nhưng riêng với người Huế nấu ăn
thật sự là một nghệ thuật.
Theo dì Sen, khâu nào cũng phải có ý, khâu đầu tiên là
chọn cá, phải chọn con cá còn tươi rói, chọn được cá no bụng trứng là tuyệt.
Làm sạch cá rồi đem để ở rổ, chờ cho cá thiệt ráo nước mới đem cá ướp. Ướp cá cũng
phải ướp với nước mắm ngon, ướp xong đợi độ già nửa tiếng rồi mới đem kho. Lúc
kho cũng kho với lửa riu riu, đợi cá còn ở xem xép nước là được. Bữa ăn không
ngon mới lạ, món cá rô kho tộ thơm lựng, thêm rau quê đầy ấp tươi rói bắt thèm.
Đêm nằm với nhỏ trăn trở miết, đăm da
diết với tiếng cắt cum cắt cum giữa khuya đồng, tiếng chim nghe chiều khắc
khoải. Tự dưng nghĩ bâng quơ đăm thắt lòng với cơ cực ở người miệt đồng. Hỏi
nhỏ. Cúm núm kêu đêm, tao cũng không hiểu sao cứ vào mùa là có cúm núm kêu chiều,
kêu đêm. Thoáng nghĩ tự dưng nói chi với nhỏ góc tình quê, biết đâu vô tình làm
nhỏ mất vui. Miệt quê vốn vậy mi à, luôn có những vui buồn da diết, âm hưởng
dường cũng là nỗi niềm khắc khoải muốn gữi gấm nơi điệu hò…
“Ai về Đồng Tháp quê tôi
Chiều nghe cúm núm trao lời yêu thương
Cánh cò giăng lẫn trong sương
Gió đồng quyện lấy mùi hương đồng bằng…”
Vậy đó mi, tiếng hò Đồng Tháp vốn dĩ
là làn điệu dân ca đẩm tính nhân văn đặc thù vùng Bộ. Làn điệu nghe chừng dịu
vợi sao đâu…
“Ơi à ơi, ời à
Ơi à. Gặp mặt anh đây không biết chừng nào em gặp nữa này bạn chung tình
Ôi em có phần điều chi một bữa cho tận a tình à
Ơi à. Để mai sau em về chốn cũ rồi thương bóng nhớ a à hình…”
Chừng ấy thôi cũng đủ là nỗi trăn trở
với người miệt quê, và như cũng chừng đó
thôi cũng đủ làm nên một góc nhớ, nên dẫu cơ cầu người miệt quê phải đi xa,
người miệt quê luôn còn đó góc nhớ để quay về.
Thôi ngủ đi, mai hai đứa về với xóm
nem. Ờ, nhỏ không nhắc mình lại quên, lúc hứa đi, mình dặn bụng phải nhớ, nhớ hỏi nhỏ về món
nem, chắc phải ngon lắm, nếu không đâu có lời truyền miệng ngộ nghĩnh.
“Lai Vung là xứ lạ lùng
Nem chua mà ngọt thơm lừng mà say”
Bừng mắt đã thấy món ăn sáng mẹ nhỏ đã
dọn sẵn. Thôi hai đứa ra sa rửa mặt rồi vô ăn sáng. Tự dưng nghe ngường ngượng
với dì Sen. Chòng ngòng tuổi còn vô tâm đến tệ. Nhìn sâu dì, dì đâu có nét mộc
quê của người miệt quê, chỉ có dấu tao tần ở người đàn bà đa đoan. Thảo nào,
nhỏ Tâm như giống mẹ, ngôn hạnh dù sống giữa nếp phồn hoa của thành phố.
Hai đứa men theo lối cỏ, lối cỏ mượt
mềm, đi cảm giác mát rượi ở chân. Bất chợt có tiếng gọi vói từ bến sông. Cô Ba.
Hai đứa nhìn ngược xuống bến, người đàn bà vẫn không lơi tay dầm, nhưng gọi
vói.
- Mới về hả cô Ba. Thêm bạn nữa, Tết này vui cho coi.
- Dạ. Cảm ơn chị.
Biết chỉ là người cùng xóm, nhưng
không kịp nhớ là ai. Giờ thì Thu không còn lạ nữa với tính cách người miệt quê,
tính chân tình.
Thu hơi lạ với lưa thưa những góc hàng
nem treo mời dọc lộ. Chắc vào mùa, hay vốn là nếp sống quen thuộc. Bất ngờ với
tấm biển ngáng ở lối đi. “Cô Hoàn - Nem chua”. Tự dưng nhỏ kéo mình vào trong,
kéo tuột ra sau nhà. Ai cũng thản nhiên vừa gói vừa cột, vô tư như không hề
biết nhà có khách lạ
- Hai đứa thưa chào gia chủ.
Ờ. Hai đứa. Mới về hả hai đứa. Ghé thăm
cô, chắc cũng đâu ghé chơi suông phải không ? Dạ. Cô Hoàn tinh ý thiệt, Tâm
thầm nghĩ. Thiệt ra cô Hoàn biết cũng đâu có gì lạ, lâu lâu ghé cô lại dắt theo
người lạ hoắc. Thiệt, có ý ghé thăm cô và cũng có ý muốn hỏi cô về cách gói món
nem chua. Té ra là vậy. Thiệt ra cô cũng đâu có rành giỏi gì lắm đâu. Muốn biết
nhiều tụi con nên hỏi Út Thắng, nhất là cô Giáo Thơ. Hai đứa nghĩ cô là chỗ
thân tình, hai đứa nghĩ nên ghé cô sẽ dễ hơn.
Hai đứa tính vậy cũng phải, thôi biết
gì thì nói với hai đứa cái nấy.Thiệt ra buổi đầu ý làm món nem chua là ý ở chị
Tư Mận. Chỉ tính làm để bán loanh quanh, phần nào đó thì bán ở chợ Tân Thành, cốt là để có đồng vô
đồng ra, phần để bớt khắc khoải với nghiệp một thời nghề của cha mẹ. Nhớ đâu… không
thiệt nhớ, đâu như ở năm 1975 gì đó chỉ mới khởi đầu gói.
Nói thiệt, nói cho có nói, cũng không
chắc gì hai đứa hình dung được. Muốn có được món nem để tiếng phải tỉ mỉ từng
công đoạn. Từ khâu chọn thịt, chọn da. Thịt thì phải thịt ròng nạc, da cũng
chọn da mỏng, da mong mềm da dễ lên men. Bây giờ, hai đứa thấy đó, có máy nên đở cực. Hồi trước đâu có máy, thái
tay cực dữ lắm. Ướp thịt mới là khâu quyết định để đặng được món nem ngon.
Lúc trước, gói nem với lá vông nem,
giờ lá vông đâu mất biệt, đành thay lá chùm ruột. Coi vụn vằn vậy đó, vậy mà bỏ
lá đi, tự dưng nem không ngon, kỳ thiệt. Lá chùm ruột cốt để ôm lòng chiếc nem,
ngoài gói ny lon, sau cùng là lá chuối ôm ngoài. Nem gói xong treo, độ ba ngày
là đủ độ men là chín nem.
Nem Giáo Thơ giờ là thương hiệu, có
mặt ở siệu thị. Giáo Thơ còn nổi tiếng với món bánh ướt. Thiệt bất ngờ mà vui,
nhớ đâu hồi nẳm, đang lúc ăn có người buộc miệng khen, “ngon ngất ngây con gà
Tây”. Ờ, nếu có dip cô sẽ đải hai đứa món nem xỏ lụi. Ghé cũng lâu, cũng ngại
làm vướng cô, hai đứa chào thưa cô Hoàn rồi về, về bụng khấp khởi vui, chắc
không riêng gì mình.
Tự dưng nhỏ nhắc anh Huy. Nhìn ổng tự
dưng nghe thương thương, dáng rắn rỏi, chắc giỏi dữ trời với việc đồng. Ừ. Mầy
biết đó, nhà chỉ còn có ba mẹ con, không ra sức cũng đâu được, còn khuôn vườn đó,
còn vuông ruộng đó, không lo ai lo. Tội là ảnh phải bỏ học nửa chừng. Mẹ can
ngăn nhưng ảnh nói ảnh đang sức phải giúp mẹ, phần nữa ảnh đâu chịu để tao phải
thua thiệt, một đời mẹ chân bùn là quá đủ cho một kiếp phận phụ nữ. Ảnh nghỉ
học là vì mẹ tao và tao, tao thương ảnh lắm mi à. Xong phổ thông, sau nghĩa vụ,
ảnh về là châm bẩm với đất. Đôi lúc như ảnh nhớ
chữ, thi thoảng ảnh viết, vụn vằn vậy mà cũng có góc văn, góc thơ đăng. Vô tình có lần tao đọc góc thơ
của ổng, ý tình thơ buồn muốn khóc. Tao đọc mi nghe…
“Khi không thể kéo lùi dĩ vãng
khắc khoải đợi khắc khoải chờ
chỉ thêm chơi vơi
dẫu những gì của xa xưa là hiện thực
của rạo rực
khi bây chừ chỉ còn là tâm thức
của một người…”
Dáng
đồng chiều thêm mông lung cùng những cánh én chao bay. Thầm mừng cho nhỏ, nhưng
rồi lại buồn cho nhỏ, đã vào “Mùa Người yêu người” mà nhà nhỏ chỉ còn ba mẹ
con. Cha nhỏ chỉ còn với “mờ nhân ảnh” cùng mênh mênh mang mang sợi khói hương
trong cõi vô cùng. Nhưng Thu có cảm giác ba mẹ con thanh thản trong niềm hạnh
phúc, chắc vậy vì khi còn có được “những giọt nước mắt thương nhau làm mềm chăn
gối”.
Như mẹ nhỏ Tâm soạn sửa từ trước, phần nhiều quà dành cho tụi
trẻ. Mai hai đứa đi chùa nghen. Dạ. Chực nhớ, đêm hai đứa ngồi nơi bến nước
dưới trăng lồng bóng, như lòng đứa nào cũng chao dao dưới vằng vặc trăn treo, trăng
lưng chùng mùa chạp nên mông lung. Chùa Diệu Giác, cũng là góc “Mái ấm tình
thương”, nơi đang cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi. Những đứa trẻ không nguồn
cội, nhưng quá ư vô tư, quá ư hồn nhiên như chưa một lần buồn, phải thôi, vì
những đứa trẻ đang sống trong vòng tay ngộ hạnh ở các ni và thầy. Ngẫm ngợi đăm
thắt lòng. Ai đó nói, lá rụng thì lá sẽ về với cội, nhưng khi lá không nguồn
cội, lá sẽ về đâu.
NGUYỄN QUANG HÒA
_____________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
CHÀO XUÂN ẤT MÙI 2015 & NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN XIII
>> Vui lòng nhấp chuột vào ảnh để về mục lục chuyên đề đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét