(Tham luận tại Hội nghị Những
người viết văn trẻ TP.HCM lần IV - 2017)
Lực
lượng những người cầm bút trẻ hiện nay đông đảo, đầy tiềm lực và có nhiều đóng
góp mới cho văn chương. Thế mạnh của giới trẻ là tìm tòi và thể nghiệm bút pháp
mới, tư duy mới. Tác phẩm của họ là những trải nghiệm tuổi trẻ, những nghĩ suy
về cuộc sống với xúc cảm trẻ trung và chân thật. Song, có một thực tế không thể phủ nhận là dù cho có rất
nhiều sách văn học bán chạy trên thị trường, nhưng dường như văn học trẻ còn thiếu
vắng những tác phẩm có tác động đến xã hội, khiến người đọc phải trăn trở với thực
tế cuộc sống.
Một bộ phận các cây viết trẻ muốn
chọn cho mình hướng đi “an toàn”. Nghĩa là họ chưa sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc
vào đời sống thực đang diễn ra trước mắt. Nhiều người lấy lý do mình còn trẻ, cố
tránh những đề tài có chiều sâu hay ý nghĩa lớn, chỉ chọn viết những tác phẩm
nhẹ nhàng phục vụ nhu cầu giải trí của bạn đọc.
Biết rằng khi mới cầm bút, ai
cũng bắt đầu từ những đề tài gần gũi như trường lớp, bạn bè, tình yêu… Nhưng
qua thời gian, với độ chín dần của tư duy, chúng ta không thể cứ tiếp tục lặp
đi lặp lại những đề tài đã cũ. Xã hội liên tục đổi thay từng ngày, nhiều vấn đề
mới xuất hiện như những mảnh đất mới đang chờ người khai phá, nhưng thật sự
không nhiều người bắt tay vào công cuộc đó. Sáng tạo
trong văn thơ, tất nhiên không giẫm lên lối mòn người trước đã qua, đồng thời
cũng không lặp lại chính mình. Người viết cần làm mới chính mình và trang viết
của mình, không thể dùng từ “trẻ” để biện hộ cho sự dễ dãi của bản thân.
Ý thức trách nhiệm là điều
quan trọng. Chúng ta là văn nghệ sĩ, chúng ta cũng là công dân. Chúng ta không phải là
người chỉ biết dựa vào thị hiếu độc giả để làm giàu cho túi tiền của mình, mà còn
có trách nhiệm với cộng đồng, với những người đang sống xung quanh. Nói đến hai
chữ “trách nhiệm” xin đừng nghĩ điều gì to tát, trách nhiệm bắt đầu từ những
đóng góp rất giản đơn. Cô lao công, bác bảo vệ cũng có trách nhiệm riêng với xã
hội, thì văn nghệ sĩ tại sao không? Một trong những cách người cầm bút thể hiện
trách nhiệm, là định hướng và nâng tầm độc giả. Người viết không thể bắt ép người
đọc phải chọn nội dung gì, nhưng qua trang viết của mình, bạn có thể góp phần đưa
góc nhìn và tư duy của họ đến những chân trời mới.
Cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL năm 2015 có một sự trùng hợp
lớn là khá nhiều tác phẩm liên quan đến chủ đề “ly nông ly hương” và tác giả đa
phần là những cây viết trẻ. Đối với người nông dân, rời bỏ mảnh ruộng là điều
đầy nuối tiếc. Nhưng càng đau hơn khi vì cơm áo, họ phải bỏ xứ ra đi. Trong
những tác phẩm đó có những chi tiết sâu sắc, chẳng hạn những ngôi nhà quanh năm
đóng cửa, nhện giăng đầy, chủ nhà chỉ về dọn dẹp vài ngày Tết rồi lại đóng cửa
ra đi. Đề tài nầy không phải quá mới lạ, nhưng có lẽ lần đầu xuất hiện ồ ạt
trong cùng một cuộc thi, như một sự “bùng nổ”. Phải chăng, những người cầm bút
càng lúc càng thấm thía khi thấy ở làng xóm mình những người “ly nông ly hương”
mỗi lúc một nhiều hơn.
Cũng mảng đề tài quen thuộc là thân phận người Nam bộ,
nhưng nếu anh chị đi trước khai thác về những bạn thương hồ bỏ ghe lên bờ sống,
những người nuôi vịt chạy đồng rày đây mai đó… thì giờ đây các cây bút trẻ của
thời đại công nghiệp viết về thân phận người nông dân trước hoàn cảnh xã hội
công nghiệp hóa, rõ ràng đề tài hừng hực hơi thở cuộc sống. Các tác giả đã thể
hiện niềm trăn trở của mình trước những đổi thay của cộng đồng, đau chung nỗi
đau của cộng đồng, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Điều đó, họ thể hiện qua
từng trang viết.
Với Sài Gòn, chúng ta từng đọc, từng đồng cảm, thậm chí rơi nước mắt trước
bao phận người trên đường phố mà báo chí từng phản ánh. Nhưng họ sẽ đứng đâu
trong tác phẩm của chúng ta? Con người trong văn chương không phải cá thể lẻ
loi giữa trời đất, mà là con người cùng các mối quan hệ với cộng đồng người,
con người đứng giữa xã hội và con người trong dòng chảy thời đại.
Đưa hơi thở cuộc sống vào trang viết, không chỉ có những phận người, mà còn
có văn hóa bản địa. Nguyễn Ngọc Tư có những tác phẩm không nhắc tới Cà Mau, người
đọc vẫn nhận ra một miền thăm thẳm cuối trời, với canh chua nấu trái bần trái
giác… Khi đọc Võ Diệu Thanh, bạn không chỉ biết một câu chuyện, mà còn biết nhiều
thông tin thú vị: ngải nấu bún cá thế nào, nghề dệt bằng trái mặc nưa ra sao…
Những người viết trẻ chúng ta thiếu vắng điều đó.
Một tác phẩm ngoài nội dung chính, còn biết bao điều thú vị khác mà tác giả
muốn được chia sẻ với bạn đọc. Văn hóa bản địa tô đậm không gian trong tác phẩm,
là chất liệu “đẩy đưa” cho nội dung chính. Trang viết chúng ta hôm nay, cần lắm
“cái nền” văn hóa bản địa, đó có thể là không gian đô thị Sài Gòn, hay Nam Bộ nói
chung, hoặc bất cứ nơi nào bạn sinh sống.
Quá trình tương tác giữa người viết và người đọc hiện
nay còn nhiều khó khăn. Bởi vì trong khi người viết tìm tòi cái mới thì người đọc
cũng cần có trình độ cảm thụ tương ứng. Bạn đọc trẻ hiện nay lại thích những
tác phẩm nội dung đơn giản, cách viết dễ hiểu, không cần tư duy nhiều. Mặc dù
nhu cầu độc giả chi phối ngòi bút tác giả, nhưng không có nghĩa tác giả hoàn
toàn lệ thuộc độc giả. Người viết phải tự thể hiện bản lĩnh cá nhân để có thể định
hướng, gợi mở, đào sâu… những thông điệp ý nghĩa cho người đọc.
Chúng tôi quan niệm rằng, giá trị tác phẩm không chỉ ở
lúc trực tiếp thưởng thức, mà sau đó nó đọng lại điều gì trong lòng độc
giả, gửi gắm thông điệp hay ý nghĩa gì và tác động thế nào đến tâm hồn người đọc. Người viết trẻ làm mới trang viết của
mình, tìm tòi khai thác những đề tài mới và quan sát những điều quen thuộc với
góc nhìn mới, để mỗi trang văn là một trang đời mà qua đó người đọc có thể tìm
thấy và trân trọng thêm những giá trị cuộc sống.
Vĩnh Thông
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét